Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái
Sáng tác xuất thần. |
Có khi Bùi Giáng ra giữa đường làm… Cảnh sát giao thông hướng dẫn cho xe cộ qua lại và ông tỏ ra rất thích thú trò vui này. Buổi tối ông say bí tỉ thường về tá túc mấy ngôi chùa hoặc nhà đứa cháu ở Gò Vấp, nhưng nhà một người bạn đồng hương Quảng Nam với ông: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thùy là nơi Bùi Giáng thường ở lại sau những cuộc rong chơi, có khi tới mấy tháng trời nên Nguyễn Thùy rất gần gũi với Bùi Giáng trong sinh hoạt đời thường cũng như lúc Bùi Giáng “nhập” vào “cõi điên”.
Theo Nguyễn Thùy, ngày Bùi Giáng thuê nhà ở cạnh nhà vợ chồng ông thì Bùi Giáng hãy còn “chĩnh chạc” lắm, ý Nguyễn Thùy cho rằng Bùi Giáng chưa “nhập” vào “cõi điên”. Lúc đó Bùi Giáng còn đi dạy học ở trường Tân Thịnh và Tân Thanh do hai ông Phan Thuyết và Phan Út người cùng quê Quảng Nam có họ hàng xa gần với Bùi Giáng làm hiệu trưởng.
Lúc đó dạy trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp đã được gọi là giáo sư, do đó giáo sư Bùi Giáng từ cách ăn mặc đến tác phong đều phải mẫu mực. Lúc này Bùi Giáng vừa dạy học để nuôi cô em gái, vừa viết khảo luận văn học, dịch sách, làm thơ và…vẽ tranh. Tất nhiên tranh của Bùi Giáng vẽ có khi chính ông cũng không hiểu chứ đừng nói chi người xem tranh của ông.
Theo Nguyễn Thùy thì tranh của Bùi Giáng ông xem… chẳng hiểu gì cả bởi Bùi Giáng vẽ tranh không thuộc trường phái nào và nội dung những bức tranh là minh họa các huyền thoại, thần thoại Hy Lạp. Thơ của Bùi Giáng trong giai đoạn này cũng chưa đến nỗi “điên” hoặc thỉnh thoảng chỉ “điên điên” chút đỉnh mà thôi.
Tác phẩm Gửi đêm của Bùi Giáng. Ảnh tư liệu |
Những cuộc rong chơi bất tận
Nhưng khi những cơn “điên điên” của Bùi Giáng bộc phát, ông thường rủ Nguyễn Thùy vào những cuộc rong chơi “vô tiền khoáng hậu”, đó là khi hai người chui vào những lùm cây um tùm trên đường Nguyễn Huỳnh Đức để… làm thơ. Bùi Giáng hết chui vào hết ngồi dưới gốc cây này tới gốc cây khác làm thơ cho đến khi trời tối mịt mà vẫn chưa chịu về. Ông viết đầy kín những trang giấy của một cuốn tập nhỏ, một vài lần bị kiến bu đến cắn, Bùi Giáng nhảy dựng lên, la hoảng: “Kiến cắn thơ tao, kiến cắn thơ tao”. Nguyễn Thùy có một người bạn vẫn thường đến chơi, đó là nhà văn, học giả Nguyễn Đức Quỳnh, một hôm Nguyễn Thùy đi dạy, Nguyễn Đức Quỳnh đến chơi chỉ có vợ Nguyễn Thùy ở nhà, vợ Nguyễn Thùy mời Bùi Giáng qua ăn cơm với Nguyễn Đức Quỳnh cho vui, trong bữa cơm không biết Bùi Giáng và Nguyễn Đức Quỳnh bàn luận chuyện gì đã xảy ra tranh cãi nảy lửa giữa hai người, Bùi Giáng tức giận hất đổ hết thức ăn.
Bùi Giáng không thích những học giả, các nhà phê bình và các giáo sư đại học. Trong cuốn khảo luận nhan đề “Con đường Ngã Ba” do NXB An Tiêm ấn hành năm 1972, Bùi Giáng gọi những vị này là “Những đạo thính đồ thuyết” tức là những kẻ “nghe ngoài đường và nói ngoài đường”, là “hoạt tinh thể của con người mạt hậu”, là những người “thông minh một cách thô thiển, vểnh tai ngoài đường và bi bô ăn nói ngoài đường để tàn phá mọi ngã ba đường của bước chân đi từ nội tâm nội mật”.
Theo Nguyễn Thùy thì “cái điên” của Bùi Giáng thật khó lòng phân tích, ông đọc hết các tập thơ, các sách ông viết nhất là các tập khảo luận “Tư tưởng hiện đại” rồi liên hệ với lối sống kỳ cục của Bùi Giáng, là một người gắn bó, theo sát ông thời gian dài, Nguyễn Thùy chí ít cũng lý giải được nguyên do đã khiến cho Bùi Giáng “điên điên”, nhưng ông cũng không dám nghĩ ý của mình là đúng.
Nhưng có một điều Nguyễn Thùy khẳng định là Bùi Giáng có tấm lòng thương người, nhất là người già và trẻ con, Bùi Giáng cũng căm thù bạo lực, cực kỳ ghét thói man trá, giả hình, lật lọng của những kẻ tự cho mình là “trí thức”, “trưởng giả”… Theo Nguyễn Thùy thì Bùi Giáng là “Một vị Bồ Tát thị hiện giữa mạt thế ma cung, là một Bồ Tát bị đọa, vì chưa đoạn diệt được 4 tướng: Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng”.
Nói về thơ, Bùi Giáng có cả ngàn bài, trong số đó có những bài Bùi Giáng cố ý chọc ghẹo, bông đùa, cà rỡn nên có những câu thơ rất… “đơn giản như đang giỡn” kiểu Bùi Giáng mà sau này có nhiều “nhà thơ” cố ý bắt chước theo phong cách của Bùi Giáng nhưng thơ rởm, thơ nhái kiểu Bùi Giáng thì lộ ra ngay, bởi dù làm thơ thế nào, ngôn ngữ, phong cách thơ Bùi Giáng vẫn là một “đặc sản” không dễ dàng bắt chước, nhái giọng được. Vì thế nên có một giai thoại, trong bàn nhậu, dân nhậu thường đọc hai câu thơ: “Yêu em yêu quá chừng chừng. Bởi em có cái lạ lùng bên trong”. Và bảo rằng đây là hai câu thơ của Bùi Giáng, nhưng nhiều người, kể cả ông Nguyễn Thùy, người đọc Bùi Giáng gần như không sót một chữ thì cho rằng… chưa hề thấy hai câu thơ này trong bất cứ bài thơ nào, tập thơ nào của Bùi Giáng.
Cõi điên của Bùi Giáng
Khi vợ chồng Nguyễn Thùy dọn về một căn hộ ở chung cư Minh Mạng, Bùi Giáng cũng vẫn thường đến đây, có lúc ông ở lại hai tháng liền và chỉ có vợ chồng Nguyễn Thùy vì quý trọng tài năng của Bùi Giáng và là đồng hương nên mới “chịu đựng” nổi lối sống “điên điên” của ông mà thôi. Ban ngày Bùi Giáng ra khỏi nhà rất sớm với bộ quần áo “cái bang” lưu niên và ông “thiền hành” khắp mọi nẻo đường.
Tối về, Bùi Giáng mặc nguyên bộ “cái bang” này lăn ra sàn nhà ngủ, hoặc đọc thơ, cười nói oang oang một mình suốt đêm khiến cho hàng xóm không ai chợp mắt được.
Một hôm Bùi Giáng xách về nhà Nguyễn Thùy một con mèo chết, trịnh trọng treo xác con mèo lên sợi dây kẽm phơi quần áo sau nhà Nguyễn Thùy không biết để làm gì. Vài ngày sau xác con mèo thối rửa, bốc mùi hôi thối “kinh thiên động địa” cả xóm không ai chịu nổi, Nguyễn Thùy năn nỉ Bùi Giáng quăng xác con mèo đi cho rảnh nợ, khỏi bị hàng xóm chửi nhưng Bùi Giáng cương quyết không chịu. Nguyễn Thùy đành đợi lúc Bùi Giáng ra khỏi nhà lén quăng xác con mèo, tưởng đâu lúc về Bùi Giáng sẽ nổi cơn tam bành, nhưng thật bất ngờ, Bùi Giáng chỉ lắc đầu rồi hồn nhiên khen Nguyễn Thùy: “Chú mày làm tốt lắm”, khiến Nguyễn Thùy chẳng biết tánh ý Bùi Giáng ra sao mà lường.
Từ năm 1975 trở về sau Bùi Giáng ít viết, nếu hôm nào không “thiền hành”, lang thang ngao du khắp chốn thì ngồi chơi dưới chân cầu thang chung cư Minh Mạng cùng mấy con chó nhỏ thả ra trong túi vải. Và khi “điên điên” ông lại ra đi, những lúc như thế Bùi Giáng lại rất vui, rất thích thú bước vào “cõi điên” của mình. Ngược lại, những khi không được “điên điên”, Bùi Giáng thường nằm mẹp ở nhà, chẳng mở miệng nửa lời, ông nằm liệt trên sàn nhà mấy ngày liền như một cái xác chết. Nhưng rồi một hôm nào đó bất ngờ Bùi Giáng bật dậy, bắt đầu lại cuộc “thiền hành” thì ông như một người khác, nhảy múa, chọc ghẹo người qua đường, nhất là các cô gái khiến họ sợ phát khiếp. Nguyễn Thùy lại là người phải đi theo Bùi Giáng để “đỡ đòn”, năn nỉ không cho người ta đánh ông khi bị ông chọc ghẹo.
Nhiều khi Nguyễn Thùy bị Bùi Giáng chửi bới thậm tệ, bắt anh phải quỳ lạy những cô gái bán thuốc lá mà ông gọi là thánh nữ, tiên nương, Bồ Tát. Bùi Giáng còn thuyết phục Nguyễn Thùy bỏ dạy, bỏ hết công việc, bỏ cả gia đình để theo ông, đi vào “cõi điên” như ông mới có hạnh phúc, mới được thỏa chí bình sinh, mới thỏa sức vui đùa.
(Còn tiếp)
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét