Phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh Hùng |
Ấm lòng nét đẹp tri ân |
Copy từ http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=55461 ;tác giả: Ánh Nguyệt ; đã đăng lúc 07:23 14 / 7 / 2017, mục Văn hóa - Xã hội . |
“Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi! Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin sẻ đôi bát cơm, cho con hôn đôi mắt mỏi mòn, cho con soi lại bóng hình con…” (Người mẹ của tôi - cố nhạc sĩ Xuân Hồng). Dẫu biết rằng, rất khó bù đắp hết những mất mát, đau thương của các mẹ nhưng có thể nói sự quan tâm chăm lo đầy yêu thương, trân quý với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay sẽ sưởi ấm lòng cho quãng đời còn lại của các mẹ. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 2, từ trái sang) thăm gia đình chính sách. Ảnh: P. Tuyết.
|
Toàn tỉnh có 6.312 bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó có hơn 500 mẹ còn sống. Ngoài những chính sách theo quy định Nhà nước dành cho các mẹ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát động công tác nhận phụng dưỡng suốt đời các mẹ VNAH và đã được các đơn vị, ban ngành, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. |
Việc nhận phụng dưỡng mẹ VNAH được xem là một nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa nhân văn, đó không chỉ là chăm lo vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm bằng cả tấm lòng. Nhiều đơn vị ngoài việc gửi tiền phụng dưỡng hàng tháng cho các mẹ, đã thường xuyên tổ chức nhiều chuyến đến thăm hỏi, tạo niềm vui cho các mẹ trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Qua đó, cũng nhằm giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về lòng tri ân, trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai |
“Cảm ơn người, người mẹ Việt Nam” |
Đã có nhiều dịp cùng đoàn cán bộ, lãnh đạo Báo Đồng Khởi về thăm mẹ VNAH Lê Thị Huy (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) và mẹ Lê Thị Di (xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) nhưng lần nào được về thăm, chúng tôi cũng cảm nhận thật nhiều cảm xúc. Được nghe những câu chuyện kể về cuộc đời của các mẹ, về các anh - những người con của các mẹ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc khi tuổi đời đang độ xuân xanh. Các mẹ rất tự hào về các anh, về những gì các anh đã làm cho quê hương. Các mẹ không hối tiếc về sự hy sinh ấy dù mẹ đau lắm khi hay tin các anh không về nữa, mẹ vẫn vững vàng vì cách mạng, vì quê hương. |
Bàn thờ các anh trang trọng giữa nhà và là nơi mẹ vẫn thường đến bên các anh mỗi chiều để khói hương cho thêm ấm. Các mẹ đều đã lớn tuổi, nhưng những ký ức về các anh - những người con của mẹ là những kỷ niệm đẹp mà mẹ nhớ mãi và kể lại cho các cháu trẻ mỗi khi các cháu về thăm mẹ. Mẹ tươi vui hẳn lên trong những lần trò chuyện, như đón nhận món quà tinh thần mà các cháu đã mang đến biếu mẹ - không gì khác đó là sự quan tâm, chia sẻ. |
Đoàn viên, thanh niên xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) đến thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sơn. Ảnh: A.Nguyệt.
|
Giồng Trôm là một trong những huyện có khá nhiều mẹ VNAH: 1.462 mẹ. Thời gian qua, bằng tình cảm và trách nhiệm, công tác chăm lo gia đình chính sách nói riêng, mẹ VNAH nói chung đã được huyện đặc biệt chú trọng với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa (góp phần xây dựng trên 1 ngàn căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách), vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng các mẹ VNAH còn sống. |
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Điều đáng quý là mặc dù nhiều đơn vị, nhiều gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi Ủy ban MTTQ, chính quyền phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa là sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chúng tôi rất cảm động và trân trọng” |
Tuổi trẻ hướng về mẹ |
Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh thiếu nhi… được xem là một trong những nội dung trọng tâm hoạt động của tuổi trẻ tỉnh nhà trong từng năm, cao điểm nhất là hướng đến Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Trong đó có công trình “Ngày tri ân” (cao điểm từ ngày 16 đến 27-7-2017). |
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, tham gia công trình là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có đối tượng học sinh, thanh niên chưa ngoan khối trường học; thanh niên chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật, thanh niên hoàn lương tại địa phương tham gia, xem đây là hoạt động giáo dục đặc biệt cho đối tượng này). Các hoạt động hướng đến mẹ VNAH, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh đã qua đời, gia đình cựu cán bộ đoàn, cựu thanh niên xung phong neo đơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Các đơn vị sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến tận các gia đình đối tượng tri ân thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, quét dọn và sửa chữa nhà, hỗ trợ thực hiện tiêu chí nông thôn mới (đào hố rác, hố xử lý nước thải, trồng hàng rào cây xanh...) và cùng nấu bữa cơm thân mật với gia đình kết hợp bàn giao công trình “Khăn tay tri ân” (khăn thêu tay do các bạn trẻ thêu tặng có dòng chữ “Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ - Tuổi trẻ Bến Tre tri ân” - công trình này được phát động thực hiện cùng với các hoạt động khác). |
Ngoài những đợt cao điểm, việc nhận phối hợp phụng dưỡng, thăm hỏi, cùng chăm sóc các mẹ đã được các đoàn viên, thanh niên các cấp tích cực hưởng ứng, thực hiện. Cụ thể, các đơn vị, chi đoàn đã nhận phụng dưỡng mẹ (theo danh sách đã được phân công), hàng tháng, các bạn sẽ tổ chức cho tập thể đoàn thanh niên của mình đến trao tiền hoặc vật phẩm và thăm hỏi, trò chuyện cùng mẹ. Đó cũng là những chuyến về nguồn thực tế đầy ý nghĩa. |
Có thể nói, nhận phụng dưỡng mẹ VNAH là hành động tự nguyện đầy tính nhân văn của những người con quê hương Đồng Khởi nói riêng và cả nước nói chung, với ý nghĩa sâu sắc nhất là sự tri ân. Bởi hạnh phúc, tự do hôm nay đã được đổi bằng rất nhiều máu xương của những ngày trước đó, có thể nào quên. |
Ánh Nguyệt |
Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017
Ấm lòng nét đẹp tri ân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét