Linh miêu: Quỷ nhập tràng không chỉ là kinh dị
Linh miêu: Quỷ nhập tràng lấy bối cảnh tại xứ Huế trong giai đoạn chuyển giao thoát khỏi chế độ thuộc địa, xây dựng cốt truyện trên nền văn hóa khảm sành sứ tại mảnh đất cố đô.
Theo số liệu của The Box Office Vietnam, tính đến ngày 29-11, Linh miêu: Quỷ nhập tràng đang dẫn đầu phòng vé với 57 tỉ đồng sau hơn một tuần ra rạp.
Vòng tròn nhân quả nghiệp báo
Phim lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian về quỷ nhập tràng, xoay quanh gia tộc Dương Phúc - một dòng họ danh giá tại Huế, nổi tiếng với nghề khảm sành sứ truyền thống.
Đứng đầu gia tộc là Mệ Bích (Hồng Đào) - một người phụ nữ quyền uy, có hai người con trai là Vĩnh Trọng (Văn Anh) và Vĩnh Thái (Samuel An).
Vĩnh Trọng, người anh cả thông minh và tài năng, được kỳ vọng kế thừa sản nghiệp nhưng không may trở nên khù khờ sau biến cố lớn. Trái ngược với người anh, cậu em Vĩnh Thái lại là người hiền hậu, yêu thương gia đình.
Trailer: Linh miêu: Quỷ nhập tràng
Bi kịch bắt đầu khi Gia Cường (bé Bảo Duy) - con trai của Vĩnh Thái, người được chọn để tiếp nối gia tộc - gặp tai nạn. Trong lúc làm lễ khâm liệm, con mèo đen bất ngờ nhảy qua thi thể khiến cậu bé sống lại.
Niềm vui chưa kịp lan tỏa thì hàng loạt sự kiện kỳ bí và rùng rợn bắt đầu xảy ra, báo hiệu những tai họa sắp sửa ập đến.
Linh miêu xoáy sâu vào mối quan hệ nhân - quả trong cuộc sống. Những kẻ làm điều ác chắc chắn phải trả giá.
Nhưng liệu những người tốt, vì lòng thù hận mà trở nên biến chất, sẽ phải đối mặt với hậu quả như thế nào? Đây là câu hỏi mà phim để lại, thôi thúc người xem suy ngẫm.
Không chỉ khai thác yếu tố kinh dị, Linh miêu còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội như định kiến trọng nam khinh nữ và phân biệt giai cấp trong xã hội phong kiến khiến người xem không khỏi xót xa trước số phận cay đắng và áp lực mà người phụ nữ xưa phải gánh chịu.
Phim không có nhiều cú jumpscare (hù dọa), đạo diễn chủ yếu lột tả không khí kinh dị qua bối cảnh ngôi biệt thự gần 150 tuổi ở Huế, sử dụng nhiều gam màu đỏ và xanh lá tạo hiệu ứng thị giác hoặc ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu ở hành lang...
Linh miêu sở hữu lớp áo đắt tiền hơn hẳn Quỷ cẩu. Điều này dễ nhận thấy qua sự đầu tư vào khâu phục trang truyền thống và tái hiện bối cảnh Huế cuối thế kỷ 19, từ nghệ thuật khảm sành sứ cho đến nghi thức thả hoa đăng hoặc hình ảnh rước kiệu thây ma.
Đặc biệt là phân cảnh các lăng mộ ở nghĩa trang An Bằng (Thừa Thiên Huế) được xây dựng và thiết kế kiểu chạm trổ khảm sành sứ hoa văn cầu kỳ.
Văn hóa dân tộc - chiếc áo quá rộng cho Linh miêu?
Dù vậy, Linh miêu vẫn không tránh khỏi những thiếu sót. Sau khi ra mắt, tác phẩm cũng nhận không ít phản hồi tiêu cực từ khán giả.
Phim gây chú ý khi đưa văn hóa khảm sành sứ - niềm tự hào của mảnh đất cố đô xưa - lên màn ảnh rộng. Nhưng Linh miêu khiến không ít người thất vọng vì không khai thác sâu, chỉ tái hiện sơ sài vài phân cảnh nhỏ.
Việc lạm dụng voice-over (tiếng ngoài hình) khiến Linh miêu mất đi tính điện ảnh. Để nhắc về quá khứ nàng dâu cả, đạo diễn cho người làm hồi tưởng lại. Qua lời kể, khán giả dễ dàng nhận ra phẩm chất của cô ấy ra sao.
Rõ ràng, những chi tiết đó đã thể hiện rõ nét bằng hình ảnh. Nhưng thay vì để khán giả tự cảm nhận, việc chêm voice-over khiến mạch phim trở nên thiếu tinh tế.
Sau cú plot twist (nút thắt) chấn động, Linh miêu có thể đẩy cảm xúc người xem lên cao bằng loạt tình tiết dồn dập như các phim kinh dị khác.
Song phim đột ngột rẽ ngoặt sang tâm lý - bi kịch bằng các phân cảnh thể hiện tình cảm, giãi bày tâm sự lê thê.
Thậm chí trong buổi chiếu sớm 19-11, nhiều người xem còn bật cười bởi lời thoại không phù hợp với hoàn cảnh. Hơn nữa, sự chênh lệch diễn xuất giữa nghệ sĩ gạo cội và dàn diễn viên trẻ bộc lộ rõ nét trong Linh miêu.
Nếu nghệ sĩ Hồng Đào gây ấn tượng với diễn xuất đậm chất điện ảnh, thể hiện rõ cốt cách và uy quyền của một "mệ Huế" đích thực thì Thiên An, Samuel An, hoa hậu Thùy Tiên chỉ dừng ở mức tròn vai.
Lần đầu lấn sân sang diễn xuất của Thùy Tiên ở mức an toàn, nhưng để đi đường dài và đủ sức đảm nhận vai chính thì nàng hậu cần trau dồi thêm.
Mặc dù Linh miêu quảng bá là đầu tư mạnh tay hơn Quỷ cẩu về mặt đồ họa, nhưng chất lượng hình ảnh trong phim vẫn chưa đủ gây ấn tượng.
Hiệu ứng CGI trong các phân cảnh như quỷ đói, linh miêu, chuột trong nhà kho... bị khán giả chê là kém chân thực, hệt như phim hoạt hình.
Điều này vô tình làm giảm đi sự rùng rợn và căng thẳng của phim, khiến không khí đáng sợ mà Linh miêu muốn tạo ra trở nên yếu ớt và thiếu sức hút.
Năm 2024, thị trường điện ảnh chứng kiến sự bùng nổ của dòng phim kinh dị như Ma da (Nguyễn Hữu Hoàng), Làm giàu với ma (Nguyễn Nhật Trung), Cám (Trần Hữu Tấn) và mới đây là Linh miêu (Lưu Thành Luân).
Điểm chung của những phim này là phủ lên lớp áo kinh dị những câu chuyện dân gian, những điển tích đậm văn hóa Việt.
Hướng đi này khả quan khi tất cả phim kể trên đều đạt doanh thu phòng vé ấn tượng, có phim lên đến trăm tỉ đồng.
Điều này gây áp lực cho các nhà làm phim sau này, bởi nếu không có sự đầu tư và khác biệt thì sẽ khó thu hút khán giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét