Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 2: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/11/2024 12:39

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 2: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm

ĐAN THUẦN
và Linh Trang 

Trong nhiều vụ kiện tụng giữa công ty bảo hiểm với khách hàng, có những trường hợp từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm với lý do 'trời ơi'.

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 2: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 1.

Hợp đồng bảo hiểm với những thuật ngữ đánh đố người mua - Minh họa: DAD

Hợp đồng rối rắm, các điều khoản không rõ ràng... dẫn đến cách hiểu khác nhau là những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm.

Khi công ty bảo hiểm "chơi chữ"

Giữa năm 2018, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trị giá đến 40 tỉ đồng giữa nguyên đơn là Công ty TM-DV H. với bị đơn là Tổng công ty bảo hiểm B.Đ..

Theo đó ngày 6-7-2017, nguyên đơn và bị đơn ký hợp đồng để bảo hiểm toàn bộ xe cần trục bánh lốp di chuyển từ Lào về Việt Nam từ ngày 10-7-2017 đến 20-7-2017, với số tiền bảo hiểm hơn 49 tỉ đồng.

Đến ngày 11-7-2017, trên đường di chuyển xe gặp sự cố cháy toàn bộ thân xe. Sau đó, nguyên đơn làm thủ tục yêu cầu bảo hiểm chi trả thì bị đơn từ chối.

Chứng thư thẩm định giá xác định giá trị của xe cần trục bánh lốp tại thời điểm cháy là 40 tỉ đồng. Do đó nguyên đơn khởi kiện bị đơn, yêu cầu bồi thường 40 tỉ đồng và tiền lãi chậm thanh toán... (hai bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại VIAC).

Bị đơn căn cứ báo cáo giám định và kết luận của cơ quan chuyên môn, cho rằng sự cố chập điện xảy ra trong quá trình xe đang hoạt động bình thường, không phải do tai nạn hay yếu tố bên ngoài tác động, chứng tỏ xe đã có khiếm khuyết và khiếm khuyết này bộc phát gây cháy.

Bị đơn gọi những khiếm khuyết này là "khuyết tật vốn có" hay "ẩn tỳ" trong đối tượng bảo hiểm. Do đó căn cứ quy tắc bảo hiểm của công ty này thì sự cố cháy xe trên không thuộc trường hợp được bảo hiểm.

Hội đồng trọng tài cho rằng khái niệm "khuyết tật vốn có" là không rõ ràng, nguyên đơn lẫn bị đơn đều có cách hiểu khác nhau.

Trường hợp này, hội đồng trọng tài áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua...".

Ngoài ra bị đơn cũng không đưa ra được chứng cứ nào về lỗi do nhà sản xuất. Song cả hai bên đều không đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan giám định hay nhà sản xuất nên hội đồng trọng tài kết luận bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn.

Hợp đồng bảo hiểm trùng, khách hàng lãnh đủ

Ông Nguyễn Kim Q. (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) là chủ một xe ô tô. Cuối tháng 7-2022, ông Q. thông qua ứng dụng cho thuê xe tự lái đã cho ông Châu Kim L. thuê chiếc xe ô tô từ ngày 20-7-2022 đến 23-7-2022.

Công ty quản lý ứng dụng cho thuê xe tự lái và Công ty P. có ký kết hợp đồng bảo hiểm cho thuê ô tô tự lái. Do vậy khi ông L. thuê xe của ông Q. có đăng ký mua bảo hiểm vật chất thân vỏ cho chiếc xe trong thời gian thuê.

Bên cạnh đó chiếc xe trên cũng đã tham gia bảo hiểm vật chất thân vỏ của Công ty bảo hiểm V. với hình thức không kinh doanh.

Ngày 21-7-2022, ông L. lái xe gây tai nạn với xe khác dẫn đến xe của ông Q. bị hư hỏng nặng và vụ việc được thông báo đến cả hai công ty bảo hiểm.

Sau đó chiếc xe được đưa về hãng sửa chữa, cả hai công ty đều cử giám định viên đến để giám định thiệt hại chiếc xe. Nhưng Công ty V. từ chối bồi thường chi phí sửa xe với lý do chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với xe không kinh doanh.

Sau đó, ông Q. và Công ty P. thống nhất chi phí sửa xe là 249 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó công ty này thông báo chỉ bồi thường 127 triệu đồng.

Cho rằng số tiền bảo hiểm chi là không thỏa đáng và chậm trễ, ông Q. kiện Công ty P. yêu cầu bồi thường 286 triệu (bao gồm thuế VAT và tiền lãi chậm trễ).

Bị đơn căn cứ điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về bảo hiểm trùng. Do đó bị đơn áp dụng phương án bồi thường theo điều khoản bảo hiểm trùng (cả hai công ty bảo hiểm đều phải chịu trách nhiệm) đối với tổn thất của xe nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Công ty P. bồi thường cho ông Q. 132,5 triệu đồng. Không đồng ý, ông Q. kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q. yêu cầu hội đồng xét xử xác định vụ việc có thuộc trường hợp bảo hiểm trùng không và nếu trùng thì đề nghị xem xét phân chia tỉ lệ bồi thường giữa hai công ty bảo hiểm.

TAND TP.HCM dẫn chiếu các quy định pháp luật, xác định hoạt động cho thuê xe tự lái không được xem là kinh doanh vận tải. Do đó không có cơ sở chấp nhận kiến nghị của Công ty V. như trên.

Đồng thời tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông Q., ghi nhận sự tự nguyện của Công ty P. bồi thường cho ông Q. số tiền bảo hiểm 149,5 triệu đồng và lãi phát sinh là 6,8 triệu đồng.

Đề xuất đưa hợp đồng bảo hiểm trở lại danh mục hợp đồng mẫu

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng khoản 16 điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm được xem là sự thỏa thuận giữa hai bên nhưng thực tế khách hàng rất ít cơ hội để đàm phán hoặc sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng.

Việc bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm trách nhiệm dân sự không còn nằm trong danh mục hợp đồng mẫu từ năm 2019 đã tạo ra lỗ hổng lớn khiến việc giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.

Từ thực trạng này, ông Tú cho rằng cần có những biện pháp cấp thiết để khắc phục, trong đó đặc biệt quan trọng là đưa các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm quan trọng khác trở lại danh mục hợp đồng mẫu để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

"Một giải pháp quan trọng khác là cần phải đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng. Các điều khoản cần được viết rõ ràng, dễ hiểu, giúp người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt quyền lợi và trách nhiệm của mình, tránh những nhầm lẫn và tranh chấp không đáng có", ông Tú góp ý.

Tôi đi đòi bảo hiểm cho cha

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 2: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 2.

Nhân viên tư vấn hợp đồng bảo hiểm cho khách - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cha mẹ tôi ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Cách đây tám năm, ông bà mua một hợp đồng thời hạn 15 năm cho con gái út, lúc đó đang học phổ thông.

Theo hợp đồng, ngoài đền bù cho con gái, ông và bà thuộc diện "ăn theo" và được chi trả tối đa 30 triệu đồng khi qua đời.

Tháng 7-2023, sau thời gian dài phát hiện ung thư, cha tôi có dấu hiệu chuyển nặng, nghe tôi hỏi hợp đồng bảo hiểm thì ông mới đưa ra một mẩu giấy tuyên hủy quyền lợi của cá nhân ông trong bộ hợp đồng.

Lý do bảo hiểm đưa ra là ông mắc ung thư, có tiền sử trước đó nhưng "kê khai không trung thực" khi ký mua hợp đồng.

Tôi cầm quyết định, nhìn cha tôi nằm tiều tụy và thời gian phía trước không còn nhiều thì cảm giác nghẹn ngang cổ họng. Nước mắt cứ thế trào ra. Tôi nói với cha rằng sẽ đi kiện để đòi bằng được quyền lợi.

Cha tôi, người nông dân hiền lành suốt đời làm ruộng, nhìn tôi thở dài và nói rằng "không được đâu con, người ta đã gửi văn bản rồi, mình không có quen biết, quyền hành gì làm sao đòi được".

Tôi nhờ bạn bè là các luật sư đọc hợp đồng giúp. Trong lòng có niềm tin mãnh liệt rằng dù cha mình có khai không trung thực thật thì bảo hiểm cũng phải đền bù vì đó là đạo lý, là nguyên tắc mua rủi ro.

Tôi trực tiếp liên hệ với đại lý bảo hiểm. Vẫn câu trả lời lạnh lùng như trong văn bản từ chối đền bù. Tôi tiếp tục gọi vào bộ phận pháp chế của bảo hiểm nhưng vẫn là một câu trả lời. Biết không thể nói với nhau được bằng lời, tôi nhờ đồng nghiệp tư vấn rồi bắt đầu thảo đơn khiếu nại.

Tôi đã tính tới việc sẽ một ngày không xa đứng giữa phiên tòa dân sự ở Nghệ An tư cách nguyên đơn để khởi kiện công ty bảo hiểm.

Nhìn cha tôi tàn lụi dần, tôi giận những ai làm ông tổn thương, trong đó có sự từ chối lạnh lùng của hãng bảo hiểm kia. Làm sao họ đưa ra lý do rằng "khách hàng kê khai không trung thực?".

Bảy ngày từ khi đơn đi, tôi nhận được điện thoại từ phó giám đốc công ty bảo hiểm chi nhánh tỉnh Nghệ An. Người này nói rằng đã đọc đơn, xem các điều khoản và thấy rằng việc từ chối đền bù cho cha tôi là chưa hợp lý nên công ty sẽ khôi phục toàn bộ hợp đồng, thực hiện chi trả hết tất cả quyền lợi cho cha tôi.

Khi báo tin này cho cha, ông quay qua phía tôi đứng rồi chỉ nói: "Rứa à? Mừng con nhỉ". Rồi ông lại quay lại tư thế nằm nghiêng, quay mặt vào tường. Nhưng tôi biết ông đang khóc vì mừng, vì tủi thân.

Tháng 1-2024 ông mất, hãng bảo hiểm kia biết và gọi điện cho tôi chia buồn. Mấy ngày sau có người về hướng dẫn làm thủ tục đền bù như nội dung hợp đồng đã ký.

Kỳ***tới: Khi bảo hiểm buộc khách hàng phải tự tìm hiểu điều khoản loại trừ chi trả

Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 2: Cần đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm - Ảnh 3.Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ 1: Quyết kiện, bảo hiểm mới chịu thua

Mua bảo hiểm được đối xử như 'thượng đế' nhưng khi đòi quyền lợi, khách hàng mới thấm và hiểu thế nào là 'lên bờ xuống ruộng'.


BÌNH LUẬN HAY11

  • Rayluan
    Hợp đồng rõ ràng câu chữ đơn giản dễ hiểu thì làm sao bán được BH?
    • 8
      3 ngày trước
    • Xem tất cả bình luận

Không có nhận xét nào: