Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Nuôi đà điểu trên vùng đất cát Quảng Nam

Nuôi đà điểu trên vùng đất cát Quảng Nam
Copy từ http://www.thesaigontimes.vn/9471/Nuoi-da-dieu-tren-vung-dat-cat-Quang-Nam.html , tác giả: Xuân Hoàng; đã đăng ngày 6/9/2008, 10:49.
(TBKTSG Online) - Khoảng tám năm trước, người dân vùng cát Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam) rất ngạc nhiên khi thấy Trung tâm giống đà điểu thuộc Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đặt cơ sở nuôi thí điểm chừng 200 con ở đây.
Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm giống đà điểu Quảng Nam đã phát triển đàn đà điểu từ 200 con lên hơn 4.000 con với số vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng.
Hồi ấy, không ai nghĩ con vật xa lạ này sẽ sống được trên vùng đất cát hoang hóa này, vậy mà giờ đây, đàn đà điểu của Khatoco đã phát triển hơn 4.000 con. Còn hơn thế, đà điểu đang được người dân Quảng Nam chọn làm con vật nuôi trong đàn gia súc nhằm cải thiện cuộc sống.
Gia đình ông Ngô Đình Long (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, Tam Kỳ) bao đời nay chỉ làm nông, nuôi vài con bò, heo... cuộc sống tạm ổn. Ông Long chưa bao giờ nghĩ có ngày đàn gia súc nhà mình sẽ có thêm con đà điểu.
Được phòng Kinh tế thành phố Tam Kỳ hỗ trợ 10 triệu đồng, ông Long vay thêm ngân hàng 20 triệu và nhất là sự giúp đỡ tận tình về kỹ thuật, ưu đãi con giống của Trung tâm giống đà điểu, ông Long mang về 15 con đà điểu đầu tiên nuôi trên mảnh vườn khoảng 300 mét vuông. Hôm nhận con giống về, vợ chồng ông Long lo lắm vì từ xưa đến giờ chưa từng có ai ở Quảng Nam nuôi con đà điểu.
Đàn đà điểu lớn nhanh như thổi, chỉ sau ba tháng đã tăng từ 25 ký lên hơn 70 chục ký. Mỗi ngày, 15 chú đà điểu xơi ngon hơn 60 chục ký thức ăn gồm cỏ, thân cây bắp, rau lang, rau muống và hàng chục ký bột thực phẩm dành riêng của chúng.
Mỗi tuần hai lần, các nhân viên thú y, chăn nuôi của trung tâm đến thăm, hướng dẫn ông Long chăm sóc sức khỏe cho đàn đà điểu. Khi cần thiết, trung tâm trợ giúp thuốc men điều trị mà gia đình không phải trả đồng nào. Và điều quan trọng là trong hợp đồng nhận đà điểu về nuôi, trung tâm cam kết trách nhiệm bao tiêu sản phẩm khi đà điểu đến tuổi trưởng thành.
Bà Tâm, vợ ông Long nói: “Chúng dễ nuôi hơn gà, cỏ cắt về, xắt nhỏ bỏ vào máng là chúng ăn ngon lành, chịu khó cho uống đủ nước – mỗi con trung bình uống 4 lít nước mỗi ngày và mỗi tuần 2 lần trộn thêm ít sạn nhỏ vào thức ăn cho chúng. Trong nhà, chỉ cần hai người vừa làm ruộng, vừa chăm chúng vẫn còn thong thả. Cứ đà này, đến cuối năm nay, mỗi con có thể nặng hơn một tạ”.
Ông Lê Văn Hơn (thôn Phú Ngọc) là hộ nông dân thứ hai ở xã Tam Phú được Trung tâm giống đà điểu giao nuôi 15 con đà điểu giống với phương thức tương tự. Giờ đây, ngày nào khu vườn của nhà ông Long, ông Hơn cũng có bà con kéo đến coi đà điểu, có người ở tận Quảng Ngãi cũng tìm đến.
Ông Lê Tấn Quang cũng đã chọn vùng đất đồi thôn Lý Trường (huyện Thăng Bình) đầu tư 200 triệu đồng để thành lập trang trại nuôi đà điểu từ năm 2007. Ông Quang mua 26 con giống của Trung tâm giống đà điểu, sau 19 tháng nuôi, mỗi con có trọng lượng từ 20 kg đã tăng lên 120 - 130 kg.
Năm nay, ông Quang tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, đầu tư hơn 200 triệu đồng làm lò ấp trứng, bổ sung thêm 10 con giống và nuôi 100 con đà điểu thịt từ nguồn giống tại chỗ để tăng thêm nguồn thu nhập. Ông Quang tính toán: “Nếu có được những hợp đồng xuất khẩu thịt đà điểu với các công ty lớn thì nuôi đà điểu đem lại siêu lợi nhuận; còn tiêu thụ nội địa ngang với giá thịt bò sau khi trừ chi phí vẫn có lãi, đặc biệt là bộ da của đà điểu dùng để chế biến hàng thủ công mỹ nghệ rất có giá trị”.
Tại xã vùng cát ven biển Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), ông Lê Ba cũng đã mua 150 con đà điểu về thả nuôi trên trại hơn 7 héc ta. Mới đây, ông Lê Ba xuất bán lứa đà điểu đầu tiên, tổng cộng 4,5 tấn hơi, thu 180 triệu đồng. Ông đầu tư trở lại thêm 50 con, mua thức ăn. Hiện trong chuồng có tổng cộng 100 con đang phát triển tốt.
Ảnh 2: Trước đây, mảnh đất này chỉ là vùng đất cát bỏ hoang, từ khi Trung tâm giống đà điểu đến đây đã biến thành đồng cỏ chăn nuôi, làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Tam Phú và mang lại cơ hội chăn nuôi cho nhiều hộ dân.
Nuôi đà điểu trở thành hướng thoát nghèo cho nhiều nông dân Quảng Nam. Nhờ làm tốt việc chăm sóc y tế, đàn đà điểu Quảng Nam vẫn khỏe mạnh và phát triển mạnh; trong khi đó, người chăn nuôi gà, vịt ở địa phương lân cận khá lao đao vì bệnh dịch cúm gia cầm.
Ảnh 4: Ông Huỳnh Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm giống đà điểu Quảng Nam, cho rằng ngành đà điểu của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển rất tốt.
Da đà điểu làm nguyên liệu nhiều mặt hàng được phụ nữ ưa thích.
Ảnh 6: Và vỏ trứng đà điểu làm hàng mỹ nghệ.
Xuân Hoàng

Không có nhận xét nào: