Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Phật sống Lưu Công Danh (4)

Chương 7

THAM GIA KHÁNG CHIẾN

Việt Nam đã giành được độc lập rồi! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào sáng mùng 2 tháng 9 năm 1945. Những người dân Việt Nam tha hương ở Campuchia, từ lâu đau đáu nỗi nhớ về quê nhà, nay hay tin đất nước độc lập, đã tìm những người đồng hương trên đất khách quê người để báo tin vui: “Nước mình độc lập rồi! Chúng ta đã có một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”. Họ nói tiếng Việt với nhau, họ nói tiếng Campuchia cho những người bạn, những người anh em cùng có một kẻ thù chung biết.

Tôi ngồi thiền nơi cửa Phật, mà trái tim rung lên trước tin vui to lớn này. Tôi sẽ trở về quê hương, sẽ trở về Tổ quốc sau hơn mười năm xa cách, nhớ thương. Tôi sẽ cùng nhân dân mình tham gia kháng chiến, phải đánh đuổi cho bằng hết bọn đế quốc thực dân. Bây giờ không ai có thể săn đuổi, bắt bớ tôi nữa. Nước mắt tôi chảy chan hòa, thấm xuống áo cà sa. Những người đến lễ chùa không ai để ý vị sư trụ trì đang ngồi trước mặt họ đã khóc…

Tôi quyết định bỏ cuộc sống hiện tại để trở về quê nhà. Tôi không nói với gia đình bên vợ. Vì nói với họ lúc này, sẽ rất khó khăn cho quyết định rời bỏ tu Phật của tôi để trở về quê hương đi theo kháng chiến. Tôi đành im lặng ra đi. Tôi ra Phnôm-Pênh gọi một chiếc xe hơi đưa tôi đến biên giới Việt Nam. Chiếc xe hơi hiệu Renault màu đen, loại xe này chỉ dành cho tầng lớp sang trọng, quý phái. Tôi không chọn vì ý nghĩa này, mà chọn nó cho tiện, không ai để ý khi rời Phnôm-Pênh.

Khi đến biên giới Việt Nam, tôi bị giữ ngay địa phận Châu Đốc. Anh em đàng mình thấy tôi đi trên chiếc xe hơi sang trọng, lại mặc bộ áo cà sa lộng lẫy, người bệ vệ, phương phi, ai cũng nghi ngờ tôi là người thân Pháp. Bà con Châu Đốc vẫn lui tới Campuchia, có đi lễ chùa, họ đã nhận ra tôi. Thế là tin “Vua Phật” về Việt Nam được lan đi. Anh em nghi ngờ, nhưng không ai dám có ý kiến gì. Tất cả sự việc được xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo tỉnh, tỉnh chờ ý kiến cấp trên. Tôi đã xa xứ sở và chờ đợi ngày về bao nhiêu năm thì giờ đây được đứng ngay trên quê mẹ, tôi có chờ thêm đôi ngày có sao. Tôi nghĩ thế mà lòng trào dâng nỗi vui mừng.

Lúc ấy, cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ đang đóng tại Long Xuyên. Anh Ung Văn Khiêm phụ trách công an, cho mời tôi đến trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chánh. Tôi mừng thầm trong bụng. Dù tôi chưa gặp anh lần nào, nhưng khi ở trong nước tôi đã nghe tên anh và tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tôi đã từng đi tìm anh, từng tham gia vào các phong trào thanh niên tiến bộ yêu nước ở Long Xuyên những năm 1926-1927. Cho nên gặp anh, tôi đã gặp ngay “đàng mình”, tôi thật sự xúc động và vui mừng lắm.

Cử chỉ thân tình của một người đại diện cơ quan Nhà nước tiếp nhà tu như tôi, khiến tôi càng tin tưởng con đường mình quyết định chọn trở về gia nhập kháng chiến là đúng đắn. Anh Ung Văn Khiêm mời tôi uống trà, rồi mời cơm có thịt cá và món đặc sản mắm Châu Đốc. Tôi đã quyết định trở về đời thường, nên không ngần ngại ăn bữa cơm thân tình này. Tôi cũng không thể quên được buổi trò chuyện đầu tiên với anh Ung Văn Khiêm.

Đầu tiên anh hỏi tôi: “Pháp đã trở lại đánh chiếm nước ta và Lào, Campuchia. Nhà chùa mạo hiểm trở lại đây làm gì?”. Tôi nói với anh tôi xa quê gần 15 năm rồi, tôi nhớ nhà lắm! Nghe tôi nói vậy, anh Ung Văn Khiêm có vẻ cảm động. Anh hỏi tiếp quê quán. Tôi cho anh biết quê tôi ở Châu Thành - Rạch Giá. Từ Châu Đốc qua Hà Tiên, về quê tôi cũng gần. Trầm ngâm một chút, anh Ung Văn Khiêm cho tôi biết thêm một số tin tức về việc Pháp trở lại đánh chiếm nước ta. Anh nói: Pháp đã cho quân lính đổ bộ lên Rạch Giá bằng tàu qua đường biển. Chúng ta chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Anh Ung Văn Khiêm khuyên tôi không nên trở về Rạch Giá nữa, mà nên trở lại Campuchia, ở nhà chùa tu hành vì anh biết tôi nổi tiếng là “Vua Phật”, được nhiều nơi biết. Anh hứa sẽ cho người hộ tống để tôi đi an toàn.

Tôi biết anh Ung Văn Khiêm lo cho sự an nguy của tôi, của một “Vua Phật” đang mang quốc tịch Ấn Độ. Tôi mạnh dạn nói với anh:

- Không. Tôi đi làm chi nữa. Quê hương tôi ở đây, thì tôi ở lại đây thôi.

Anh Ung Văn Khiêm nhìn tôi đầy trìu mến và nói nhẹ nhàng:

- Ở lại đây, anh sẽ phải đương đầu với giặc Pháp nguy hiểm và gian khổ vô cùng.

- Gian khổ chi bằng đi tu Phật ở tận Tây Phương. Còn nguy hiểm ư? Các anh và mọi người chịu đựng được thì tôi cũng chịu đựng được. Miễn sao ta đánh đuổi được bọn thực dân Pháp tàn bạo này, giành lại độc lập cho đất nước.

Thấy thái độ dứt khoát của tôi, chừng như anh Ung Văn Khiêm đã an tâm, không nói thêm gì. Nhưng anh đang nghĩ ngợi, không biết bố trí cho “Vua Phật” làm gì. Anh vỗ vai tôi, cử chỉ gần gũi như anh em quen đã lâu ngày: “Anh ở lại. Chúng ta như anh em một nhà. Cơ quan Mặt trận Việt Minh sẽ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân theo cách mạng kháng chiến”.

Khi từ Campuchia trở về, ngoài chiếc xe hơi hiệu Renault đang dùng, tôi còn tặng cho cách mạng một vali bạc mà tôi dự định mang về quê giúp đỡ gia đình. Bây giờ, tôi thấy cách mạng, kháng chiến đang cần, tôi xin tặng hết cho cách mạng. Tôi nói với anh Ung Văn Khiêm: “Xem đây là tấm lòng của tôi, một đóng góp nhỏ của tôi cho cách mạng. Tôi cũng sẽ vì cách mạng, vì kháng chiến mà sẵn sàng xả thân”. Anh Ung Văn Khiêm hỏi tôi muốn ở cơ quan nào. Tôi nói:

- Cơ quan nào cũng là của cách mạng cả. Tôi đã tới đây thì ở lại đây cùng các anh.

Thật tình lúc này tôi chưa biết cơ quan của anh Ung Văn Khiêm là cơ quan gì. Với tôi, cơ quan nào, nhiệm vụ gì nếu được phân công thì đó là nhiệm vụ cách mạng. Tôi thay bộ áo cà sa và từ ngày 26/9/1945, tôi đã mặc những bộ đồ bà ba đen như mọi người mặc. Tôi đã trở thành một Lưu Công Danh của đời thường, Lưu Công Danh của cách mạng. Cũng trong ngày hôm đó, anh Ung Văn Khiêm và các anh ở Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ cho tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ. Cả nước đứng lên cùng Nam bộ kháng chiến. Chẳng bao lâu, Pháp đã tiến tới Châu Đốc bằng hai đường: Từ Cần Thơ, Long Xuyên tới, từ Tà Keo kéo xuống Tịnh Biên, có cả máy bay Đacôta thả quân nhảy dù xuống Tri Tôn để móc nối với bọn phản động đang ẩn náu tại đây, chuẩn bị tái chiếm Châu Đốc. Tất cả các cơ quan dân chính của tỉnh và Nam bộ được lệnh rút sâu vào cứ, chỉ để lại lực lượng quân sự và dân quân tự vệ cầm chân giặc. Các cơ quan kháng chiến, lực lượng thanh niên đang hừng hực khí thế cầm súng đánh giặc, không ai muốn theo cơ quan vào rừng sâu. Trong khi đó, có một số bị tình nghi là Việt gian, chưa điều tra rõ để kết luận, nên không thể đem họ theo các cơ quan, mà cũng chưa thể thả họ được, phải có giám thị để cai quản họ. Anh Ung Văn Khiêm tham khảo tôi có làm được việc này không? Tôi trả lời không ngần ngại:

- Cũng là việc của cách mạng. Nếu các anh thấy việc này hợp với tôi, thì tôi nhận.

Anh Ung Văn Khiêm tỏ vẻ hài lòng và giao việc làm giám thị, còn gọi là giám đốc trại giam cho tôi. Anh Ung Văn Khiêm cho hơn một tiểu đội dân quân tự vệ giúp việc. Tôi biết cách mạng đã tin dùng tôi. Chính anh Ung Văn Khiêm sau này đã nói:

- Tôi biết anh là người từng đi tu và hiền hậu chất phác, vô tư. Anh không thể làm hại ai và cũng không thể là người phản bội, nên công việc giám thị thích hợp với anh!

Tình hình ngày càng phức tạp. Pháp cho viện binh và đánh lan ra khắp Nam bộ. Dù đã chuyển vào rừng sâu, nhưng trại giam dân chính này quá sơ sài, nếu đánh chiếm được, quân Pháp sẽ thả hết phạm nhân, biết đâu, trong số đó có những tên nguy hiểm. Sau khi họp bàn thống nhất, tổ chức quyết định cho sáp nhập trại giam tôi đang phụ trách với trại tạm giam của quân sự, gọi là Đề lao binh, trực thuộc Bộ tư lệnh quân khu. Tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Đề lao binh và được phong Đại đội trưởng.

Khi quyết định rời bỏ cuộc sống hiện tại để về quê nhà và quyết tâm đi theo kháng chiến, tôi không một chút vấn vương gì cuộc sống của một con người mà mọi người suy tôn là “Vua Phật”, cũng không màng giàu sang, danh lợi. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: Tôi sẽ phải trải qua một thử thách nào đó của tổ chức (lẽ tất nhiên thôi), vì tôi xa đất nước gần mười lăm năm, nếm trải bao thăng trầm và hiện vẫn còn mang quốc tịch nước ngoài, là nhà sư… Vậy mà, mọi diễn biến nhanh đến không ngờ. Mới hai ngày trước, tôi còn mặc áo cà sa; hôm sau, mặc bộ quần áo bà ba, cũng lội bùn, cũng ăn cơm với mắm sống như mọi người. Mười ngày sau tôi đã có trong tay một tiểu đội, làm giám thị trại giam rồi tiếp tục làm giám đốc Đề lao binh, Đại đội trưởng. Quê hương mở rộng vòng tay đón một đứa con lưu lạc trở về. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân đã kết chặt mọi người dân Việt Nam yêu nước thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để đánh thắng quân thù, đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12- 1946 của Hồ Chủ Tịch. Chính điều này đã xóa mọi băn khoăn trong tôi. Và khi được giao nhiệm vụ, tôi dặn với lòng quyết tâm hoàn thành tốt để không phụ lòng tin của tổ chức, mà người đại diện giúp đỡ tôi lúc đó là anh Ung Văn khiêm.

Đề lao binh do tôi phụ trách có những đặc điểm mà nhiều anh em hiểu biết lúc đó cho rằng trên thế giới không có một trại gam nào giống như kiểu Đề lao binh này. Hai trung đội quân nhân và gần một trăm “phạm nhân” trông ai cũng như ai: người quần áo bà ba, người quân phục đen. Trại không có hàng rào, không có lính gác. Có một số súng trường chỉ khi nào tập quân sự mới dùng đến. Hàng ngày, mọi người đi làm ruộng, làm rẫy, bắt cá, trồng rau cải thiện đời sống. Tối đến cùng hò hát. Khi đi lao động, “can phạm” tự mình đi bộ hoặc đi xuồng đến một tổ lao động nào đó (cày cấy, đắp nền nhà, đào đìa giúp dân, đắp cản ngăn sông gây chướng ngại vật, không cho tàu giặc vào vùng giải phóng; đi lao động cải thiện bữa ăn…), khi nào Ban giám thị hỏi thì trình giấy tờ.

Sở dĩ có chuyện tạm giam và gởi tại Đề lao binh lúc đó là do chánh quyền cách mạng còn rất non trẻ. Trình độ anh em cán bộ cấp lãnh đạo, chỉ huy lúc đó có người học vấn thấp, không có trình độ lý luận. Những thanh niên theo cách mạng lúc đó rất vô tư, nhiệt huyết và xốc nổi. Nhiều lúc anh em có thái độ dân chủ quá trớn, hay cãi lại cấp chỉ huy, có khi sẵn sàng cầm lệnh tới trại giam để chờ phân xử xem “chân lý thuộc về ai”. Từ đó có thông tư của cấp trên là: Cấp trên có quyền tạm giam cấp dưới ở mức độ nào đó. Trong một tuần thì tạm giam tại đơn vị; từ một tháng tới sáu tháng thì được phép gởi lại Đề lao binh; trên 6 tháng thì báo cáo Bộ tư lệnh, giao phòng Quân pháp xem xét trình Bộ tư lệnh để có thể đưa ra xét xử tại Tòa án binh. Tất cả “can phạm” kiểu này cần tạm giam để răn đe.

Công việc của tôi ở Đề lao binh không yêu cầu tham gia xử lý những trường hợp tạm giam các “phạm nhân”, mà chỉ tập trung hướng dẫn anh em tham gia sản xuất, cải thiện đời sống. Khi anh em đau ốm, đích thân tôi chữa trị bằng các bài thuốc kinh nghiệm, nếu không đủ điều kiện, khả năng thì đưa anh em đi quân y viện…

Cuối năm 1947, tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là một ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong đời tôi. Lúc đó tôi đã bước vào tuổi 47, mà tôi lại thấy mình thật trẻ trung. Năm 1997, nhà văn Tường Hạnh đến thăm tôi, Hạnh nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi, người đã thay mặt tổ chức viết bản lý lịch cho tôi năm 1953 khi tôi học lớp chỉnh huấn của Quân khu ở Đầm Dơi, Cà Mau, do các anh Nguyễn Kim Cương, Hà Huy Giáp, Dương Quốc Chính giảng; nên chúng tôi rất thương nhau. Tường Hạnh hỏi tôi:

- Anh nhớ mình bao nhiêu tuổi Đảng không?

- 50 tuổi Đảng! - Tôi nói với Hạnh như thế, mặc dù hơn 20 năm nay, tôi không dự sinh hoạt Đảng, nhưng trong lòng tôi, tôi vẫn là một Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam.


Chương 8

ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH



Khi ổn định nơi ở và công việc ở Đề lao binh đã vào nề nếp, tôi xin phép tổ chức liên lạc với gia đình. Đầu tiên tôi viết thư cho ba má tôi, theo địa chỉ cũ, báo tỉ mỉ trong thư cho ba má tôi biết tôi vẫn còn sống sau bao năm lưu lạc ở xứ người, ngày đất nước giành độc lập, tôi trở về tham gia kháng chiến.

Viết thư cho cha mẹ, lòng tôi bùi ngùi khôn tả. Tôi nghĩ, ngần ấy năm tôi xa quê, có biết bao biến cố, chiến tranh ly loạn, gia đình tôi ai còn, ai mất. Mẹ tôi đã mất hai người con là anh hai và em trai kế tôi, nay đến tôi đi biền biệt, chắc bà đau khổ lắm. Còn vợ tôi, không biết có còn chờ đợi tôi không, hay đã đi lấy chồng. Nếu cô ấy đi lấy chồng, tôi cũng không có lý do gì trách móc. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi ngần ấy năm, để vợ tôi một nách ba con thơ, chịu bao cay đắng, tôi có bù đắp bao nhiêu vẫn chưa đủ, vì cuộc sống tha hương nơi đất khách tôi cũng đã có vợ có con. Tôi lương tâm dày vò cắn rứt... Tôi chỉ viết thư cho ba má tôi, để khi gặp lại gia đình tôi kể ngọn ngành…

Lúc ấy, ta đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Miền Tây Nam bộ có nhiều trận thắng lớn trong năm 1946 của “bộ đội Huỳnh Thủ” ở Lô 12, Sóc Xoài, Cầu Đúc Cái Sình, Ngã Ba Đình, Cây Bàng Vĩnh Hòa… Ta có vùng giải phóng Vân Khánh, Đông Hòa, Đông Hưng nối liền với căn cứ U Minh Thượng. Tôi nghĩ, gia đình tôi từ Mỹ Hiệp Sơn có thể tìm đường vào vùng căn cứ kháng chiến không mấy khó khăn, không biết do thư bị thất lạc hay gia đình ba má tôi không còn chỗ cũ nữa, tôi chờ mãi vẫn bặt tin. Trong khi đó, một người phụ nữ tôi mang nặng nợ áo cơm, nặng nợ ân tình là Huỳnh Thị Tổng, ở Tân Quới, Cao Lãnh, nghe tin tôi đi tu phật về tham gia kháng chiến, đang ở khu căn cứ Đồng Tháp Mười và U Minh Thượng đã lặn lội đến thăm tôi.

Thật ra, chuyện này, lúc dự lớp tập huấn đặc biệt năm 1953, ở Đầm Dơi, Cà Mau tôi không kể chi tiết với Phạm Tường Hạnh, nên Tường Hạnh nhầm Huỳnh Thị Tổng là người vợ do cha mẹ cưới đầu tiên cho tôi. Bây giờ hai bà đã qua đời. Lê Thị Ngân qua đời năm 1983, thọ 77 tuổi; Huỳnh Thị Tổng qua đời năm 1996, thọ 90 tuổi. Tôi muốn nói rõ hơn điều này để không tủi vong hồn cả hai người phụ nữ nặng ân tình với tôi, đều là vợ của tôi, cùng sinh con cái cho tôi.

Đoạn đầu tôi có nói về Lê Thị Ngân, người con gái cũng ở xứ Mốp Giăng - Mỹ Hiệp Sơn, do cha mẹ tôi cưới hỏi. Cô ấy sinh cho tôi ba người con, hai trai là Lưu Kiếm và Lưu Khỏe, một gái là Lưu Thị Hằng. Khi tôi trốn nhà ra đi, vợ tôi ở lại với cha mẹ tôi, làm dâu và nuôi ba đứa con còn nhỏ dại của tôi.

Trong thời gian tôi trốn ở Long Xuyên, Châu Đốc, có một gia đình chứa chấp tôi là gia đình ông Quảng Sào. Ông có người cháu ruột là Huỳnh Thị Tổng, góa chồng, có hai con trai nhỏ. Sợ tôi trốn mãi rồi sẽ bị bắt, ông Quãng Sào khuyên tôi ở lại ông sẽ bảo lãnh, giúp vốn cho làm ăn sinh sống, ông sẵn sàng gả đứa cháu gái của mình cho tôi. Gia đình này đã cưu mang tôi trong thời gian nguy khó. Lửa tình yêu đã bén trong tôi và Huỳnh Thị Tổng từ đây. Nhưng rồi tôi cũng phải ra đi nơi đất khách quê người. Để rồi đến ngày sum họp này, có hai người phụ nữ tôi cùng có trách nhiệm là vợ tôi ở quê và Huỳnh Thị Tổng.

Trong khi chưa liên lạc với cha mẹ và người vợ ở quê, thì Huỳnh Thị Tổng nghe tin tôi còn sống và đang ở chiến khu Đồng Tháp Mười, nên đã lặn lội từ Cao Lãnh vào thăm tôi. Tôi thật sự bất ngờ và cảm động. Cô ấy đã chờ đợi tôi hơn mười năm bằng một lời hẹn ước năm xưa. Còn tôi, tôi cứ nghĩ hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc hơn mười năm như vậy, có thể vợ tôi và cả cô ấy đều đã có chồng, có nơi nương tựa. Nay cô ấy đến tìm tôi trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc sống kháng chiến nơi bưng biền, nhớ ơn nghĩa xưa…, tôi quyết định báo cáo với tổ chức đây là vợ của tôi. Huỳnh Thị Tổng chấp nhận cuộc sống kháng chiến, cùng ở lại với tôi trong trại Đề lao binh.

Hạnh phúc đã tuột khỏi tầm tay bao lần, giờ đây, như gương vỡ lại lành, tôi trân trọng hạnh phúc hiện tại. Song lòng tôi vẫn khôn nguôi nghĩ đến gia đình và người vợ cha mẹ cưới ở quê. Nàng cũng vì tôi vất vả nuôi ba đứa con. Nếu nàng đã có hạnh phúc, tôi đỡ băn khoăn, day dứt; nếu nàng vẫn còn sống như vậy chờ đợi tôi thì tôi là người có lỗi. Tôi cũng nghĩ đến An-na Ma-ri và gia đình ông I-bra-him. Không phải vì tiếc nuối cuộc sống của “Vua Phật”, mà nghĩ một ngày cũng nghĩa vợ chồng, hơn nữa, ông I-bra-him là một ông chủ tốt của tôi khi tôi sa cơ lỡ vận và cũng là người cha vợ nhân hậu mà tôi rất quý trọng. Đạo lý làm người và những năm tháng đi tu Phật gian khổ trong rừng sâu đã giúp tôi có cuộc sống giản dị, hướng tới cái thiện, cái tâm của con người. Tôi tâm niệm hãy sống vì con người, điều gì có ích cho con người thì làm, đừng bao giờ hại ai dù là điều vô tình rất nhỏ. Từ khi trở lại cuộc đời thường, tôi không bao giờ từ nan chuyện giúp đỡ mọi người, huống chi những người thân thiết, gắn bó với cuộc đời mình, làm sao tôi có thể vô tâm cho được?

Tôi mang những điều này tâm sự với Huỳnh Thị Tổng, cô ấy hiểu ra và chia sẻ cùng tôi chứ không ghen tức, ích kỷ. Tôi càng quý tấm lòng nhân hậu của cô. Cuối năm 1948, con gái đầu lòng của tôi và Tổng ra đời tại trại Đề lao binh Khu 8, Đồng Tháp Mười. Cô ấy giao cho tôi quyền đặt tên con. Tôi đếm các con chung, riêng của tôi và Tổng từ trên xuống và đặt đứa con này là Lưu Thị Bảy.

Ngày đầy tháng cho cháu thật vui. Vợ tôi nấu nồi chè trôi nước thật lớn để cúng bà mẹ sinh (mụ bà) cho cháu, rồi mời tất cả anh chị em trong trại Đề lao binh, cả các chú “can phạm”. Trong không khí ấm cúng của tình cảm gia đình và cuộc sống thanh bình hiếm hoi của chiến tranh, mọi người không ai giữ khoảng cách là cán bộ hay “can phạm”, mà tất cả gọi nhau là đồng chí, một niềm khát khao tình đồng chí thật sự. Bởi thật ra, họ cũng là đồng chí cả thôi. Đó là những quân nhân vi phạm đều lệnh, “cãi” lệnh cấp trên…, họ được đơn vị quyết định gởi vào đây để giáo dục một vài tháng rồi ra. Nhưng đơn vị gởi, rồi “quên” luôn anh em, nên có người đã hết “tội”, hoặc có khi không thấy có tội gì, cũng được giữ lại năm này qua năm khác.

Có lần, một đoàn cán bộ cấp cao đi công tác qua trại Đề lao binh, nghe bà con trong khu vực kể có một ông giám đốc Đề lao binh “rất thương lính” và có tài trị bệnh cho nhân dân cả vùng, một vị cán bộ cấp cao trong đoàn đề nghị ghé lại trại ăn bữa cơm để tìm hiểu tình hình.

Nhờ kinh nghiệm mười năm đi tu Phật trong rừng, tôi thuộc các loại cây lá có đặc tính trị bệnh. Cho nên anh em trong trại bị bệnh, thuốc tây lúc đó khan hiếm, tôi dùng thuốc nam trị bệnh cho anh em. Tiếng lành đồn xa. Bên ngoài các xóm lân cận khu Đề lao binh, có người bệnh, bà con mang đến nhờ tôi trị. Các loại ban như ban khỉ, ban cua, ban đen, ban đỏ thời đó chết như chơi, nhưng tới tôi, trị hết tận gốc, mà không mất tiền. Các loại bệnh gẫy chân tay, bong gân, rắn độc cắn… cũng rất nguy hiểm, bà con đến rước, có khi đêm hôm khuya khoắt, tôi cũng có mặt. Sau đó tôi chỉ cho bà con các loại cây lá có vị thuốc để họ tự trị bệnh khi cần thiết. Nhiều bà con đã trị được bệnh cho mình mà còn tìm được nhiều cây thuốc c đến tặng tôi để trị bệnh cho nhân dân và anh em ở trại.

Đoàn cán bộ quân khu đến trại, tôi cũng kể như thế. Trong bữa cơm thân mật, tôi mạnh dạn báo cáo lại cho một đồng chí cán bộ cao cấp:

- Trại Đề lao binh này, sao thấy gởi vào nhiều, mà không thấy thời gian xét hết hạn cho anh em ra. Có người vào mà không thấy ghi tội trạng gì, hoặc có ghi hai ba tháng “tạm giam”, rồi cứ để năm này qua năm khác, tội cho anh em lắm!

Nghe tôi kể, nhiều đồng chí trong đoàn ngạc nhiên và tỏ ra bức xúc. Hai tháng sau, một đoàn cán bộ thanh tra gồm: Phòng tham mưu, Phòng chính trị Quân khu tới trại Đề lao binh làm việc. Theo yêu cầu của đoàn, tôi mang toàn bộ hồ sơ giấy tờ của trại cho đoàn xem.

Gọi là hồ sơ, nhưng chỉ là những quyết định tạm giam của anh em khi mới vào nộp cho trại. Có giấy còn đọc được, có giấy nhòe nhoẹt do thời gian lâu và do cất giữ sợ giặc càn, máy bay bắn phá bị mất. Anh em quân nhân tạm giam đã đọc lại một cách trung thực nội dung của những giấy tờ nhòe nhoẹt đó cho đoàn nghe. Sau khi kiểm tra xong, đoàn về báo cáo lại tình hình cho Bộ tư lệnh, một thời gian ngắn sau, Bộ tư lệnh ra quyết định giải thể Đề lao linh.

Năm 1950, vợ tôi - Huỳnh Thị Tổng- sinh thêm một đứa con gái, cháu được đặt tên Lưu Thị Nga. Trong buổi cúng đầy tháng cho đứa con gái trước, anh em vui vẻ như thể là ngày “hấp hôn” cho vợ chồng tôi. Không có gì tặng vợ trong dịp này, tôi mang hai viên ngọc trước đây vị trụ trì chùa Tây Phương tặng cho tôi khi trở lại với đời vì đã đắc đạo, tặng lại cho vợ tôi. Tôi luôn luôn đeo hai viên ngọc này trên cổ, trước ngực. Giờ không phải ngại đeo nó mà tôi đem tặng vợ. Tôi muốn cô ấy giữ những kỷ vật đã gắn liền với một quãng đời gian truân đầy khổ hạnh, thử thách của tôi. Hai viên ngọc có hai đặc tính rất lạ là: Một viên khoảng ba tháng phải được uống sữa; một viên để ra ngoài là biết “bò”. Suốt thời gian giữ hai viên ngọc tôi đã chăm sóc chúng bằng hai đặc tính này. Cứ đúng thời hạn, tôi lấy viên ngọc biết uống sữa bỏ vào một cái ly nhỏ, rồi đi xin sữa các bà mẹ đẻ con so (con đầu lòng), đổ vào, để suốt đêm, ly sữa cạn hết. Còn viên biết “bò”, bỏ nó ra ngoài một ngày, một đêm nó di chuyển được khoảng hai, ba chục phân.

Tôi nói rõ cho vợ tôi biết những đặc tính của hai viên ngọc. Vợ tôi nghe vậy, cô ấy không nghĩ đến đặc tính của hai viên ngọc, mà lại nghĩ nó quý vì món quà đặc biệt, coi như là tài sản đáng giá. Cô ấy không đeo vào cổ như tôi, mà lại cất vào giỏ áo quần. Năm 1953, vợ tôi vào quân y sinh đứa con trai út. Tôi bận việc không đi đón được nên nhờ một cậu cựu tạm giam ở Đề lao binh đi đón bằng xuồng tam bản. Chẳng may, bị một chiếc ghe khác đâm phải trong khi nước ròng chảy xiết, xuồng vợ tôi lật úp, đồ đạc trôi hết, trong đó có hai hạt ngọc! May mà bà con và chú cựu trại nhanh trí cứu được hai mẹ con. Vợ tôi tiếc của xót xa. Tôi căn dặn cô ấy đừng nhắc lại mà tội nghiệp chú cựu trại, sợ chú lo lắng và buồn. Nghe tôi, vợ tôi không bao giờ nhắc lại chuyện này.

Khi Đề lao binh được lệnh giải thể, Bộ tư lệnh cho phép, anh em nào muốn trở về đơn vị cũ thì Phòng Tham mưu có trách nhiệm ký giấy cho anh em về. Ai muốn đi đơn vị khác cũng được giải quyết theo nguyện vọng. Ai không muốn đi đâu thì ở lại Đề lao binh để chuyển sang một đơn vị làm kinh tế cho Quân khu. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị kinh tế này.

Hầu hết anh em đều muốn ở lại. Một phần vì tình cảm gắn bó giữa tôi và anh em, một phần vì những năm tháng ở Đề lao binh anh em quen lao động và lao động rất giỏi. Lúc ấy có phong trào “Thực túc binh cường” - tăng gia sản xuất, nuôi quân đánh giặc, cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Thật ra, làm lao động vô cùng vất vả: đào đất, cày cấy, giăng lưới, tát đìa, làm mắm… chuyện gì anh em cũng làm, chẳng ai nề hà. Lúc này, anh em rất vui vì mình có tên trong danh sách đơn vị làm kinh tế, có số quân đàng hoàng.

Giữa năm 1953, sau khi dự lớp Chỉnh huấn ở Cà Mau xong, tôi trở về đơn vị, tiếp tục phụ trách đơn vị kinh tế như trước. Tôi đã liên lạc được với gia đình ở Mỹ Hiệp Sơn. Lúc này cha mẹ tôi đã qua đời. Tôi ngậm ngùi vì không được nhìn thấy cha mẹ lần cuối. Mấy người em gái tôi kể lại toàn bộ chuyện gia đình từ khi tôi trốn đi. Gia đình tôi chạy loạn gần như phá sản hết. Người vợ trước của tôi và các con đang giữ phần đất cha mẹ tôi để lại.

Tội nghiệp vợ trước của tôi, thật ra, bà ấy đã hay tin tôi còn sống đi theo kháng chiến và đã có vợ con nên không đi tìm tôi. Suốt thời gian tôi xa quê, kinh tế gia đình khánh kiệt, vợ tôi đã phải bươn chải nuôi cha mẹ già và các con. Những năm yên giặc, vợ và các con tôi ở lại giữ phần đất hương hỏa này. Các em tôi hay tin tôi có vợ, thúc giục vợ tôi đi tìm tôi hỏi cho ra lẽ, nhưng bản tính dịu dàng, vợ tôi chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình, bà ấy không tìm tôi để tôi khỏi phải khó xử. Còn tôi, trong thâm tâm và tình cảm mình, Lê Thị Ngân vẫn là người vợ đầu tiên do cha mẹ cưới, là người vợ tôi rất quý trọng.


(Còn tiếp)

Nguồn: Phật sống Lưu Công Danh. Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi. NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005.

Không có nhận xét nào: