Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Ngón nghề độc dị của ông trùm săn “ong tử thần”

Ngón nghề độc dị của ông trùm săn “ong tử thần”
Copy từ http://www.tienphong.vn/Print.aspx?id=790731 , đăng ngày 01/12/14, mục .
Ong bắp cày (hay còn gọi là ong chần) được mệnh danh là “ong tử thần” có khả năng giết một người trưởng thành chỉ sau hai ba vết đốt. Vậy mà có một người đàn ông lại sống bằng nghề săn loài ong này.
Anh Toàn thổi khói vào tổ làm tê liệt ong mẹ để lấy tổ - Ảnh: T.B.D.
Khi nghe anh Nguyễn Văn Toàn (thị trấn Đắk Hà, Kon Tum) nói có thể bắt được ong bắp cày bằng tay mà không cần đồ bảo hộ, tôi vẫn có cảm giác rờn rợn trong người.
Để bắt được loài ong độc này, dụng cụ hằng ngày của anh chỉ là cuốc xẻng, vỏ trấu, ống thổi khói và vốn “mẹo vặt” được chắt lọc từ hàng chục năm đi bắt ong rừng.
“Người ta chỉ dám bắt ong mật ít độc nhưng mình thì biết mẹo nên bắt được cả ong bắp cày” - anh Toàn nói rồi chìa bàn tay ra chỉ vào những vết lủng để lại sẹo sau những lần bị ong chích.
“Bình thường một con trâu mộng chỉ bị khoảng 10 vết đốt của ong bắp cày là lăn ra chết, còn người khỏe mạnh chỉ vài ba phát là chết lâm sàng, nếu không biết cách chữa kịp thời thì bỏ mạng”.
Anh Toàn cho biết nhiều năm đi bắt “ong tử thần” anh đã bị ong đốt bốn lần, lần nhiều nhất là hai vết đốt nhưng “nhờ dùng lá thuốc ở rừng nên chỉ để lại sẹo, ngất lịm giữa rừng vài chục phút là tỉnh lại bò về nhà”.
Bắt được ong trong tổ đã khó, nhưng làm sao để phát hiện ra tổ ong ở giữa rừng mênh mông lại càng như chuyện “mò kim đáy bể”. Nhưng người săn “ong tử thần” này gần như ngày nào cũng đào được ong đem về bán.
Ngón nghề mà anh Toàn tìm ra ong có lẽ chẳng ai học nổi: dùng sợi chỉ câu ong rồi quan sát hướng bay, nhìn hình dáng ong vỗ cánh và trạng thái ong bay là đoán chính xác gần như 100% nơi ong làm tổ.
Loài ong này thường đi lẻ bầy đến các vùng có hoa để tìm bắt ong nhỏ và côn trùng. Người câu ong chỉ cần dùng một cành cây vót nhọn, buộc một con côn trùng có thắt sợi chỉ mỏng để dụ ong tới ăn mồi.
Chú ong sà đến ôm con mồi rồi lao đi giữa không trung. Sau khi quan sát, việc còn lại của anh Toàn là... đuổi theo hướng ong bay để dò đến nơi làm tổ.
Loài ong bắp cày được lấy nhộng rồi bán cho người làm thuốc. Mặc dù lấy tổ nhưng anh Toàn cho biết rất ít khi bắt cả ong mẹ để tránh nguy cơ tận diệt loài ong này.
“Mỗi lần lấy tổ mình chủ yếu bắt nhộng, ong mẹ sau khi “chết lâm sàng” thì khoảng mười phút sau là tỉnh lại, khỏe mạnh và sinh sản bình thường” - anh Toàn nói.
Theo phapluattp.vn

Không có nhận xét nào: