Buôn xăng lậu: Người tình cựu chỉ huy trưởng biên phòng Kiên Giang bật khóc
Đồng Nai - Chiều ngày 9.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng ở các tỉnh phía Nam tiếp tục xét hỏi bị cáo Phạm Thị Hương (43 tuổi, ngụ TPHCM), là Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình có trụ sở tại quận Gò Vấp, TPHCM.
Nhờ cựu chỉ huy biên phòng có mối mua xăng lậu
Theo cáo trạng truy tố, đầu năm 2020, thông qua Nguyễn Thế Anh (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, có quan hệ chung sống như vợ chồng với Hương) giới thiệu, Phan Thanh Hữu đã đồng ý và chỉ đạo Nguyễn Hữu Tứ bán xăng nhập lậu của Hữu và Tứ tại Kho Nam Phong cho Phạm Thị Hương. (Nguyễn Thế Anh đã bị Toà án quân sự quân khu 7 đưa ra xét xử).
Khi cần mua xăng nhập lậu thì Hương nhắn tin cho Nguyễn Hữu Tứ hoặc Nguyễn Tiến Dũng rồi điều xe đến Kho Nam Phong (tỉnh Long An) vận chuyển về bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Hương (trên địa bàn quận Gò Vấp, quận Bình Tân, Quận 12 thuộc TPHCM) và bán lại cho các khách hàng khác để bán kiếm lời.
Từ tháng 3.2020 đến đầu tháng 2.2021, Phạm Thị Hương đã điều xe đến kho Nam Phong mua xăng Ron 95 nhập lậu của Nguyễn Hữu Tứ đưa về bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Hương và bán lại cho các khách hàng khác với tổng số lượng là gần 8 triệu lít. Phạm Thị Hương thu lợi bất chính số tiền là hơn 4 tỉ đồng.
Tại phiên toà toà chiều 9.11, bị cáo Hương thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội mà cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Hương khai: Vào đầu năm 2020 là thời điểm dịch COVID-19, việc mua bán xăng của bị cáo rất khó khăn, không có doanh thu nhưng vẫn phải chi phí cho các hoạt động kinh doanh, mặt bằng.
Biết bị cáo khó khăn nên người quen của bị cáo là Nguyễn Thế Anh “nói chuyện” với Phan Thanh Hữu. Sau đó, Thế Anh nói lại với bị cáo rằng: “Chỗ kho Nam Phong ở Long An có xăng giá tốt, nếu em lấy được thì em lấy”. Sau đó Tứ có gọi điện cho bị cáo. Bị cáo không biết Tứ trước đó.
Sau đó, Tứ chủ động liên lạc và 2 bên gặp nhau ở một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Ánh (TPHCM), gồm có bị cáo Thanh, Tứ, Nguyễn Thanh Bình, Phong và Trung. “Hôm đó chỉ ngồi ăn cơm để biết mặt nhau” – Hương khai.
Về thanh toán tiền mua bán xăng lậu, bị cáo Hương khai thanh toán Tiền cho Tứ và Phan Lê Hoàng Anh (con trai Phan Thanh Hữu).
Cũng theo bị cáo Hương, giai đoạn đầu từ tháng 3.2020 – tháng 5.2020 bị cáo mua xăng lậu từ Nguyễn Hữu Tứ, giai đoạn sau từ tháng 7.2020 thì mua từ Lê Thanh Trung.
Bị cáo bật khóc tại toà, xin được khoan hồng
Cũng tại phiên toà, bị cáo Hương đã bật khóc và khai rằng: "Bản thân bị cáo, qua sự việc mua bán hàng của đường dây mua bán xăng lậu này, bị cáo đã bị truy tố tội buôn lậu, bị cáo đồng ý với cáo trạng. Đồng thời trong thời gian bị cáo tại ngoại, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều hoàn cảnh gia đình bị cáo và cảm thấy rất hối hận, xin được khoan hồng".
Cũng tại phiên toà ngày 9.11, TAND tỉnh đã tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Trần Huy Lập (62 tuổi, ngụ TPHCM) và đồng phạm. Bị cáo Lập là Giám đốc Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm (TPHCM) chuyên kinh doanh về nhiên liệu rắn, lỏng, khí.
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, Lập gặp Lê Thanh Trung nhờ hướng dẫn thủ tục cho Công ty Phúc Lâm được cấp phép kinh doanh xăng dầu. Lập cũng thuê kho Nam Phong để chứa dầu nhập hợp pháp bán ra thị trường.
Quá trình thuê kho, Trung giới thiệu nguồn xăng nhập lậu cho bị cáo Lập và Lập đã mua xăng lậu để bán lẻ cho các cửa hàng xăng dầu khác. Tính từ tháng 7.2020 đến tháng 2.2021, bị cáo Lập với sự giúp sức của 2 bị cáo khác (là phó giám đốc và nhân viên công ty) đã mua của Trung hơn 6,6 triệu lít xăng, thu lợi bất chính hơn 2,4 tỉ đồng. Phiên tòa cũng tiến hành xét hỏi đối với nhân viên của Trung và Lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét