Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ cuối: Học tiếng Anh ở tuổi 53 sau cơn đột qụy
Một người đàn ông Đà Nẵng 53 tuổi, từng là doanh nhân, nhưng trải qua biến cố sức khỏe khiến trí não bị ảnh hưởng.
Không đợi những ngày tháng vừa sống vừa tập luyện tìm lại sức khỏe, người này quyết định đi học âm nhạc và tiếng Anh để tìm lại chính mình.
Cô Nguyễn Lê Thục Khánh, giám đốc Trung tâm Anh ngữ EMMA Đà Nẵng, nói rất lâu rồi các giáo viên mới được đón một học viên đứng tuổi vừa trải qua cơn đột qụy như ông Nguyễn Hùng.
"Tôi phải sống"
Theo lịch trình vào các tối trong tuần, học viên Nguyễn Hùng hiện trú tại phường Hòa Minh, TP Đà Nẵng, theo học chương trình Anh ngữ trình độ B1-B2. Giáo viên dạy kèm ông là những người trẻ, trạc tuổi con cháu ông.
Cô Nguyễn Lê Thục Khánh nói rằng dù lớn tuổi nhưng ông Hùng rất siêng, đi học đều và rất chịu khó hỏi bài khi không hiểu.
Có lần thấy mình chậm tiếp thu, sợ ảnh hưởng tới tiến độ học của bạn cùng lớp nên ông trò chuyện mong cô Khánh thông cảm.
Cô Khánh nghe vậy liền động viên ông hãy tiếp tục, bởi với hoàn cảnh và tuổi tác như ông thì đến được lớp đã là một nỗ lực tuyệt vời.
"Bác không sao cả, mọi người đều cổ vũ bác học hành. Cứ cố gắng thì sẽ có thành quả, việc chậm hơn các bạn trẻ cùng lớp là đương nhiên và đó cũng là thử thách để bác vượt lên chính mình", cô Khánh nói với ông Hùng.
Ông Hùng gây ấn tượng với giáo viên và bạn cùng lớp. Chuyện ông đi học tiếng Anh xuất phát từ một biến cố về sức khỏe.
Trước đây ông sinh sống, lập nghiệp cùng gia đình ở tỉnh Bình Định. Công việc của ông là phụ trách trong lĩnh vực hàn, tiện. Tất cả thay đổi hoàn toàn vào năm 2019 khi ông đang nằm ngủ thì cơn tai biến bất thình lình ập tới.
"Tui đang ngủ thì tự nhiên cả cơ thể dựng dậy, cứ giật tới giật lui như có ai đó đẩy sau lưng. Lúc đó đúng giữa đêm. Vợ thấy vậy thì hỏi sao cứ như mộng du vậy, tui cứng miệng chỉ nói được ú ớ mấy câu với bà xã rằng tự nó khiến vậy chứ tôi không cố ý".
Nhớ lại khoảnh khắc sinh tử này, ông Hùng nói rằng cả mình lẫn vợ đều không nhận ra đó là dấu hiệu của cơn tai biến có thể cướp đi mạng sống một con người đang khỏe mạnh bình thường.
Tới sáng, khi cảm nhận rõ hơn sự co cứng của tay chân, miệng bắt đầu nói líu thì cả nhà mới đưa ông tới viện. Khi nghe các bác sĩ kết luận mình bị tai biến, ông Hùng nói gần như quỵ ngã, vợ con ông đã tưởng tượng đến những diễn biến xấu hơn.
Suốt hai năm trong đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Hùng cùng vợ con phải trải qua những tháng ngày gian nan trong bệnh viện. Những gì có thể làm thì tất cả đều dồn hết để giữ mạng sống cho ông.
"Tui nằm trên giường và cảm thấy cơ thể không còn là của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng thôi thế là cuộc đời mình chấm hết. Bao nhiêu dự định còn dang dở, sự nghiệp, rồi ba đứa con, cha mẹ, anh em, họ hàng...
Nghĩ tới đó, tôi gắng mở miệng để nói vài lời đừng để tôi mãi như vậy, có tốn bao nhiêu tiền bạc cũng phải ráng để cứu tôi khỏi chiếc giường tàn phế. Vợ tôi rất xúc động, chúng tôi đã đi qua những thứ như kỳ tích", ông Nguyễn Hùng nhớ lại.
Làm lại cuộc đời bắt đầu từ... học hành
Sau cơn tai biến, vợ chồng ông Nguyễn Hùng xử lý nhà cửa và cơ ngơi ở Bình Định rồi về TP Đà Nẵng để sinh sống. Cả hai quyết định buông bỏ để ông có thể thư thái, an tâm mà tập vật lý trị liệu, rèn luyện sức khỏe, phục hồi các kỹ năng.
Ông Hùng kể rằng phải mất 3 năm, từ 2021 đến 2024 kiên trì tập vật lý trị liệu kết hợp châm cứu và các can thiệp khác ông mới bắt đầu đứng dậy, rồi đi lại, đưa cơ thể dần trở lại trạng thái bình thường.
Đó là hành trình đầy gian khổ, có lúc ông ngã quỵ xuống, bật khóc vì mình không thể tự điều khiển được các bộ phận trên cơ thể mình.
Quyết định buông bỏ tất cả nhưng ông Hùng lại tìm đến một niềm vui khác mà ngay cả vợ ông cũng không từng tưởng tượng: đi học lại. Đầu tiên đó là học sáo trúc. Vì không thể tự đi tới lớp được, ông Hùng tìm thầy giáo dạy bộ môn sáo trúc theo hình thức 1 kèm 1 online rồi kiên nhẫn mày mò.
Nhìn học trò lớn tuổi, chân tay cứng đơ và nói câu tròn câu méo, thầy giáo của ông cũng không dám tin rằng người học viên này đủ kiên nhẫn để có thể hoàn thiện nhạc lý cơ bản rồi thực hành nhạc cụ sáo trúc.
Nhưng sau một thời gian, bàn tay ông Hùng đã nhuyễn hơn, hơi đã đều và tạo âm vực mỏng dày trên cây sáo trúc khiến cả thầy lẫn trò đều cảm nhận được niềm vui.
Không dừng lại ở học nhạc sáo, ông Hùng còn tập tành guitar. Giữa năm 2024, ông Hùng đưa ra một đề xuất khiến vợ ông cũng ngạc nhiên: ông muốn đăng ký học lên trình độ B2 Anh ngữ.
Bao nhiêu năm làm trong công việc tiện hàn, môi trường cũng rất khó có liên quan tới ngoại ngữ, ông Hùng cũng đã trải qua cơn thập tử nhất sinh, tới nay trí não và chân tay chưa thể phục hồi như cũ.
Vậy nên khi nghe chồng nói sẽ đi học tiếng Anh thì lúc đầu người vợ không tin. Vậy mà khi ông "xin" tiền đóng học phí, rồi bảo vợ nấu cơm sớm để ăn rồi cắp sách lọ mọ tới trung tâm tiếng Anh, vợ ông Hùng mới thực sự tin là chồng đi học thật.
Tuổi 53 mò mẫm trên cánh đồng chữ nghĩa
Mỗi buổi tối ở trung tâm Anh ngữ trên đường Hoàng Thị Loan, Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng), hình ảnh ông Hùng đi tập tễnh, tay cầm giỏ sách vở, lọ mọ bước vào lớp học khiến ai nấy đều tò mò.
Nhìn hình ảnh khắc khổ, chậm chạp vì bệnh tật của ông nhiều người còn tin rằng ông là... một nhân viên bảo vệ.
Nhưng trong lớp học tiếng Anh, ông Hùng lại được các cô giáo dành nhiều sự quan tâm nhất. Ông kể rằng vừa lớn tuổi, vừa trải qua cơn tai biến, cộng với hàng chục năm không cầm bút, đọc sách, nên với ông việc ngồi ngay ngắn đã là rất khó.
Vậy mà để lĩnh hội được kiến thức, ông phải ngồi trong lớp học mỗi tối 1,5 tiếng, đêm về phải hoàn thành các bài tập, mở clip luyện phát âm ra nghe và dò đoán các câu thoại.
Lớp của ông có các học viên đều là sinh viên, chỉ có ông cùng một người tuổi trung niên cũng miệt mài học. Chênh nhau về tuổi tác, trình độ, khả năng tư duy và nắm bắt nên ông Hùng phải dò dẫm, nhờ cô giáo giảng đi giảng lại nhiều lần. Nhưng cô giảng rồi, ông vẫn cứ quên.
"Cô giáo ơi, phiền cô thông cảm cho vì lão già này cái đầu nó không bình thường nữa. Chữ nó cứ trôi tuột đi đâu mất, nếu có hỏi nhiều quá thì xin cô đừng phiền nhé!", ông luôn nói như vậy mỗi khi không hiểu bài.
Câu nói ấy vừa thương, vừa tội nghiệp khiến ai nấy nghe cũng đều chạnh lòng. Ban đầu lạ lẫm, nhưng lâu dần mọi người cứ động viên, cổ vũ, rồi ông Hùng cũng quen dần với những buổi học...
Thử thách bản thân
Nói về chuyện đi học trở lại ở tuổi 53, ông Hùng nói rằng chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ cầm sách vở đến lớp với hình ảnh một học viên ở tuổi xế chiều. Nhưng những gì đã qua buộc ông phải tiến lên, phải gượng dậy, nếu không thời gian còn lại phía trước sẽ rất mệt mỏi.
"Tai biến xong thì chân tay tui giờ vẫn rất khó vận động, miệng nói cũng méo chữ. Đầu thì lúc nhớ lúc quên, nói cái gì ra cũng ú ớ rồi lúc sau mới diễn đạt được.
Thực sự rất khó khăn nhưng tôi quyết tâm đi học để làm mới lại chính mình, rèn luyện trí nhớ, cũng là thử thách khả năng bản thân bây giờ coi chịu đựng được tới đâu. Tui đi học để cho chính mình chứ không vì bằng cấp hay gì cả", ông Hùng tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét