Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 3: Đừng sợ mà hãy cứ thử
Chị Đỗ Diễm Hồng là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Hà Nội. Thế nhưng sau rất nhiều ngại ngần, chị đã thử bắt đầu với hội họa khi đã bước vào tuổi trung niên.
Chị kể mình từng làm tốt nhiều việc nhưng lại không bao giờ nghĩ có thể cầm cọ vẽ, chưa nói đến làm tranh sơn mài.
Học trò đặc biệt
Họa sĩ Đinh Ngọc Cảnh, người vừa cùng hai học trò của mình triển lãm tranh sơn mài mang tên Amber vào năm 2023, cho biết chị Diễm Hồng là học trò thứ ba mà anh nhận hướng dẫn. Chị cũng là học trò lớn tuổi nhất của anh cho tới bây giờ. Chị Diễm Hồng biết anh khi đến triển lãm Amber.
Chị kể: "Thời điểm đó, tôi mới học vẽ màu gouache và màu acrylic. Đó cũng là lúc tôi nhận thấy khi có thầy hướng dẫn và bản thân lao động nghiêm túc thì có thể làm được những điều mà mình từng nghĩ khó có thể làm được. Cụ thể là việc cầm cọ vẽ, không còn là việc không thể, dù để theo đuổi nó cần nhiều cố gắng bền bỉ.
Khi đến triển lãm Amber, tôi bị cuốn hút bởi tranh sơn mài của họa sĩ Đinh Ngọc Cảnh với lối vẽ tả thực truyền thống, giàu cảm xúc và kỹ thuật sơn mài truyền thống kỹ càng, trau chuốt như phong cách của các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương.
Cuộc gặp gỡ với họa sĩ thắp lên trong tôi một mơ ước mới. Dĩ nhiên tôi biết sơn mài là lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Nhưng những trải nghiệm đã qua cho tôi thấy càng nhiều tuổi, thời gian của mình như càng trôi nhanh. Tôi muốn nắm lấy cơ hội để học nhiều hơn, sâu hơn về hội họa khi còn có thể làm được".
Họa sĩ Đinh Ngọc Cảnh nhớ lại: "Hồi đầu, tôi cũng băn khoăn vì không nghĩ chị ấy có thể đi được với sơn mài lâu dài, vì ngay cả những họa sĩ chuyên nghiệp thì việc làm tranh sơn mài cũng rất kỳ công, vất vả. Người muốn theo đuổi nó cần sự đam mê và cả nghị lực.
Nhưng không ngờ chị Diễm Hồng đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Có lúc chị bị dị ứng sơn ta mẩn đỏ hết mặt, cổ và tay, phải ngừng đến xưởng vẽ. Tôi cứ tưởng chị sẽ bỏ cuộc, nhưng rồi chị lại đến và tiếp tục".
Xưởng làm tranh sơn mài của anh Cảnh nằm trong ngõ nhỏ ở vùng ven Hà Nội. Là người rất bận rộn, nên cứ khi nào thu xếp được thời gian rảnh, chị Diễm Hồng lại đến xưởng để làm tiếp bức tranh của mình với sự góp ý, hướng dẫn của thầy.
Để hoàn thiện một bức sơn mài, mất nhiều thời gian. Phải nhìn chị cặm cụi với tác phẩm của mình, từ đi nét đến dán vỏ trứng, dán lá vàng, phủ vụn bạc, sơn và mài thì mới thấy người phụ nữ trung niên ấy đam mê thế nào.
Vừa đi lại nét trên một bức tranh để làm tiếp các công đoạn khác, chị Hồng vừa vui vẻ nói: "Con trai tôi cũng bảo sao mẹ lại chọn một thú vui vất vả thế, có bao thứ nhàn hơn sao không làm? Đúng là vất vả, lấm lem, mặt mũi xấu xí vì sơn ăn nhưng đã thích thì sẽ phải theo thôi".
Chị Diễm Hồng đang hoàn thiện bức sơn mài thứ ba của mình sau một thời gian ngắn theo học họa sĩ Cảnh. Đó là bức vẽ con tàu trên bến cảng giữa trời biển mênh mông. Anh Cảnh nhận xét dù học vẽ rất muộn và cũng học chưa lâu nhưng chị đi nét (công đoạn đầu tiên của bức sơn mài) rất đẹp, thậm chí xử lý được những chi tiết rất khó.
Chị Diễm Hồng cũng nhận được lời khen của một vài họa sĩ và bạn bè về những bức sơn mài, thành quả lao động của mình. Chị nói lời khen của thầy và mọi người là sự khích lệ cho chị động lực để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê hội họa.
Anh Cảnh cho biết sơn mài không thể làm được vào thời tiết quá nắng nóng, vì độ ẩm ngoài trời thấp sẽ khiến bề mặt sơn khô nhanh nhưng bên trong vẫn ướt, tranh sẽ hỏng. Các công đoạn làm sơn mài đều không thể làm trong phòng máy lạnh.
Chị Hồng đã phải cố gắng tận dụng thời gian rảnh ít ỏi của mình để sang xưởng tranh vào những khi thời tiết thuận lợi. Kỹ thuật làm tranh sơn mài trải qua nhiều công đoạn nên để hoàn thiện một bức tranh khá lâu. Điều đó cũng cần ở những người học sơn mài sự kiên trì, tỉ mỉ. "Đam mê và nghị lực của học trò khiến tôi cũng thêm yêu nghề", anh Cảnh chia sẻ.
Còn chị Diễm Hồng thì tâm sự: "Trước đây tôi đã nghĩ làm sao mình có thể vẽ được. Khi quyết định đi học, tôi vẫn rất tự ti, vì đã thiếu căn bản lại ở tuổi mắt kém, mọi thứ chậm chạp hơn thời còn trẻ. Nhưng khi đã bắt đầu rồi thì thấy mình có thể theo được. Giờ thì tôi có thể nói với những ai còn đang ngần ngại là nếu đã thích thì cứ phải thử đi".
Học nhiều thứ... chỉ để khám phá
Hiện tại chị Hồng không chỉ học sơn mài với thầy Cảnh mà còn thu xếp thời gian học vẽ màu nước với một họa sĩ khác, chăm chỉ như một học sinh còn trẻ. Hai năm học vẽ, chị đã đi qua những bài học vỡ lòng của hội họa với một số thầy.
Ngắm lại bức ảnh chị mặc áo dài thời còn trẻ hơn bây giờ, chị bảo một lúc nào đó chị sẽ tự họa mình dựa theo bức ảnh cũ này.
"Không ai vẽ mình thì mình sẽ tự vẽ vậy", chị Hồng nói vui. Chị hào hứng với những dự định tiếp theo của ước mơ hội họa như một lựa chọn để "sống chậm rãi hơn" và cảm nhận niềm hạnh phúc.
Chị Diễm Hồng từng là học sinh chuyên toán từ cấp THCS đến THPT tại Hà Nội. Khi đi du học tại Liên Xô (cũ), chị cũng được phân vào ngành toán ứng dụng. Về nước, chị làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin rồi chuyển nghề, trải qua nhiều chức vụ khác nhau ở các ngân hàng khác nhau.
Hiện tại, chị vẫn là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý rủi ro của ngân hàng và... đi học nhiều thứ để "đầu óc luôn được hoạt động".
Hiện tại, chị Diễm Hồng còn là thành viên của một dàn hợp xướng quốc tế tại Hà Nội. Chị kể mình thích hát từ nhỏ và đã học hát opera.
Tham gia dàn hợp xướng là cách chị được tiếp tục tập hát và đắm chìm trong những giai điệu đẹp đẽ của các tác phẩm âm nhạc kinh điển. Thỉnh thoảng, chị lại cùng các thành viên ở dàn hợp xướng biểu diễn tại một số nhà thờ, nhà hát lớn...
Chị Hồng cũng biết nhiều ngoại ngữ: tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, hiện chị đang học tiếng Ý. Chị nói nếu còn thời gian chị sẽ học thêm tiếng Trung Quốc vì "mỗi ngôn ngữ là một cửa sổ mở ra một nền văn hóa".
Mong muốn học thêm tiếng Trung Quốc cũng để chị thuận lợi hơn khi học và nghiên cứu kinh dịch, văn hóa Đông phương cổ xưa. Chị còn học võ Vịnh Xuân để "duy trì sự linh hoạt, sức khỏe".
Nói về những "giấc mơ" mà mình đã chạm đến ở tuổi trung niên, chị Diễm Hồng cho rằng nó chỉ là hành trình tiếp tục khám phá bản thân và khám phá những điều mà mình còn chưa biết về cuộc sống xung quanh, để tuổi trung niên không trôi đi buồn tẻ.
__________________________________________
"Những tiếng động đều và rời rạc nhất là tiếng động từ thiết bị điện tử, kim loại đều khiến tôi rơi vào cơn rối loạn lo âu. Đôi khi tình trạng ấy tăng nặng mà tôi phải tự tìm cách vượt qua. Và tôi chọn học đàn guitar", chị Hiên chia sẻ.
Kỳ tới: Học đàn để... chữa lành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét