Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Lòng dân là “nhân” - Vận nước là “quả”

Tọa đàm: lòng dân - vận nước
Lòng dân là “nhân” - Vận nước là “quả”
Copy từ http://nhandan.com.vn/tetgiapngo/tho/item/22146402-long-dan-la-nhan-van-nuoc-la-qua.html ;tác giả: Tô Vương,Hương Sen, Cúc Phương, Ninh Nguyễn, Lê Ngân (Thực hiện) ; đã đăng ngày 15/01/2014, 09:55.
Tư tưởng tiến bộ bậc nhất của Nho giáo: “Dân là gốc” đã được cha ông ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình.
“Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”, “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”..., Trần Hưng Ðạo phút lâm chung đã đúc kết những triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò Ðức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã minh định, sáng tỏ: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”...
Trong thời đại Hồ Chí Minh, “Lấy dân làm gốc” càng được Bác Hồ diễn giải giản dị, gần gũi, để dễ dàng trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”... Dõi theo người xưa, nhìn vào thực tại, trong tiết xuân đang về trên mọi miền Tổ quốc, cùng đàm luận về chủ đề “Lòng dân - Vận nước”.
Sao cho được lòng dân...
Nhà báo Hữu Thọ.
Nhà báo Hữu Thọ: Xét ở bình diện thế giới, từ cổ chí kim nói đến chính quyền người ta mặc định ngay đến chức năng cai trị và quản lý. Nhưng gần đây, các nhà chính trị học đề cao chức năng cơ bản nhất là phục vụ. Khi đã xác định phục vụ thì phải lấy sự hài lòng của người được phục vụ làm mục tiêu. Ở ta, ngay từ ngày lập nước, trong thư gửi chủ tịch ủy ban các kỳ, tỉnh, huyện, làng..., Bác Hồ đã nhấn mạnh: Chính phủ từ Trung ương tới địa phương đều là công bộc của dân. Vào tháng 10-1945 Bác cũng viết một bài đăng trên báo Cứu quốc lấy tiêu đề: “Sao cho được lòng dân”. Ðược lòng dân với một nhà nước cầm quyền là phải có những quyết sách đúng, chủ trương chính sách đúng và tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ấy cho đến nơi đến chốn. Khi có một chủ trương chính sách hợp lòng dân thì người dân cũng hết lòng ủng hộ và ào ào thực hiện, làm theo.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan: Tôi hoàn toàn đồng ý. Dân đã đồng tình thì việc gì cũng xong. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”. Nhân nào quả ấy. Lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân trăm mối thì nước suy vong. Vận nước là do chính chúng ta tạo ra. Khi ta làm tốt, xã hội đi lên thì gọi đó là thời vận đang đến.
Nhà thơ Việt Phương: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước ta, việc gì dân đã thông tỏ thì kết quả thể nào cũng tốt đẹp. Còn nói đến vận nước, tôi lại nghĩ yếu tố quan trọng nhất là thời gian, phải nhìn tới thời gian xa, vận nước mới rõ rệt chứ không thể soi chiếu ở thời gian gần. Nhưng lòng dân thì có thể nói được, nắm bắt ngay được. Ý nghĩ từ lâu của tôi là thế này: Tất cả các thời đại, các nước, số người không cầm quyền chiếm từ 95 đến 97% dân số. Còn những người cầm quyền ở tất cả các cấp, từ cơ sở, địa phương đến cấp quốc gia, quốc tế (từ làng xã đổ lên) mới chỉ chiếm từ 3 đến 5% dân số. Vai trò của lòng dân thế nào thì tùy thời, tùy nước, không bao giờ có mức độ cố định về tầm quyết định vận nước của dân. Ngay trong một nước, có những thời kỳ mà vai trò quyết định của dân lớn lắm, được đề cao lắm nhưng cũng có giai đoạn vai trò này bị kiềm chế, lép vế nên tác dụng thấp đi.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an): Chủ đề mà chúng ta đang bàn rõ ràng ngày càng cuốn hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, xâm chiếm suy nghĩ của rất rất nhiều người Việt Nam. Nhưng trước hết phải nói rõ, quan điểm của tôi luôn trước sau thế này: Chúng ta cần tôn trọng hai điều, xem như nguyên tắc: Một, suy nghĩ gì thì suy nghĩ, kiến nghị gì thì kiến nghị nhưng phải giữ Ðiều 4 Hiến pháp. Mọi người phải đứng trên mẫu số chung này. Chỉ trên cơ sở cùng thừa nhận sự tồn tại của Ðiều 4 Hiến pháp chúng ta mới có thể bàn luận những vấn đề khác. Nếu phủ định thì không còn gì để bàn. Mỗi người tư duy khác nhau, trăn trở khác nhau, cách tiếp cận vấn đề có thể đối lập nhau nhưng phải gặp nhau ở nền tảng căn bản này. Tất cả những tìm tòi và suy nghĩ phải làm cho Ðảng mạnh lên, dân tin Ðảng hơn, người dân tự giác xác nhận Ðiều 4, tức là thừa nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng. Vấn đề thứ hai là chúng ta không chỉ trích cá nhân và nhìn nhận lại lịch sử bằng con mắt khoa học, bình tĩnh, giàu tinh thần xây dựng. Có đứng trên “hai chân” này mới gặp được nhau và cùng nhau nhìn về phía trước.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Tôi thấy chúng ta không cần phải căng thẳng quá. Như tôi, xung phong đi bộ đội năm 14 tuổi. Từ đó sống với người lính, sống với lòng dân, tôi đi khắp nơi. Trong những năm đầu của Cách mạng, người lính phải xác định dựa vào dân, dân nuôi mình. Cho đến giờ phút này, trong tôi luôn đầy ắp hoài niệm về làng quê đó, người dân ở đó. Ði miền tây trong chiến tranh, thấy nông dân đúng là tuyệt vời. Lúc đánh giặc Pháp và giặc Mỹ luôn luôn là dân, lấy dân làm mặt trận. Có coi dân là gốc thì cái gốc đó mới càng ngày càng phát triển, mới thành cây cổ thụ. Tiếc là hòa bình, những cán bộ cũ ít về thăm dân. Vùng sâu, vùng xa như Rạch Giá, Ðồng Tháp, U Minh... kể cũng khó đi, nhưng quyết tâm thì đi được. Ngày xưa đi xuồng, đi ghe, đi bộ còn đi được huống hồ giờ đã có ô-tô, máy bay.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Tôi chắc chắn là, người dân hiện đang có nhiều tâm tư. Nhưng đúng như các anh nói, quan trọng nhất vẫn là niềm tin. Niềm tin ấy không tự dưng mà có, ngược lại được dựa trên những yêu cầu rất cụ thể. Ðó là quan điểm, thái độ của Ðảng, Nhà nước đối với những vấn đề của chính người dân, trong việc quan tâm thật sự đến đời sống thiết thân của họ và vận mệnh của đất nước. Mỗi một ý kiến của người dân phải được lắng nghe trong quá trình hoạch định, ban hành chính sách với thái độ công bằng. Người dân hiểu và luôn chia sẻ khó khăn của đất nước, nhưng chẳng thể chấp nhận những chính sách thiếu công bằng, không thiết thực và tổ chức thực hiện lại kém hiệu quả. Niềm tin của người dân còn phải được xây dựng thông qua mối quan hệ thật sự vì dân, giữa các cơ quan công quyền, của mỗi cán bộ Ðảng, cán bộ Nhà nước đối với dân.
Bà Trương Thị Mai.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh: Nói đến lòng dân - vận nước, chúng ta còn phải nghĩ đến bộ phận bà con người Việt ở xa Tổ quốc. Sau hơn ba mươi, gần bốn mươi năm, người Việt Nam ở nước ngoài đã chuyển dịch thay đổi, không còn một mà là nhiều thế hệ. Thế hệ sinh ra ở nước ngoài có khi không biết tiếng Việt, chưa hề biết đất nước của bố mẹ ông bà, họ chỉ có quốc tịch nước ngoài, nên sợi dây liên lạc với đất nước mong manh, thậm chí là không có. Họ lại là một bộ phận ngày càng đông của cộng đồng. Thế hệ thứ nhất mỗi ngày teo tóp đi do tuổi cao, do thời gian. Ðể cho thanh niên gốc Việt thế hệ thứ ba ở bên ngoài tự hào về gốc gác, nguồn cội, mình phải nêu ra được cái hay của dân tộc mình. Ðâu là đức tính tốt đẹp, cốt lõi của dân tộc Việt, nguồn gốc Việt. Cũng vui là người Việt ở nước ngoài đã sớm thoát khỏi vị thế thấp của cộng đồng mới nhập cư, thích nghi và hội nhập tốt vào xã hội họ sống.
Chống tham nhũng là mệnh lệnh của dân
Nhà báo Hữu Thọ: Trong xã hội hiện đại, mỗi tầng lớp khác nhau lại có ý muốn khác nhau. Ý muốn của ông chủ cũng là người dân, ý muốn của người thợ cũng là người dân, người nông dân cũng là người dân, hay chủ trang trại cũng là dân. Thế nên chủ trương chính sách muốn hợp lòng dân phải có tầm trí tuệ, đúng quy luật, sát thực tiễn và cả ứng xử tốt... Chúng ta hay nói ý Ðảng lòng dân. Tôi nghĩ nên nói ngược lại: Lòng dân ý Ðảng. Ý Ðảng cần phù hợp với lòng dân, lòng dân định hướng cho mọi chủ trương, đường lối của Ðảng. Cũng khẳng định luôn là không thể có chính sách nào được 100% số người dân đồng tình. Tư tưởng khác nhau, lợi ích khác nhau khó mà dung hòa hết. Người già muốn tăng tuổi về hưu, đâu còn chỗ cho thanh niên. Thế là xung đột lợi ích. Hiện tại lòng dân còn chưa yên, vì có tình trạng một số chính sách không mang lại lợi ích cho toàn dân mà chỉ đem lại lợi ích cho nhóm người, một vài người hoặc chính sách không hoàn toàn đúng. Có một câu hỏi mà người dân muốn gửi tới nhiều cán bộ, nhưng sẽ rất khó có câu trả lời: Sao anh giàu thế, lương anh bao nhiêu, anh lấy tiền đâu mà giàu thế? Tình trạng tham ô lãng phí tràn lan, không được ngăn chặn, làm sao dân không bức xúc? Vì tiền là tiền thuế của dân. Các nhà khoa học nói “tham ô là bóc lột phi kinh tế”. Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm”. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm mất lòng dân hiện nay là tình trạng tham ô lãng phí tràn lan, không bị đẩy lùi, việc xử lý thiếu nghiêm minh “nhẹ trên nặng dưới”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Những bất bình đẳng hay sự tha hóa của một bộ phận cán bộ trong cơ quan công quyền không phải mới có mà tồn tại hai, ba chục năm nay rồi. Thử đọc lại Nghị quyết Ðại hội VI, trang 139, 140 đã ghi: Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa? Anh Hữu Thọ đặt vấn đề hoàn toàn hợp lý, người dân có quyền thắc mắc: Cán bộ của ta những ai sống bằng lương? Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ đảng viên phải tự kiểm tra xem mình đã sống bằng đồng lương của mình hay chưa? Ðảng không cho phép bất cứ một người nào đặt đặc quyền đặc lợi cho mình, coi lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích tập thể. Chuyện này đã được Ðại hội VI cảnh báo, đưa ra một tâm nguyện làm nức lòng dân. Nhưng gần 30 năm qua, chúng ta đã giải quyết được tồn đọng này hay nó càng nhức nhối, gay gắt hơn?
Bà Trương Thị Mai: Có thể nói, sự trông ngóng và yêu cầu cao của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng cần phải được quan tâm thấu đáo hơn nữa, thông qua những hành động thật cụ thể, thật quyết liệt của Ðảng, Nhà nước. Có như vậy, niềm tin của người dân đối với Ðảng, Nhà nước mới được củng cố vững chắc. Dù cho còn những khó khăn, nhưng Ðảng và Nhà nước có được niềm tin của người dân, chúng ta sẽ vượt qua để tiếp tục phát triển đất nước trong sự đồng thuận của toàn dân.
GS Lê Văn Lan: Nhìn lại các triều đại phong kiến của ta, từ thời nhà Lê trở đi, mỗi khi dân đói, mất mùa, loạn lạc thì ông vua luôn đứng ra nhận lỗi, trai giới sửa mình, lập đàn cúng tế, cầu đảo... Bởi ông vua là “thiên tử”, “thế thiên hành đạo” nên khi “đạo” không được thực hiện, dẫn tới tai ương cho dân, cho nước, ông vua phải là người đầu tiên chịu lỗi, phải nhận trách nhiệm và xin lỗi trước dân. “Mánh lới” ấy, tuy lắm khi mang màu sắc mị dân nhưng cũng gỡ gạc lại tình hình rất hiệu quả. Dân khổ cực nhưng nghe lời vua là hạ cờ khởi nghĩa, vui vẻ trở về nhà. Lòng dân nhờ vậy mà cũng yên ổn đôi phần...
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Cái khó bây giờ là thiên tai lũ lụt ở miền trung, quét làng, quét mùa màng, quét luôn cả con người nữa. Thiên tai thì vậy, các nhà máy thủy điện xả lũ bừa bãi. Nhìn cảnh người dân miền trung di cư đến thành phố Hồ Chí Minh bán vé số mà buồn. Làm sao để người dân có cuộc sống tốt ngay trên quê hương mình. Ðã vậy người có công còn bị bỏ rơi, bỏ sót nhiều lắm. Dân người ta nuôi nấng bao nhiêu cán bộ, đảng viên, mà giờ đất đai lại cũng bị xâu xé, cưỡng chế. Trong chiến tranh họ đã mất nhà, mất cửa, mất người, mất con. Nạn tham nhũng dữ quá, dân buồn lòng cũng đúng. Tôi thấy xã hội mình có cái lệ làm báo cáo cũng dối, dối cho đến cả cái lặt vặt... Vào Hội Nhà văn cũng có người chạy chọt thì xấu hổ quá... Chỉ có thể giải quyết bằng việc ban hành những chính sách có lợi cho dân, cán bộ cơ sở phải hiểu dân và luôn đứng về phía dân. Có dân là có tất cả, vận nước sẽ vô cùng thuận lợi.
Nhà thơ Việt Phương.
Nhà thơ Việt Phương: Nhiều năm làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, tôi được chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Phủ Chủ tịch vốn rộng, có lần Bác Hồ xuống tìm Thủ tướng. Một đồng chí bảo vệ đạp xe mời Thủ tướng đang họp về, đưa xe cho Thủ tướng đạp trước còn mình chạy bộ sau. Thấy vậy Bác Hồ trách: “Sao chú không đèo chú bảo vệ”. Thủ tướng xin lỗi Bác ngay: “Vội về gặp Bác nên quên mất”. Ông vua nào chả nói chuyện yêu dân, thương dân, nhưng yêu thương nhân dân phải từ trong bản năng tự nhiên như thế, và thể hiện như một phản ứng tự nhiên của mình. Những con người vì dân phải từ những chuyện nhỏ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ðứng về phía dân, lo cho dân phải nghĩ đến cả những người dân ở xa Tổ quốc. Chúng ta đang có một thế hệ phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài. Ðó là hậu quả không thể dự đoán được của thời mở cửa. Nếu họ lấy được một tấm chồng đàng hoàng thì cũng là may mắn. Họ không phải sính ngoại mà chỉ vì kinh tế, đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành thử đối với chị em, trước hết phải bảo vệ họ về mặt pháp lý. Các cơ quan nước ngoài phải quan tâm đến họ, cử các tổ chức từ trong nước sang, để tránh tình trạng chính trị hóa. Theo tôi được biết có những hội nhóm ở nước ngoài gắn trực tiếp với một tôn giáo nào đó, vừa giúp chị em nhưng cũng vừa truyền đạo. Tôi cho đó là không công bằng, là thế yếu của chị em. Chị em đâu có muốn đổi tôn giáo. Nếu có sự quan tâm kịp thời của bộ máy nhà nước thì chị em đỡ bị động, đỡ thiệt thòi phần nào.
Lòng dân yên thì vận nước tốt
Nhà báo Hữu Thọ: Lúc này ai cũng băn khoăn về chuyện lòng tin. Ðúng thôi, vì mất lòng tin là mất tất cả. Nhưng lòng tin cũng là một trạng thái tâm lý nên dẫu bền vững đến đâu cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên lòng tin chỉ thay đổi qua quan sát thực tiễn, ở sự đúng đắn của chính sách, ở hành động cụ thể chứ không thể thay đổi bằng nghị quyết, bằng lời hứa hẹn. Ðấy là sự minh bạch công khai tài sản của các cán bộ, xử phạt thật nghiêm người mắc tội tham nhũng, lãng phí, mà Bác Hồ từng gọi là “giặc trong nhà, giặc nội xâm”. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước cũng đã dành những lời lẽ mạnh mẽ nhất, nặng nề nhất để lên án, như tham nhũng lãng phí sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ, của Ðảng. Nói thế đủ rồi, giờ là cần những liều thuốc hiệu nghiệm. Bệnh nặng không thể chữa bằng thuốc thông thường, mà phải thuốc đặc trị.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi không đồng tình lắm khi cho rằng, nhân dân đang phân tâm, lòng dân đang rời rạc, không tụ không kết thành một khối. Lòng dân đối với đất nước, đối với Ðảng như một dòng suối không bao giờ cạn. Không một lãnh đạo nào được nói lòng dân không yêu Ðảng. Nói như vậy là vô ơn. Chúng ta hãy nhìn vào đám tang Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Tình cảm của hàng chục triệu người với Ðại tướng là cái gì? Trong không khí xã hội xô bồ, ngổn ngang..., 90 triệu người Việt Nam vẫn nhận chân ra giá trị thực, quý trọng thương nhớ Ðại tướng tự đáy lòng... Ðó không chỉ do công lao của Ðại tướng, mà hơn nữa, do nhân cách của Ðại tướng, tấm lòng của Ðại tướng với dân, với nước... Yêu quý Ðại tướng tức là yêu quý dân tộc này, trân trọng mảnh đất này. Ðó cũng chính là lời răn đe, cảnh tỉnh bất kỳ kẻ ngoại bang nào muốn xâm lược Tổ quốc Việt Nam, hãy coi chừng. Tôi thấy cũng cần phải nói, như ở Liên Xô (trước đây) có nhà xã hội học A.Di-nô-vi-ép. Năm 1978, ông ta cảnh báo tệ quan liêu tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong nội bộ Ðảng Cộng sản Liên Xô. Ông viết kiến nghị, phê phán những người nhân danh chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhân danh Ðảng Cộng sản để mưu lợi riêng mình. Di-nô-vi-ép bị coi là kẻ phản bội Tổ quốc và chuyển sang sinh sống tại Cộng hòa liên bang Ðức. 21 năm sau, năm 1999 ông về Nga. Năm 2005, Di-nô-vi-ép viết một loạt bài, hồi tưởng lại thời Xô-viết, bằng thực tiễn 21 năm sống ở cái nôi của chủ nghĩa tư bản, ông chiêm nghiệm và khẳng định: Những vấn đề an sinh xã hội của người dân vẫn được giải quyết tốt nhất trong chủ nghĩa xã hội chứ không phải chủ nghĩa tư bản. Ðâu phải vô cớ mà đến bây giờ vẫn còn 59% số người dân Nga nuối tiếc thời Xô-viết.
GS Lê Văn Lan.
GS Lê Văn Lan: Ðúng vậy, cách người dân bày tỏ tình cảm với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã minh chứng cho chân lý: thước đo lòng dân chính là người lãnh đạo. Ðại tướng từ trần, người dân ngậm ngùi: “Người cuối cùng của thế hệ lãnh đạo vàng đã ra đi”. Ngày xưa, Vua lên ngôi nhấn mạnh “thuận thiên” - theo ý trời. Người lãnh đạo thời nay phải biết chuyển từ thuận ý trời sang ý dân, ý nước. Ông được dân bầu, được dân tín nhiệm giao nhiệm vụ thì phải làm cho tốt công việc, phải biến sự tín nhiệm ấy thành những chính sách, chủ trương ích nước lợi dân. Dân có khen ngợi, tin cậy, đánh giá cao vị lãnh đạo đó không là do nhìn cách làm, lắng nghe điều người ấy nghĩ có hợp trí tuệ, công tâm, vô tư hay chỉ là đục nước béo cò, mưu cầu trục lợi? Chân lý rất đơn giản: Lãnh đạo tốt, đưa ra những chính sách phù hợp, thuận lòng dân thì được dân nhất trí, tin yêu. Ngược lại thì tất loạn. Lòng dân yên thì vận nước hưng thịnh, đất nước sẽ giàu mạnh, hùng cường...
Nhà thơ Việt Phương: Tôi cũng thấy thế. Bao nhiêu gắn bó, quý mến, cảm thông, yêu thương, nhân dân dồn tụ hết cho Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được nhận toàn bộ ưu đãi dành cho người cuối cùng của thế hệ những công thần lập quốc. Việc đó diễn ra trong thời buổi những con người lương thiện, tốt đẹp cần đất nước phải có một cái gì đó trong sáng, lành mạnh để đạt niềm tin. Nhân dân đang khao khát được biểu thị lòng quý mến, kính trọng, họ khao khát vì hiện nay nó là của hiếm. Tuy nhiên thực tế thì không có con người nào là hoàn hảo cả. Những người kiệt xuất cũng không thể hoàn hảo cả về mặt phẩm hạnh lẫn tài năng. Chỉ có điều sự thiếu hoàn hảo đó không lớn, và họ biết mình có tật để luôn giữ gìn. Dân tộc mình có nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp. Nhưng tầng lớp tôi yêu mến, quý trọng nhất là tuổi trẻ (lứa từ 30 đến 50 tuổi). Trong lứa tuổi ấy có người này người kia chưa đẹp nhưng không phải số đông. Số đông là tốt và đẹp, đẹp rạng rỡ, lộng lẫy. Tôi có thể gặp những người, những việc như thế hàng ngày nên rất yên tâm, rất lạc quan và luôn tự tin về vận nước, về tương lai tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Ðược lòng dân với một nhà nước cầm quyền là phải có những quyết sách đúng, chủ trương chính sách đúng và tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ấy cho đến nơi đến chốn.
Tô Vương,Hương Sen, Cúc Phương, Ninh Nguyễn, Lê Ngân (Thực hiện)
Một chùm ban, ảnh của Nguyễn Thùy Dương

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Dị ứng… mùa xuân

Dị ứng ... mùa Xuân
Copy từ http://suckhoedoisong.vn/di-ung-mua-xuan-n127381.html ;tác giả: BS.Nguyễn Văn Khánh ; đã đăng ngày 28-01-2017 13:58.
Suckhoedoisong.vn - Mùa xuân tươi tắn, rạng ngời không mong chờ sao lại thành dị ứng? Dị ứng ở đây là có thực bởi hàng loạt các tác nhân gây ra mà thời gian xuất hiện rơi đúng vào mùa xuân.
Ngày nay, dị ứng được coi là bệnh của cuộc sống hiện đại. Sự biến đổi của khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, mật độ dân cư ngày càng đông đúc… làm các tác nhân gây dị ứng càng gia tăng. Dựa vào thời gian xuất hiện trong năm, mùa xuân thường gây ra bởi hàng loạt các dị ứng. Vì vậy, làm gì để mùa xuân không mắc dị ứng là điều vô cùng cần thiết.
Nỗi khổ vì hoa
Phấn hoa thường là nguyên nhân chính gây ra các chứng dị ứng theo mùa. Khi phấn hoa được phát tán trong không khí, nó dễ dàng bay vào mắt, mũi, phổi và bám vào da gây ra dị ứng. Các dấu hiệu của bệnh dị ứng dễ nhận thấy như: sổ mũi, sung huyết mũi, hắt hơi, ngứa rát họng, chảy nước mắt và mắt sưng đỏ. Nhất là vào dịp lễ tết, ngày cắm hoa để trang trí đón chào xuân sang cũng là lúc những người mắc cơ địa dị ứng lại lo chảy mũi, nghẹt mũi và chảy nước mắt.
Ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc vào mùa đông xuân nhiều loại hoa nở rộ cũng là mùa gây khó chịu cho người bị hen suyễn, bệnh hô hấp mạn tính. Ngoài việc phải giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, người bệnh được bác sĩ khuyến cáo phải cẩn trọng với các loại phấn hoa trong không khí do dễ gây viêm nhiễm kích ứng cơn hen.
Trong số các yếu tố gây khởi phát cơn hen, phấn hoa được xem là một “thủ phạm tự nhiên nguy hiểm’’ mỗi khi vào đợt phát tán có thể khiến hàng nghìn người lên cơn hen cùng lúc, nhiều nạn nhân tử vong do không được điều trị kịp thời. Châu Âu ghi nhận 40% dân số có tình trạng dị ứng phấn hoa. Những người cơ địa dị ứng hít phải phấn hoa có thể làm khởi phát cơn hen. Trường hợp nhẹ hơn, phấn hoa bay vào mắt, mũi hoặc bám vào da người gây ra dị ứng. Bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở, khó thở do khí phế quản bị co thắt, kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa. Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, cần lựa chọn loại hoa ít phấn hoặc cây cảnh không có phấn hoa để trang trí trong nhà nhằm hạn chế dị ứng, giúp ăn tết mà không lo bệnh tật tái phát.

Nguy cơ dị ứng do làm đẹp
Da cũng như cơ thể sẽ bị lão hóa theo thời gian, vì vậy phái đẹp có nhu cầu chăm sóc và làm đẹp, nhất là những ngày lễ trọng đại. Tuy nhiên, bằng các loại kem dưỡng da, đắp mặt nạ, dùng mỹ phẩm tự chế... chỉ là phương pháp tác động từ bên ngoài, thậm chí có thể gây dị ứng, viêm do chăm sóc da không đúng cách.
Dị ứng mỹ phẩm biểu hiện ban đầu là nổi trứng cá do các loại hóa chất làm bít lỗ chân lông, gây ứ đọng bã nhờn. Nặng hơn có thể là các dấu hiệu của viêm da dị ứng, như: mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm kèm theo mụn nước và nổi mề đay. Ở một số bệnh nhân, tình trạng dị ứng nặng có thể gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi mỹ phẩm.
Điều đáng lưu ý mỹ phẩm đắt tiền không phải là an toàn, nó có thể tốt với người này nhưng chưa hẳn tốt với người khác. Trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào đó, nhất là lần đầu tiên, nên thử phản ứng bằng cách bôi nó vào một vùngda nhạy cảm ở tay, đùi; nếu sau khoảng 24 giờ mà không thấy phản ứng gì thì sử dụng được.
Một số bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm cũng nghĩ đến các thành phần từ thiên nhiên “không gây kích ứng” hoặc “thích hợp cho mọi loại da”. Tuy nhiên, điều này hết sức sai lầm vì trong mỹ phẩm có 2 nhóm thành phần cơ bản là chất tạo mùi và chất bảo quản nên bất cứ mỹ phẩm nào cũng có nguy cơ gây dị ứng. Một số bệnh nhân cũng bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc nhập viện trong tình trạng da dưới chân tóc mẩn đỏ, sưng nề, rỉ cả nước vàng.
Mốc và bụi bặm
Đối với bệnh nhân dị ứng thì vấn để bụi và mốc tại phòng ngủ và nơi ở là nguyên nhân gây các vấn đề về ho dị ứng, ngứa, viêm mũi dị ứng. Để ngày tết không bị dị ứng tái phát trong nhà cần dọn sạch sẽ, mốc meo thường có ở phòng tắm, cầu tiêu nên cần được lau rửa với dung dịch chlorine; tránh làm vườn, cào lá để khỏi hít mốc, bụi. Giữ cho nhà ít bụi chừng nào hay chừng đó, nhất là ở buồng ngủ; bọc gối, nệm; giặt khăn trải giường hàng tuần với nước nóng để trừ mạt; dùng loại màn cửa giặt được dễ dàng; chạy máy điều hòa không khí để làm giảm độ ẩm trong nhà.
Cỗ tết cũng gây dị ứng
Theo số liệu thống kê từ một số công trình nghiên cứu thế giới, tỉ lệ dị ứng thức ăn ở trẻ từ 2 - 10 tuổi là 6 - 8%, ở người lớn là 3%. Vì vậy, thực đơn ngày tết nhiều món giàu đạm, đường bột và thường ít rau quả tươi có thể ổn với người lớn nhưng đôi khi không tốt với người có tiền sử dị ứng, trẻ em - đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt với nguồn thực phẩm đa dạng khiến trẻ dễ bị dị ứng.
Chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất axít của dịch dạ dày.
Bệnh có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như: chỉ nổi mề đay đến nặng hơn: các tình trạng viêm phế quản dạng hen, bên cạnh đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở cũng có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ (giống như sốc thuốc kháng sinh) và đưa đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, đối với người có tiền sử dị ứng, bố hoặc mẹ bị dị ứng, cần lưu ý tránh không dùng loại thực phẩm gây dị ứng. Có những trường hợp xác định khá dễ dàng như dị ứng cá ngừ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được loại thực phẩm gây dị ứng vì bệnh nhân ăn nhiều loại thức ăn và cũng có lúc không bị dị ứng. Những trường hợp này phải được xác định bằng các xét nghiệm chuyên biệt, vì vậy cần đến các cơ sở y tế về dị ứng miễn dịch lâm sàng để được khám và tư vấn cụ thể.
BS Nguyễn Văn Khánh

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Lòng dân là như thế!

Sau chiến thắng của U23 Việt Nam:
Lòng dân là như thế!
Copy từ https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/sau-chien-thang-cua-u23-viet-nam-long-dan-la-nhu-the-n20180129101116953.htm ;tác giả: Đông Kinh ; đã đăng ngày Thứ Hai, 29/01/2018 09:56.
(Thethaovanhoa.vn) - Trong hàng ngàn, hàng vạn bức ảnh chụp đoàn tiếp rước đội tuyển U23 Việt Nam mang vinh quang trở về cho đất nước, tôi đặc biệt ấn tượng với những hình ảnh toàn cảnh chụp từ xa, thể hiện đoàn người với cờ đỏ sao vàng phủ ngập các đại lộ, kéo dài hàng cây số.
1- Khi thử "zoom" vào một trong những bức ảnh đó, tôi không thể nhìn rõ hết từng chi tiết hay từng khuôn mặt người. Và cũng bởi thế khi ngắm lại trọn vẹn bức ảnh, tôi có cảm giác đây là một dòng sông – một dòng máu nồng nhiệt chảy trên cơ thể Việt Nam.
Những bức ảnh ấy cho chúng ta thấy rõ một điều: Lòng dân là như thế.
Sức mạnh của lòng dân dường như vượt khỏi sự hình dung của chính chúng ta. Chứng cớ là dù đã thiết kế một lịch trình tiếp rước rất hoàn hảo từ sân bay Nội Bài trở về nhưng người ta cũng phải mất đến mấy tiếng mới đưa được đội tuyển vào trung tâm trong tình trạng phải "tiếp lương thực" cho các em trên xe. Và Thủ tướng cũng phải chờ suốt 5 tiếng để đón tiếp đội tuyển tại Văn phòng Chính phủ. Nhưng có lẽ đó là một sự chờ đợi mang đầy cảm xúc.
Chiều 28/1/2018, trong cái lạnh của thời tiết, người hâm mộ vui mừng đón Đội tuyển U23 Việt Nam vinh quang chiến thắng trở về. Ảnh: Zing.vn
" Tôi đã chờ đợi ở đây hơn 5 tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ có sự chờ đợi lâu như thế đối với một Thủ tướng nhưng cũng chưa bao giờ có niềm vui lớn như thế bởi vì cuộc chờ đợi này là hòa với niềm vui của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội... Tôi hiểu các em và các bạn rất đói và mệt. Tôi tin rằng với niềm vui này thì đang đói cũng vui..." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc gặp mặt các cầu thủ U23.
Bởi rất khó có thể hình dung được những con đường lớn như thế lại có thể bị ách tắc – ách tắc ngay tại cầu Nhật Tân – một điều chưa từng xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra đơn giản vì hàng ngàn, hàng vạn người hâm mộ đã tràn xuống phủ kín lòng đường theo sự mách bảo của trái tim.
Rất dễ hình dung lực lượng điều khiển giao thông đã phải vất vả như thế nào. Nhưng chính họ có lẽ cũng nỗ lực duy trì hành trình chậm chạp của đám rước với suy nghĩ: lòng dân là như thế và nhân dân kéo dài cảm giác hân hoan của mình như thế. Vạn tấm lòng kết lại như thế để tự phô bày tấm lòng cảm kích của mình với đội tuyển.
2. Trước trận chung kết lịch sử, Thành đoàn TP.HCM, đơn vị luôn được đánh giá cao bởi các hoạt động tương tác với giới trẻ đã kịp tung ra một bộ poster cực kỳ ý nghĩa với những khẩu hiệu ngắn, ý nghĩa, dí dỏm khuyên các bạn trẻ hãy ăn mừng thật văn minh, lịch sự: U23 đã làm ta tự hào, ta hãy làm họ tự hào/ Ăn mừng lớn, nhưng đừng quá trớn/ Hò la tha hồ, đừng có "lột đồ"/ Phố tắt đèn, không nhấn kèn/ Ứng xử văn minh với tinh thần trận đấu (tôn trọng kết quả, không ném đá)/ Đi bão nhưng đừng chao đảo/ Biết vui rồi, từ từ thôi (không phóng nhanh, vượt ẩu)/ Tôn trọng Quốc kỳ/ Bàn thắng đẹp, ăn mừng đẹp.
Những khẩu hiệu rất đẹp, nhưng có vẻ như cũng là quá lo xa. Có lẽ rất hiếm có một cuộc xuống đường cổ vũ nào lại đẹp đẽ và trật tự như hôm 28/1/19 đón đội tuyển trở về.
Ảnh chụp cầu Nhật Tân trong lễ đón rước. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN.
Cái đẹp khôngchỉ ở sự văn minh, trật tự, dù tắc đường kéo dài, mà chính ở trong ý thức của mỗi người.
Đội tuyển thua ở trận chung kết, theo logic thông thường, sẽ làm "xẹp" niềm hưng phấn của cổ động viên. Và điều đó thực tế cũng xảy ra, nhưng chỉ trong tích tắc khi những giọt nước mắt chảy dài trên má họ, rồi tiếp ngay sau đó là một sự nồng nhiệt đầy tính lý trí: đội tuyển của chúng ta đã chơi thứ bóng đá quá đẹp và đã chơi hết sức mình với tinh thần của nhà vô địch rồi. Thế rồi, niềm hưng phấn lại bùng cháy, dường như mạnh mẽ và dữ dội hơn (nếu chúng ta có thể giả sử rằng đội nhà giành chức vô địch), bởi sự hưng phấn giờ đây còn mang cả ý nghĩa trân trọng, cảm kích những chàng trai trẻ đã dâng hiến hết mình trên sân cỏ.
3. Nhưng cũng phải nói, nếu như cô người mẫu nọ hay hãng hàng không kia mà đọc đủ những khẩu hiệu ngắn gọn của Thành đoàn TP.HCM thì họ đã không làm thế. Khẩu hiệu hay nhất: "U23 đã làm ta tự hào, ta hãy làm họ tự hào". Đội tuyển có tự hào không khi họ "được" đón tiếp với màn khoe da thịt trên máy bay ấy? Chắc chắn là không, bởi một số bức ảnh cho thấy các cầu thủ trẻ tỏ ý ngượng ngùng hoặc nhắm tịt mắt lại...
Suy cho cùng thì đây cũng một hành vi "vui quá trớn" mà không nghĩ tới những hệ lụy khó lường khi "lòng dân" đang lên cao. Một điều mà chắc chắn những người trong cuộc phải suy nghĩ. Ấy là sự giận dữ không chỉ đến từ các fan nữ, vốn đang sôi sùng sục với các cầu thủ "quốc dân", "thần tượng" của mình, nên không dễ chấp nhận những màn "tỏ tình" thái quá, chưa nói đến việc ngang nhiên khoe da thịt trước mặt thần tượng. Mà, sự giận dữ lớn hơn còn đến từ những "phụ huynh" lớn tuổi, bởi họ lo lắng cho cung cách ứng xử phản cảm với các em, các cháu như thế.
Về sâu xa, thành công lớn thì sức ép cũng lớn, rồi đây, trở về với sân cỏ, với nghiệp cầu thủ rất vinh quang nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã, họ sẽ phải phấn đấu gấp đôi, gấp ba sức lực của mình để không phụ lòng người hâm mộ, để xứng đáng với những sự tưởng thưởng và vinh danh trong những ngày này. Những người trải đời chắc chắn sẽ càng thêm trân trọng, ủng hộ họ một cách sâu sắc, bền vững hơn khi biết trước những sức ép mà họ sẽ phải vượt qua trong tương lai. Chính vì thế cho nên mọi sự "ăn theo", "vui quá đà", "vui quá trớn" đều không được ủng hộ.
Vẫn rất cần và vô cùng cần một tình yêu, sự ủng hộ bền bỉ, vượt thời gian cho bóng đá. Ngay từ bây giờ cũng là chưa muộn đối với tất cả mọi người, khi mà nhìn lại năm tháng qua, dường như có nhiều giai đoạn, đa số mọi người khá thờ ơ với bóng đá. Trong số những người "vui quá đà" hôm nay, có bao nhiêu người thực sự "thủy chung" với bóng đá, hay chí ít cũng cảm thông, chia sẻ với những thăng trầm của các cầu thủ, HLV trên sân cỏ nghiệt ngã? Đây là lúc để họ thay đổi.
4. Bốn giờ sáng, một ngày sau lễ đón tiếp các cầu thủ, tôi có việc phải dậy sớm và đi lại con đường vừa kín đặc người chiều hôm trước. Gió bấc lạnh buốt thổi ào ào trên những ngọn cây. Hà Nội lúc rạng sáng vẫn thường như thế: đường phố vắng vẻ, vài người chở rau trên xe thồ, xe ba gác... lặng lẽ băng qua các giao lộ. Quán nước vỉa hè mở sớm với vài bác xe ôm xo ro và dăm ba câu chuyện, tất nhiên, không ngoài chuyện bóng đá với cuộc diễu hành hôm qua...
Không còn dòng người kín đặc con đường như một dòng sông. Tôi chợt có liên tưởng rằng, chính các bác xe ôm này, chính các chú, các cô chở rau kia cũng đã từng xuất hiện trong các bức ảnh nêu trên, mà vì chụp từ xa hoặc từ trên cao, nên khi cố zoom lại, tôi cũng không nhận ra được chân dung của họ, hay chân dung của bất kỳ người nào. Giờ đây, vẫn là chính họ trong nhịp sống đời thường.
Rõ ràng, lòng dân, sau những giờ phút phô bày mạnh mẽ, lại lui về ẩn kín trong mỗi trái tim. Nhưng lòng dân vẫn như thế, đến dịp lại bung ra như dòng sống bất tận.
Có thể cũng còn lâu nữa, đội tuyển của chúng ta mới có được một chiến thắng như thế hay hơn thế. Vì thế, khơi dậy lòng dân ấy, sức dân ấy trong cuộc sống đời thường này mới là việc quan trọng và mới là việc phải làm thường xuyên, để phát triển đất nước.
Đông Kinh

