Chặt chém khách du lịch, chuyện cũ nhưng luôn luôn mới
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói tình trạng “chặt chém” du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
UBND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang kiện toàn Tổ kiểm tra liên ngành “Giám sát, kiểm soát chất lượng và giá cả dịch vụ du lịch Phú Quốc”, nhằm bình ổn giá cả, chấn chỉnh nạn “chặt, chém” khách du lịch.
Thời gian qua, ngành du lịch Phú Quốc đã nhận được rất nhiều phản hồi từ du khách về việc giá dịch vụ đắt đỏ, nhiều đơn vị kinh doanh làm ăn chộp giật và "chặt, chém".
Vấn nạn “chặt, chém” du khách, cũng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề cập vào hôm qua (15.11), tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
Bộ trưởng cho biết: Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.
“Chặt, chém” khách du lịch bắt đầu có từ khi Việt Nam bắt đầu biết làm du lịch, tức không phải là chuyện gì mới lạ.
Nhưng mới lạ là sau bao nhiêu năm, dù được xác định là vấn nạn nhưng “chặt, chém” du khách vẫn luôn là chuyện nóng, chuyện thời sự từ thực tế hàng ngày ở các địa phương cho đến các diễn đàn của người quản lý.
Vẫn biết là du lịch Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn và rào cản làm ảnh hưởng đến sự phát triển và phục hồi sau đại dịch.
Ví dụ như chưa có chính sách miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ.
Hay mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...
Tuy nhiên đây là những khó khăn và rào cản ở tầm vĩ mô, vượt khỏi tầm với của các địa phương. Còn với vấn nạn “chặt, chém” du khách. Đây là khó khăn và rào cản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của lãnh đạo từng tỉnh, thành phố.
Và vấn đề cũng không nằm ở cơ chế hay chính sách mà chính là sự quyết tâm hay không quyết tâm xử lý, trước hết là vì chính “nồi cơm” và hình ảnh của địa phương mình.
Thực tế cũng đã chứng minh là có rất nhiều địa phương - như Hội An đã xử lý rất tốt nạn "chặt, chém" du khách. Để đổi lại, Hội An luôn là một điểm đến an toàn, thân thiện... Và sự lựa chọn quay trở lại hàng đầu của không chỉ khách quốc tế.
Vậy nên nói “Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời…” như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vẫn còn là nói nhẹ, nói tránh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét