Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Phật sống Lưu Công Danh (2)

Phật sống Lưu Công Danh (2)

Chương 3

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

Biết tôi sẽ đi, má tôi thổn thức, rỉ vào tai tôi:

- Con tính đi đâu và đi như thế nào?

Tôi biết má tôi rất thương và lo lắng cho tôi. Bây giờ mọi quyết định của tôi không phải chỉ riêng cho bản thân tôi mà còn liên quan đến cha mẹ, vợ con tôi. Tôi đã từng có tiền án trong các vụ tham gia phong trào với thanh niên ở Long Xuyên, giờ đây còn nhận đánh chết tên cướp, tôi không thể sống yên ổn được trong làng, mà sẽ còn liên lụy đến gia đình. Tôi an ủi má:

- Con sẽ trốn đi nơi khác một thời gian. Hiện nay bọn băng đảng đang tìm người đánh chết đồng bọn chúng để trả thù. Khi con trốn khỏi làng, mọi người cứ đổ hết cho con.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi phải rứt gia đình: cha mẹ già, một vợ và 3 con nhỏ để đi một nơi nào mà mình chưa biết được điều gì sẽ xảy ra, ruột gan tôi rối bời. Tôi vắt tay lên trán suy tư mãi, rồi buột miệng nói với vợ tôi.
- Mình ở nhà gánh các chuyện gia đình và nuôi cha mẹ, dạy dỗ con cái cho nên người. Tôi phải đi trốn thôi, tôi đã bàn với má. Nếu tôi ở lại chúng cũng tìm giết và sẽ liên lụy đến gia đình và xóm làng. Tôi trốn, chúng sẽ tìm một mình tôi thôi.

Quá đột ngột, vợ tôi kêu lên một tiếng thất thanh “Trời ơi!” rồi thổn thức, ngất lịm. Tôi to nhỏ dỗ dành. Thương các con tôi nhỏ dại. Đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Giấc ngủ của chúng thật vô tư, lòng tôi bịn rịn, xốn xang lắm. Má tôi lúc đầu không cho tôi đi, nhưng tôi giải thích lợi hại, bà đã đồng ý.

Lúc bấy giờ, mật thám Pháp được tung ra khắp các địa phương ở Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên... những nơi tôi dự định đến. Long Xuyên là quê của bà nội tôi, Ô Môn, Cần Thơ là quê ngoại tôi. Tôi quyết định đến Ô Môn trước, ở đó có đồn điền Cờ Đỏ, trước đó tôi đã nghe có các phong trào hoạt động của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, nghe đến tên tuổi anh Ung Văn Khiêm, anh Hà Huy Giáp. Nhưng tôi không thể liên lạc được với một cá nhân và tổ chức nào, mà đến đâu cũng nhìn thấy bọn lính mã tà... Tôi vòng qua Long Xuyên, nơi tôi đã theo các bạn thanh niên tham gia phong trào đấu tranh đòi hoãn thuế, phản đối bắt phu... (trước đó phong trào này nổ ra mạnh ở Chợ mới, Châu Đốc và quận Châu Thành), với hy vọng tìm được hướng đi cho cuộc đời mình. Đi mãi, tiền túi cạn dần. Tôi theo đám con nít đánh giầy, bán báo để biết tin tức, rồi theo đám võ Sơn Đông... Một hôm tôi nghe người ta nói: “dân Ba Thê dậy giặc”. Vì mang tội “đánh chết cướp”, tôi cũng giật mình, hỏi phăng đến, mới biết ra dân Mốp Giăng, Ba thê đã vùng lên đánh lại bọn cướp đất của dân để bán cho địa chủ do tên Đốc phủ sứ Trần Văn Phước cầm đầu. “Vùng Ba Thê dậy giặc” là báo cáo của tỉnh trưởng Rạch Giá cho thống đốc xứ Nam kỳ lúc đó. Lòng tôi mở cờ. Thế là người dân xứ Móp Giăng, Mỹ Lâm, Ba Thê quê tôi đã đứng lên bảo vệ mình. Tôi định quay về xứ, vì nghĩ biết đâu trong cuộc đấu tranh đó, có người đứng ra lãnh đạo, tổ chức. Từ Châu Đốc, tôi xuống tới Long Xuyên, lại thấy lính, thấy người bị bắt, bị đánh. Sẵn mang cùng một “tội” “dân Ba Thê dậy giặc”, tôi nghĩ trên đường trở về chưa tới nhà tôi rất có thể bị bắt. Tôi vào nhà một người quen, giả người Khmer đi buôn vải, để tìm đường qua Nam Vang.

Từ sau cao trào 1930-1931 giặc Pháp đàn áp nhân dân ta và những người yêu nước, cách mạng càng dã man tàn bạo. Tôi đã chứng kiến những ngôi nhà ở làng Mỹ Luông, Chợ mới bị đốt cháy thành than, xác dân lành chết phơi trên đồng do bọn lính lê dương giết. Tôi qua Nam Vang bằng đường bộ từ biên giới Châu Đốc - Campuchia. Đây là lần đầu tiên tôi xa xứ sở. Cuộc đời công nhân xáng, lênh đênh trên sông nước nay đây mai đó, nhưng tôi chưa từng nếm trải nỗi buồn xa đất nước, mà lại đi xa trong hoàn cảnh đất nước đầy đau thương. Lòng tôi sục sôi căm giận. Tôi xót xa nghĩ đến cha mẹ già, nghĩ đến vợ và các con thơ... Tôi linh cảm mơ hồ cho chuyến đi viễn xứ lần này có thể đầy bất trắc xảy ra với tôi.

Khi ở Châu Đốc, theo những người buôn vải, tôi qua làng dệt vải của người Chăm ở Châu Giang, tôi quen và kết bạn với một người Khmer chuyên buôn vải tên Trầm Khul. Anh dạy tôi tiếng Khmer, tôi dạy anh tiếng Việt. Ở làng Chăm, tôi cũng quen với một người bạn người Chà (địa phương hay gọi là Chà Và). Người bạn này rất tốt. Anh cho tôi một số vải để vận xà rông như người Khmer. Anh tên Xa-ri-man, nhưng tôi gọi anh là Nam, phần để dễ gọi, phần khi đi xa tôi sẽ nhớ tôi có những người bạn tốt như anh ở xứ nhà.

Chương 4

TÌM VIỆC LÀM TRÊN ĐẤT KHÁCH

Tôi đến Nam Vang đúng vào dịp người dân Campuchia làm lễ chịu tuổi (khoảng tháng 3 âm lịch năm 1933). Các chùa chiền trang hoàng đẹp lộng lẫy. Nhạc ngũ âm vang lên suốt đêm ngày. Tôi biết nhiều tiếng Campuchia, quen dần cách chào hỏi với hai bàn tay chắp trước ngực. Nhiều người tin tôi là dân Campuchia. Tôi tập cho thích nghi phong tục, tập quán địa phương để dễ tìm việc làm. Tôi đã trải qua cái Tết xa nhà đầu tiên. Buồn não nuột. Nhưng giống như người đã phóng lao thì theo lao. Bây giờ, tôi chỉ mong có việc gì để làm nuôi sống được bản thân trên đất khách và dành dụm được tiền trở về xứ.

Lẫn trong dòng người đi làm mướn, đi buôn bán, tôi đã đến được Bat-đom-boong. Đây là vựa lúa gạo lớn nhất Campuchia lúc đó. Hàng ngày có nhiều ghe chài chuyển lúa về Phnôm Pênh, Sài Gòn. Tôi mừng thầm trong bụng và dò ra bến cảng. Thấy tôi to, cao, người chắc nịch, một người dân địa phương hỏi:

- Anh làm được phu khuân vác không?

Tôi gật đầu, mừng quá nói như líu lưỡi:

- Tôi làm được, hãy cho tôi làm!

Thế là tôi nhập trong đội phu khuân vác lúa, gạo từ kho xuống các ghe chài. Ngày đầu tiên, chủ rất ngạc nhiên khi thấy tôi vác nhanh và vác khỏe hơn những người phu khác. Đến cuối ngày, những người phu khác được trả từ một đến một hào rưỡi, thì tôi được trả hai hào. Anh em làm chung không ghen tị, mà còn nể tôi làm khỏe được trả công như vậy là xứng đáng. Tôi có sức khỏe và chịu cực giỏi là nhờ những năm tháng theo cha đi làm xáng. Cho nên công việc khuân vác nặng nhọc vất vả cũng như khi tôi làm xáng thôi. Tiền ở đây có giá trị, một bữa cơm thật ngon cũng chỉ có 3 xu, tôi còn dành dụm được.

Tôi làm việc cần mẫn, nhanh nhẹn trong đội phu khuân vác tại bến cảng, nên dần dần ai cũng biết. Một hôm, có một người Ấn Độ đi tìm người biết tiếng Việt Nam để mướn làm phiên dịch. Ông này từ Ấn Độ sang Campuchia làm ăn và đến Bát-đom-boong xin phép mở cúp khai thác gỗ. Rừng Campuchia bạt ngàn, nhiều gỗ quý. Gỗ quý được dùng vào việc cất chùa chiền và nhà cửa cho giới quý tộc và nhà giàu. Vì thế gỗ quý bán rất có giá. Nhưng muốn vào rừng khai thác gỗ, phải giao dịch với Sở Kiểm lâm. Ông chủ người Ấn Độ đang lúng túng, vì số người ở Kiểm lâm đều là người Việt. Được người ta giới thiệu, ông chủ tìm đến tôi. Tôi bỏ nghề khuân vác, theo ông chủ Ấn Độ làm phiên dịch.

Trên đất khách quê người, đây là một dịp may hiếm có đối với tôi. Ông chủ người Ấn Độ hiền lành, phúc hậu. Ông tìm hiểu tôi qua người chủ trước đây và số anh em phu khuân vác, biết tôi hiền lành, chăm chỉ, thật thà, hay giúp đỡ và thương người. Ông hài lòng và cử tôi làm phiên dịch đại diện cho ông khi giao dịch với Kiểm lâm. Mỗi tháng, ông chủ Ấn Độ đến phát lương một lần cho những người thợ xẻ gỗ, đốn cây và đóng thuế cho Kiểm lâm. Sau khi xong các công việc ấy, đến phần tôi, bao giờ ông chủ cũng dành nhiều ưu ái. Khi thì ông thưởng cho tôi bộ quần áo, khi thì năm ba đồng, kèm theo lời khen và chúc sức khỏe. Tôi học nói tiếng Ấn Độ và nghe được tiếng, nên giữa tôi và ông chủ Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi, thân tình hơn.

Một hôm, như mọi khi, ông chủ Ấn Độ từ Phnôm-Pênh đi Bat-đom-boong phát lương cho thợ. Vì vội vàng, ông ra xe trở về Phnôm-Pênh, bỏ quên lại chiếc vali. Đến tối, sau khi ăn cơm xong, tôi dọn dẹp nhà cửa mới thấy chiếc vali ấy. Không biết vali gì, tôi mở ra xem thử, thì ra đó là vali tiền, giấy còn thẳng băng, mới cứng. Có nhiều tờ bạc 100 đồng của Ngân hàng Pháp.

Sống tha phương, làm thuê kiếm từng đồng nuôi sống mình và dành dụm để một ngày về xứ đoàn tụ với gia đình, giờ đây, đứng trước một đống bạc mà làm đến cả đời chắc gì đã có được; tôi bâng khuâng suy nghĩ mông lung trong đêm và không chợp mắt nổi: Có nên lấy vali tiền này rồi trốn đi không? Nếu trốn thì trốn đi đâu, có thoát được không? Nếu trở về quê thì đưa đầu cho người ta bắt vì tội nhận giết chết tên cướp. Đã sợ cảnh tù đày mới bỏ xứ ra đi. Nay ở tù vì tội ăn cắp tiền ông chủ thì nỗi nhục làm sao rửa được? Bao nhiêu câu hỏi xoáy trong đầu. Tôi nghĩ đến gương mặt phúc hậu của ông chủ và lòng tốt của ông đối với tôi. Bộ quần áo tôi đang mặc trong người là của ông cho. Mới tháng trước, ông đã thưởng cho tôi 5 đồng, ngoài tiền lương của tôi. Tôi quyết định không mó đến một đồng nào trong vali của ông chủ mà ôm giữ cẩn thận cho ông.

Gần sáng, tôi nghe tiếng xe hơi thắng lại dưới sân nhà sàn. Tôi biết đó là xe ông chủ, tôi nhổm dậy, bước ra cửa. Ông chủ chạy vội lên cầu thang. Tôi cất tiếng trước để trấn an ông chủ:

- Vali ông để quên lại, còn đây.

Ông chủ như định thần lại, nét mặt ông hết căng thẳng, ông nhìn tôi chăm chăm. Tôi lôi chiếc vali từ mùng ra, đặt trước mặt ông và từ tốn nói:

- Ông chủ đếm lại đi!

Ông chủ Ấn Độ nhận chiếc vali từ tay tôi, chiếc vali không khóa từ trước. Nét mặt ông vui và có vẻ như xúc động khi thấy chiếc vali vẫn y nguyên. Ông rút trong vali một xấp tiền đưa cho tôi trước khi từ giã tôi để trở lại Phnôm-Pênh. Tôi đỡ tay ông và nói:

- Ông chủ về mạnh giỏi, đi đường cẩn thận. Lần khác ông chủ cho, tôi sẽ nhận, lần này thì không thể nhận được.

Tôi bước theo ông chủ ra tận xe dưới nhà sàn. Ông vẫn nắm bàn tay tôi một cách tin cậy và trìu mến. Tôi cảm nhận được bao điều thân thiết trong cách nắm tay ấy. Khi xe nổ máy, ông quay một vòng tay lái quanh sân, rồi giơ tay vẫy từ giã tôi. Tôi cũng vẫy tay lại và thấy lòng mình thanh thản.

Đến kỳ phát lương tháng sau, ông chủ người Ấn Độ trở lại Bat-đom-boong. Như mọi lần, ông đỗ xe dưới nhà sàn, tôi chạy ra cửa đón ông. Vừa thấy tôi, ông tươi cười, nụ cười tôi cảm nhận được không phải giữa chủ và người làm công, mà nụ cười thân tình như người chú, người cha trong gia đình với con cái. Ông đưa tay về phía tôi và nói:

- Anh theo tôi về Phnôm-Pênh. Việc trên này có người khác thay!

Tôi giật thót người. Nụ cười vừa nở vụt tắt. Tôi suy nghĩ: lẽ nào tiền trong cặp ông có bị mất, ông đưa tôi về Phnôm-Pênh để hỏi tội. Mới phút trước, thái độ ông thân tình lắm mà. Thấy tôi suy tư, ông vòng tay qua vai tôi và nói:

- Anh về Phnôm-Pênh làm việc với tôi, mỗi tháng anh làm công việc của tôi, trở lại Bat-đom-boong phát lương cho thợ, đóng thuế cho Kiểm lâm.

Niềm vui đến thật bất ngờ và trong hoàn cảnh của tôi lúc này nó lớn lao như một cuộc đổi đời. Mới mấy tháng trước là một phu khuân vác, rồi làm phiên dịch, trông coi thợ cho ông chủ đã là công việc khá “sang” rồi, nay lại về sống ở thủ đô cùng ông chủ, đến tháng thay ông chủ đi phát lương... Tôi thật sự được người chủ tin dùng. Tôi nhủ thầm trong bụng: ở hiền gặp lành!

Về Phnôm-Pênh, tôi mới có dịp tìm hiểu thêm người chủ Ấn Độ của mình. Ông tên I-bra-him, một nhà doanh nghiệp lớn ở Phnôm-Pênh. Ngoài việc mở cúp gỗ ở Bat-đom-boong, ở Phnôm-Pênh, ông có hai cửa tiệm bán vải rất lớn, phải thuê hơn 20 người Ấn Độ bán hàng và giúp việc. Ông và vợ coi hai cửa tiệm này, nhưng chủ yếu vẫn là ông, bà cùng cô con gái chỉ ở trong nhà trông coi nhà cửa và người làm trong gia đình.

Thật tình, tuy tôi cũng là con trong một gia đình có cha làm thợ cả và có chức sắc trong làng, nhưng nói điều hành, quản lý một cơ sở làm ăn thì tôi chưa từng làm. Do vậy, khi ông I-bra-him đưa tôi về Phnôm-Pênh rồi giao hẳn cho tôi quản lý một tiệm vải, tôi thật ngỡ ngàng. Nhưng lúc này, giữa tôi và ông chủ trở nên gần gũi như người nhà, bởi tính trung thực, thật thà, hiền lành của tôi và tấm lòng nhân hậu, thương người của ông I-bra-him đã gặp nhau. Tôi làm việc cho ông hết lòng và cũng học ở ông nhiều đức tính tốt đẹp. Tôi đã có một vốn tiếng Campuchia kha khá để giao tiếp với bên ngoài, đồng thời nhanh chóng học tiếng Hin-đi để giao tiếp với những người làm trong tiệm vải và những người trong gia đình ông I-bra-him.

Qua cách nói chuyện hàng ngày giữa hai ông bà I-bra-him với tôi, tôi biết gia đình này đã dành cho tôi một tình cảm, sự ưu ái đặc biệt. Một hôm, ở cửa hàng vải, khi thấy bớt công việc, ông I-bra-him gọi riêng tôi vào phòng ông và nói:

- Anh làm việc tôi rất hài lòng. Bản tính anh là người tốt, thật thà. Giữa cuộc sống này, tìm một người tốt như anh hiếm lắm. Anh biết gia đình tôi có cô con gái đã đến tuổi lập gia đình. Tôi muốn anh làm rể tôi, anh có đồng ý không?

Từ khi tôi gặp ông I-bra-him đến nay, đã có ba lần thay đổi, địa vị như là ba bước ngoặt trong cuộc đời tôi: thứ nhất, từ người phu khuân vác, sang làm phiên dịch; từ người phiên dịch, thay ông chủ phát lương cho thợ rừng, cho ông nhân; rồi quản lý một cửa tiệm độc lập lại thành phố Phnôm-Pênh. Mỗi lần là một bất ngờ với tôi. Nay thêm một bất ngờ lớn: được ông nhận làm con rể. Nếu hấp tấp, tôi sẽ trở thành người hồ đồ, lợi dụng lòng tốt của người ta. Tôi thật sự lúng túng, chưa trả lời ông ngay được, tôi xin ông để tôi suy nghĩ vài ngày mới quyết định. Suốt mấy đêm liền tôi suy nghĩ đến gia đình, vợ con ở Việt Nam, đến quê hương... Tôi mang chút mặc cảm của một người nghèo, sống tha hương, không người thân thích. Còn gia đình ông I-bra-him là ông chủ lớn, liệu con gái ông có yêu tôi không, hay rồi tôi chỉ nhận được sự rẻ khinh? Ông an ủi và cho tôi biết thêm phong tục của người Ấn Độ. Ông giảng giải:

- Phong tục của người Ấn, khi gả chồng cho con gái, gia đình sẽ tặng của hồi môn. Đây là của riêng hai vợ chồng, không ai có quyền xâm phạm vào đó.

Tôi đã có nhiều đêm thức trắng. Tôi chưa có tình yêu với cô con gái ông I-bra-him, nhưng tấm chân tình của ông tôi đã nặng mang, ơn nghĩa của ông tôi đã nhận là quá lớn: nợ áo cơm, nợ ân tình!




(Còn tiếp)
- - - - - - - - - - -

Nguồn: Phật sống Lưu Công Danh. NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005.

Không có nhận xét nào: