Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Phật sống Lưu Công Danh (3)

Chương 5

NHẬP QUỐC TỊCH ẤN ĐỘ

Tôi hoàn toàn mù mịt về tin tức quê nhà. Một cuộc ra đi như là nhắm mắt đưa chân, tôi đã mất phương hướng. Bây giờ trên đất khách quê người, tôi muốn giữ cho mình còn mạng sống, để một ngày trở lại quê hương. Mà người giữ mạng sống cho tôi, người tôi mãi mãi chịu ơn là ông I-bra-him và gia đình ông. Tôi không còn con đường nào khác để chọn lựa. Tôi xót xa nghĩ đến cảnh nước mất nhà tan...

Ông I-bra-him vô cùng mừng rỡ khi tôi đồng ý làm thành viên trong gia đình ông. Ông đặt tên Ấn Độ cho tôi là Hăc-xa-cốp Chan-dra và xin cho tôi được nhập quốc tịch Ấn Độ. Đám cưới của tôi được tổ chức tại Phnôm-Pênh theo nghi thức, phong tục của người Ấn Độ. Tôi được nhận của hồi môn là một cửa tiệm tôi đang quản lý trông nom, cha mẹ vợ mua thêm một căn nhà để vợ chồng tôi ra riêng. Hôm làm lễ cưới trên chùa, tôi mới nhìn rõ mặt An-na Ma-ri - vợ tôi. Từ trước đến nay, nàng ở nhà với mẹ, tôi chỉ nhìn loáng thoáng những lúc đến cửa tiệm ông bà I-bra-him quản lý, chứ chưa từng nói chuyện, chưa từng giáp mặt. Giờ đây, nàng trở thành vợ tôi. Nàng có thân hình cao ráo, cân đối với một gương mặt đẹp, phúc hậu. Tôi choáng váng trước vẻ đẹp thanh thoát này, nhưng lòng se lại vì tội nghiệp cho nàng chẳng quen biết tôi, có biết chăng chỉ nghe tên anh chàng làm công như mấy chục người làm công cho gia đình nàng.

Đám cưới xong, tiễn khách khứa ra về hết, cha mẹ vợ dặn dò hai vợ chồng đôi câu rồi về tiệm vải. Tôi và An-na Ma-ri ở lại căn nhà riêng của cha mẹ vợ tặng. Nàng không biểu lộ cảm xúc gì, gương mặt nhẹ nhàng, bình thản. Còn tôi lại trào dâng một tình cảm tội nghiệp xen lẫn sự quí trọng người con gái, lẽ ra với địa vị và nhan sắc của nàng, nàng có thể lấy một người chồng giàu có, gia đình môn đăng hộ đối với gia đình nàng. Nhưng vì lời hứa của cha mẹ, nàng bằng lòng đám cưới với anh chàng làm công tứ cố vô thân như tôi. Thật tội cho nàng. Tôi đang bâng khuâng nghĩ ngợi, thì nàng vào phòng riêng khóa trái cửa lại, không nói một lời nào với tôi.

Tôi ngồi lặng lẽ nơi phòng khách, lấy chai rượu Martell nhấm nháp mà thấy lòng nặng trĩu. Mùa cưới ở xứ mình vào tháng Một, tháng Chạp âm lịch(1). Đám cưới của tôi giữa mùa thu. Đó là một ngày nắng ráo, đẹp trời ở Phnôm-Pênh. Đêm ấy trời không lạnh, mà tôi cảm giác như mình đang trầm trong nước. Bốn bề vắng lặng như tờ. Tôi bước lại cửa phòng An-na Ma-ri gõ nhẹ nhàng từng tiếng một. Mấy lần gõ, phòng vẫn khép chặt. Tôi vào phòng mình. Tôi biết nàng sẽ luôn luôn giữ một khoảng cách với tôi.

Sáng hôm sau, tôi đến cửa hàng vải, mở cửa buôn bán bình thường. Khách càng đông hơn. Tôi bây giờ là con rể một người có tiếng tăm ở Phnôm-Pênh. Vị thế khác hơn, mối quan hệ rộng hơn. An-na Ma-ri ở nhà trông coi người giúp việc. Khi tôi trở về nhà, cơm nước có sẵn, nhưng nàng chưa bao giờ ngồi ăn cơm chung với tôi. Tháng ngày trôi qua, công việc buôn bán ở tiệm vải luôn bận rộn, tôi như quên nỗi buồn riêng này. Hơn nữa, cuộc đời tôi từng nếm trải bao đắng cay vất vả, cũng đã trải qua những đắng cay trong tình cảm riêng tư, tôi sẽ vượt qua được thử thách này. Tôi nhớ lời ông I-bra-him:

- Tôi sẽ bảo ban được con gái tôi. Miễn sao anh luôn giữ được đức tính thật thà, hiền lành. Sau này vợ chồng tôi già, sẽ nương tựa vào vợ chồng anh.

Ông I-bra-him đã đặt trọn niềm tin nơi tôi. Nhưng giờ đây tôi chưa thuyết phục được An-na Ma-ri. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm cho nàng hiểu tôi không phải là kẻ lợi dụng nàng và gia đình nàng. Tôi là người chịu ơn gia đình nàng và phải có trách nhiệm với nàng. Thật khó cho tôi là An-na Ma-ri luôn tìm cách lánh mặt tôi. Phòng riêng của nàng luôn khóa chặt. Tôi cắn răng không nói cho cha mẹ vợ biết chuyện gia đình vợ chồng tôi. Ông bà cứ tưởng chúng tôi sống đầm ấm lắm. Bà mẹ vợ lâu lâu lại thúc chúng tôi mau cho ông bà bế cháu, vì chúng tôi cưới cả năm rồi.

Một năm trôi qua, cuộc sống của tôi không có gì thay đổi. Đôi lúc tha thẩn từ tiệm vải về nhà riêng, tôi thấy lòng trống trải, tôi lặng lẽ đến nhà hàng uống vài ly cô-nhắc, rồi về nhà nằm một mình trên chiếc giường rộng thênh thang. Sau đó, lại vùi đầu vào công việc để không còn thời giờ nghĩ vẩn vơ.

Buổi trưa, tiệm vải vắng khách, ông I-bra-him đến bên tôi và nói:

- Gia đình chúng ta sẽ về Ấn Độ, ba muốn đưa hai con về thăm quê hương và làm lễ cầu trời phật ban phước lành cho hai con.

Tôi “dạ”, nhưng không biểu lộ trên gương mặt niềm vui hay nỗi băn khoăn nào nên ba vợ tôi đinh đinh là tôi mong đợi ngày đó. Chính ba vợ tôi tự tay hóa trang cho tôi bằng cách châm cứu hóa chất làm cho nét mặt tôi giống người Ấn Độ, sẵn nước da tôi ngăm đen nên khi hóa trang và nói tiếng Hin-đi, trình hộ chiếu Ấn Độ, không ai phát hiện ra tôi là người Việt Nam.

Chuyến tàu khách của hãng Messagerie Maritime từ bến cảng Nhà Rồng đưa cả gia đình vợ tôi và tôi đi Ấn Độ. Vừa đặt chân đến Sài Gòn và đến cảng Nhà Rồng để xuống tàu đi Ấn Độ, tôi ứa nước mắt và thấy lòng đau nhói khi nhìn quanh ở đâu cũng có lính Pháp. Tôi muốn ở lại, nhưng giờ đây tôi đang mang quốc tịch Ấn Độ, tôi đã có vợ... Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, gia đình tôi đã về đến Niu Đê-li. Ở đây, họ hàng bên vợ tôi có mấy ngôi biệt thự. Họ hàng dành một ngôi đẹp nhất cho gia đình tôi ở. Sau khi giới thiệu tôi với họ hàng, cha mẹ vợ đưa vợ chồng tôi đi du ngoạn một số nơi ở Ấn Độ, rồi làm mấy cuộc lễ để xin thần phật ban phước lành cho vợ chồng tôi. Tôi ngồi cạnh An-na Ma-ri, chắp tay, quì nghe mấy vị cao tăng đọc kinh và liếc nhìn nàng, vẫn gương mặt lạnh như tiền. Tôi hiểu, nàng chỉ làm cho cha mẹ vui, chứ trong lòng nàng không có niềm tin và chẳng có tình yêu với tôi. Tôi nuốt đắng cay đang trào dâng lên cổ và tự trách mình vì sao lúc ở bến Nhà Rồng, đã có một phút do dự mà không quyết định ở lại. Giờ đây thêm bao nhiêu dặm đường xa. nơi xứ sở cách đất nước mình vời vợi, biết làm sao để khỏi mang nỗi tủi nhục bị một người con gái khinh thường như thế này?

Chương 6
QUYẾT ĐỊNH ĐI TU

Ở Niu Đê-li vài tháng, tôi nghe người ta tuyển người đi Tây Phương tu Phật. Đã tuyển được hai người, chỉ cần thêm một người nữa là làm lễ tiễn đi. Tôi quyết định được đi tu. Vì ở nhà sống cảnh chồng vợ như thế này mà phải ngậm đắng nuốt cay, không hé răng cho gia đình vợ biết, thì có khác nào tôi tự tra tấn mình. Thôi thì, thà đi tu nghe đọc kinh kệ, hướng về cõi phật còn hơn. Đây là cách giải thoát cho mình lúc bế tắc này. Tôi đã nói với một vị sãi cả là tôi xin đi Tây Phương.

Chuyện tưởng như giản đơn là đi tu để giải thoát cho mình, không ngờ chuyển sang một tình thế khác. Một hồi chiêng trống được cất lên tưởng chừng như không dứt để báo tin vui cho phật tử khắp vùng biết có người sẽ đi tu Phật. Mọi người ùa đến, vây kín lấy tôi và kính cẩn cúi chào, nét mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ. Có người quì xuống chân tôi và cúi hôn. Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi nhìn lên, thấy cha vợ tôi dắt tay An-na Ma-ri, lách đám đông, tiến thẳng về phía tôi một cách khó khăn. Ma-ri tới, nàng chắp tay xá tôi như xá một người đắc đạo. Gương mặt ngày thường lạnh tanh của nàng biến đâu mất, mà quì trước tôi là một An-na Ma-ri ngoan ngoãn, thành kính với nét mặt đầy xúc động. Mặt tôi nóng bừng, trào dâng niềm cảm xúc mới mẻ.

Theo tục lệ dành cho người đi tu, tôi phải ở lại chùa bảy ngày để làm lễ và xông hương, sau đó trở lại từ giã gia đình. Khi vào chùa để làm các công việc này, tôi được thay ngay bộ đồ cà sa, ngồi thiền định trước bàn thờ phật tổ. Suốt một tuần đó, ngày nào cha mẹ vợ và vợ tôi cũng đến chùa quì sau lưng tôi, khi về, họ cúi xuống trước mặt tôi, xá rồi ra về. Còn tôi, bảy ngày bảy đêm ngồi thiền định như vậy không nhúc nhích, không nói, không nhìn ai, ngủ cũng trong tư thế đó.

Hết ngày thứ bẩy ngồi thiền ở chùa, chiều hôm đó, cả họ hàng bên vợ tề tựu trước cổng chùa để rước tôi về gia đình. Tòa biệt thự đẹp nhất nơi gia đình chúng tôi ở chật ních người. Tôi được đặt giữa đại sảnh và tất cả mọi người vây xung quanh. Đây là phước lớn của dòng họ vì có người đi tu phật, nên niềm vui mừng khôn xiết đối với họ. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, thành kính, hương trầm tỏa ngát. Tôi ngồi thiền định một tay duỗi thẳng trước ngực, một tay đặt trên tấm áo cà sa vàng bằng lụa.

Đến khuya, mọi người tản ra dần và đi nghỉ hết. An-na Ma-ri vẫn quì trước mặt tôi, hai tay thành kính chắp trước ngực, đầu cúi, mắt khép hờ như chờ đợi tôi có điều gì sai bảo. Tôi đứng lên lặng lẽ đi về phòng. Mấy ngày ngồi thiền, tôi chưa quen nên thấm mệt. Tôi nằm đăm đăm nghĩ ngợi về cuộc đời mình lại bước sang một bước ngoặt mới như là số phận được an bài. Bỗng An-na Ma-ri khẽ đẩy cửa, bước vào phòng tôi. Sau hơn một năm thành chồng vợ, đây là lần đầu tiên nàng chủ động bước vào phòng tôi. Nàng đến bên giường quì xuống, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi. Tôi nằm im. Nàng vẫn ngồi lặng thinh. Tôi ngồi dậy. Cả hai cùng im lặng một lúc lâu, tôi đưa tay nâng nàng đứng dậy và đưa tay choàng qua hông nàng. An-na Ma-ri cúi đầu và đi giật lùi ra ngoài. Lát sau nàng quay trở lại, trên người mặc một tấm áo ngủ vải voan mỏng may kiểu Châu âu, chứ không quấn chặt xà rông nhiều lớp kín mít như mọi ngày. An-na Ma-ri đến với tôi bằng tất cả sự nồng cháy, yêu thương của một người vợ, một người yêu. Nét lạnh lùng ngày thường biến mất. Bên tôi, một An-na Ma-ri kiều diễm, quí phái, dịu dàng, nàng đã cho và được nhận một tình yêu đích thực. Nhưng hạnh phúc và cuộc sống chồng vợ của tôi và Ma-ri thật ngắn ngủi, tôi đã phải đi tu phật.

Suốt một tháng trời được phép về gia đình, lúc nào An-na Ma-ri cũng ở bên tôi. Đến ngày phải lên đường, cả gia đình tiễn tôi đến chùa. Cờ phướn rực rỡ. Những người đi tu phật được đi trên những chiếc kiệu. Vợ tôi quì bên đường, đọc kinh tiễn tôi.

Một tháng bên nhau nồng mặn yêu thương, An-na Ma-ri đã mang giọt máu của tôi. Trong khi tôi đang len lỏi đi trong rừng già Ấn Độ, đói khát, hiểm nguy rình rập dọc đường, thì Ma-ri sinh hạ cho tôi một đứa con trai, đặt tên là Xô-Chim. Đó là mùa xuân năm 1935, tôi đã được làm cha mà tôi không biết.

Hai người bạn đi tu Phật cùng tôi, đã rẽ mỗi người một hướng. Tất cả đều đi chân trần. Một tháng đầu tôi đi trên những con đường mòn, không gặp nhà cửa, không có người, nhưng lâu lâu lại thấy có một cái am nhỏ, có trái cây và nhang đèn. Tôi thắp nhang vái tạ và lấy hết trái cây cho vào túi để ăn dần. Mấy bài kinh học được tôi luôn đọc lẩm nhẩm dọc đường. Nhờ vậy quên được phần nào những vất vả gian truân. Nhiều cơn đói làm tôi hoa mắt. Tôi phải tập ăn các thứ lá, các loại trái mà chim ăn (không độc). Đêm thì trèo lên cây ngủ để tránh rắn, thú rừng ăn thịt. Trước khi tiễn những người lên đường đi tu Phật, người ta dạy cho mỗi người phân biệt những loại lá cây để chữa bệnh: rắn cắn, đau răng, gãy chân tay... tôi thuộc lòng để tự vệ và chữa trị cho mình khi cô độc giữa rừng.

Trong những tháng ngày đi thăm thẳm trong rừng, tôi chỉ biết dùng nghị lực để chiến thắng hiểm nguy gian khổ để đi đến đích chứ chưa hình dung được đi tu đắc đạo, thành Phật rồi làm gì? Nhưng với ý chí và nghị lực tôi tin mình sẽ thành công. Đi hơn nửa năm trời như vậy, tôi mới tới một cảnh chùa. Tôi mừng như muốn reo lên. Ở đây, tôi tiếp tục được chỉ dạy cách đi trong rừng, cách dùng lá cây xoa lên người để sống chung với các loại rắn độc. Chính tôi đã tận mắt thấy người ta nằm trong cảnh chùa nhung nhúc rắn, rắn bò vào cả áo cà sa người đi tu. Đi tu phật gian khổ hơn tu thường. Nếu đã đi tu Phật là phải tu cho đắc đạo. Nếu vì gian khổ mà quay trở về, không phải chỉ có bị phỉ nhổ vào mặt mà có khi còn bị giết, vì người ta nghi mình là qủi dữ, bị đuổi về. Cho nên, những người đi tu phật đã tình nguyện đi là họ không quay về, không bỏ trốn, nếu họ chết trên đường đi cũng được coi là đắc đạo. Đó chính là những vị bồ tát tử vì đạo.

Đi qua mỗi cảnh chùa, phải học hàng chục bài kinh, phải thật thuộc mới được đi tiếp. Mỗi cảnh chùa, phải học hàng năm mới thuộc hết kinh. Tôi học thuộc kinh nhanh hơn người khác là vì tôi biết chữ. Khi người đi tu Phật thuộc các bài rồi phải ngồi thiền và phải đọc lại cho thật nhuần nhuyễn mới được tiễn đi tiếp. Ai chưa thuộc thì ở lại học tiếp.

Tây phương không phải là Tây Trúc mà thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. Tây phương thuộc vùng đất phía Bắc của Ấn Độ, phía Tây của Tây Tạng. Những người đi tu đến đây đều phải đi bằng chân đất, men theo những ngọn núi của rặng Hy-ma-lay-a thăm thẳm rừng già, cheo leo vách núi, thác đổ ầm ào, dây rừng chằng chịt, có khi đi hàng tháng trời cứ lạc loanh quanh trong rừng lại trở về chùa cũ đã đi qua. Tất cả người đi tu Phật trong rừng đều phải học lấy tiếng trong rừng - hay là tiếng rừng - để biết đường đi, để tìm được miếng ăn. Ví dụ: nghe tiếng thác đổ là biết có vực phía trước mà tránh. Vì vực thẳm, té xuống là rũ xương luôn tại đó. Lắng nghe tiếng chim hót, chim vỗ cánh để biết nơi nào có trái ăn - chim ăn là người ăn được. Người đi tu phật trong rừng chỉ có ăn lá và trái rừng để sống. Mọi thứ bệnh trong rừng cũng được chữa trị bằng lá cây.

Những ngôi chùa trên đường đi trong rừng đủ kiểu. Trong mười cảnh chùa tôi đi qua, chỉ có ba chùa nằm trong rừng, trong hang núi, cũng có cái lớn, các bệ thờ là những bệ đá được gọt đẽo tạo thành. Còn các cảnh chùa khác, đều do con người tạo nên, mỗi người góp vào một chút. Có người trên đường đi, biết mình không đi được nữa, tìm cách đắp thêm cho cảnh chùa; có người muốn sau này có người thờ mình, tự tạo nên cái am ngay bên cạnh rồi tu tại đó, sau khi viên tịch, người tại chỗ hỏa táng cho rồi tạo một nơi cắm hương hoa, đọc kinh siêu thoát và thắp nhang hàng ngày như các bồ tát khác viên tịch.

Cảnh chùa Tây Phương là chùa cuối cùng của mười chùa tôi đã đi qua. Khi thuộc làu hết kinh trong chùa, vị sư trụ trì trong chùa nói đã hết kinh dạy cho tôi. Tôi học kinh như vậy là đủ và chặng đường đi kéo dài gần mười năm để qua mười cảnh chùa trong rừng hoang vắng như vậy coi như tôi đã đắc đạo thành Phật rồi. Tại chùa Tây Phương, tôi cần có thời gian để ngồi thiền và đọc lại tất cả các bài kinh tôi đã học qua mười cảnh chùa. Tôi đã đọc đến mấy tháng trời (không nhìn sách). Một hôm trong khi tôi đang đọc, vị sư trụ trì vào nói tôi thôi không đọc nữa mà hãy trở về giúp ích cho đời - tôi đã trở thành Phật sống!

Nghe vị sư nói thế, tôi nghĩ ngợi: giúp ích cho đời là sao? Chắc thời gian đi trong rừng sáu, bảy năm trời gian khổ và được học nhiều bài thuốc trị bệnh từ các loại lá rừng, nên bây giờ trở lại dùng chúng giúp ích cho đời chăng? Nếu như thế cũng chẳng uổng phí công hàng chục năm tôi đi trong rừng nhịn đói, khát, sống chung với rắn độc, thú rừng và tin mình không bị chúng cắn chết vì đã có một kho thuốc quí giữa rừng. Tôi rất vui.

Vị trụ trì chuẩn bị cho tôi trở về với đời bằng hai viên ngọc, bọc kỹ trong hai cái túi. Ông không hề giải thích gì, chỉ nói hai viên ngọc này giúp tôi thoát mọi tai ương. Tôi cảm động đeo hai viên ngọc vào cổ rồi tới quì trước mặt từng người đọc hết một bài kinh chúc phước để từ biệt rồi lặng lẽ ra đi. Các vị sư vẫn ngồi thiền và đọc kinh, không ai đứng lên tiễn tôi, lúc ấy trời vừa sẩm tối. Những năm tháng đi trong rừng, tôi đã tập được thói quen ngồi thiền đọc kinh và khi ngồi cũng ngủ được, đi đường cũng ngủ được, miễn sao tránh được không rơi xuống vực thì tôi cứ đi cả đêm lẫn ngày, mệt quá thì ngả lưng nghỉ ngơi.

Tôi mất mấy tháng đi đường rừng, mấy tháng men theo sườn núi mới tới những con đường xẻ xuôi xuống đồng bằng. Xóm làng ẩn hiện ở những phía rừng xa. Tôi không ghé lại, vì không cần thiết. Đói, đã có lá cây, trái rừng; khát, có nước suối như lúc tôi đi. Cứ đi mãi theo những tấm biển chỉ đường bằng chữ Phạn tôi học được ở các nhà chùa đã đi qua. Đi mãi như thế, một hôm tôi gặp một tốp người, ăn mặc như kiểu các dân tộc miền núi. Mặt mày vẽ xanh vẽ đỏ. Họ reo hò, xông tới vây quanh và lăm lăm lưỡi mác như sẵn sàng đâm vào tôi. Không biết ứng phó ra sao, tôi đành lần tràng hạt, ngồi xuống đọc kinh mặc cho họ muốn làm gì thì làm. Xế một buổi như vậy, họ bỏ đi. Tôi mệt lử và lăn ra ngủ. Khi tỉnh dậy, tôi thấy bên cạnh có sẵn một mâm trái cây, một bình rượu. Đó là những trái đào rất to và ngọt, rượu có mùi nhân sâm như khi ở chùa người đi tu vẫn làm để uống cho khỏe. Biết họ dành cho mình, tôi ăn no và còn để hết vào bọc đi đường ăn dần.

Tưởng thế là hết nguy nan. Lần khác còn gay go hơn. Một đám người có cả đàn bà đàn ông, xông vào trói tôi lại, đưa lên giàn hỏa, đặt tôi nằm trên đó trong khi họ đọc kinh và nổi lửa đốt. Lần này tôi sợ thật. Tôi nghĩ nếu viên tịch tại đây, tôi có trở thành bồ tát không? Nhưng lửa chỉ cháy nóng lưng rồi tắt. Một lát, họ khiêng tôi xuống và mở trói. Tôi lại ngồi xuống lần tràng hạt và đọc kinh. Tất cả họ quì xuống chung quanh tôi vừa lạy vừa xá và cũng đọc kinh theo tiếng của họ. Trời vừa nhá nhem, họ đội đến mấy mâm trái cây. Tôi ra hiệu chỉ nhận một mâm đủ dùng, còn lại phân phát cho tất cả mọi người. Họ cúi đầu xá tôi rồi ra về. Với thái độ của họ, tôi hiểu rằng họ thử thách để xem tôi có phải là chân tu hay không. Tôi liều mạng để qua khỏi, chứ không nghĩ phép nhiệm màu của hai hạt ngọc vị sư trụ trì ở chùa Tây Phương đã cứu tôi.

Tôi lầm lũi đi và vượt qua gian nguy như vậy mà không để ý là tiếng đồn về ông Phật sống được dân chúng lan truyền suốt dọc đường tôi đi. Cho nên, khi tôi đến Tân Cương, có những người dọc theo đường mang cờ phướn đi theo tôi, không phải họ rước tôi, mà chắc họ theo để được chút phước của ông “vua Phật”. Ở Tân Cương được mấy ngày thì sứ quán vương quốc Anh đưa xe đến đón và đưa thẳng về Thượng Hải, lúc này là tô giới của Vương quốc Anh. Tôi không mấy lúng túng vì có chút ít tiếng Anh, nhờ học được lúc làm rể ở Phnôm-Pênh và Ấn Độ trong gia đình I-bra-him. Họ đón tôi thật trịnh trọng, đoàn xe ba chiếc, tôi ngồi chiếc giữa một mình. Vì xa gia đình người vợ Ấn Độ quá lâu (tròn trèm chục năm chứ ít sao) và hoàn toàn bặt tin tức. Nhưng khi đó tôi có suy nghĩ chắc nhờ uy tín của gia đình cha vợ mà họ đối đãi với tôi như vậy chăng? Tôi cũng không tìm hiểu mà cứ đi theo họ.

Đến Thượng Hải, họ cho thầy thuốc Ăng-lê đến khám bệnh cho tôi. Tôi cảm ơn họ và nói: “Những năm tôi đi tu đơn độc trong rừng, khi bệnh tật tôi tự chữa lấy bằng lá cây”. Tôi không ăn uống các thức họ mang tới, chỉ ăn trái cây và uống nước suối. Sứ quán vương quốc Anh cho mang mấy bộ áo cà sa vàng rực rỡ như loại áo cà sa của thầy Đường Tăng, và xin lại những vật dùng như giỏ, mũ và bộ áo cà sa bằng lá cây của tôi (mũ, giỏ cũng bằng lá cây) để đưa vào viện bảo tàng. Tôi không nhận các bộ cà sa mới mà chỉ mặc một loại áo cà sa lá cây thôi. Khi tôi sắp rời gia đình đi tu Phật, vợ tôi có may cho tôi vài bộ cà sa. Tôi vừa mặc vừa tặng các bạn tu ở các cảnh chùa. Mấy chiếc áo đã rách hết trên đường đi, nên tôi phải tạo ra loại áo lá cây để mặc như tất cả các vị sư. Vì vậy, chiếc áo lá cây là vật kỷ niệm đặc biệt trong những năm tháng đi tu Phật của tôi. Loại áo cà sa này làm cũng giống như vải, phải chắp cho đủ bẩy mươi hai miếng. Ngoài việc mặc choàng che nắng che mưa, loại áo lá còn tác dụng chữa bệnh khi thời tiết thay đổi, tránh được khí độc nhiễm vào người (rừng thiêng, nước độc). Áo cà sa có 72 lá khác nhau. Mỗi một loại lá có công dụng khác nhau và che chở cho cơ thể một cách hữu hiệu. Mũ đội, túi mang bằng lá cũng thế.

Sau một tuần ở Thượng Hải, Đại sứ Vương quốc Anh đưa tôi qua Hồng Công, để tiếp tục đi Luân Đôn. Tôi không hiểu vì sao họ lại đưa tôi đi Luân Đôn. Nhưng tôi nghĩ có lẽ vì tôi là một “vị vua tinh thần” của đạo phật - một đạo có nhiều tín đồ không những ở Ấn Độ, mà còn trên cả thế giới. Lúc đó, Ấn Độ còn thuộc địa của Vương quốc Anh, nên việc họ có ý đồ riêng gì trong việc “độc quyền” tôi cũng dễ hiểu thôi. Từ đây họ tôn tôi là “vua Phật”, “Phật sống”, chắc có lẽ họ cho rằng tôi đã diệt được dục vọng, không ăn uống gì những thứ của phàm trần, chỉ ăn hoa quả, uống nước lạnh mà vẫn sống được nhiều năm trong rừng. Khi họ đem đến những món ngon vật lạ, tôi cũng không dùng, khước từ cả những chiếc áo cà sa kiểu Đường Tăng. Suốt ngày đêm không nói năng gì với ai, chỉ ngồi thiền và đọc kinh. Theo họ, tôi đã thành Tiên, Phật rồi.

Khi đến Luân Đôn, tôi được đưa vào một ngôi chùa nhỏ, nhưng rất sang trọng. Tôi cũng không yêu cầu bất cứ điều gì và không tiếp xúc với ai. Suốt ngày đêm vẫn ngồi trước tam bảo lặng lẽ và bất động. Với người Tây, điều này càng lạ lùng. Các bà, ông Tây đổ xô tới chùa mỗi ngày một đông, họ đi lễ chùa thì ít mà đi xem “Phật sống” thì nhiều. Họ nói xí xô xí xào quanh tôi. Tôi vẫn ngồi bất động. Có vài người xin tôi ban phước, tôi từ chối vì mình là khách, hãy để việc đó cho vị sư trụ trì chùa này.

Gia đình bên vợ đã được tin tôi tu đắc đạo, được Đại sứ Vương quốc Anh đưa đi nhiều nơi và hiện đang ở Luân Đôn, nên cha vợ tôi, ông I-bra-him, gởi đơn cho Toàn quyền Ấn Độ xin cho tôi được về gần gia đình. Trong đơn nói rõ tôi đã có vợ có con. Lúc đó, gia đình vợ tôi vẫn kinh doanh lớn ở Phnôm-Pênh như khi tôi còn ở nhà. Đơn xin cho tôi về thẳng Campuchia. Lúc ấy, ông Nêru là một chính khách nổi tiếng và có uy tín của Ấn Độ. Ông đang phất cao ngọn cờ cùng nhân dân đòi độc lập cho đất nước Ấn Độ. Vợ tôi gọi ông là dượng rể (vợ tôi và cố Thủ tướng I-đi-ra Gan-đi là chị em bạn dì), có lẽ vì mối quan hệ này mà Toàn quyền Ấn Độ chấp thuận đơn của cha vợ tôi, để tôi được trở về Phnôm-Pênh sum họp gia đình.

Được tin tôi sẽ trở về Phnôm-Pênh, cha vợ tôi tiến hành cho xây dựng ngay một ngôi chùa riêng cho tôi trở về tu hành tại đó. Campuchia cũng là một đất nước theo đạo Phật, được mệnh danh là xứ sở Chùa Tháp nên khi nghe cha vợ tôi sẽ bỏ tiền ra xây chùa, thì đích thân nhà vua Campuchia đứng ra bảo trợ cho việc xây dựng này. Hoàng gia Campuchia cử người đứng ra trông coi việc xây cất theo đúng nghi lễ và kiểu dáng cảnh chùa theo mẫu chung của đất nước chùa tháp. Cha vợ tôi đóng góp một khoản tiền khá lớn, còn lại là Hoàng gia Campuchia và nhân dân cúng dường. Cảnh chùa trở nên nguy nga và đẹp không thua gì cảnh chùa Phnom ở Phnôm-Pênh. Nhân dân Campuchia tâm niệm: một đất nước theo đạo Phật, mà có ông “Phật sống” để thờ thì vinh dự lắm!

Khi tôi từ Luân Đôn trở về Phnôm-Pênh qua đường thủy ở bến Nhà Rồng, thì Hoàng gia Campuchia đã cho một đoàn xe đón tôi về thẳng chùa Prệp Pra, nằm phía dưới Phnôm-Pênh, đường về Châu Đốc. Bấy giờ khoảng tháng chạp năm 1941. Khi ở bến Nhà Rồng, tôi bắt đầu có một số thông tin về đất nước mình. Người ta đã bí mật kể về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ của ta bị thất bại, nhiều cán bộ cách mạng bị bắn, bị bắt và giết dã man. Tôi nhớ đến anh hai Lưu Quang Nên của tôi bị giặc Pháp giết. Tôi nghĩ đến gia đình, làng xóm sau hơn chục năm tôi đi biệt, không biết ai còn ai mất. Nước mắt tôi chực trào ra. Nhưng giờ đây, tôi là người tu hành, người ta tôn tôi là “vua Phật”, “Phật sống”, đi đâu cũng được đón đưa như vậy, hơn nữa tôi đang mang quốc tịch Ấn Độ, có mối ràng buộc với một gia đình chính khách, thì việc nói trở về quê hương giữa lúc loạn ly này đâu phải dễ.

Tôi vào chùa, không thể tưởng tượng được người ta làm các thủ tục, nghi lễ đón tôi - một “vua Phật”, bằng thịt bằng xương hiện hữu trước mặt họ. Hương hoa, cây trái và cả một dòng người dài như vô tận. Tất cả họ qùi, chắp tay xá, vợ tôi và thằng con Xô-Chim của tôi lẫn trong dòng người đó. Thời gian gần hai năm trời vợ tôi đi lễ chùa như mọi người, sau đó, tôi mới được gặp vợ tôi.

Phong tục ở đây lạ lắm. Khi tôi được tôn là “vua Phật” thì người ta chọn những người con gái đẹp nhất đến xin được ngủ với tôi để lấy giống Phật. Họ cho tôi biết: Ba năm một lần, tuyển lấy ba cô gái đẹp đến chùa Prệp-pra của tôi để lấy giống Phật. Trong vòng sáu tháng, nếu cô nào có thai đẻ ra con trai thì đứa nhỏ đó được đi tu Phật. Nếu không có thai hoặc đẻ ra con gái là Trời Phật không nhận, những cô gái ấy trở lại sống cuộc đời dân dã, Khi tôi trụ trì chùa này, họ chỉ tuyển một lần, không biết các cô đó có sinh con không. Nhờ tục lệ này, vợ tôi mới được đến chùa ngủ với tôi mỗi lần hai ba đêm và tôi có thêm một đứa con trai tên Ta-Lép.

Một tục lệ khác cũng lạ, Khi tôi tắm, người ta đem vô số chai lọ đến để xin nước tắm Phật về làm thuốc chữa bệnh. Nước này đem về, họ vừa uống vừa thoa bóp. Tiền của dân cúng lễ chùa không biết để đâu cho hết. Ban quản lý chùa xây thêm một căn nhà, đặt năm két sắt. Dân đến lễ chùa cúng dường chật kín hết các két sắt, phải mang đi gởi nhà băng. Sau đó, số tiền này, tôi cho xây một bệnh viện gần chùa, thuốc men cho người bệnh miễn phí, các y tá, bác sĩ được trả lương bằng tiền nhà chùa do dân đóng góp. Mỗi người tới chữa bệnh, đều được nhà chùa cấp cho một tấm thẻ để qua bệnh viện chữa miễn phí.

Tôi trụ trì ngôi chùa Prệp-Pra gần 5 năm (từ năm 1941-1945). Khi cách mạng tháng Tám thành công, người Pháp biết tôi trở về Việt Nam theo kháng chiến, họ cho ném bom ngôi chùa và bệnh viện này thành bình địa. Thực dân Pháp còn ra tuyên bố xử vắng mặt tôi. Vì lúc ấy ông Sơn Ngọc Minh cùng những người cách mạng Campuchia nổi lên chống Pháp, không cho chúng trở lại đặt ách nô lệ lên nhân dân Campuchia một lần nữa. Đạo quân của Sơn Ngọc Minh lấy tên là It-xa-ra. Người Pháp cho là ngôi chùa Prệp-pra là nơi để cho It-xa-ra đặt làm sào huyệt nên họ san bằng nó và xử tôi cùng với tội theo Việt Minh là thế.

(Còn tiếp)



Nguồn: Phật sống Lưu Công Danh. NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005.
- - - - - - - - - - -
(1) Tháng Một, tức tháng 11; tháng Chạp tức tháng 12 âm lịch.

Không có nhận xét nào: