Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: 2 'ông trùm' tố nhau
Ngày 4-11-2022, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ buôn lậu và nhận hối lộ đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.
Đại gia Bình Dương mua 35 triệu lít xăng lậu
Theo cáo trạng, Trần Thị Thanh Vân (giám đốc Công ty TNHH TM-DV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương) và Lê Thanh Tú (chồng Vân) kinh doanh xăng dầu. Quá trình kinh doanh, vợ chồng Vân, Tú thành lập thêm bảy chi nhánh tại TP Dĩ An, TP Thuận An và thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; quận Bình Tân và TP Thủ Đức, TP.HCM.
Bị cáo Phan Thanh Hữu (trái), bị cáo Nguyễn Hữu Tứ và bị cáo Trần Thị Thanh Vân tại tòa. Ảnh: VŨ HỘI |
Cuối năm 2019, bị cáo Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh, cầm đầu đường dây xăng lậu) đến gặp vợ chồng Vân đặt vấn đề bán xăng nhập lậu với mức giá thấp hơn giá thị trường 3.000 đồng/lít. Vợ chồng Vân, Tú đồng ý. Khi có nguồn xăng nhập lậu đưa về tại khu vực Long An, Vĩnh Long thì Hữu thông báo cho Vân biết.
Xăng nhập lậu từ Singapore về Việt Nam được Hữu cho các tàu Nhật Minh đưa về khu vực kho Nam Phong (Vĩnh Long) và nhà nuôi yến (Long An). Vợ chồng Vân, Tú điều các tàu Vân Trúc 01, 02, 03, 05 đến chở xăng về nhập vào kho của Công ty Vân Trúc rồi bán sỉ và lẻ cho nhiều khách hàng. Đối với xăng nhạt màu, Vân sẽ cho người pha chế các loại phẩm màu và dung môi để giống với màu xăng mua hợp pháp đang tiêu thụ.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, vợ chồng Vân, Tú đã sử dụng các tàu Vân Trúc đến Long An và Vĩnh Long mua 48 chuyến xăng RON 95 nhập lậu của Hữu. Tổng số lượng hơn 35 triệu lít, tổng giá trị hàng phạm pháp là hơn 467 tỉ đồng.
Vợ chồng Vân, Tú vận chuyển số xăng trên về kho Vân Trúc ở Bình Dương cùng với nguồn xăng hợp pháp mà Công ty Vân Trúc mua của các đối tác từ kho Nhà Bè và kho Nam Sông Hậu, sau đó bán lại cho các khách hàng và bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty Vân Trúc.
Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền vợ chồng Vân, Tú thu lợi từ hành vi mua bán xăng nhập lậu là hơn 28 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, vợ chồng Vân, Tú thu lợi bất chính gần 18 tỉ đồng.
Bị cáo Vân khai khi biết tin Phan Thanh Hữu bị bắt, do hoảng loạn nên chỉ đạo hủy các tài liệu liên quan nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Đốt hết giấy tờ khi “ông trùm” bị bắt
Tuy nhiên, trước đó bị cáo Hữu liên tục phủ nhận việc bán xăng cho vợ chồng Vân, Tú. Theo bị cáo Hữu, người bán xăng lậu cho Vân là Nguyễn Hữu Tứ (ngụ TP Cần Thơ).
HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Vân giao dịch mua bán xăng với ai thì bị cáo trả lời thường giao dịch mua xăng của Hữu, trả tiền mặt cho bị cáo Hữu hoặc chuyển vào tài khoản Phan Lê Hoàng Anh (con trai bị cáo Hữu). Bị cáo Vân cũng cho biết vì biết xăng của Hữu bán là xăng nhập lậu nên thường thanh toán bằng tiền mặt.
Để làm rõ việc số xăng 35 triệu lít có phải Hữu bán cho Vân không, HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Hữu. Một lần nữa, bị cáo này khẳng định: “Bị cáo chỉ bán cho đầu mối trung gian là bị cáo Tứ. Quan điểm của bị cáo là khai đúng sự thật. Bị cáo chỉ bán cho Tứ để thu về một mối. Số xăng trên là do Tứ bán, bị cáo chỉ làm trung gian thu tiền giùm”.
Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Tứ phản bác lời khai của “đàn anh”. “Bị cáo chưa bán xăng lần nào cho Công ty Vân Trúc. Bị cáo nhờ Hữu lấy tiền bán xăng ở ba khách hàng khác chứ không phải Công ty Vân Trúc vì không bán cho công ty này. Bị cáo chỉ mới gặp chồng Vân một lần, chứ chưa gặp Vân, hôm nay ra tòa mới gặp” - bị cáo Tứ khai.
Đại diện VKS hỏi về việc sau khi biết Hữu bị bắt, bị cáo đã chỉ đạo nhân viên đốt hết giấy tờ liên quan trong quá trình giao dịch phải không. Bị cáo Vân đáp: “Bị cáo sợ nên đã yêu cầu nhân viên tiêu hủy nhiều giấy tờ và không biết đã tiêu hủy những loại giấy tờ gì”.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Diễm (thủ quỹ Công ty Vân Trúc) khai sau khi đọc báo, biết Hữu và các đồng phạm bị bắt thì được Vân chỉ đạo đốt hết toàn bộ phiếu chi, sổ sách, chứng từ liên quan đến việc mua bán xăng nhập lậu với Hữu.
“Vì làm thủ quỹ nên bị cáo hay đưa tiền xăng cho bị cáo Hữu và Hoàng Anh với chiết khấu 3.000 đồng/lít. Bị cáo làm lương chỉ có 14 triệu đồng/tháng và không biết là xăng lậu, đến khi công an ập vào công ty mới biết công ty mua xăng lậu của Hữu” - Diễm khai.
HĐXX chất vấn: “Không biết xăng lậu sao khi bị cáo Hữu bị bắt thì lại đốt hồ sơ, chứng từ?”. Diễm khai: “Bị cáo làm theo yêu cầu của cô Vân”. Còn bị cáo Vân cho rằng khi biết tin Phan Thanh Hữu bị bắt, do hoảng loạn nên bị cáo chỉ đạo hủy các tài liệu liên quan nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Tạm giữ hơn 220 tỉ đồng, kê biên 50 sổ hồng
Vụ án này, các bị cáo Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và 71 bị cáo khác cùng bị truy tố về tội buôn lậu. Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ.
VKS công bố toàn bộ tài sản đã thu giữ và kê biên của các bị cáo. Cụ thể, cơ quan điều tra tạm giữ hơn 220 tỉ đồng liên quan đến vụ án. Đối với tài sản, cơ quan điều tra đã kê biên 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phong tỏa 41 tài khoản của các bị can với tổng số tiền trong tài khoản là hơn 173 tỉ đồng và tạm dừng giao dịch đối với một tài khoản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét