Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 1: Hát opera ở tuổi 46

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 13/10/2024 11:00

Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 1: Hát opera ở tuổi 46

Trải nghiệm để khám phá thế giới, khám phá bản thân là một hành trình hạnh phúc và giúp cuộc sống tuổi trung niên trở nên nhiều màu sắc, thậm chí ý nghĩa hơn.

Kỳ 1: Hát opera ở tuổi 46 - Ảnh 1.

Trần Lệ Thùy trong buổi diễn vở opera La Traviata (Trà hoa nữ) tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội - Ảnh: NVCC

Bước vào tuổi trung niên, nhiều người bắt đầu chọn cách sống an phận với những gì mình đã lựa chọn, gầy dựng từ thời thanh xuân, nhưng lại có những người muốn bắt đầu với một lựa chọn mới mẻ, thậm chí khác biệt hoàn toàn với mình.

Trải nghiệm để khám phá thế giới, khám phá bản thân là một hành trình hạnh phúc và giúp cuộc sống tuổi trung niên trở nên nhiều màu sắc, thậm chí ý nghĩa hơn...

Trần Lệ Thùy sống ở Hà Nội, từng làm nhiều nghề, từ nhà báo, sản xuất phim, rồi làm giảng viên đại học.

Nhưng những cú "nhảy việc" của Thùy không khiến mọi người quen biết cô ngạc nhiên như khi nhìn thấy cô hát trong dàn nhạc giao hưởng của những chương trình biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội.

Thi tuyển vào dàn hợp xướng... do đồng nghiệp xui

Ai biết Thùy cũng nhận thấy đó là cô gái giản dị, hướng nội và... không bao giờ cầm mic hát trước đám đông. "Hát dở như Thùy" là câu nói của nhiều đồng nghiệp về cô. Họ mặc định cô không biết hát, hoặc hát dở tệ nên mới... không dám cầm mic.

Thùy tự lý giải có lẽ hát là việc bộc lộ cảm xúc cá nhân nhiều quá, trong khi ở tuổi trưởng thành Thùy có xu hướng sống khép kín. Cô ngại sân khấu, ngại sự chú ý. Tuy vậy, cô thích nghe nhạc cổ điển và hát theo.

Cô cũng thường dành thời gian mua vé xem các chương trình nhạc cổ điển. Nhưng cô nghĩ mình quan tâm vì thích nghe nhạc, chứ không bao giờ tưởng tượng một ngày lại đi hát.

Cơ duyên đến với Thùy bắt đầu từ một chuyến công tác ở Điện Biên. Trong lúc rảnh rỗi sau giờ làm việc, nhóm ba đồng nghiệp của cô mang loa thùng ra hát karaoke.

Thấy mọi người vui, tự dưng cô cũng muốn hát. Cô chọn một bài kinh điển trong vở nhạc kịch Bóng ma trong nhà hát.

Thùy kể: "Lúc đầu các bạn đi cùng cười vì có lẽ không thể hiểu tại sao tôi lại chọn bài hát khó thế. Nhưng khi tôi hát, các em ấy rất ngạc nhiên vì thấy tôi không được học hành gì về thanh nhạc lại lên được nốt cao thế. Đó cũng là lần đầu tiên từ khi tôi trưởng thành, có ai đó nói về giọng hát của tôi.

Sau chuyến công tác và trong suốt hai năm sau đó, mấy em đồng nghiệp không ngừng giục tôi đi học, đi thi tuyển để theo đuổi nghiệp hát.

Rồi một ngày tôi quyết định đăng ký thử giọng vào một dàn hợp xướng quốc tế tại Hà Nội. Năm đó tôi 46 tuổi, có lẽ là lứa tuổi mà theo suy nghĩ thông thường, chẳng ai bắt đầu đi hát".

Được chọn dù chưa biết nhạc, không biết chơi nhạc cụ nào

Câu chuyện đi thử giọng của Trần Lệ Thùy cũng khá lạ. Cô kể từng học nhạc lý và có thể đọc được bản nhạc ở mức đơn giản, nhưng so với những người khác trong dàn nhạc, có thể nói cô chưa biết nhạc, chưa qua trường lớp đào tạo nào.

Người phỏng vấn Thùy trong cuộc thi tuyển là trưởng dàn hợp xướng, một người Pháp.

Ông cho cô biết chỉ có 10 phút để trả lời câu hỏi và hát thử online. Câu đầu tiên ông hỏi Thùy là "đã học nhạc bao giờ chưa?", Thùy trả lời "chưa bao giờ". Ông hỏi tiếp "có biết chơi nhạc cụ nào không?", cô trả lời "không". Ông lắc đầu, thất vọng, nhưng ông vẫn bảo cô hát thử.

Thùy kể lại: "Tôi hát một bản aria opera quen thuộc. Nhưng giọng tôi rất run, không phải vì tôi quá kỳ vọng vào cuộc thi tuyển mà chỉ là tôi luôn run như thế khi phải hát trước ai đó.

Ông ấy đã tinh tế tắt màn hình để tôi hát cho đỡ run. Khi hát xong, tôi xin lỗi ông và nói vì quá run nên không thể lên nốt cao được dù lúc ở nhà tôi lên được nốt đó dễ dàng.

Không ngờ, vị giám khảo nói "thế là cao rồi". Và ông đã chấm cho tôi đỗ. Dù tôi có nhiều điểm trừ nhưng lại có giọng đủ thuyết phục ông.

Cùng với thông báo đỗ, tôi nhận một lịch biểu diễn liên tiếp ở Nhà hát lớn và được xếp vào bè cao nhất. Cảm giác khi đó là lạ lẫm, thậm chí hơi sốc. Tôi bắt đầu trở thành thành viên của dàn hợp xướng như thế".

Ở dàn hợp xướng này có khá nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Điểm chung là họ đều được học nhạc từ sớm.

Có người từng được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi hát. Khi bước chân vào dàn hợp xướng, Thùy thường muốn thu người núp sau người khác và hát khá nhỏ vì sợ sai, sợ phô, sợ lộ việc mình còn non yếu.

"Thanh xuân của chị ở đâu? Sao bây giờ chị mới đi học vậy?". Thùy nhận được nhiều câu hỏi tương tự của thầy cô giáo dạy mình.

Câu hỏi mang tính cảm thán đó thay cho một nhận xét về thứ cô sở hữu tự nhiên là giọng hát, là khả năng treo giọng cao, giữ hơi khá dài. Nhưng để theo đuổi niềm yêu thích mới, cô không chỉ cần một chất giọng bẩm sinh.

Có những câu chuyện buồn cười xảy ra đối với một người tay ngang đi hát cổ điển. Đó là giọng Thùy quá cao nên mặc dù đã hát ở bè Soprano 1 là bè cao nhất, nhưng do không biết nhạc, nên không ít lần cô còn hát cao hơn một quãng tám.

Mọi người ở dàn hợp xướng gọi đùa cô là Soprano 0. Một người có chuyên môn nhạc thường đứng hát cạnh cô hay trêu là có nhiệm vụ kéo cô hát thấp xuống.

Cô nhớ lại trong một năm, cô đã dành thời gian học rất nhiều thứ: học lại nhạc lý, học thanh nhạc, luyện giọng và luyện cả khả năng hát trước đông người. Dường như cô đã học cho cả tuổi thanh xuân của mình.

Vẻ đẹp âm nhạc

Thùy kể về sự thay đổi của mình: "Có những thứ trước đây tôi chưa bao giờ làm, thì giờ tôi được trải nghiệm. Được hát và hát được là niềm vui rất đẹp. Nên với tôi theo đuổi điều này không mục đích gì khác ngoài sự say mê và thấy cuộc sống thú vị, ý nghĩa hơn".

Dàn hợp xướng chủ yếu là hát nhạc cổ điển thính phòng, nên cần đọc được bản nhạc, hát được nhiều thứ tiếng. Tưởng là khó khăn nhưng hóa ra hát opera lại là móc xích kết nối những sở thích của Thùy lại.

Trước đây, cô là người thích học ngoại ngữ nên biết phát âm nhiều thứ tiếng. Do thích nghe nhạc cổ điển từ lâu nên cô đã quen thuộc với giai điệu của nhiều bài khi tập trong dàn hợp xướng.

Thế nên cô không mất quá nhiều thời gian để tập các bài hát hợp xướng bằng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, thậm chí tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Với Thùy, bước ngoặt mới khiến cô khám phá khả năng của bản thân và cũng khám phá vẻ đẹp của âm nhạc.

"Lần đầu tiên tham gia biểu diễn một tác phẩm của Beethoven ở Nhà hát lớn Hà Nội với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, tôi rất xúc động. Không chỉ vì tôi được biểu diễn ở không gian nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn là cảm nhận về cái đẹp thật khó tả của âm nhạc.

Tôi từng nghe bản nhạc nhiều lần và ở vị trí người thưởng thức tôi đã thấy hay rồi, nhưng chỉ khi đứng trong dàn nhạc, tôi mới thấy hết vẻ đẹp của nó", Thùy nhớ lại.

Năm 2023, cô có cơ hội biểu diễn trong một chương trình của rapper Đen Vâu. Khi được thông tin hát trong chương trình này, Thùy đã không nghĩ nhạc thính phòng giao hưởng có thể ăn nhập với phong cách pop, rap. Nhưng khi cầm các bản nhạc được soạn cho Đen, Thùy thấy ngay nó rất hay. Và như hình dung, chương trình đó hoành tráng và rất ấn tượng.

"Với tôi đó là một trong những trải nghiệm ý nghĩa. Vì tôi bắt đầu quen sân khấu hơn, có thể hát và chill trên sân khấu với 10.000 khán giả cuồng nhiệt chứ không còn ngại như trước. Việc kết hợp các giọng opera với rap thực sự bùng nổ. Chỉ có thể nói là khi hát thấy rất "phê"", Thùy nói.

Kỳ 1: Hát opera ở tuổi 46 - Ảnh 2.

Vở diễn La Traviata mà Thùy tham gia - Ảnh: ĐẶNG VŨ TRUNG KIÊN

Thùy chia sẻ: "Tôi muốn việc đi hát chỉ dừng ở một cuộc dạo chơi. Đó không phải nghề nghiệp để kiếm tiền, hay để thăng tiến, khoe khoang, cũng không phải lựa chọn để phải bon chen, hơn thua mệt mỏi.

Đã xác định như vậy, nhưng đôi lúc tôi cũng cảm nhận được sự phức tạp xung quanh lựa chọn của mình nên tự nhủ chừng nào không còn vui nữa thì tôi sẽ dừng lại. Nhưng "giấc mơ" dù ngắn hay dài thì cũng sẽ là một ký ức đẹp thời trung niên của tôi".

_________________________________________________

Múa ballet, người trẻ có lợi thế hơn và ít nhất cũng phải tập luyện đủ thời gian cần thiết. Nhưng Trinh xỏ chân vào giày mũi cứng khi ở tuổi 50.

Kỳ tới: Xỏ chân vào giày múa ballet ở tuổi 50

Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 1: Hát opera ở tuổi 46 - Ảnh 3.Người từ tuổi trung niên trở lên quan tâm nhất chuyện gì?

Một trong số vấn đề người từ lứa tuổi trung niên quan tâm nhất là vấn đề sức khỏe, bên cạnh tài chính, cuộc sống của con cháu, người thân.

Không có nhận xét nào: