Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can
Nhiều người phải sống với thân phận bị can hàng chục năm, chịu sự khinh rẻ của hàng xóm láng giềng. Dường như thân phận pháp lý của họ đã đi vào quên lãng.
Bỗng một ngày oan nghiệt, ông bị quy kết là đồng phạm trong một vụ án giết người, cướp tài sản bằng súng, bị bắt tạm giam, truy tố…
Tương lai tươi sáng vụt tắt, cuộc đời của chàng thanh niên trẻ ngày ấy bỗng bị phủ lên một bức màn u ám với thân phận bị can cho đến tận bây giờ.
Viên đạn oan nghiệt và 5 năm bị tạm giam
Kể về ngày đen tối ấy, ông Ỵ cho biết sau giải phóng ông công tác tại Huyện ủy Thủ Đức. Đến năm 1978, ông chuyển đến công tác tại đội an ninh chính trị Công an huyện Thủ Đức. Ông được đơn vị cấp cho một khẩu súng thể thao của Mỹ loại hiếm, theo ông Ỵ thì lúc đó trinh sát ai cũng được cấp súng chứ không riêng ông.
Trước ngày ông bị bắt 6 tháng, ở khu vực Cầu Đen, An Khánh (nay là khu vực đường Trần Não, TP Thủ Đức) xảy ra một vụ cướp tài sản, giết người bằng súng.
Nạn nhân là đôi nam nữ, trong đó người nam đã bị bắn chết, còn người nữ may mắn thoát nạn và trình báo sự việc. Ông Ỵ có nghe mọi người kháo nhau rằng viên đạn gây án là của một loại súng hiếm giống như súng của ông. Nghĩ anh em nói chơi thôi nên ông cũng không quan tâm.
Bẵng đi một thời gian, một người đồng nghiệp tên H. mượn súng của ông để đi công tác. Trên đường đi, ông H. vô tình bị té xe làm cướp cò súng, bị thương ở bụng.
Thấy loại đạn giống như loại đạn trong vụ giết người cướp của xảy ra trước đó nên chỉ huy của ông H. đã tố cáo và đem khẩu súng của ông Ỵ đi giám định. Ngày 22-12-1981, ông Ỵ bị bắt và bị quy kết là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản công dân.
Suốt quá trình điều tra, ông Ỵ một mực kêu oan. Quá trình nhận dạng, nữ nạn nhân cũng phủ nhận ông là hung thủ.
Sau hơn 1 tháng làm việc, người ta tìm được giấy giới thiệu và sổ tay công tác của ông. Sổ tay công tác thể hiện vào ngày xảy ra vụ án giết người cướp tài sản, ông cùng đội trưởng di lý một can phạm (bị bắt vì làm mộc giả) từ huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) về TP.HCM làm việc.
Đến khoảng 18h, ông đưa can phạm về trại giam. Khi bàn giao can phạm, ông có ký nhận. Thế nhưng lời khai cùng những tài liệu này không được xem xét.
Sau đó, ông bị truy tố tội giết người, cướp tài sản công dân và vi phạm các quy định về quản lý vũ khí.
"Tôi không thừa nhận. Hồi bao cấp, súng đạn tùm lum. Khẩu súng này lúc tôi làm trinh sát thu dưới địa bàn xã An Khánh, thấy khẩu súng đẹp tôi có đem qua trình phó quận để xin cho tôi xài. Phó quận cấp giấy đàng hoàng, nhưng khi bị bắt, giấy tờ bị tịch thu hết" - ông Ỵ nói.
Ông Ỵ bị tạm giam tại trại tạm giam Chí Hòa hơn 5 năm, trong đó 2 năm ông bị biệt giam. "Hồi xưa ở tù khổ lắm, 7 ngày không được tắm, gia đình không được thăm nuôi, dân ở ngoài còn không có ăn thì tù tội lấy gì mà ăn.
Gia đình tôi còn động viên nếu lỡ có làm thì nhận tội để còn được giảm án rồi ra nhưng tôi nhất quyết không nhận vì mình không có tội gì hết" - ông kể.
Khổ đời cha, liên lụy cả đời con
Năm 1984 vụ án của ông Ỵ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử nhưng tạm hoãn mà không có lý do, cũng không có lần mở phiên tòa nào nữa. Mãi đến ngày 5-11-1987, ông bỗng nhận được lệnh tạm tha.
Ông Ỵ từ một chiến sĩ công an trở thành bị can; từ một chàng trai trẻ 25 tuổi đầy nhiệt huyết thành người lầm lì, ít nói, bệnh tật; từ xuất thân trong gia đình cách mạng trở thành đề tài bàn tán, dè bỉu, nghi kỵ của xóm giềng…
Không vợ con, 5 năm thanh xuân oan ức trong trại tạm giam, công việc và danh dự mất hết. Khi được tạm tha, ông Ỵ trở về nhà cha mẹ với nhiều nỗi lo âu.
Trả lời lý do vì sao không khiếu nại sau khi ra tù, ông Ỵ nói rằng những ngày tháng bị biệt giam, lao tù đã lấy hết đi dũng khí của ông. Được tạm tha, được tự do đã là một niềm vui, may mắn lớn lao. Ông chỉ muốn sống nốt cuộc đời còn lại một cách bình dị, yên ắng nhất, dẫu cuộc sống có cơ cực.
Sau khi ra tù, đi xin việc không ai nhận, may có người em mở xưởng cưa nên cho ông Ỵ vào làm bảo vệ. Rồi ông lấy vợ. Vợ ông bán vé số. Hai vợ chồng rau cháo qua ngày với hai mụn con, một trai một gái.
Con gái ông lớn lên xinh xắn. Nhiều đám con nhà gia giáo, công việc ổn định có ý định ngấp nghé làm quen. Nhưng khi thấy lý lịch của ông như vậy, sợ ảnh hưởng nên người ta lại thôi.
"Trước đây nhỏ con gái quen một anh trung úy công an. Nghe nói ông già cũng làm công an mà từng ở tù thì rút lui luôn" - ông Ỵ buồn kể.
Dù con gái ông không hề oán trách, nhưng sâu thẳm trong tâm can người làm cha như ông vẫn áy náy, day dứt vì không thể cho con một lý lịch trong sạch. Điều ấy đã thôi thúc ông bắt đầu cuộc hành trình tìm lại thân phận cho bản thân mình.
"Tôi không oán trách gì, chỉ nghĩ rằng mình gặp chuyện xui rủi thôi. Tôi đã lớn tuổi, bị phổi mãn tính, sức khỏe rất yếu, không biết sống chết ngày nào. Giờ danh dự mình là để cho con cho cái dễ làm ăn…".
Hành trình minh oan mòn mỏi
Vào năm 2021, khi đọc được tin tức một số người được minh oan, xin lỗi, ông Đỗ Văn Ỵ cùng anh trai là ông Đỗ Văn Ý tìm đến báo Tuổi Trẻ. Khuôn mặt buồn thiu, ánh mắt kèm nhèm, ông Ỵ kể lại câu chuyện buồn của mình với hy vọng sẽ sớm được minh oan. Giấy tờ của ông chỉ vỏn vẹn một tờ "Lệnh tạm tha".
Sau khi ra tù, ông sống ẩn dật, có việc gì làm việc đó. Ngoài chi tiết liên quan đến vụ án cách đây 43 năm thì ông đã không còn nhớ gì nữa; bạn bè, đồng nghiệp cũ người đã chết, người mất liên lạc từ lâu.
Với thông tin ít ỏi đó, báo Tuổi Trẻ đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP.HCM đề nghị Viện KSND TP.HCM xác minh thông tin. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn ông liên hệ Sở Tư pháp TP.HCM để xin phiếu lý lịch tư pháp số 2, nhưng kết quả thể hiện ông không có án tích hay tiền án tiền sự. Bản thân ông Ỵ cùng gia đình cũng nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan xin được minh oan… cho đến nay.
Trao quyết định đình chỉ điều tra
Sau một thời gian dài xác minh, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Đỗ Văn Ỵ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, VKSND TP.HCM cho biết ngày 17-12-2021 VKSND TP.HCM nhận được đơn yêu cầu được minh oan của ông Đỗ Văn Ỵ.
Do người làm đơn tên là Đỗ Văn Ỵ nhưng tên trong vụ án là Đỗ Văn Y (có khi là Đỗ Văn Ỷ) nên cần nhiều thời gian để xác minh nhân thân, quá trình sinh sống và làm việc của ông Đỗ Văn Ỵ. Xác minh danh - chỉ bản, dấu vân tay của Đỗ Văn Y và ông Đỗ Văn Ỵ để xác định có phải cùng một người hay không. Ngoài ra, còn xác minh chờ kết quả trả lời của nhiều cơ quan chức năng có liên quan.
Sau khi xác định được chính xác ông Đỗ Văn Ỵ là người trong vụ án đã được đình chỉ năm 1988. Vào ngày 18-10-2024, VKSND TP.HCM tiến hành mời ông Ỵ đến làm việc. Tại buổi làm việc, ông Ỵ xác định bản thân và gia đình chưa từng nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can. Do đó VKSND TP.HCM đã tiến hành giao quyết định đình chỉ điều tra bị can cho ông Ỵ.
Theo nội dung của quyết định đình chỉ điều tra bị can của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ban hành ngày 10-11-1987:
Ngày 31-1-1981 tại An Khánh, huyện Thủ Đức xảy ra vụ giết người cướp tài sản. Nạn nhân chết do lạc đạn. Sau khi điều tra và kết quả giám định của khoa học hình sự của Bộ Nội vụ đã kết luận đạn trúng người nạn nhân trùng với đạn của súng ngắn của Độ Văn Ỵ lúc đó là chiến sĩ công an Thủ Đức cất giữ.
Căn cứ vào quá trình điều tra, do tình hình quản lý vũ khí sau chiến tranh quá lỏng lẻo, có nhiều mẫu súng có thể trùng lắp. Chỉ căn cứ vào biên bản giám định sẽ không đủ cơ sở để kết tội bị cáo đã giết người cướp tài sản riêng của công dân.
Quyết định cũng nêu rõ, "ngày 5-11-1978 ông Đỗ Văn Ỵ đã có lệnh tạm tha. Xét có đủ bằng chứng chứng minh Ỵ không phạm tội hoặc không đủ bằng chứng buộc tội bị can.
Quyết định đình chỉ bị can đối với Đỗ Văn Ỵ và trả tự do cho bị can kể từ ngày nhận được quyết định này".
Sau khi nhận quyết định đình chỉ, ông Ỵ có nguyện vọng được các cơ quan chức năng cập nhật việc đình chỉ vào lý lịch của ông, tổ chức buổi minh oan cho ông tại địa phương và bồi thường thiệt hại cho ông. Hiện VKSND TP.HCM đang tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để giải quyết yêu cầu của ông Ỵ.
Kỳ sau: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét