Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Nga siết chặt tình thân với "đối thủ" của Trung Quốc

Nga siết chặt tình thân với "đối thủ" của Trung Quốc
Copy từ http://www.vnmedia.vn/VN/quoc-te-24-7/quan-su/nga-siet-chat-tinh-than-voi-quot-doi-thu-quot-cua-trung-quoc-9-3406296.html?utm_source=taka-banner&utm_campaign=TakaTaka&utm_medium=exchange , mục Quốc tế 24.7 > Quân sự , đăng ngày 22/01/25.
(VnMedia) - Nga và Ấn Độ vừa đạt được một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự trong chuyến công du chính thức tới Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Sergei Shoigu. Theo đó, Nga - Ấn Độ nhất trí đẩy mạnh hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tăng cường tập trận chung, hợp tác chung trong một số dự án mới…
Hiện ông Shoigu đang ở Ấn Độ để tham dự cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban Liên chính phủ về Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Nga-Ấn, được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác quân sự và chống chủ nghĩa khủng bố với đối tác Nam Á của mình.
Phát biểu sau cuộc gặp tại New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói với báo giới rằng, ông đã thảo luận “tất cả các vấn đề, trong đó có dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 chung” với người đồng cấp Nga - Sergei Shoigu.
“Chúng tôi quyết định sẽ đẩy nhanh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dự án phát triển chiến đấu có thế hệ thứ 5”, ông Parrikar nói.
Trước đó, hồi đầu tháng 1, Giám đốc công ty liên danh sản xuất máy bay Nga-Ấn – ông Andrey Marshankin cho biết, công ty này đã hoàn thành thiết kế ban đầu của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA). Theo đó, Nga và đối tác Ấn Độ đã hoàn thành thiết kế phiên bản xuất khẩu Sukhoi PAK FA (Ấn Độ gọi là FGFA). Trong khi phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga do một phi công điều khiển thì Ấn Độ lại muốn mẫu máy bay chiến đấu mới của mình do 2 phi công điều khiển.
Được biết, Nga phát triển dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Sukhoi PAK FA (T-50) nhằm thay thế các máy bay Su-27 và MiG-29. Sukhoi T-50 có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2010. Việc bàn giao cho Không quân Nga được dự kiến sẽ bắt đầu trong năm 2016. Phiên bản FGFA của Ấn Độ là sản phẩm hợp tác giữa tập đoàn Sukhoi của Nga và Công ty hàng không Hindustan (HAL) của Ấn Độ. Đây được xem là một biến thể của máy bay chiến đấu Sukhoi PAK FA (T-50).
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển máy bay Nga - Ấn, phía Ấn Độ sẽ đầu tư 5,5 tỉ USD và sau đó sẽ mua 127 máy bay FGFA với giá khoảng 25 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết, chính phủ nước này đã mời các công ty của Nga tới Ấn Độ để tham gia các dự án chung, đặc biệt là trong việc hợp tác chế tạo các linh kiện trong thiết bị quân sự do Nga sản xuất trên đất Ấn Độ.
Ông cũng thêm rằng, hiện có một lượng “đáng kể” thiết bị quân sự của Nga và Liên xô cũ đang trong biên chế của quân đội Nga, trong đó có các loại xe bọc thép và pháo kích hạng nặng.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng, quy mô và mật độ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Ấn Độ cũng cần được tăng cường.
“Việc lên kế hoạch tập trận chi tiết là điều cần thiết. Việc này sẽ giúp mang lại những lợi ích thực tiễn trong việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang của chúng ta”, ông Shoigu nhấn mạnh.
Hàng năm, Nga và Ấn Độ vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Gần đây nhất là cuộc tập trận chung Indra 2014, diễn ra hồi tháng 9 năm ngoái. Cuộc tập trận có sự tham gia của 800 quân nhân và 100 phương tiện quân sự.
Ấn Độ mời Nga tham gia dự án đầy tham vọng
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ còn mời các doanh nghiệp quốc phòng của Nga tham gia một sáng kiến mới của chính phủ Ấn Độ mang tên “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ).
“Ông Parrikar đề cập tới chính sách “Make in India” và kêu gọi các doanh nghiệp quốc phòng của Nga tham gia dự án này”, Nội các Ấn Độ đưa ra trong một tuyên bố sau cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Trước đó, tháng 9/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức công bố dự án “Make in India” đầy tham vọng trước cộng đồng doanh nghiệp nước này, một dự án được thiết kế để đưa New Delhi trở thành một trong những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới. Thông qua sáng kiến này, Ấn Độ dự kiến sẽ thu hút nguồn tài chính, đầu tư vào 25 lĩnh vực kinh tế, từ du lịch đến khai thác mỏ, với 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, các công ty quốc phòng nước này hiện đang tìm kiếm các đối tác Nga tiềm năng để hợp tác trong dự án mới trên.
Cùng với đó, trong khuôn khổ chuyến công du lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm công ty liên doanh Nga-Ấn BrahMos và nhà máy chế tạo tên lửa siêu thanh BrahMos tại Ấn Độ. Việc phát triển tên lửa BrahMos nằm trong dự án liên kết giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga. Cái tên BrahMos là sự kết hợp giữa tên hai dòng sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga.
Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga. Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ.
Đan Khanh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: