Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Giải nghèo nhờ khóm Đồng Din

Giải nghèo nhờ khóm Đồng Din
Copy từ http://www.baophuyen.com.vn/141/181464/giai-ngheo-nho-khom-dong-din.html , tác giả: Thái Hà , đã đăng ngày 29/07/2017 11:00.
Phú Thạnh và Mậu Lâm Nam là hai thôn của xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa từ khó khăn vươn lên làm ăn khấm khá nhờ cây khóm. Trên vùng đất này, luồng gió của những mùa khóm bội thu ngày một làm cho bộ mặt xóm làng thêm khởi sắc.
Anh Nguyễn Quốc Hiên dỡ khóm từ trên xe xuống để thương lái phân loại - Ảnh: Thái Hà
Từ hai thôn nghèo nhất xã
Trong ký ức của những người từng gắn bó nhiều năm với vùng đất này, quãng thời gian trước khi cây khóm có mặt và làm giàu cho xã Hòa Quang Nam, đặc biệt là ở hai thôn Phú Thạnh và Mậu Lâm Nam là những ngày cuộc sống của người dân rất khốn khó. Chị Nguyễn Thị Vương vẫn nhớ như in lần đầu theo chị gái vào xóm Gò Nổng, thôn Mậu Lâm Nam để gửi thiệp mời cưới, sự nghèo khó bao bọc cả xóm làng. Đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa liêu xiêu nên cô gái ngày đó thầm nghĩ lỡ có trót thương anh trai làng này thì chắc cũng không dám theo về đây làm dâu. Nhưng rồi, “ghét của nào trời trao của đó” bởi ít lâu sau, chị thương một người con trai ở thôn Mậu Lâm Nam. Vậy là từ thôn Ngọc Sơn (xã Hòa Quang Bắc) chị về nơi này sinh sống. Gắn bó với vùng đất này hơn 15 năm, chị thấu hiểu những cơ cực của người dân lúc chưa có cây khóm. “Người dân trong thôn ngoài trồng lúa là cây chủ lực cũng có trồng thêm cây keo và vài cây nông nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, những cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế. Công việc thì ít nên nhiều người trẻ đến các thành phố lớn để mưu sinh. Vợ chồng có con cái thì gửi cháu cho ông bà để đi làm thuê, làm mướn từng đợt như chặt mía, cuốc cỏ sắn, hái cà phê… Công việc bấp bênh, thu nhập ít ỏi nên nhà nào cũng thiếu trước hụt sau”, chị Vương nhớ lại.
Theo ông Phan Đình Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam, hai thôn Phú Thạnh và Mậu Lâm Nam trước khi có cây khóm là hai thôn nghèo nhất xã. Do địa hình dựa vào núi, giao thông ít thuận tiện nên trước đây, hai thôn này khó khăn hơn các thôn còn lại. Vì vậy, dù người dân cần cù, chăm chỉ nhưng vẫn chưa có những cây trồng chủ lực hay những ngành nghề giúp bà con vượt khó, thoát nghèo. Từ khi đưa cây khóm vào trồng thương phẩm, bộ mặt xóm làng đổi thay rõ rệt.
Vươn lên mạnh mẽ
Đến các thôn Phú Thạnh, Mậu Lâm Nam vào lúc cao điểm vụ thu hoạch khóm, chúng tôi thấy cả hai thôn đều vắng ngắt, chỉ còn vài bóng người già và trẻ con ở trong sân, còn tất cả những người trong độ tuổi lao động đều lên rẫy. Từ đầu xóm lần theo con đường đất quanh co, chúng tôi đến được nơi tập trung khóm để các đầu nậu thu mua. Trái với không khí yên ắng ngoài xóm, không khí ở những vựa khóm này rất tất bật, kẻ mua người bán lao xao và từng đoàn xe chở khóm không ngừng qua lại.
Làn da cháy nắng do bám theo từng mùa rẫy khóm, anh Nguyễn Quốc Hiên hớn hở dỡ những trái khóm trên xe xuống bỏ dưới sân để thương lái phân loại. Anh Hiên cho biết, gia đình có 3ha rẫy khóm nên anh quần quật làm cỏ, tưới nước, bỏ phân, bẻ trái, cắt cây không biết nghỉ ngơi là gì. Đến mùa thu hoạch, buổi sáng anh lên rẫy, bẻ khóm, sau đó đi 3-4km đường đèo dốc để chở khóm xuống vựa.
Cây khóm có mặt khoảng 10 năm trên đất Hòa Quang Nam, nhưng 3 năm trở lại đây ông Võ Tư mới đầu tư vào trồng loại cây này. Đến nay, gia đình ông Tư đã có 2ha khóm. Vừa phân loại khóm, ông Tư vừa hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những hiệu quả mang lại từ cây trồng này. “Trước đây, dù rất chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống chỉ tạm ổn, thậm chí thiếu thốn. 3 năm trở lại đây, nhờ đầu tư vào cây khóm, cuộc sống gia đình tôi đã khá hơn. Khóm cho thu nhập quanh năm, giá cả ổn định, công việc lúc nào cũng có để làm”, ông Tư chia sẻ.
Còn chị Hồ Thị Mỹ Hạnh (thôn Mậu Lâm Nam) có 2 con, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học mẫu giáo. Những năm trước, hai vợ chồng chị Hạnh chủ yếu ở nhà làm ruộng, hết vụ lúa thì đi đến các địa phương khác chặt mía thuê nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Thấy dân làng ai trồng khóm cũng khấm khá, chị Hạnh và chồng cũng trồng. “2 năm trồng khóm, tuy phải làm việc vất vả nhưng cái ăn, cái mặc, chi phí cho con cái đến trường không còn là nỗi lo thường trực nữa. Bây giờ, chỉ mong sao tên tuổi khóm Đồng Din lan xa hơn để chúng tôi yên tâm khi trồng loại cây này”, chị Hạnh vui vẻ chia sẻ.
Khóm Đồng Din giờ không chỉ được bán ở trong tỉnh. Theo những chuyến xe tải, khóm đi đến nhiều vùng miền của đất nước. Chị Nguyễn Thị Thúy là người con của xã Hòa Quang Nam, khi thấy diện tích trồng khóm không ngừng tăng lên, nhu cầu khóm ở các tỉnh xuất hiện, chị bàn với chồng sắm hẳn một chiếc xe tải nhỏ mỗi ngày chở 20 tấn khóm ra Bình Định, vào Khánh Hòa, lên các tỉnh Tây Nguyên, vào TP Hồ Chí Minh. Cứ đầu giờ chiều, chị Thúy đến các vựa khóm để mua gom, đóng gói, sau đó chồng chị chở khóm giao cho khách hàng. Nhờ cây khóm, gia đình chị ăn nên làm ra. Cùng với chị Thúy, mỗi ngày có 7-8 thương lái thu mua khoảng 40 tấn khóm để bán khắp các tỉnh thành.
Đến thôn Mậu Lâm Nam, Phú Thạnh những ngày này mới thấy cái đói, cái nghèo đã bị cây khóm đẩy lùi, thay vào đó là những căn nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. Xóm Gò Nổng của chị Vương giờ đường bê tông vào tận ngõ; nhà mê, tường xây, rào lưới thẳng tắp. Khóm Đồng Din vươn xa, làng xóm cũng theo đó mà khởi sắc thêm. “Tuy nhiên, cùng với việc phát triển diện tích cây khóm, người dân cần trồng xen cây lâu năm ở bìa ranh các rẫy để góp phần che phủ rừng. Trong khoảng 10 năm hoặc 20 năm tới, khi đất cỗi, việc đầu tư trở lại tốn kém, người dân có thể chuyển sang vừa trồng vừa khai thác cây rừng để thay thế cho cây khóm”, ông Phan Đình Tự cho biết.
Thái Hà

Không có nhận xét nào: