Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Phật sống Lưu Công Danh (5)


Chương 9

TẬP KẾT VÀ 20 NĂM TRÊN ĐẤT BẮC

Trong những ngày nhân dân cả nước nô nức mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (20.7.1954), đơn vị kinh tế của tôi được lệnh của Bộ tư lệnh giải thể, tập trung học tập các Nghị quyết của Đảng về tình hình và nhiệm vụ mới.

Xin ý kiến cấp trên, tôi họp tất cả anh em lại. Trước hết, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi cho đồng bào cả nuớc, trong đó có đoạn biểu dương đồng bào Nam bộ "đi trước về sau" để tạo niềm tin, phấn khởi trong anh em. Sau đó, lập danh sách số anh em đã có gia đình tại địa phương đơn vị đóng, tổng kiểm kê tài sản của đơn vị. Số nào nộp về cho quân khu như ruộng vườn, đất đai thì nộp, số còn lại như hoa màu đang thu hoạch, nhà cửa, xuồng ghe, dụng cụ lao động… chia hết cho anh em có gia đình. Anh em nào muốn về quê, cần phương tiện ghe xuồng, cứ lấy dùng. Số anh được phân công đi tập kết hay được phân công ở lại miền Nam, đều cần một ít tiền chi tiêu, nên tất cả được chia đều ra, anh em vui vẻ cả, vì đó là công sức lao động của chính họ. Lúc đó, đơn vị nào cũng giải quyết như vậy.

Lúc ấy, sôi nổi và thời sự nhất vẫn là chuyện "đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang". Người đi tập kết có trách nhiệm xây dựng lực lượng, học tập để phục vụ cho miền Nam sau này. Người ở lại có trách nhiệm đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ giữ vững hòa bình, thực hiện tổng tuyển cử, xây dựng cơ sở, để sau hai năm người đi và người ở sẽ sum họp, cùng nhau xây dựng đất nước. Người ra đi thì náo nức được học tập, được gặp Bác Hồ, được thưa với Bác chuyện chiến đấu ở miền Nam. Người ở lại, luôn dặn với lòng luôn kiên cường đấu tranh, thủy chung, son sắt với người ra đi. Chuyện cứ râm ran tưởng chừng như không dứt ra được. Nhiều câu chuyện thật xúc động: Mẹ chuẩn bị tiễn con đi, vợ chuẩn bị tiễn chồng, cha chuẩn bị tiễn con… Tôi còn nhớ, một anh đi tập kết cùng chuyến, quê ở Bến Tre, kể lại câu chuyện người vợ tiễn chồng đi tập kết gói theo nắm đất. Sau này câu chuyện cảm động ấy được đưa vào thơ ca, như chuyện bà má Năm Căn, mũi Cà Mau gởi ra Hà Nội cây vú sữa tặng Bác Hồ. Bài thơ "Gói đất miền Nam" bầu bạn với tôi suốt những năm sống trên miền Bắc yêu thương:


Đưa anh tập kết lên đường

Gói theo nắm đất tình thương gởi cùng

Đất này lấy ở bờ sông

Nơi em chiến đấu gài chông giữ làng

Đất này là đất vinh quang

Đánh lui tám trận Tây càn bủa vây

Bạn bè ngã xuống nằm đây

Hy sinh. Vĩnh biệt. Đất này phủ lên

Làng ta như đất vững bền

Anh đi ruộng lúa bờ kênh nhắn lời

Dù cho núi đổi sông dời

Đất này là đất của người Việt Nam

Trao anh nắm đất anh cầm

Bữa nay, mười bốn mai rằm, đã xa

Em thề với đất làng ta

Anh đi em quyết ở nhà đấu tranh.



Theo qui định chung lúc bấy giờ, cán bộ cấp đại đội đi tập kết được mang theo vợ con. Nhưng lúc ấy vợ tôi mới sinh con chưa tròn một tuổi, hai đứa lớn, một sáu tuổi, một bốn tuổi, nên tôi bàn để vợ tôi ở lại, tôi động viên bà ấy chỉ hai năm xa cách, rồi nước nhà thống nhất, gia đình sum họp. Vợ tôi an tâm ở lại. Tôi về quê Mỹ Lâm viếng mộ ông bà, cha mẹ tôi. Thăm mẹ con Lê Thị Ngân. Rất mừng là ba đứa con vợ trước tôi đã khôn lớn. Vẫn đức tính đảm đang, dịu dàng, chịu đựng hy sinh, vợ tôi đã nuôi dạy các con tôi ý thức sống cần cù, lao động tốt. Phần đất cha tôi khai phá, nay vợ và các con tôi canh tác mỗi năm đều rất trúng. Do đó, đời sống của vợ và các con tôi khá ổn định. Tôi an tâm ra đi, càng thấy thương và khâm phục người phụ nữ tôi luôn nặng nợ ân tình.

Trở về khu tập kết ở Chắc Băng, một điều bất ngờ và thật cảm động đến với tôi. Đó là người vợ Ấn Độ, An-na Ma-ri từ Campuchia đến thăm tôi. Bà ấy cho biết nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Chính phủ kháng chiến Campuchia mà bà được qua vùng giải phóng Long Xuyên, Châu Đốc để xuống Chắc Băng thăm tôi. Lúc đó, mẹ con Huỳnh Thị Tổng cũng đang có mặt để chờ tiễn tôi đi. Hai người phụ nữ một là nông dân chân quê của Việt Nam, một là nhà quí tộc Ấn Độ đều gắn bó với cuộc đời tôi, cùng có mặt trong những ngày lịch sử này, đã không làm tôi khó xử, vì cách cư xử của họ rất đẹp. An-na Ma-ri không thể ở lại đây lâu với tôi, nên tôi và bà ấy đã sống một đêm nghĩa tình. Tôi đã giải thích cho Ma-ri hiểu vì sao tôi bỏ cuộc sống tu Phật để đi theo kháng chiến. Ma-ri không hề trách tôi vì đã bỏ mẹ con bà gần mười năm trời, mà trái lại, người phụ nữ có học thức này còn khuyến khích tinh thần yêu nước của tôi. Giải thích vì sao bà không trách tôi đã ra đi không một lời từ biệt, Ana Mari nói đi theo Phật, pháp tăng là hướng tới chân tâm, thánh thiện của con người, giác ngộ đi theo cách mạng cũng hướng tới những điều ấy, mà còn có ý thức lớn hơn là giải phóng đất nước và dân tộc. Ma-ri đã chịu ảnh hưởng gia đình của nhà chính khách Nê-ru (dượng rể của vợ tôi). Ông cũng đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành độc lập cho Ấn Độ. Những ý nghĩ tiến bộ và lời nói của An-na Ma-ri làm tôi thấy bà gần gũi hơnkhông chỉ là tình vợ chồng, mà còn có cả tình đồng chí trong sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc.

Trong bữa cơm chia tay "đại gia đình" (tôi và hai bà vợ) tôi làm phiên dịch tiếng Việt và tiếng Ấn Độ cho hai người nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng có những tiếng cười rất vui. Hôm sau, Ma-ri trở ra Rạch Giá, xe hơi của người nhà đón tại Tân Hiệp, để trở lại Phnôm-Pênh. Tôi nhờ Ma-ri chuyển lời hỏi thăm sức khỏe, xin lỗi và cảm ơn của tôi đến cha mẹ vợ ở Phnôm-Pênh.

Tôi đi tập kết chuyến cuối năm 1954 trên chiếc tàu Ki-lin-xki của Ba Lan. Đầu năm 1955 tôi ra đến Sầm Sơn. Anh em miền Nam tập kết ra Bắc được tập trung học tập tình hình, nhiệm vụ mới. Học xong, các đơn vị miền Tây được lệnh giải thể. Các anh em miền Nam gom lại lập những xí nghiệp thủ công nghiệp và về khu 4 thành lập các nông trường.


Tôi về nông trường cà phê ở Thanh Hóa. Vì có kinh nghiệm làm kinh tế lúc ở miền Tây và lúc quản lý anh em trại Đề lao binh làm lao động, tôi thấy mình có thể làm được công việc ở nông trường cà phê.

Đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, mọi thứ đều khó khăn thiếu thốn. Tôi nói với anh em: trước hết phải lo xây dựng nông trường bộ để có chỗ ăn, ở, làm việc lâu dài, chuyện gánh đất, xây lò gạch là công việc nặng nhọc, tôi đảm nhận. Địa bàn Thanh Hóa thuộc quyền quản lý của Sư đoàn 330 của miền Đông Nam bộ, do anh Đồng Văn Cống làm Tư lệnh. Tôi từng nghe tên anh Đồng Văn Cống mà chưa có dịp tiếp xúc. Nghe nói anh trưởng thành từ một du kích xã, nên anh có vốn thực tiễn thật phong phú và sống rất bình dân, gần gũi với mọi người, luôn quan tâm đến thuộc cấp.


Khi anh đến nông trường bộ, tôi không biết, nên đã đi gánh đất. Anh tiếp xúc với anh em nông trường, nghe anh em kể tôi từng đi tu đắc đạo ở Ấn Độ, trở về nước tham gia kháng chiến, anh Đồng Văn Cống muốn gặp cho biết tôi là người như thế nào. Thấy tôi gánh đất, mặt mũi nhem nhuốc, mồ hôi nhễ nhại, anh rất cảm động và dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, mà lúc đó tôi chưa biết. Anh chỉ thăm, rồi đi. Sau đó, tôi được mời về văn phòng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 330. Anh em nhìn tôi bằng cái nhìn trìu mến. Lúc đó, tôi mới biết anh Đồng Văn Cống đã hiểu tôi qua anh em nông trường và đã báo cáo tình hình của tôi về Tổng cục Chính trị. Tôi trở thành một "người khách đặc biệt" tại văn phòng Bộ Tư lệnh, ăn cơm và uống rượu với Tư lệnh Sư đoàn.

Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho người về nông trường cà-phê tại Thanh Hóa đón tôi ra Hà Nội. Mọi sự diễn biến khá nhanh và hơi đột ngột với tôi. Tôi cứ nghĩ khi đơn vị giải thể, chuyển anh em đi làm kinh tế, đi lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là hợp lý. Nhưng tại sao tôi lại được gọi về Hà Nội đột ngột, hay là khi Ma-ri về Phnôm-Pênh nói với cha vợ tôi, tôi đi tập kết, cha vợ tôi lại nhờ sứ quán Ấn Độ can thiệp để được gặp tôi, như ông từng làm trước đó, lúc tôi ở Anh quốc?

Tôi đang suy nghĩ mông lung, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi tôi về nguồn gốc gia nhập quân đội. Vị tướng trẻ tuổi và tài năng này có giọng nói trầm ấm và có cái nhìn cương nghị nhưng trìu mến, đã tạo cho tôi cảm giác đầy tin cậy khi trò chuyện. Tôi đã kể lại tường tận việc đi tu phật của tôi trên đất nước Ấn Độ và chuyện riêng tư của tôi. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi tôi:


- Anh có muốn trở lại Ấn Độ không? Ấn Độ ngày nay đã giành được độc lập, không còn dưới thời nô lệ như xưa nữa.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng cho tôi biết về tình cảm của Bác Hồ chúng ta và thủ tướng Ấn Độ Nê-ru, tình đoàn kết giữa nhân dân hai đất nước.

Tôi trả lời:

- Tôi vì hoàn cảnh mà phải xa đất nước, rồi đi tu Phật cũng do bế tắc về phương hướng cuộc đời mà đi. Tôi là người Việt Nam. Giờ đây tôi đang ở đất nước mình, tôi muốn được làm việc gì cho ích nước lợi dân. Điều này trong kinh Phật cũng có dạy. Tôi cởi áo cà sa để khoác áo kháng chiến. Tôi đã thề dưới cờ Đảng một lòng tận trung với nước, với lý tưởng Đảng. Tôi trở về Ấn Độ để làm gì?

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhìn tôi trìu mến, niềm xúc động ánh lên trong tia nhìn ấy. Suy nghĩ một lát, đại tướng hỏi tôi:

- Anh có muốn đi học không?


Tôi mừng quá. Tất nhiên là tôi muốn và rất muốn nữa là đằng khác. Tôi trả lời ngay là muốn. Tôi chưa từng được học qua một trường lớp đàng hoàng. Từ nhỏ sống lênh đênh trên sông nước, học lóm bạn bè, học thực tế từ công việc là nhiều, đi tu phật thì học kinh kệ. Tôi tự biết mình trình độ còn thấp kém. Muốn phục vụ tốt cho cách mạng, cho đất nước, phải học tập.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghe vậy rất vui. Theo cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghĩ thì cấp bậc đại úy như tôi lúc đó, trong quân đội đang còn hiếm. Cấp này phải bố trí chức vụ lãnh đạo Trung đoàn, ít nhất cũng là Tiểu đoàn trưởng.

Thỏa thuận việc đi học trước tiên như thế. Chẳng bao lâu, tôi được cấp hộ chiếu để đi tu nghiệp ở Liên-Xô, tại Học viện quân sự và chính trị của quân đội Xô-viết. Được đi học tập trên đất nước của cách mạng Tháng Mười vĩ đại và đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, là niềm khát khao và vinh dự lớn đối với tôi. Tôi đã có may mắn này, thì phải ra sức học tập để phục vụ tốt hơn cho đất nước.


Nhưng việc học tập của tôi không suôn sẻ. Gần một năm trời ở Học viện hầu như tôi không tiếp thu được những bài học liên quan đến lý luận, khoa học quân sự, cái cơ bản để người lính chiến đấu thắng lợi ở chiến trường.

Đại sứ quán ta ở Liên-xô được nhà trường thông báo tình hình học tập của tôi. Lúc ấy đại sứ tại Liên-xô là anh Nguyễn Văn Kỉnh. Anh tìm hiểu việc học của tôi rồi hết sức động viên tôi. Lúc ấy, chiến dịch "Tố cộng" và "Diệt cộng" của Mỹ-Diệm, máy chém được lê đi khắp miền Nam. Các anh băn khoăn không biết có phải vì nghe tin đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam đang bị giặc đàn áp khốc liệt và đang quật khởi vùng lên, tôi có thể vì thế mà nóng lòng, không an tâm học tập. Anh Nguyễn Văn Kỉnh động viên và giải thích: Học cũng là một nhiệm vụ, học để sau này về chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời anh nói thấm vào gan ruột tôi. Nhưng thêm một học kỳ nữa, tất cả là ba học kỳ, trong các buổi thi, tôi chưa bao giờ bắn được một viên đạn thật trúng vào mục tiêu; thi lại lần thứ hai cũng như thế. Tôi đã học thuộc và chuẩn bị trước giáo trình, nhưng cũng không trình bày được một trận đánh nào có sẵn trong giáo trình, kể cả thế trận trình bày trước sa bàn. Nghĩa là mọi thứ có liên quan đến trận mạc, đánh chác, đều trôi tuột trong đầu tôi. Tôi đã thật lòng báo cáo với lãnh đạo là: Tôi đau đớn vì ở quê nhà kẻ thù sát hại đồng chí, đồng bào ta. Tôi đã nghe vụ thảm sát chợ Được, Vĩnh Trinh, vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi, tôi đã quyết tâm học tập, để tham gia chiến đấu, trả thù cho quê hương, đồng bào, đồng chí, chứ không phải tôi học thiếu tập trung.


Cuối cùng, tôi được quyết định về nước, để chuyển hướng đào tạo khác. Mấy anh em quen thân gặp tôi băn khoăn chuyện này, sợ tôi sẽ bị kỷ luật, mất Đảng. Nhưng tổ chức đã không hành xử với tôi như vậy. Tôi luôn áy náy vì mình không hoàn thành nhiệm vụ. Tâm sự của tôi được anh em có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên.

Vì có quá trình đi tu, nên tổ chức chuyển cho tôi hướng bổ sung cho Hội phật giáo Việt Nam. Từ Liên-Xô về nước, tôi được đưa đến tạm trú tại chùa Quán sứ - Hà Nội. Ở đây ba tháng, tôi không có ý định đi tu lần nữa, nên đã báo cáo với cấp trên. Sau đó, tôi được đưa một danh sách các cơ quan đang cần người phụ trách, để tôi lựa chọn cho thích hợp.


Tôi thấy mình luôn được sự ưu ái, nên đã quyết định chọn một nghề phù hợp với khả năng của mình và với công việc đó, tôi sẽ phục vụ được cho đất nước, góp phần nhỏ của mình cho cuộc đấu tranh thống nhất Bắc - Nam. Lúc đó, tất cả những người con miền Nam trên đất Bắc đều mang tình cảm và ước vọng như tôi. Tôi đề nghị được nhận công việc tại hợp tác xã xe ba gác vận chuyển vật liệu xây dựng tại bãi Phúc Xá. Tôi được bầu làm bí thư chi bộ và chủ nhiệm hợp tác xã. Đây là thời kỳ miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Thời kỳ gian khổ ban đầu như anh Tố Hữu viết:

Dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá

Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.


Cuộc sống gian khổ, khó khăn của những năm đầu miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa như thế, còn miền Nam thì rên xiết, khổ đau dưới gót giày quân bán nước và xâm lược. Hợp tác xã tôi phụ trách, có nhiều anh em quê miền Nam và miền Bắc, chúng tôi sống với nhau bằng tình ruột thịt. Sau giờ lao động, đêm về, tôi đến nhà các xã viên thăm, động viên anh em và nghe đài, đọc báo để biết tin tức miền Nam. "Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc", được đưa vào học trong nhà trường, được các cháu học sinh trường miền Nam số 12 chuyển đến cho chúng tôi đọc chung.

Năm 1964, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã lan ra miền Bắc. Thuốc trị bệnh và chữa các vết thương do bom đạn cho cán bộ, nhân dân cũng rất kham hiếm. Tôi nghĩ đến những bài thuốc Nam đã tích lũy, học được khi đi tu trong rừng Ấn Độ. Tôi bàn với anh em trong ban chủ nhiệm cáng đáng công việc giúp tôi, để tôi có thời gian đi tìm lá thuốc. Thời gian đầu, chỉ chữa trị kết quả cho mươi mười lăm người, rồi sau đó, cứ "tiếng lành đồn xa", bà con cứ đến chỗ tôi ở làm việc ở bãi Phúc Xá xếp hàng xin thuốc. Dù là chữa trị bệnh (cảm mạo, thương hàn, gãy chân, tay, đau khớp, đau gan…) bằng thuốc Nam, không mất tiền, nhưng khi bệnh nhân tới, ngoài việc cho thuốc, hướng dẫn cách trị, tôi còn chỉ cho bà con các loại cây thuốc xung quanh, dễ tìm để bà con bệnh nhân tự tìm trị, nên nhiều người rất thích. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi trở lại trả tiền hoặc khi nhận thuốc đã đề nghị trả tiền cho tôi, tôi không bao giờ nhận của bất cứ bệnh nhân nào, dù chỉ một đồng bạc mà họ cho là ơn nghĩa. Tôi giải thích cho họ an tâm: Tôi làm việc có lương Nhà nước. Nghe vậy, nhiều người nghĩ tôi là cán bộ trong biên chế của ngành y tế chớ không phải ở hợp tác xã xe ba gác. Thấy tôi trị bệnh có hiệu quả cao cho nhân dân và cả một số cán bộ, chiến sĩ nên anh chị em trong ban chủ nhiệm hợp tác xã đã làm thay nhiều công việc cho tôi để tôi có thời gian làm thầy thuốc, chữa bệnh cứu người.


Chuyện chữa bệnh của tôi lúc đó xem như công việc tay trái, việc chính vẫn là chủ nhiệm hợp tác xã. Chuyện tay trái này đôi lúc cũng nhiều trái ngang và buồn cười. Có tin tôi trị khỏi nhiều loại bệnh, một số cán bộ không có thời gian đi khám và điều trị tại chỗ tôi, nên đã cho xe đến đón tôi tận nhà để trị bệnh. Tôi sẵn sàng đi và chăm sóc các bệnh nhân như vậy. Do đó, chuyện chữa bệnh "mát tay" của tôi lan đi nhiều nơi và được nhiều người biết, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Bộ Y tế đã cử người đến kiểm tra, họ thấy tôi không có giấy phép hành nghề; các món thuốc chỉ là các loại lá cây khô, dồn vào mấy cái bị lớn nhỏ đủ cỡ. Có ý kiến cho rằng tôi là lang băm bịp người. Đến khi tìm hiểu cặn kẽ, họ biết tôi làm việc tại hợp tác xã xe ba gác, tôi trị bệnh hết cho rất nhiều người và không lấy tiền, họ mới báo cáo cụ thể cho Bộ trưởng Bộ Y tế, lúc đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bộ trưởng giao trách nhiệm cho Vụ dược chính và Ban đông y tới làm việc với tôi. Các cán bộ chuyên môn này làm việc cẩn trọng. Họ lấy toàn bộ các loại lá cây tôi dùng chữa bệnh, kêu tôi dịch ra tiếng Việt, thì tôi không biết tên, chỉ nhớ theo trí nhớ của mình khi trị bệnh trong rừng, biết đó là cây có vị thuốc tên Ấn Độ còn tên Việt là gì thì tôi không biết.

Tôi nghĩ việc chữa bệnh của tôi bằng lá cây chắc chấm dứt từ vụ kiểm tra này, nhưng không phải vậy. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã chỉ thị cho Vụ dược chính cử một cán bộ chuyên môn theo tôi lên rừng, chụp hình các loại thuốc tôi đã hái, dịch tên Ấn Độ qua tên Việt Nam, vào sổ thành một danh mục cẩn thận và qui trình tôi sử dụng nó như thế nào vào việc chữa trị các loại bệnh. Tôi thật mừng. Vì công việc chữa bệnh cứu người bằng cây lá không tốn kém tiền bạc của tôi đã được cơ quan chuyên môn (Bộ Y tế) chấp nhận và quan tâm, giúp đỡ. Từ đây, "việc giúp cho đời" của tôi không có gì trở ngại nữa. Hay tin này, anh chị em đồng hương miền Nam khuyến khích tôi lắm. Nhiều người bệnh được tôi chữa khỏi, đã tích cực tìm cây thuốc giúp tôi. Bạn bè đi công tác ở vùng cao cũng nhờ dân địa phương tìm giúp, kho thuốc của tôi vì thế mà nhiều và phong phú thêm.

Năm 1962, tôi bước vào tuổi sáu mươi hai, tôi không làm chủ nhiệm hợp tác xã xe ba gác nữa, tôi được chuyển qua cơ quan nghiên cứu đông y của Ban đông y, Bộ Y tế. Nói là nghiên cứu thì phải có các bài viết đúc kết kinh nghiệm thực tiễn về chữa trị bệnh bằng phương pháp đông y có hiệu quả và còn hạn chế như thế nào hoặc có công trình nghiên cứu về các loại cây thuốc nam v.v… nhưng tôi vốn không phải là người viết lách giỏi ở lĩnh vực này, nên công việc chủ yếu của tôi là chữa bệnh bằng kinh nghiệm thực tế. Tình hình thuốc Tây còn kham hiếm, hơn nữa đất nước vẫn còn nghèo, một nửa đang chiến tranh, cần sự chi viện, hỗ trợ của hậu phương miền Bắc, nên miền Bắc phải thắt lưng buộc bụng vì miền Nam. Vì vậy, chữa bệnh bằng cây thuốc nam có hiệu quả, là đã tiết kiệm được một phần ngân sách cho Nhà nước. Tôi thấy công việc mình làm có ý nghĩa như vậy, nên rất vui vẻ, không nhận thù lao, không nhận bất cứ đồng bạc nào của bệnh nhân. Bệnh nhân thì nhiều, không sao nhớ hết, nhưng có những trường hợp cảm động, khiến tôi nhớ mãi.

Dạo còn ở khu Ba Đình, gần nhà tôi có một cửa hàng bán gạo. Hàng tháng mua gạo, phải đứng xếp hàng. Cô nhân viên bán gạo, thấy tháng nào cũng có một ông già miền Nam đi một mình đến xếp hàng mua gạo, cô hỏi thăm, biết tôi ở một mình, phải đi chợ, tự nấu ăn và làm mọi thứ. Cô thông cảm và đề nghị được nhận giữ sổ gạo của tôi, để hàng tháng cô đong sẵn tôi đến lấy, hoặc tiện thể cô chở về nhà hộ tôi. Đôi lần ghé lại, cô thấy tôi chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân, cô mới mạnh dạn tâm sự là cô đang có khối u ác tính ở vú, người ta đoán là ung thư. Cô không dám nhận lời yêu người thanh niên đang hết lòng yêu thương cô, vì sợ mình không mang lại hạnh phúc cho người ấy. Thấy cô tuyệt vọng thật là tội nghiệp. Tôi an ủi cô:


- Cháu an tâm. Bệnh này mới ở giai đoạn đầu, bác sẽ chữa khỏi cho cháu, để cháu có gia đình, có con cái và hạnh phúc.

Nghe vậy, cô gái bật khóc và nói như van nài:

- Bác ơi! Bác cứu cháu với. Mọi người nói bệnh này chỉ có chờ chết và trị tốn kém lắm. Cháu đâu có tiền mà hy vọng sống.

Tôi nói quả quyết để trấn an cô gái "Cháu hãy tin, bác nói chữa được là được". Gương mặt cô gái bừng sáng.

Hàng ngày cô vẫn đi làm, cô tạt qua chỗ tôi nhận thuốc về nấu uống và đắp thuốc. Khoảng ba tháng sau, khối u biến mất. Cô mừng quá, đến xá, lạy tôi và xin tôi nhận cô làm con nuôi. Hai năm sau cô có gia đình và sinh được hai đứa con một gái, một trai. Ngày nghỉ, vợ chồng cô đưa các con đến chơi, chúng gọi tôi bằng ông ngoại thật vui.


Một bệnh nhân khác, quê ở Phù Mỹ, Bình Định, đi tập kết, lấy vợ người Yên Dũng, Hà Bắc, có đến năm đứa con. Cậu này bị bệnh viêm thần kinh tọa, gây đau nhức và teo cơ cả hai chân, một chân bị liệt chỉ còn da bọc xương. Anh em đồng hương miền Nam đến thăm, cậu khóc, vì nghĩ mình sẽ chết trên đất Bắc, không nhìn thấy được ngày Bắc Nam sum họp. Mọi người an ủi. Cậu ta kể đã đi điều trị hết tất cả các bệnh viện đông tây y tám năm liền mà bệnh không thuyên giảm. Tôi kêu người nhà cậu ta chở đến nhà tôi, ở hẳn đó cho tôi theo dõi và chữa trị.

"Con bệnh" này thật dễ thương, nghe răm rắp theo thầy thuốc và rất có nghị lực, siêng năng tập tành. Thế là sau ba tháng điều trị, cậu ta lên được hơn 8 kí lô. Người nhà đến đón về, mặt ai cũng tươi rói. Gần một tháng sau, từ Hà Bắc, cậu chở 30 kg gạo về Hà Nội cho tôi. Hôm đó, có anh em miền Nam đến chơi, người con nuôi của tôi là Lưu Tấn Đức công tác ở Sơn La về, gửi cho tôi một gùi thuốc nam, đã chứng kiến cảnh "hồi sinh" của cậu bệnh nhân này, mọi người vui mừng và kinh ngạc khi nhìn đôi chân teo tóp trước đây, nay đầy đặn và đạp xe mấy chục cây số, còn chở 30 kg gạo cho tôi. Một bác sĩ ở bệnh viện E Hà Nội, bằng tấm lòng lương y, đã viết thư biểu dương, khuyến khích tôi tiếp tục làm nghề, có gì khó khăn cứ đề xuất cho Bộ Y tế hỗ trợ. Tôi nói với anh em và cả các con nuôi của tôi:


- Làm gì giúp ích cho con người thì cứ làm. Đừng đòi hỏi hay mong chờ người ta báo đáp, đừng lợi dụng nghề nghịệp mà bóc lột bệnh nhân là không có đạo đức.

Từ mấy ca bệnh hiểm nghèo này được tôi chữa khỏi, có người kêu tôi kể cho họ nghe để họ viết bài, gởi báo y học thế giới lãnh nhuận bút xài, tôi cũng nói lại lời đã nói với các cháu tôi. Sau đó một linh mục đến gặp tôi, nhờ tôi chữa bệnh cho một cha xứ ở khu 4 (Thanh Hóa) bị bệnh tràng nhạc (nổi hạch độc quanh cổ), đây là một dạng ung thư. Tôi đã trị khỏi. Vị cha xứ này nói:

- Nếu ông cần mua một căn nhà ở Hà Nội, tôi mua ngay để đền ơn ông. Tôi nói với ông ấy: "Tôi ở nhà Nhà nước và Nhà nước phát lương cho tôi. Tôi biết trị bệnh là trị cho dân, trách nhiệm của tôi".


Vị linh mục này biết tôi từng đi tu phật, nên sau khi cảm ơn và chia tay tôi, ông đã nói: "Các bậc chân tu thánh thiện của Phật giáo hay Thiên Chúa giáo đều muốn làm cho đẹp đời, đẹp đạo, đều vì con người và cứu người". Tôi không giải thích gì, nhưng cảm thấy mừng vì trong nhận thức, người ta không còn phân biệt giữa hệ tu này, tu khác, mà đã nhận ra chân tu là hướng cái tâm về chân, thiện, mỹ.

Năm 1964, giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Lúc này tôi đã nghỉ hưu, chuyển về ở Nghĩa Đô. Lúc bấy giờ, anh em miền Nam tập kết cùng cán bộ miền Bắc đã có nhiều đợt đi B (vào miền Nam chiến đấu). Nhà tôi ở Nghĩa Đô, thường là điểm hẹn của anh em đồng hương về miền Nam. Mỗi lần gặp nhau, anh em ngồi vây quanh chiếc đài bán dẫn (ra-đi-ô) để nghe tin tức miền Nam. Nghe tin chiến thắng là anh em ôm nhau mừng, nhảy hét hò như trẻ con vậy. Còn tin giặc thảm sát đồng bào ta, cùng đồng bào cả miền Bắc, anh em cũng hô muốn bể lồng ngực: "Tất cả cho miền Nam, tất cả để đánh thắng quân thù”. Lúc ấy, trên đài có chương trình "Tiếng hát gởi về Nam". Nghe thật tha thiết, tình cảm Nam Bắc thật thiêng liêng, ở Hà Nội có hẳn một con đường mang tên Nam Bộ. Tôi nhớ có lần Huỳnh Thiện Phương, trước khi đi B, ghé lại nhà, kêu tôi đặt trúm, bắt lươn về nấu canh chua để anh em ăn chia tay. Trong bữa cơm, anh em hứa hẹn với nhau, mỗi người về Nam, làm việc gấp đôi, gấp ba cho người còn ở lại (Thiện Phương sau này phụ trách tham mưu trưởng Sư đoàn 8). Sau này, thành nếp quen một vài tuần, anh em lại kéo đến nhà tôi. Còn tôi, có nhiệm vụ "tự túc" lương thực, thực phẩm chờ anh em đến để bồi dưỡng, rồi anh em lại chia tay mỗi người mỗi ngả. Có người về Nam chiến đấu, vĩnh viễn ra đi…


Khi tôi không còn làm việc ở cơ sở nghiên cứu đông y, các bệnh nhân vẫn tìm đến Nghĩa Đô nhờ tôi chữa bệnh.

Một hôm trong lúc đi phố ở Hà Nội, tôi tình cờ gặp một người đàn ông đang được người đàn bà dắt đi một cách khó nhọc. Người đàn ông bị méo miệng,tay run rẩy hay co giật, chân đi lựng khựng từng bước một. Tôi đi theo họ, quan sát và nói:
- Bệnh của anh, tôi sẽ chữa khỏi. Anh về, nói người nhà đưa đến nhà tôi.

Tôi nói và lấy bao diêm quẹt, ghi địa chỉ nhà cho anh ấy đến. Hôm sau họ đến, tôi mới biết cả hai là vợ chồng và đều là bác sĩ cùng làm việc ở Đại học Y Dược Hà Nội. Bệnh của anh được chữa rất nhiều thuốc nhưng không thuyên giảm. Có người khuyên tôi:


- Người ta là bác sĩ. Nhiều bác sĩ đã chữa không hết. Anh nhận chữa sẽ mất uy tín đó!

Tôi giải thích cho mọi người hiểu đây không phải là vấn đề uy tín (tất nhiên tôi luôn trọng uy tín và danh dự thầy thuốc của mình), mà vấn đề cứu người là trên hết, nếu làm hết cách, mà không được thì chịu bó tay.

Bằng phương pháp bấm huyệt kết hợp với đánh thuốc cao (cây thuốc nấu thành cao) và thuốc rượu, mỗi lần 15 phút, làm liên tục khoảng 10 lần như vậy, miệng người bác sĩ này hết méo, tay hết co giật; chân đi lại bình thường. Hôm ấy nhà tôi có nhiều bệnh nhân. Anh ta vừa chạy quanh sân vừa vung tay cho mọi người xem. Vợ anh mừng quá kêu lên:

- Cụ ơi! Mọi ngày, cháu còn phải đút cơm cho anh ăn. Mọi sinh hoạt đều phải có người giúp.


Nghe chị vợ nói, tôi lật đật vào bếp bới chén cơm và mời anh ăn. Anh ta tự bưng chén và cầm đũa ăn ngon lành (có lẽ vì mừng nên anh ăn ngon như vậy).

Thấy bệnh nhân hết bệnh vui, tôi cũng vui lây. Vào thời điểm này, thuốc đã hết và nhiều vị thiếu, vì bệnh nhân đến chỗ tôi ngày càng đông. Hay tin này, nhiều anh em đi công tác các tỉnh vùng núi, trung du, trong đó có những bệnh nhân tôi điều trị khỏi, đã xung phong đi tìm thuốc giúp tôi, để tôi có thời gian trị bệnh. Có người gùi đến cả bao. Thấy vậy, tôi đòi trả tiền công, họ kêu lên:


- Trời ơi! Ông bỏ công trị bệnh cho mọi người, không lấy của ai một xu, chúng tôi giúp ông tìm thuốc mới đúng đạo lý con người chớ!

Nhờ có nguồn thuốc mới này, tôi trị được cho vài chục bệnh nhân nữa, trong đó có một ca khi gặp tôi đã trăn trối:

- Anh Ba ơi! Chắc em không trở về miền Nam được rồi! Hai đứa con em còn ở lại miền Bắc, có gì anh thay mặt em, dạy bảo các cháu! Đứa nào có vợ, anh làm chủ hôn…

Nghe anh ta nói vậy, tôi đến xoa lên cái bụng đang sưng như cái trống chầu của anh và đùa:

- Sao, có thai tháng thứ mấy, tôi đỡ đẻ cho. Nói vậy chớ bệnh của anh tôi cho uống 150 thang thuốc, 149 thang cũng không khỏi.

Hai người con trai anh này vừa tốt nghiệp trường sĩ quan ra. Thấy ba mình bệnh, mặt hai cậu buồn rũ. Tôi an ủi:
- Hai cháu cứ về đơn vị làm việc. Để ba cháu lại bác nấu cho đủ 150 thang thuốc để ba cháu uống xong là vượt Trường Sơn về Nam cùng bác.


Người bệnh đặc biệt này của tôi hiện còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng kêu các con chở về Rạch Giá thăm tôi. Lần gần nhất, cách đây cũng bảy năm rồi.

Lần chữa bệnh này được xem là lần cuối cũng trên đất Bắc, thật đặc biệt và xúc động. Hôm ấy khoảng giữa tháng Chạp năm 1974, có một đoàn sĩ quan cao cấp trong Quân đội đến nhà tôi, trong đó có một số anh em đồng hương miền Nam. Thấy tôi đang nấu thuốc cho bệnh nhân, anh em chào tôi và nói:

- Miền Nam thắng lớn như chẻ tre. Anh truyền nghề cho một số anh chị em ở tại miền Bắc, còn anh thì chuẩn bị về miền Nam, ngày giải phóng miền Nam gần lắm rồi!

Trong nhà tôi có treo một bản đồ Việt Nam. Hàng ngày, tôi theo dõi trên đài, giải phóng tới đâu, tôi lấy bút chì đỏ tô màu đến đó. Người con nuôi của tôi là kiến trúc sư, mỗi lần về thăm tôi, đều mang sách báo viết về miền Nam cho tôi đọc. Tôi thích tập thơ Nước non ngàn dặm của anh Tố Hữu. Tôi đọc hoài đến thuộc làu. Nghe anh em nói vậy, tôi liền đọc mấy câu thơ Tố Hữu nói đúng tâm trạng mình:


Nửa đời tóc ngả màu sương
Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê
Đường về như tỉnh như mê
Đường ra phía trước đường về tuổi xanh
Đã đi muôn dặm xa gần
Nay về Nam cũng bước chân bồi hồi
Sông Bến Hải bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương…

Anh em đồng thanh đọc với tôi. Mấy anh em quê miền Nam rơm rớm nước mắt. Vì là bí mật quân sự, hơn nữa tôi biết anh em đang chuẩn bị đi chiến trường nên tôi không hỏi bất cứ tên ai trong đoàn, tôi nói với tất cả:

- Tôi biết anh em mình đã được kiểm tra sức khỏe đặc biệt trước khi đi đánh một trận cuối cùng giành thằng lợi quyết định. Bây giờ anh em nào cần tôi giúp gì, khó khăn như thế nào tôi cũng sẽ làm được.


Một anh cho biết có chứng mất ngủ cả chục năm nay; anh khác bị viêm đầu thống, anh thì bao tử, anh thì đại tràng, anh khác tiểu gắt, thận… Tất cả đều đã được chữa trị ở nước ngoài. Nhìn những gương mặt gọi là bệnh nhân mà tươi rói ấy, tôi biết các anh đang nóng lòng về miền Nam để "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" để Bắc Nam sum họp như mong ước của Bác Hồ xóa nỗi đau đất nước bị chia cắt 20 năm.

Lần chữa bệnh ấy, anh em chia tay nhau. Sau này, tất cả anh em có liên hệ lại và cho tôi biết, bệnh của họ đã khỏi ngay sau lần trị đó nên tất cả đều phấn khởi và mong gặp tôi tại thành phố mang tên Bác.

Đúng như lời hẹn ước trong lần chữa bệnh cho anh em đi chiến đấu ở miền Nam, ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước toàn thắng. Tôi vẫn là người không có tài sản, chỉ có tấm lòng đi theo Đảng và một nghề làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người nên một tháng sau ngày giải phóng, tôi một thân một mình, nhảy xe theo bạn bè về Nam.


Hai mươi năm trên đất Bắc, hậu phương lớn nuôi tôi và những đứa con miền Nam, bằng những hạt gạo ân tình còn sẻ nửa cho miền Nam chiến đấu. Vì miền Nam lớp lớp thanh niên miền Bắc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Nôn nao nỗi nhớ quê nhà hai mươi năm xa cách, nhưng xa nơi gắn bó hai mươi năm, lòng lại bồi hồi, thật khó tả. Người ta nói "đất hóa tâm hồn" đúng là vậy!

(Còn tiếp)

Nguồn: Phật sống Lưu Công Danh. Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi. NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Toi la nguoi da tung duoc gap phat song Luu Cong Danh vao nhung nam cuoi the ky 20 va dau the ky 21. Nhin be ngoai cu dung la mot cu gia nhu muon van cu gia khac !nhung chi khac la tam cu dung la mot ngon den pha soi sang tam nguoi. Toi rat biet on cu vi qua cu vi qua cu tam toi da dan dan thuc tinh va nhan ra chan ly dich thuc cua cuoc song ,!...