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Đánh bóng lư đồng - nghề chỉ có mỗi dịp Tết

Đánh bóng lư đồng - nghề chỉ có mỗi dịp Tết
Copy từ http://dantri.com.vn/xa-hoi/danh-bong-lu-dong-nghe-chi-co-moi-dip-tet-1359901461.htm ;tác giả: Viết Hảo ; đã đăng ngày 30/01/2013 - 02:21.
Hàng chục bộ chân đèn màu ánh kim phản chiếu óng ánh trên các tuyến phố, kèm theo âm thanh gò hàn khét lẹt của người thợ tiện báo hiệu tết cổ truyền đang đến rất gần. Đó là “nghề đánh bóng lư đồng” - nghề thời vụ một năm chỉ xuất hiện một lần.
Nghề chỉ có mỗi dịp Tết
Với người Việt, gia đình nào cũng có hương án với bát hương, đài rượu, bình hoa, chân đèn… là những vật gia bảo thiêng liêng. Mỗi năm khi tết đến, bất kỳ gia đình Việt Nam nào cũng thỉnh những vật gia bảo này xuống để con cháu làm mới.
Với bát hương, đài rượu, bình hoa… thông thường sẽ được lau rửa hoặc thay mới toanh tại nhà. Chỉ riêng bộ chân đèn (lư đồng) phải mang ra đường phố tìm những người thợ tiện “bất đắc dĩ” mỗi năm chỉ hành nghề một lần… nhờ tiện cho bóng loáng để trưng lên bàn thờ tổ tiên.
Những ngày giáp tết này, những người thợ tiện không chuyên lại thấp thoáng xuất hiện trên các tuyến phố, con hẻm, đường làng… để nhận đánh mới lư đồng cho người thân, họ hàng, bà con trong xóm. Hàng chục bộ chân đèn màu ánh kim phản chiếu óng ánh trên các tuyến phố, con đường kèm theo âm thanh gò hàn khét lẹt của người thợ tiện báo hiệu ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần.
Một điểm đánh bóng chân đèn trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, ngày 29/1/13.
Tết năm nay tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và một số vùng phụ cận của thành phố như xã Hòa Xuân, xã Hòa Thắng, phường Khánh Xuân… dịch vụ đánh bóng lư đồng xuất hiện khá sớm, người làm nghề này thường tập trung ở các con đường lớn, giao lộ, ngã ba hay ngã tư.
Qua tìm hiểu, những người thợ đánh chân đèn - cho biết, thực chất đây là nghề thời vụ, nghề “tay phải” mưu sinh trong ngày thường là hàn cơ khí, hàn hơi… Mỗi năm khi tết đến, tiện thể sẵn có bộ mô-tơ, lại biết chút ít về gò hàn nên tranh thủ mấy ngày trước tết nhận đánh mới lư đồng cho bà con.
“Ngày thường nghề của tui là hàn cơ khí, nhưng ngày tết nghề của tui là tiện mới bộ chân đèn. Tranh thủ làm thêm mấy ngày Tết chứ cái nghề này ngày tết người ta mới cần mình”, anh Tài (42 tuổi), đánh lư đồng trên giao lộ Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột), cười nói cho biết.
Cũng qua tìm hiểu, thậm chí những người thợ đánh bóng lư đồng tuổi đời vẫn còn khá trẻ, có người hiện đang là sinh viên (SV) Đại học, Cao đẳng. Chiều 28/1, chúng tôi bắt gặp Minh (20 tuổi) - SV trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tất bật đánh lư đồng cho khách trên đường Phan Bội Châu (đoạn gần đình Lạc Giao). Minh cho biết, em học nghề đánh chân đèn đã được 2 năm do bố chỉ dạy, năm nay được nghỉ tết sớm nên Minh phụ giúp gia đình đánh lư đồng kiếm tiền sau tết đi học.
Minh (20 tuổi) - SV trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bên lư đồng mới đánh xong cho khách.
Nghề thời vụ… nhưng thu nhập cao
Sau một vòng khảo sát một số điểm đánh bóng lư đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chiều 29/1 (18 tháng Chạp), được biết bộ lư đại (cỡ lớn) giá
trung bình từ 250.000 - 280.000 đồng/bộ; bộ trung có giá dao động 150.000 - 180.000 đồng/bộ; còn bộ tiểu (cỡ nhỏ) khoảng 80.000 đồng đến 120.000 đồng/bộ.
“Tôi mới làm được 3 ngày nay, trung bình mỗi ngày người dân đem lư đồng đến đây nhờ tôi đánh khoảng 5 đến 6 bộ. Tôi dự định làm cho đến 27 hoặc 28 tết thì nghỉ, nếu ngày nào cũng đều đặn như vậy chắc đến tết cũng kiếm được khoảng 4 - 5 triệu đồng. Công việc tuy cần sự tỉ mỉ, kiên trì nhưng ráng làm cũng có thu nhập để ăn tết và có tiền cho mấy đứa nhỏ đi học”, Anh Đào Hùng (44 tuổi, quê Bình Định) đánh chân đèn trên đường Phan Bội Châu, tâm sự. Anh Đào Hùng cho biết thêm, nghề này anh mày mò tự học từ lúc còn là thanh niên, đã duy trì liên tục trong 10 năm qua mỗi khi tết đến.
Những bộ lư đồng cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ.
Trong khi đó, Minh cũng cho biết, qua 3 ngày làm nghề gia đình em cũng đánh được hơn bộ chân đèn các loại. “Trung bình mỗi ngày em nhận đánh khoảng vài bộ, bộ nào to, hoa văn nhiều thì mất khoảng 2 giờ mới đánh xong, bộ nào nhỏ, hoa văn đơn giản mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Gia đình em sẽ làm ở đây cho đến 28 tết, chắc đến đó cũng kiếm được vài triệu”, Minh cho hay.
Một số người hành nghề lâu năm cho biết, lư đồng có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ tinh vi; dễ đánh nhất là lư tứ giác, lư tròn. Để cho lư đồng được sáng bóng, họ phải lao động cực kỳ chỉnh chu để tránh làm lư đồng biến dạng, xây xước, mô-tơ tỉ mỉ để đảm bảo độ sáng đồng đều. Để duy trì độ sáng lâu trên lư đồng, sau khi đánh bóng người thợ thường lau lại với tinh bột sắn và tiếp tục lau lại bằng vải sạch.
Việt Hảo

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Chuyển công hàm đề nghị TQ hỗ trợ cấp phép bay cho CĐV

Chuyển công hàm đề nghị TQ hỗ trợ cấp phép bay cho CĐV
Copy từ http://plo.vn/thoi-su/chuyen-cong-ham-de-nghi-tq-ho-tro-cap-phep-bay-cho-cdv-752525.html ;tác giả: Viết Thịnh ; đã đăng ngày 24/1/2018 - 14:28.
(PLO)- Trợ lý bộ trưởng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị Trung Quốc cấp phép bay chở cổ động viên Việt Nam sang Trung Quốc cổ vũ đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, sáng 24-1-18, trợ lý bộ trưởng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Nội dung là để chuyển công hàm đề nghị Trung Quốc hỗ trợ cấp phép bay cho các chuyến bay của Vietnam Airlines và VietJet Air chở cổ động viên Việt Nam sang Thường Châu (Trung Quốc) cổ vũ đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam thi đấu trận chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á.
Trong buổi gặp, trợ lý bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã khẳng định việc đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam vào thi đấu trận chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á là niềm tự hào lớn đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Việc tổ chức các chuyến bay đưa các cổ động viên Việt Nam đến Thường Châu (Trung Quốc) sẽ cổ vũ thêm tinh thần thi đấu của các cầu thủ, góp phần vào thành công của giải cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Trợ lý bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam xem xét dành hỗ trợ đặc biệt trong việc giải quyết nhanh các thủ tục xin cấp thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc nhân dịp này.
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc đã chúc mừng nồng nhiệt thành công của đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam và cho biết sẽ chuyển đề nghị của ta về nước để giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải liên hệ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc đề nghị sớm cấp phép bay cho các chuyến bay đưa cổ động viên Việt Nam sang Trung Quốc và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cổ động viên Việt Nam sang cổ vũ cho đội tuyển.
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Nguyễn Thanh Mai đã đến thăm, chúc mừng những thành tích to lớn của đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam.


Viết Thịnh

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Cận cảnh 10 bị cáo 'Tham ô tài sản' trong vụ án tại PVN

Cận cảnh 10 bị cáo 'Tham ô tài sản' trong vụ án tại PVN
Copy từ https://www.tienphong.vn/phap-luat/can-canh-10-bi-cao-tham-o-tai-san-trong-vu-an-tai-pvn-1235611.tpo ;tác giả: Minh Đức ; đã đăng ngày 23-01-18 11:02.
TPO - Toà án nhân dân TP Hà Nội vừa tuyên phạt 10 bị cáo về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), trong đó 9 bị cáo bị tuyên phạt với tổng cộng gần 100 năm tù, riêng Trịnh Xuân Thanh bị phạt tù chung thân.
Ngày 22/1/18, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm vụ kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đối với 22 bị cáo.
Trong số này, 10 bị cáo bị HĐXX tuyên phạt về tội “Tham ô tài sản”, số bị cáo còn lại bị tuyên phạt về tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
1. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh: Giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh bị kết luận đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng; quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh còn bị kết luận đã đề ra chủ trương cùng cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 3 điều 165 và khoản 4 điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, sau khi phạm tội đã bỏ trốn, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết mà VKSND Tối cao cho rằng cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân về tội Tham ô tài sản…”.
Ngoài ra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường riêng 4 tỷ đồng đã rút ra tiêu Tết; liên đới chịu trách nhiệm về 1,5 tỷ đồng (gia đình ông Thanh đã nộp 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả); các bị cáo khác bồi thường số còn lại. Tòa án cũng yêu cầu tiếp tục kê biên các tài sản của Trịnh Xuân Thanh để đảm bảo thi hành án.
2. Bị cáo Vũ Đức Thuận: Trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) là người ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Trên cương vị là Tổng giám đốc PVC, Vũ Đức Thuận bị kết luận có vai trò cùng với bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cấp dưới rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Cá nhân bị cáo Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng 1,5 tỷ đồng trong tổng số hơn 13 tỷ đồng chiếm đoạt.
Hành vi của bị cáo Vũ Đức Thuận phạm vào các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 3 điều 165 và khoản 4 điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, có trách nhiệm cùng gia đình khắc phục hậu quả 800 triệu đồng, là những tình tiết mà VKSND Tối cao cho rằng cần xem xét khi quyết định hình phạt.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC nhận 22 năm tù về các tội “Cố ý làm trái và Tham ô tài sản”.
3. Bị cáo Nguyễn Anh Minh: Trong quá trình làm Phó Tổng giám đốc PVC, bị cáo Minh đã cùng các bị cáo khác lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh hưởng lợi hơn 3,6 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng, trong tổng số hơn 13 tỷ đồng chiếm đoạt được. Hành vi của Nguyễn Anh Minh phạm vào tội "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 4 điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, có trách nhiệm cùng với gia đình khắc phục hậu quả số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, là những tình tiết VKSND Tối cao thấy cần xem xét khi quyết định hình phạt.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Anh Minh 16 năm tù.
4. Bị cáo Lương Văn Hòa: Với vị trí là Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC, bị cáo Hòa đã cùng bị cáo Nguyễn Anh Minh lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Cá nhân bị cáo Hòa được ăn chia hơn 757 triệu đồng. Hành vi của bị cáo Hòa phạm vào tội "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 4 điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, bị can khai báo thành khẩn, đã có trách nhiệm cùng với gia đình khắc phục hậu quả số tiền hơn 2,4 tỷ đồng là những tình tiết cần xem xét khi quyết định hình phạt.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hoà 16 năm tù.
5. Bị cáo Bùi Mạnh Hiển: Thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, với vị trí là Chánh Văn phòng PVC, Bùi Mạnh Hiển đã tiếp nhận tiền do bị cáo Lương Văn Hòa hợp thức hồ sơ rút từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch chuyển lên PVC để chia nhau sử dụng. Cá nhân bị cáo Hiển được ăn chia 400 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Hành vi của Bùi Mạnh Hiển phạm vào tội "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 4 điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình điều tra, bị cáo khai báo thành khẩn, đã có trách nhiệm cùng với gia đình khắc phục hậu quả số tiền 300 triệu đồng, là những tình tiết cần xem xét khi quyết định hình phạt.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Hiển 10 năm tù.
6. Nguyễn Thành Quỳnh, nguyên GĐ kỹ thuật công nghệ Tổng công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng 8 năm tù.
7. Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh, Hoa nguyên là GĐ Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa) 3 năm tù treo.
8. Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC 3 năm tù treo.
9. Lê Xuân Khánh, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC 3 năm tù treo.
10. Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC 3 năm tù treo.
Minh Đức

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Cách đánh bóng lư đồng

Cách đánh bóng lư đồng
Copy từ https://www.webtretho.com/forum/f2402/cach-danh-bong-lu-dong-de-nhu-an-banh-cua-nha-minh-day-2180483/ ;tác giả: QuynhAlice ; đã đăng ngày 19/01/2016 10:39.
Sắp đến Tết, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa. Không thể không kể đến việc đánh bóng bộ lư đồng nữa, tuy nhiên mình thấy có nhiều người than đánh hoài cũng không thể sáng bóng như ngoài tiệm làm. Đừng lo, nhà mình làm theo cách này và trông lúc nào cũng sáng bóng hết. Mọi người cùng thử xem sao, đảm bảo thích cho mà coi.
Chưng cả năm trời, đồ đồng rất dễ bị xỉn màu, thậm chỉ là xỉn rất nặng nên dùng cách này là tốt nhất:
1. Đầu tiên, ở chân đế của những bộ lư ít nhiều sẽ bị dính những vết đèn cầy. Mọi người chỉ cần dùng máy sấy tóc thổi lên. Mấy vết này sẽ hóa lỏng chảy hết, dùng khăn lau nhẹ là sạch.
2. Tiếp đó, pha 1 thau nước giấm loãng, cho đồ đồng vào ngâm qua đêm. Đến sáng, dùng khăn mềm lau lại thì đồ đồng đã sáng lên nhiều lắm. Có xỉn nặng cỡ nào cũng thấy sáng.
3. Tuy nhiên, để nó sáng hơn mọi người hãy tiếp tục làm như thế này: (Chọn 1 trong 3)
- Dùng muối hột pha với nước sôi rồi cho thêm giấm vào. Dùng một chiếc khăn nhúng vào hỗn hợp đó rồi chà mạnh lên đồ đồng.
- Nhà nào có tro bếp có thể dùng tro bếp, rất hay. Pha 1 ít tro bếp với nước rồi cũng dùng khăn nhúng chà mạnh lên đồ đồng.
- Ở ngoài chợ cũng có bán mấy chai thuốc đánh bóng đồ đồng chuyên dụng, mọi người có thể thử cách này.
Lưu ý: Với các vết gỉ màu xanh trên thân các đồ đồng, bạn trộn nước cốt chanh với muối, dùng khăn chùi lên vị trí có vết gỉ sẽ làm chúng biến mất trên đồ đồng.
4. Cuối cùng, bạn thoa mật ong lên đồ đồng đã được làm sáng bóng rồi lau sạch mật ong với khăn mềm, bước này sẽ giữ màu đồng được sáng lâu hơn. Nếu nhà nào có sẵn lon cana dùng để đánh bóng xe, cũng có thể dùng để đánh bóng lên lư đồng ở bước cuối cùng này nhé!Lưu ý: Với các vết gỉ màu xanh trên thân các đồ đồng, bạn trộn nước cốt chanh với muối, dùng khăn chùi lên vị trí có vết gỉ sẽ làm chúng biến mất trên đồ đồng.
Chúc mọi người thành công
QuynhAlice

Hàng cây đường Tôn Đức Thắng trước và sau khi đốn hạ

Hàng cây đường Tôn Đức Thắng trước và sau khi đốn hạ
Copy từ http://plo.vn/do-thi/hang-cay-duong-ton-duc-thang-truoc-va-sau-khi-don-ha-751466.html ; 19 ảnh, tác giả: Hoàng Giang ; đã đăng ngày 19/1/2018 - 07:00.
(PLO)- Những ngày giữa tháng 01/18 này, khi di chuyển trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) có thể cảm nhận sự thay đổi rõ rệt khi hàng cây cổ thụ trên đường này gần như không còn.
Những cây cổ thụ vừa bị đốn hạ và di dời để nhường chỗ cho việc thi công cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và quận 2.
Theo kế hoạch, có tổng số 258 cây xanh trên tuyến đường Tôn Đức Thắng phải đốn hạ, di dời để phục vụ công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và quận 2.
Trong tháng 1-2018, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ tiến hành đốn hạ, di dời 133 cây xanh, trong đó đốn hạ 65 cây, di dời 68 cây về khu lâm viên Trường đại học Nông lâm.
Sở Giao thông vận tải cho biết số cây xanh bị đốn hạ sẽ được thu hồi để chế tạo các sản phẩm phục vụ công cộng như: bàn, ghế, sản phẩm điêu khắc. Đồng thời, ở khu vực này sẽ cho trồng mới 373 cây xanh trên diện tích 26.081 m2 .
Dưới đây là những hình ảnh được PV Pháp Luật TP.HCM ghi lại trước và sau khi hàng cây bị đốn hạ:
Bên trái có thùng bơm xe màu đỏ
Ảnh 2: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Bên trái có Sửa Honda lề đường
Ảnh 3: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ. 492-338
Bên phải có thùng rác màu xanh
Ảnh 4: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Giữa ảnh: người áo vàng
Ảnh 5: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Chú xe ôm đánh tay ra sau lưng
Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Giữa ảnh: xe honda đỏ
Ảnh 7: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
 một người đi bộ
Ảnh 8: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Bảng cấm quay đầu xe
Ảnh 9: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Người áo đỏ qua đường
Ảnh 10: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Mưa mới tạnh
Ảnh 11: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Một người đi xe đạp
Ảnh 12: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Như mặt thớt
Ảnh 13: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Khung cảnh sạch sẻ,êm đềm
Ảnh 14: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Bên trái có người áo đỏ
Ảnh 15: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Gốc cổ thụ
Ảnh 16: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Trống vắng
Ảnh 17: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.
Hai hàng cây rợp bóng mát
Ảnh 18: Góc ảnh trước khi hàng cây bị đốn hạ.
Có bảng cấm quẹo phải
Ảnh 19: Góc ảnh sau khi hàng cây bị đốn hạ.

Hoàng Giang

Bão lớn tại Hà Lan và Đức gây nhiều thương vong, giao thông tê liệt

Bão lớn tại Hà Lan và Đức gây nhiều thương vong, giao thông tê liệt
Copy từ https://vov.vn/the-gioi/bao-lon-tai-ha-lan-va-duc-gay-nhieu-thuong-vong-giao-thong-te-liet-720532.vov ;tác giả: Phương Anh/VOV-Trung tâm Tin (Theo Reuters); đã đăng ngày 19/01/2018 05:34.
VOV.VN - Bão ở Hà Lan đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng, đường xá bị phá hủy, hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, giao thông tê liệt...
Ngày 18/1/18, do ảnh hưởng của bão kèm gió mạnh đã làm ít nhất 3 người Hà Lan và 1 người Đức thiệt mạng. Nhiều cây cối bị quật đổ, nhiều đường xá bị phá hủy, trong khi hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ.
Cảnh bão tàn phá ở Rotterdam, Hà Lan - (Ảnh: Peter Hilz/Dutchnews)
Sân bay Schiphol tại Amsterdam (Hà Lan) đã phải tạm dừng tất cả các hoạt động hàng không trong ngày 18/1/18 do ảnh hưởng của bão lớn kèm gió giật mạnh di chuyển với tốc độ 140 km/h.
Ít nhất 260 chuyến bay đã bị hủy bỏ. Các dịch vụ đường sắt, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện đều bị gián đoạn sau khi cảnh báo thời tiết ở mức cao nhất được ban bố. Tại Rotterdam (Hà Lan), nhiều nhà cửa bị tốc mái, một số container bị lật đổ.
Còn tại Đức, một người đàn ông 59 tuổi thiệt mạng do cây đổ ở Emmerich, gần biên giới với Hà Lan.
Khoảng 100.000 người ở North Rhine-Westphalia và bang Lower Saxonyrơi vào cảnh mất điện. Một số cây cầu và nhiều tuyến đường tại North Rhine-Westphalia hiện đã bị phong tỏa.
Công ty năng lượng Westnetz thông báo sẽ khôi phục điện trong vài giờ nhưng với điều kiện cơn bão kể trên không gây thêm thiệt hại.
Nhà vận hành đường sắt Deutsche Bahn đã phải tạm thời ngừng cung cấp dịch vụ đường dài do ảnh hưởng của bão.
Tại Munich, 8 chuyến bay nội địa của hãng Lufthansa cũng bị hủy bỏ./.
.
Phương Anh/VOV-Trung tâm Tin (Theo Reuters)

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa

Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa
Copy từ http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE188423/Nghe_danh_bong_lu_dong_vao_mua.aspx ;tác giả: Phước Lộc ; đã đăng ngày 11/02/2015 13:23:42.
Cận Tết, theo tục lệ, nhiều gia đình trang hoàng nhà cửa, trong đó không thể thiếu việc làm mới chiếc lư đồng đặt trên bàn thờ gia tiên. Những người hành nghề đánh bóng lư đồng cũng vì thế mà đắt khách.
Những người thợ chùi lư đồng tất bật vào những ngày giáp Tết
Khoảng giữa tháng Chạp, dạo quanh các tuyến đường nội ô ở TP.Cao Lãnh không khó để bắt gặp những điểm nhận đánh bóng lư đồng. Chọn một góc trên đường Phạm Hữu Lầu để làm nghề chùi lư, mấy ngày qua, chú Nguyễn Văn Lượng (tổ 27, khóm 3, phường 4, TP.Cao Lãnh) đã đánh bóng vài chục chiếc lư đồng cho khách. 37 năm qua, năm nào chú Lượng cũng nhận chùi và đánh bóng hơn trăm chiếc lư. Theo chú Lượng, chùi lư đồng là nghề phụ kiếm thu nhập khá trong dịp Tết và đồ nghề khá gọn, tiền vốn không đáng kể, chỉ cần 1 mô-tưa, gắn bố quanh trục, bột phấn và cục lơ là có thể hành nghề.
Tùy theo loại lư mà giá tiền công khác nhau, nhưng dao động từ 30.000 - 100.000 đồng. Mỗi người thợ có thể hoàn thành sản phẩm trong khoảng 1 giờ, nhưng với những bộ lư có bắn keo, sơn dầu bóng hay có nhiều mắt tre, chi tiết chạm tỉ mỉ, người thợ cần khoảng 3 tiếng đồng hồ để hoàn thành với giá khoảng 300.000 đồng/chiếc. Muốn làm bộ lư đồng trở nên sáng đẹp thì phải trải qua các công đoạn như: ngâm nước, rửa, chà giấy nhám nước và phơi nắng, khi khô ráo thì đánh cước sạch, sau đó đánh bóng bằng sáp xanh và sáp trắng (sáp bóng) - chú Lượng cho biết.
Thông thường khoảng giữa tháng Chạp là khách đã mang lư đến chùi và đánh bóng. Lượng khách thường tăng nhiều khoảng từ 23 đến 30 Tết. Vào dịp cao điểm, mỗi ngày chú Lượng nhận khoảng 15 - 20 chiếc lư và phải làm việc cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng. Anh Lê Trung Kỳ (ngụ số 140, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 2) là chủ một cơ sở hàn tiện. Thấy nghề chùi lư dễ làm, nên anh bắt đầu đi học nghề. Dù chỉ mới vài năm trong nghề, nhưng mỗi ngày anh Kỳ cũng đánh bóng được khoảng 3 bộ lư. Mỗi đợt Tết anh kiếm thêm vài triệu đồng. Anh Kỳ cho biết, một người thợ lành nghề không chỉ biết mài giũa, lau chùi đồ đồng cho đẹp mà phải đặt hết tâm huyết vào đó. Những chiếc quai phượng, mũ chụp hình rồng trên nắp lư đồng rất dễ gãy nên đòi hỏi phải khéo tay và tinh mắt.
Chỉ làm việc trong thời gian ngắn nhưng những người chùi lư đồng kiếm thêm khoản thu nhập không nhỏ để xài Tết. Sự cần mẫn, tỉ mỉ của những người thợ đã làm đẹp cho bộ lư đồng - vật trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình trong ngày Tết.
Phước Lộc

Hài thật, hài nhảm!

Thời đàm
Hài thật, hài nhảm!
Copy từ http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hai-that-hai-nham-528787 , tác giả: Nguyễn Thanh, đã đăng ngày 11/01/2018 21:03.
QĐND - Anh bạn tôi-một cán bộ giảng dạy, nghiên cứu mỹ học ở một trường đại học có tiếng ở Hà Nội kể lần đi công tác bị “cưỡng chế” xem hài nhảm. Ấy là vì trên xe khách có màn hình phục vụ văn nghệ một video hài tân thời, cũng hình ảnh sắc nét, bắt mắt, cũng dàn diễn viên tên tuổi với trang phục, điệu bộ hài hước, cũng có câu chuyện gây cười. Nhưng nhảm nhí...
Nhảm nhí vì cốt truyện dài dòng, nhạt nhẽo. Ví như đó là câu chuyện một trọc phú xưa đến chùa cầu Phật được thêm giàu có tiền bạc, thêm nhà cao cửa rộng... bất ngờ gặp một con chó (mà là chó dữ) dọa cắn. Ông ta sợ quá trèo vội lên cây cau đến nỗi tụt... (mà người kể kể ra đoạn tiếp theo cũng thấy ngượng). Nhưng khổ nhất là bị ức chế bởi những lời thoại tục tĩu, vô duyên cứ bị nhắc lại, nhại lại quanh quẩn từ nhân vật nọ đến nhân vật kia... Đại để đó là những lời tục, hình ảnh tục, lời chửi tục, thề tục có trong truyện tiếu lâm “chuyển thể” sang. Anh bảo thế là bắt chước, không làm hay hơn mà lại làm xấu đi cái ngôn ngữ gây cười khỏe khoắn của đời sống trào tiếu dân gian. Anh gọi đó là loại hài nhảm, cười để mà cười, vô bổ, thậm chí làm méo mó thị hiếu người xem vì gieo rắc cái thiếu lành mạnh, không đúng mực của tiếng cười phi nghệ thuật...
Tôi chia sẻ và đồng ý với anh. Vì cũng tương tự, tôi đã phải mấy lần bị “cưỡng chế” xem như anh, không chỉ trên xe khách mà còn cả trên sân khấu, lại đôi lần còn “bị” xem trên vô tuyến truyền hình của một đài địa phương!
Thế nào là hài thật? Tôi hỏi để có dịp hiểu sâu hơn một loại hình nghệ thuật sân khấu. Anh trả lời với giọng khúc chiết rằng, hài thật trước hết là câu chuyện thật sự đáng cười được kể lại, dựng lại nhằm mục đích phê phán chế giễu cái xấu, cái ác, cái lỗi thời, lạc hậu, cái tiêu cực, từ đó làm bật ra ý nghĩa tích cực làm lành mạnh, trong sạch cuộc sống. Từ xưa, người ta gọi sân khấu có tác dụng “thanh lọc” là như vậy. Thế nên kịch bản luôn là khâu quyết định. Tác giả kịch bản phải thực sự tài năng, biết nắm bắt mâu thuẫn bản chất của cuộc sống, có “bịa” cũng phải “bịa như thật” tức phải dựa trên logic bản chất này. Mà khâu này không chỉ ở mảng hài mà là điểm yếu của sân khấu ta hôm nay nói chung. Kịch bản hài còn yêu cầu cao hơn, phải cô đọng, ngắn gọn, phải có tình tiết, chi tiết hài được giấu kín để làm sao khi “mở nút” bật ra thật bất ngờ kéo theo tiếng cười ngạc nhiên, thích thú, sảng khoái của người xem. Còn nếu dài sẽ làm giảm sự chú ý của khán giả, sân khấu chỉ còn là sự “độn” cảnh, “độn” lời thoại của sự pha trò vặt...
Tiếng cười trên sân khấu bao giờ cũng có ý nghĩa xã hội, mặc dù tích truyện của ngày hôm qua nhưng tiếng cười phải hướng đến hôm nay để giúp đời tốt hơn, đáng sống hơn... Vì thế diễn xuất phải làm sống động hóa kịch bản, diễn viên phải thực sự tài năng hiểu thấu ý nghĩa chủ đề, phải hiểu đời và đau đời. Bởi tiếng cười vừa là trí tuệ vừa là tâm hồn. Diễn viên giỏi là biết “khóc nghẹn” bên trong để có tiếng cười tươi nở bên ngoài là như vậy...
“Thế còn cái tục? Sân khấu hôm nay không cần cái tục sao?”-tôi hỏi. Anh ngắt lời: Không phải lúc nào, vở nào cũng cần cái tục, vì đó chỉ là một trong rất nhiều phương tiện, phương thức gây cười. Ngay ở truyện tiếu lâm hay ca dao trào phúng cái tục cũng được dùng rất hạn chế, chỉ xuất hiện khi cần đến sự mỉa mai, đả kích đối tượng. Sự có mặt của cái tục tùy thuộc chủ đề, nội dung kịch bản, tùy đối tượng tiếp nhận.
Tiếng cười Nguyễn Công Hoan trong “Ngựa người và người ngựa” có cái tục đâu mà tiếng cười sâu sắc, triết lý, đau đớn như thế. Rộng hơn, trước đó tiếng cười của mỹ học Nho gia Nguyễn Khuyến rất ít cái tục sao chua chát, thâm trầm mà tinh tế, sâu sắc như thế!... Anh kết luận, lạm dụng cái tục một cách tràn lan, như trên video của xe khách nọ, là hạ thấp và coi thường khán giả.
Tôi đồng ý với anh!
Nguyễn Thanh

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Quân đội thông tin vụ nổ kho đạn ở Gia Lai

Quân đội thông tin vụ nổ kho đạn ở Gia Lai
Copy từ http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/quan-doi-thong-tin-vu-no-kho-dan-o-gia-lai-750118.html , tác giả: Lữ Quỳnh Loan, đã đăng ngày 11/1/2018 - 10:54.
(PLO)- Cơ quan chức năng phát thông báo người dân nếu phát hiện được vỏ đạn văng ra sau vụ nổ thì báo chính quyền địa phương để xử lý.
Sáng 11-1-18, Đại tá Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 3 cho biết liên quan đến vụ nổ lớn ở Lữ đoàn đoàn Tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 3), đến nay xác định không có thương vong về người.
Nơi xảy ra vụ việc cách khu dân cư hàng km
Theo Đại tá Hậu, vụ nổ xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 10-1-18, sau khi nhận được báo cáo của chỉ huy Lữ đoàn thì Thủ trưởng Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 đã phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh để phối hợp giải quyết. Bộ tư lệnh quân đoàn cùng lãnh đạo huyện Đắk Đoa, Bộ chỉ huy quan sự tỉnh Gia Lai đã kịp thời thông báo cho nhân dân và bộ đội sơ tán.
“Đạn nổ trong kho. Hiện nguyên nhân vụ nổ thì đang tiếp tục theo dõi, tìm hiểu. Việc này cần phải có thời gian”, Đại tá Hậu nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng có mặt ngay sau khi sự việc xảy ra
Như đã đưa tin, Khoảng 22 giờ ngày 10-1, nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp phát ra ở khu vực xã Kdang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) Thuộc khu vực quản lý của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (thuộc Quân đoàn 3) khiến người dân trong vùng hốt hoảng, bỏ chạy ra quốc lộ 19. Nhiều người ở xa vài kilomet vẫn nghe thấy vụ nổ.
Những tiếng nổ dữ dội, khói lửa đỏ rực cả một góc trời, có lúc bắn lên như pháo hoa, cách xa nhiều kilomet vẫn nhìn thấy.
Theo lãnh đạo huyện Đắk Đoa, khu vực phát ra tiếng nổ là kho đạn của Lữ đoàn, nằm cách biệt so với khu vực đóng quân. Kho đạn này có tường rào kiên cố bao quanh, cách khu dân cư khoảng 2 km. Tuy nhiên, người dân trong vùng tiếp giáp và bộ đội ở doanh trại gần đó được sơ tán để đảm bảo an toàn. Đến gần 2 giờ sáng 11-1, vẫn còn nghe nhiều tiếng nổ.
Khu vực xảy ra vụ việc thuộc sự quản lý của Lữ đoàn tăng thiết giáp 273
Được biết, đến 7 giờ sáng, mọi công tác khắc phục vụ cháy nổ tại kho đạn thuộc Lữ đoàn tăng thiết giáp 273 đang được cơ quan chức năng phối hợp thực hiện.
Theo thông tin các cán bộ gác trạm bảo vệ Lữ đoàn tăng thiết giáp 273 thì khu vực xảy ra vụ nổ cách khu dân cư người dân khoảng từ 3-5km nên không có thiệt hại về người. Nhưng để đảm bảo an toàn thì cơ quan chức năng đã hạn chế người dân tò mò vào gần khu vực nguy hiểm.
Quân đội cử lực lượng chốt chặn, hạn chế người dân tò mò vào khu vực nguy hiểm
Nhớ lại vụ việc, bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang) kể trong lúc gia đình chuẩn bị đi ngủ thì nghe những tiếng nổ lớn. “Mới đầu thì tôi tưởng có nhà nào bị nổ bình ga nên tôi chạy ra xem, lúc đó thì thấy khói bốc lớn từ sau Lữ đoàn tăng thiết giáp 273. Do ở khu vực nổ cách hơn 3km nên ngôi nhà của tôi bị rung lắc…”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành (40 tuổi, thôn Hà Lòng, KDang) cho biết khi nghe tiếng nổ lớn thì người dân ngơ ngác xem. Lúc đó có các cán bộ, chiến sỹ vừa chạy lại bảo chạy xa khỏi hiện trường, chạy càng xa càng tốt. “Vậy là tôi kịp lấy xe máy rồi chạy nhanh ra khỏi hiện trường khoảng hơn 5km mà vẫn nghe tiếng nổ đùng đùng….”- ông nói.
Sáng cùng ngày, lực lượng quân đội vẫn chốt chặn đường vào cổng lữ đoàn. Nhiều xe biển xanh, biển đỏ vẫn từ bên ngoài di chuyển vào cổng lữ đoàn.

Một chiếc xe chạy dọc quốc lộ 19 phát thông báo về vụ nổ nói trên, đồng thời nhấn mạnh người dân phát hiện được vỏ đạn thì báo chính quyền địa phương để xử lý.
Chú thích ảnh
Tựa nhỏ
Tựa -Đoạn có màu nền
Đoạn có màu nền
Lữ Quỳnh Loan