Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

 NGĂN KÉO THỜI GIAN

Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

dvnien copy từ https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/..., trang web này đăng ngày 23/06/2023 17:08

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.

Cố thi sĩ Bùi Giáng (phải) và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ.
Cố thi sĩ Bùi Giáng (phải) và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ.

Hàng ngày Bùi Giáng đều ở ngoài đường với “phục trang” cái bang suốt bốn mùa là bộ quần áo vá chằng vá đụp bằng đủ thứ mảnh vải màu, chân mang đôi dép không thể gọi là dép nhưng thường xuyên ông chân trần bước lang thang trên mặt đường phố, đầu đội chiếc mũ vải cũ, nhàu nát, cáu bẩn. Quanh mình ông toàn những lon sữa bò, giắt đủ thứ nhặt được trên đường và một bầy chó con ủng oẳng trong mấy cái túi.

Ông vừa đi vừa la hét, múa may, trêu chọc bất cứ cô gái nào và theo sau là một đám trẻ con hò reo, tán thưởng những trò điên ông diễn. Gặp bạn bè hoặc khi trong túi có tiền thì Bùi Giáng tấp vô quán cóc nhậu, thường là rượu đế. Khi say bí tỉ Bùi Giáng mới về chùa hoặc nhà bạn bè thân thích nằm lăn ra ngủ trên nền gạch, thường thì Bùi Giáng về nhà Nguyễn Thùy, một nhà giáo rất nghiêm túc, rất hâm mộ và rất thương Bùi Giáng và chính là người chịu đựng những cơn điên lẫn chuyện thị phi của Bùi Giáng nhiều nhất mà không một lời than phiền, oán trách. Trái lại anh rất vui khi có mặt Bùi Giáng trong nhà mình hay khi đồng hành cùng ông trong những cơn điên đi rong chơi khắp các nẻo đường thành phố.

Bìa cuốn “Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề”.
Bìa cuốn “Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề”.

Thầy Thanh Tuệ, Giám đốc NXB An Tiêm người in sách của Bùi Giáng liên tục, có cuốn in ngày in đêm cũng không hiểu Bùi Giáng viết lúc nào mà nhanh một cách khủng khiếp. Chỉ cần nói đề tài, đặt sách là vài hôm Bùi Giáng xách bản thảo tới, thường đựng trong bịch nylon, rồi cứ thế mà đưa thợ sắp chữ, in chứ không kịp đọc.

Có cuốn nói hôm trước, hôm sau Bùi Giáng mang bản thảo tới liền, thầy Thanh Tuệ phải thú thật rằng, với tốc độ viết của Bùi Giáng, NXB An Tiêm in không kịp. Thế nhưng nhiều người gặp Bùi Giáng thắc mắc hỏi ông viết lúc nào, ngồi ở đâu viết mà tốc độ nhanh khủng khiếp thế thì ông chỉ cười móm mém, đôi mắt sáng quắc sau tròng kính cận hấp háy nói rặc giọng Quảng Nam: “Vui thôi mà”. Đúng là anh Sáu Giáng không có gì làm quan trọng, ông coi mọi thứ trên đời này như một trò vui, viết lách đối với ông cũng thế. Nhưng cái phút “vui thôi mà” của Bùi Giáng đã khiến giới văn nghệ ở miền Nam lúc đó hết sức nể  phục không phải chỉ vì tài năng mà còn cả với bút lực như nước chảy hoa rơi của ông. Điển hình là năm 1992, chỉ trong một đêm, Bùi Giáng đã làm xong cả một tập thơ lấy tựa là: “Mười hai con mắt”.

Một ông thầy kỳ dị khi giảng Truyện Kiều

Ngoài chuyện viết lách, khi chưa điên “dữ dội”, Bùi Giáng có thời gian đi dạy học. Hồi đó, trường trung học tư thục mở ra rất nhiều và thầy giáo dạy học sinh bậc trung học thường được gọi là giáo sư. Bùi Giáng với tên tuổi của mình được một số trường trung học tư thục mời dạy Việt Văn, một môn khá quan trọng.

Một lần khi giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du tới đoạn Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa, phải chết đứng giữa trận chiến khốc liệt Bùi Giáng xót thương cho Từ Hải, oán giận Hồ Tôn Hiến là tên gian ác, ông… nhập vai luôn trên bục giảng đập bàn, xô ghế, la hét rồi khóc rống lên giữa lớp khiến học sinh ngạc nhiên mới đầu tưởng “thầy” xúc động không kìm chế được cảm xúc trong lúc giảng bài.

Nhưng khi cả lớp thấy “thầy” bị kích động thật sự nằm gục xuống bàn giáo viên khóc như mưa, như gió thì hoảng hồn chạy báo cho Ban Giám hiệu biết. Không chỉ học sinh mà Ban Giám hiệu nhà trường cũng không thể giải thích tại sao “thầy” Sáu Giáng lại bị xúc động đến như thế, nhưng chắc chắn để một ông thầy nhiều cảm xúc bất ngờ như vậy tiếp tục giảng Kiều thì không biết chuyện gì sẽ còn xảy ra nữa nên hôm sau nhà trường mời thầy Sáu Giáng nghỉ cho khỏe.

Một lần khác, cũng ở một trường trung học tư thục tỉnh lẻ, Bùi Giáng đang giảng Kiều, tới đoạn Kiều phải bán mình chuộc cha rồi 10 năm lưu lạc, có lúc phải ở lầu xanh. Bùi Giáng quá xót thương cho số phận truân chuyên của nàng Kiều ông lại khóc giữa lớp học. Bùi Giáng khóc thương cho số phận người đẹp lâm vào cảnh đoạn trường rồi oán giận thói đời đen bạc, những kẻ dã tâm đưa nàng Kiều mà ông hết mực thương yêu, quý trọng, hết lời ca ngợi nên đập bàn, xô ghế và bị kích động đến nỗi ông phải… nhảy ra cửa sổ lớp học, chạy tốc hành ra bến xe đò về Sài Gòn luôn không dạy học nữa. Cả lớp học nhốn nháo chờ mãi không thấy thầy trở vào nên đổ xô đi tìm nhưng thầy Bùi Giáng đã không bao giờ trở lại.

Bùi Giáng là một nhà thơ điên trong cõi điên dài như trường giang xuôi chảy về nơi bất tận, trên dòng trường giang điên đó, ông có những phân khúc điên và những phân khúc tỉnh. Nhưng đặc biệt, do Bùi Giáng làm chủ được “cõi điên” của mình nên không ai biết được lúc nào ông tỉnh, lúc nào ông điên. Có lẽ chỉ có Bùi Giáng mới biết mình điên hay tỉnh mà thôi.

Đọc thơ của Bùi Giáng, hầu hết ông làm thơ tình yêu và bài nào cũng có câu điên, câu tỉnh, câu tỉnh thì bình thường nhưng câu điên thì vô cùng sáng tạo và đẹp, lung linh một cách kỳ dị: Có hàng cây đứng ngóng thu/ Em đi mất hút như mù sa bay.

Hay: Đùa với gió, giỡn với vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?

Hoặc: Rêu trời phủ xuống hiên xanh/ Một bờ chim én xây thành sang thu/ Sương Hy Lạp phương lên mù/ Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa/ Đầu sông nước gọi cây mùa/ Gốc du sung đẩy sông đùa phăng trôi/ Cảnh nguyên thủy mọc xa trời/ Chùm xuân xanh thổi lại đời lang thang…

Năm 1969 Bùi Giáng bị một cú sốc lớn về tinh thần khiến cho ông điên nặng hơn. Đó là một trận cháy nhà làm cả “kho tác phẩm” của ông cháy sạch. Sau đó là khoảng thời gian ông vào dưỡng trí viện Biên Hòa điều trị, nhưng người điên như Bùi Giáng thì làm sao mà trị? Bởi thế nên các bác sĩ cũng bó tay, nhưng ngược lại đã rất thích ông nhà thơ điên điên này. Cuối cùng thì Bùi Giáng là người điên hầu như được mọi người… chấp nhận vì ông thuộc dạng điên hiền, không làm hại ai, chỉ thích trêu đùa và rong chơi trong “cõi điên” của mình.

Trong “cõi điên” này, ông tự đặt cho mình những cái tên như: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigite Giáng, Giáng Monroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ… ai cũng biết đây là những cái tên bông đùa, bỡn cợt nhưng lại rất “đặc sản” giống như những cơn điên “không giống ai” của Bùi Giáng. Đó là một người điên văn nghệ, dễ thương nhất trần gian Việt Nam.

Từ khi nhà bị cháy, tất cả tác phẩm, sách vở bị thiêu rụi Bùi Giáng hầu như sống lang thang ngoài đường hoặc tá túc ở chùa. Ông thường trú ngụ tại chùa Long Vân ở Gò Vấp và có thời gian gần như sống hẳn ở nhà của nhà giáo Nguyễn Thùy đồng hương Quảng Nam, cũng là một nhà văn, nhà thơ yêu mến tài của Bùi Giáng.

Trong số những bạn bè, thân thích của Bùi Giáng, có lẽ Nguyễn Thùy là người gần gũi với ông nhất, chịu đựng những cơn điên của Bùi Giáng nhiều nhất và ông lấy đó làm niềm vui, hạnh phúc chứ không một tiếng phàn nàn. Và cũng chính từ Nguyễn Thùy, mọi người yêu mến ông mới biết thêm được những mẫu chuyện thật về Bùi Giáng bên cạnh những giai thoại ly kỳ về ông.

Nguyễn Thùy là một nhà giáo mẫu mực, một người cầm bút nghiêm túc và là một người yêu quý Bùi Giáng thật sự nên những gì ông tiết lộ về Bùi Giáng có thể tin tưởng, còn nhiều giai thoại về Bùi Giáng có lẽ chỉ nên tham khảo hoặc xem như những phần “minh họa” thú vị cho cuộc đời ly kỳ của Bùi Giáng mà thôi…

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: