Thị trường vẫn thiếu xăng, các bộ ngành phải xắn tay cùng làm
Theo chuyên gia, việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu nếu không nhìn thẳng vào thực tế thì không thể xử lý bình ổn được. Cần có những giải pháp cấp bách mang tính tổng chỉ huy, các bộ ngành cùng "xắn tay vào" thì mới gỡ được nút thắt xăng dầu, chấm dứt tình trạng thiếu xăng.
Quốc hội sẽ giám sát hoạt động điều hành xăng dầu
Trả lời phóng viên Lao Động về tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, nhiều cây xăng ở các thành phố lớn đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thị trường xăng dầu trong nước chịu tác động bởi những biến động mạnh, phức tạp từ giá dầu thế giới và trong khu vực. Trong khi nền kinh tế Việt Nam sử dụng nhiều năng lượng để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề thiếu nguồn cung xăng dầu được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, nội dung này đã được thảo luận và chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Tại Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã quyết định một loạt chỉ tiêu, giải pháp, trong đó yêu cầu Chính phủ trong công tác điều hành nền kinh tế phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.
"Biến động khó lường của thị trường xăng dầu trong thời gian qua gây sức ép lớn tới lạm phát và nền kinh tế. Chính vì vậy, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện, điều hành của Chính phủ, các thành viên Chính phủ để đảm bảo bình ổn xăng dầu, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế", bà Yến nói.
Giải thích thực trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu tại giao ban báo chí ngày 15.11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nguồn sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm nay cũng mới đạt 9,7 triệu m3/tấn, thấp hơn kế hoạch năm khoảng 170.000 m3/tấn, tức là thị trường thiếu lượng xăng dầu tương ứng.
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính, số khác bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan do không đáp ứng điều kiện về kết nối dữ liệu điện tử, nên ảnh hưởng tới nguồn cung thực tế.
"Một cửa hàng đóng cửa, không có xăng dầu đều có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Công Thương", Thứ trưởng Công Thương nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ đã áp dụng nhiều biện pháp để xử lý tình huống thiếu xăng dầu, như chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường; Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu tăng tối đa công suất cho phép; tăng kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu...
Nhận định về việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn lỗ do chi phí tăng cao, chiết khấu về 0, ông Hải cho rằng, biện pháp hành chính đưa ra sẽ không có nhiều tác dụng. Chỉ có cách giúp doanh nghiệp có lãi trở lại, ít nhất hoà vốn, tức là phải tính đúng, đủ các chi phí và giúp họ tiếp cận tín dụng vay ngân hàng... mới giải quyết dứt điểm tình trạng hiện nay.
Đánh giá về tình hình tới đây, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, công cụ điều hành xăng dầu hiện nay gồm Quỹ bình ổn; công cụ thuế, phí, nhưng giảm thuế, phí lại có lợi phần lớn cho doanh nghiệp dùng nhiều xăng dầu, người dân, còn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được lợi.
"Ba mục tiêu trên đều quan trọng, nhưng tuỳ tình hình cân nhắc ưu tiên mục tiêu nào hơn. Lúc này cần quan tâm nhiều hơn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để đảm bảo nguồn cung", ông Hải nói.
Công cụ điều hành tiếp theo thường được các nước sử dụng trong tình huống đặc biệt là dự trữ quốc gia, song nguồn này của Việt Nam đang khá mỏng, tương đương 5-7 ngày sử dụng. Hiện Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu.
"Nhà nước sẽ phải đầu tư không ít nhưng chúng ta cần phải có kho dự trữ xăng dầu riêng, tách bạch với dự trữ của doanh nghiệp, nếu vẫn như hiện nay sẽ rất khó khăn", ông Hải cho biết.
Cần có những giải pháp cấp bách mang tính tổng chỉ huy
Ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu nếu không nhìn thẳng vào thực tế thì không thể xử lý bình ổn được.
Thời gian qua, các bộ ngành chưa làm tròn trách nhiệm điều hành của mình, vẫn nặng "thanh minh" nên thị trường xăng dầu chưa bình ổn. Cần có những giải pháp cấp bách mang tính tổng chỉ huy, các bộ ngành cùng "xắn tay vào" thì mới gỡ được nút thắt xăng dầu, khơi thông nguồn cung.
Thứ nhất cần cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung. Đi liền với nó là tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng bám sát những thay đổi của thực tế chi phí, giá thị trường (premium, tỉ giá, chi phí vận chuyển…)
Thứ hai, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỉ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu.
Thứ ba, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí.
Từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng. Thậm chí cơ quan nhà nước có thể hướng dẫn tỉ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét