Đưa nhau đi trốn ở rừng Tà Năng- Phan Dũng |
Copy từ http://dulichbien.nld.com.vn/du-lich-bien/dua-nhau-di-tron-o-rung-ta-nang-phan-dung-20170721084630557.htm ;tác giả: Theo Thu Huệ- V.Huy (TTO); đã đăng ngày 21/07/2017 11:00. |
Tà Năng- Phan Dũng thời gian gần đây được cho là cung đường trekking (hoạt động dã ngoại, đi bộ, leo núi dài ngày) được yêu thích bậc nhất của giới trẻ. |
Với nhiều người, khi kết thúc hành trình và trở về thị thành nhộn nhịp, họ vẫn nung nấu ý nghĩ tiếp tục quay lại vùng đồi núi xanh mượt để được thức dậy trong một buổi sớm mai đầy gió, ngập tràn ánh nắng và ngắm nhìn cây cỏ reo vui yên bình. |
Ảnh 1: Những đường mòn nhìn từ trên cao ngoằn ngoèo uốn lượn.
|
"Em ơi đi trốn với anh" |
4h sáng, nhóm chúng tôi có mặt tại ngã ba Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng). Trời đang lất phất mưa. Nói như anh xe ôm là "mưa lòn mây". Xe ôm chở chúng tôi đến chợ Đà Loan - nơi hầu hết các nhóm đi cung Tà Năng - Phan Dũng tập kết tại đây. |
Buổi sáng se lạnh, trong nhà lồng chợ những hàng bún riêu, bánh canh bốc khói đang chờ dân phượt nạp năng lượng để chuẩn bị cho hành trình thú vị và vất vả phía trước. |
Sau khi ăn sáng, xe ôm tiếp tục chở chúng tôi đến bìa rừng để bắt đầu trekking. Chúng tôi đi qua ngôi nhà hoa giấy huyền thoại - căn nhà nổi tiếng trên mạng khi được đánh dấu là địa điểm nhận diện hành trình trekking bắt đầu. Ngôi nhà gỗ bé bé, xinh xinh nằm lẻ loi bên bìa rừng làm nhớ đến hình ảnh trong phim Ngôi nhà trên thảo nguyên. |
Chặng đầu của cung trekking đi qua những ngôi nhà gỗ ven bìa rừng, ít bóng dáng con người mà chỉ thấy những chú bò nằm nhởn nhở trên cỏ, một đàn trâu đứng ngơ ngác ngó… người đi qua. |
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chiếc xe thồ của những porter chở đồ ăn nước uống cho những nhóm phượt. Những chiếc xe này được "độ" lại với bánh xe gắn xích chắn bùn mới có thể qua được những đường mòn trơn trượt, nhỏ chỉ bằng lối ngựa đi. Những porter và thợ rừng đào các rãnh nhỏ vừa đủ cho bánh xe máy lăn qua. Người lái dùng hai chân rà rà trên thành rãnh để đi an toàn hơn. |
Ảnh 2: Xe thồ.
|
Ảnh 3: Ngựa thồ.
|
Ảnh 4: Trên đường trekking bạn gặp những chiếc xe porter, những con ngựa già và những chú chó ...
|
Ảnh 5: Nhà vách ván, lợp tôn.
|
Những chú ngựa chất đầy những bao đồ trên lưng, nặng nề leo dốc. Chúng tôi đứng nhìn những chú ngựa tự hỏi không biết ngựa... có mệt như mình không? |
Có khi lại gặp những người đàn ông da cháy nắng, chở những thanh gỗ nặng nhọc lên dốc. Trong số những người chở gỗ đó có chú bé người nhỏ choắt, cặp mắt to, mặc áo in dòng chữ hài hước trước ngực "Mình sẽ vì em làm cha thằng bé". Cậu mím môi, mặt đầy căng thẳng khi đưa xe gỗ qua một con dốc với rãnh mòn lầy lội nhỏ bằng bánh xe. |
Đi qua nhiều con dốc. Đi qua những ngã ba đường mòn mà chúng tôi gọi là "ngã ba hoang mang" hay "ngã ba bối rối" vì không biết đi lối nào. Những lúc đó hãy quan sát xung quanh vì các phượt thủ đi trước thường "rắc lông ngỗng" bằng cách cột những sợi dây vàng đỏ hoặc buộc những túm cỏ lại với nhau để đánh dấu chỉ đường. Ngoài ra bạn có thể phải bật điện thoại lên nhìn tracklog để đi tiếp. |
Chúng tôi không biết mình đã leo bao nhiêu dốc, xuống bao nhiêu đồi khi các dốc đồi cứ nối tiếp nhau, cảm giác như không bao giờ hết. Vừa xuống một con dốc, đang đứng thở chưa kịp tận hưởng con đường phía trước lại gặp ngay một con dốc thẳng đứng khác trước mặt. Cứ thế mà leo dốc, mắt dán vào đất, chỉ nhìn thấy những con kiến đang bò và "cỏ xót xa đưa" trước gió. |
Khi leo đến đỉnh dốc, chúng tôi đứng lại, lướt tầm mắt nhìn khắp thảo nguyên, sững người khi thấy núi đồi, cỏ cây xanh ngát tuyệt đẹp. Quả là một phần thưởng đáng giá cho cuộc hành trình!
|
Buổi trưa cả nhóm dừng lại trên một ngọn đồi, trước mặt là những đường mòn giao nhau tạo hình thành một trái tim khổng lồ trên mặt đất. Cả bọn ăn uống rồi ngắm nhìn thảo nguyên và trái tim trước mặt. Trong phút chốc hẳn lòng ai cũng quên đi những rắc rối, buồn tủi, âu lo trong đời… |
Ảnh 6: Sáng thức dậy ở một nơi xa ...
|
"Resort ngàn sao" |
Chiều buông xuống. Cả nhóm chọn một đồi cao hạ lều. Ăn uống xong, trời bắt đầu lạnh và đã thấm mệt vì cả ngày trèo đèo lội suối cả bọn quyết định chui vào lều nằm ngủ sớm. |
Đêm, chúng tôi không còn nghe thanh âm gì khác ngoài tiếng gió, tiếng côn trùng và ngửi mùi hăng hắc của cỏ cây. Chúng tôi nói đùa với nhau chúng mình đã ở trong một "resort ngàn sao vô giá" không dễ gì thuê được và ngủ một giấc "ngon lành nhất trong đời". |
Buổi sáng thức dậy, rừng Tà Năng chào đón khách bằng những đám mây phía chân trời ùn lên như những đám bông gòn và những giọt sương còn vương trên cây cỏ. |
Cả nhóm tiếp tục trekking về phía rừng Phan Dũng (Bình Thuận). Không như phía Tà Năng nhiều đồi dốc, phía Phan Dũng chủ yếu là xuống dốc và đi vào rừng lá thấp với những đường mòn có khi cỏ cao bằng đầu người. |
Có những đoạn dưới chân là cỏ xanh rì, trên đầu là những hàng cây đẹp như trong rừng già phim King Kong… Cứ thế gần chiều chúng tôi ra được bìa rừng và kết thúc hành trình. |
Ảnh 7.
|
Ảnh 8: Chống gậy đi trên đồi xanh.
|
Ngắm nhìn thảo nguyên bao la và hãy nhớ "đừng để lại gì ngoài dấu chân".
|
Đừng để lại gì ngoài dấu chân |
Hôm chúng tôi đi, ở bìa rừng Tà Năng ước tính khoảng hơn 100 khách du lịch đã đổ bộ trekking Tà Năng - Phan Dũng. Anh Sơn xe ôm, người chở chúng tôi từ Tà Hine vào bìa rừng nói rằng đợt lễ 30-4-2017 chắc cũng có gần 1.000 con người đã trekking cung này. |
Nhiều người đi thì bớt nguy hiểm, đường mòn thông thoáng hơn, ít bị lạc hơn nhưng rác cũng để lại nhiều hơn. Dọc đường rải rác chai nhựa, bịch nilong, thậm chí cả băng vệ sinh phụ nữ (thường được dân phượt dùng để lót giày và lót vai) nằm lăn lóc dọc đường, không nhiều nhưng cũng không thể nào nói là ít. |
Hầu hết các nhóm sau khi dọn lều đều gom rác mang theo hoặc đốt đi. Các hướng dẫn viên luôn nhắc nhở các thành viên thu gom rác sau khi dọn lều. Tuy nhiên vẫn còn một số người vẫn vô tư để rác lại rừng cho nhẹ người và trống balo. |
Dọc đường gặp một số du khách ngồi gom rác của người khác và đốt chúng. Có bạn còn có sáng kiến đốt nến và nhỏ từng giọt xuống thanh gỗ trong rừng thành dòng chữ "xin đừng xả rác". |
Xin hãy nhớ câu nói "đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân" khi đi du lịch - nhất là với cung đường Tà Năng - Phan Dũng nguyên sơ và quyến rũ như thế này. |
Thông thường mọi người thường bắt chuyến xe Sài Gòn- Đà Lạt, lưu ý tài xế cho dừng lại ở ngã ba Tà Hine (Đức Trọng - Lâm Đồng). Sau đó thuê xe ôm vào bìa rừng ở thôn Toa Cát (xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng). |
Để chinh phục cung này thường mất hết 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm. Nếu bạn chọn từ Tà Năng đi thẳng xuống rừng Phan Dũng thường mất 2 ngày 1 đêm (tình từ bìa rừng), hoặc chọn từ Tà Năng đi xuống thác YaLy rồi xuống Phan Dũng thường mất 3 ngày 2 đêm. |
Sau khi đến bìa rừng Phan Dũng bạn bắt xe ôm hoặc đi bộ đến Ủy ban nhân dân xã Phan Dũng (Huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Từ xã Phan Dũng bắt taxi về thị trấn Liên Hương (Bình Thuận) và từ đây bắt xe về Sài Gòn. |
Ảnh 10: Những đường mòn mang hình trái tim.
|
Theo Thu Huệ- V.Huy (TTO) |
Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017
Đưa nhau đi trốn ở rừng Tà Năng- Phan Dũng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét