Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Bất động sản, ai ai cũng... khóc

26/11/2024 11:37 GMT+7

Bất động sản, ai ai cũng... khóc

Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".

Bất động sản, ai ai cũng... khóc - Ảnh 1.

Dự án bất động sản ở TP. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng thời đó qua rồi, giờ giá nhà đất lên nhưng ai cũng đau, cả ông làm dự án và người kinh doanh bất động sản.

Nhưng đau nhất là hàng chục triệu người thu nhập thấp đang có nhu cầu an cư. Ở thuê thì nhếch nhác, tìm mua thì giá căn hộ cứ lên vù vù. Ngay cơ quan nhà nước cũng có lúc "khóc" vì không thu được thuế...!

Với người thu nhập thấp thì khỏi nói, ai cũng biết. Căn hộ giá 20 rồi 30 triệu đồng/m2... lần lượt tuyệt chủng.

Các dự án, chương trình về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp liên tục được đưa ra nhưng số được thụ hưởng như muối bỏ biển. Rồi người ta cũng nói đến gói tín dụng này, gói hỗ trợ kia.

Nhưng giá nhà cứ lên vù vù, chẳng còn mấy ai đủ tiền để mua. Vậy mà giá vẫn cứ lên. Các nhà phát triển bất động sản thì nói nguồn cung khan hiếm. Nhưng nhà xây xong thì lại bỏ trống quá nhiều, rồi cơ man nào là căn hộ không có sổ...

Tại TP.HCM, hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 6.868 USD (hơn 14,5 triệu đồng/tháng), trong khi giá nhà ở thương mại hiện nay từ khoảng gần 50 triệu đồng/m2.

Một sinh viên đại học ra trường lúc 22 tuổi, mất chừng 10 năm mới đạt mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng, hoặc ở mức khá là 30 - 40 triệu đồng/tháng thì trừ các chi phí sinh hoạt, mất bao lâu để mua được nhà?

Cũng lạ, các luật về bất động sản và nhà ở có đủ, chặt chẽ thế, đủ để cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi các bên. Vậy mà người có tiền mua căn hộ cũng khóc khi bỏ đống tiền nhưng lại nhận nhà không sổ.

Còn rất nhiều doanh nghiệp phát triển dự án lại kẹt cứng vì không đủ giấy tờ, vướng pháp lý. Tiền đã đổ vào, dự án không chuyển động, tiền lãi cứ phát sinh. Căn hộ chưa xây nhưng giá đã đội lên vì lãi, phí. Không khóc mới lạ!

Thị trường bất động sản phát triển không bình thường, méo mó, hệ lụy đâu chỉ là người nghèo không có nhà ở, người giàu bị chôn vốn, Nhà nước chậm thu thuế mà còn làm hụt hơi động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Dự án không thể xây dựng vì vướng pháp lý, công nhân xây dựng không có việc.

Doanh nghiệp làm cửa, sản xuất xi măng, sắt thép, nội thất... đều ít việc, lấy đâu ra tiền để tiêu xài, mua sắm các loại hàng hóa khác. Như TP.HCM, có thời gian tăng trưởng kinh tế èo uột có lý do hoạt động xây dựng bị đình trệ vì nhiều dự án bất động sản vướng pháp lý.

Vậy liệu hành lang pháp lý để thị trường bất động sản phát triển có vấn đề? Chưa hẳn. Chúng ta đã kỳ công xây dựng ba luật liên quan đến thị trường bất động sản, và mới nhất là chỉnh sửa ba luật này, cho áp dụng sớm hơn năm tháng để tạo sinh khí mới cho thị trường lấy lại sức sống vốn có.

Nhưng đến nay chưa thấy thị trường sôi động như kỳ vọng, vẫn là điệp khúc, thực trạng cũ, giá bất động sản vẫn lên (và dự báo sẽ còn tăng do điều chỉnh giá đất), người mua căn hộ và nhà phát triển bất động sản vẫn khóc vì dự án ì ạch do pháp lý.

Còn đại đa số người thu nhập thấp vẫn nuôi hy vọng như bao năm qua, một ngày nào đó mình sẽ có chỗ ở tươm tất nhờ các chương trình nhà ở có tiếp sức từ Nhà nước.

Bởi thế, người dân và doanh nghiệp cùng đang kỳ vọng vào hoạt động giám sát chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 của Quốc hội để mọi người thôi khóc vì bất động sản.

Bất động sản, ai ai cũng... khóc - Ảnh 1.Cởi trói cho các dự án bất động sản

Cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất của người dân để làm dự án nhà ở thương mại được nhiều chuyên gia nhận định sẽ cởi trói các dự án, làm tăng cung nhà ở, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở.

Không có nhận xét nào: