Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Hài thật, hài nhảm!

Thời đàm
Hài thật, hài nhảm!
Copy từ http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hai-that-hai-nham-528787 , tác giả: Nguyễn Thanh, đã đăng ngày 11/01/2018 21:03.
QĐND - Anh bạn tôi-một cán bộ giảng dạy, nghiên cứu mỹ học ở một trường đại học có tiếng ở Hà Nội kể lần đi công tác bị “cưỡng chế” xem hài nhảm. Ấy là vì trên xe khách có màn hình phục vụ văn nghệ một video hài tân thời, cũng hình ảnh sắc nét, bắt mắt, cũng dàn diễn viên tên tuổi với trang phục, điệu bộ hài hước, cũng có câu chuyện gây cười. Nhưng nhảm nhí...
Nhảm nhí vì cốt truyện dài dòng, nhạt nhẽo. Ví như đó là câu chuyện một trọc phú xưa đến chùa cầu Phật được thêm giàu có tiền bạc, thêm nhà cao cửa rộng... bất ngờ gặp một con chó (mà là chó dữ) dọa cắn. Ông ta sợ quá trèo vội lên cây cau đến nỗi tụt... (mà người kể kể ra đoạn tiếp theo cũng thấy ngượng). Nhưng khổ nhất là bị ức chế bởi những lời thoại tục tĩu, vô duyên cứ bị nhắc lại, nhại lại quanh quẩn từ nhân vật nọ đến nhân vật kia... Đại để đó là những lời tục, hình ảnh tục, lời chửi tục, thề tục có trong truyện tiếu lâm “chuyển thể” sang. Anh bảo thế là bắt chước, không làm hay hơn mà lại làm xấu đi cái ngôn ngữ gây cười khỏe khoắn của đời sống trào tiếu dân gian. Anh gọi đó là loại hài nhảm, cười để mà cười, vô bổ, thậm chí làm méo mó thị hiếu người xem vì gieo rắc cái thiếu lành mạnh, không đúng mực của tiếng cười phi nghệ thuật...
Tôi chia sẻ và đồng ý với anh. Vì cũng tương tự, tôi đã phải mấy lần bị “cưỡng chế” xem như anh, không chỉ trên xe khách mà còn cả trên sân khấu, lại đôi lần còn “bị” xem trên vô tuyến truyền hình của một đài địa phương!
Thế nào là hài thật? Tôi hỏi để có dịp hiểu sâu hơn một loại hình nghệ thuật sân khấu. Anh trả lời với giọng khúc chiết rằng, hài thật trước hết là câu chuyện thật sự đáng cười được kể lại, dựng lại nhằm mục đích phê phán chế giễu cái xấu, cái ác, cái lỗi thời, lạc hậu, cái tiêu cực, từ đó làm bật ra ý nghĩa tích cực làm lành mạnh, trong sạch cuộc sống. Từ xưa, người ta gọi sân khấu có tác dụng “thanh lọc” là như vậy. Thế nên kịch bản luôn là khâu quyết định. Tác giả kịch bản phải thực sự tài năng, biết nắm bắt mâu thuẫn bản chất của cuộc sống, có “bịa” cũng phải “bịa như thật” tức phải dựa trên logic bản chất này. Mà khâu này không chỉ ở mảng hài mà là điểm yếu của sân khấu ta hôm nay nói chung. Kịch bản hài còn yêu cầu cao hơn, phải cô đọng, ngắn gọn, phải có tình tiết, chi tiết hài được giấu kín để làm sao khi “mở nút” bật ra thật bất ngờ kéo theo tiếng cười ngạc nhiên, thích thú, sảng khoái của người xem. Còn nếu dài sẽ làm giảm sự chú ý của khán giả, sân khấu chỉ còn là sự “độn” cảnh, “độn” lời thoại của sự pha trò vặt...
Tiếng cười trên sân khấu bao giờ cũng có ý nghĩa xã hội, mặc dù tích truyện của ngày hôm qua nhưng tiếng cười phải hướng đến hôm nay để giúp đời tốt hơn, đáng sống hơn... Vì thế diễn xuất phải làm sống động hóa kịch bản, diễn viên phải thực sự tài năng hiểu thấu ý nghĩa chủ đề, phải hiểu đời và đau đời. Bởi tiếng cười vừa là trí tuệ vừa là tâm hồn. Diễn viên giỏi là biết “khóc nghẹn” bên trong để có tiếng cười tươi nở bên ngoài là như vậy...
“Thế còn cái tục? Sân khấu hôm nay không cần cái tục sao?”-tôi hỏi. Anh ngắt lời: Không phải lúc nào, vở nào cũng cần cái tục, vì đó chỉ là một trong rất nhiều phương tiện, phương thức gây cười. Ngay ở truyện tiếu lâm hay ca dao trào phúng cái tục cũng được dùng rất hạn chế, chỉ xuất hiện khi cần đến sự mỉa mai, đả kích đối tượng. Sự có mặt của cái tục tùy thuộc chủ đề, nội dung kịch bản, tùy đối tượng tiếp nhận.
Tiếng cười Nguyễn Công Hoan trong “Ngựa người và người ngựa” có cái tục đâu mà tiếng cười sâu sắc, triết lý, đau đớn như thế. Rộng hơn, trước đó tiếng cười của mỹ học Nho gia Nguyễn Khuyến rất ít cái tục sao chua chát, thâm trầm mà tinh tế, sâu sắc như thế!... Anh kết luận, lạm dụng cái tục một cách tràn lan, như trên video của xe khách nọ, là hạ thấp và coi thường khán giả.
Tôi đồng ý với anh!
Nguyễn Thanh

Không có nhận xét nào: