Dấu hiệu sớm cảnh báo mắc bệnh tiểu đường
SINGAPOREThường xuyên khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi, giảm cân bất thường, tầm nhìn giảm, có thể là những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bạn bị tiểu đường.
Ngày 14/11 hàng năm được coi là Ngày Tiểu đường Thế giới. Chủ đề được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra năm nay là "Giáo dục để bảo vệ ngày mai", với lời kêu gọi tăng cường nhận thức về bệnh tiểu đường cho cả đội ngũ y tế và người dân. Theo các chuyên gia, việc nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả.
Các vấn đề về insulin là căn nguyên của bệnh tiểu đường. Hormone insulin được sản xuất trong tuyến tụy, giúp cơ thể sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tiểu đường, lượng insulin sản xuất không đủ, hoặc các tế bào cơ thể không phản ứng với insulin.
"Khi chúng ta tăng cân, các tế bào bắt đầu kháng lại tác động của insulin. Kháng insulin là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình phát triển bệnh tiểu đường type 2", tiến sĩ Shirisha Avadhanula, bác sĩ nội tiết của Cleveland Clinic, cho biết.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là khát nước và đi tiểu nhiều. "Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận mất nhiều giờ để lọc máu hơn, làm tăng sản xuất nước tiểu", bác sĩ Leong Choon Kit, Phòng khám Y tế Mission, cho biết. Lượng đường dư thừa cũng kéo theo các chất lỏng khác, gây mất nước. Để bù lại, cơ thể sử dụng cảm giác khác để báo hiệu bạn phải bù nước.
Người tiểu đường cũng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Khi không đủ insulin hoặc insulin hoạt động kém hiệu quả, lượng đường trong máu không thể đi vào các tế bào và được sử dụng làm năng lượng, tiến sĩ Seow Cherng Jye, chuyên gia tư vấn cấp cao của Khoa Nội tiết Bệnh viện Tan Tock Seng, nhận định. Kết quả, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
"Mất nước do tiểu nhiều cũng dễ dẫn đến tình trạng này. Nhiều bệnh nhân tiểu đường type 2 bị tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ. Điều này góp phần gây mệt mỏi", ông nói.
Một số bệnh nhân tiểu đường giai đoạn đầu bị giảm cân. Do cơ thể người bệnh không thể dùng lượng đường trong máu để làm năng lượng, nó chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu khác như chất béo và cơ bắp. Cùng với việc mất nước, điều này dẫn đến giảm cân và calo.
Lượng đường trong máu cao làm hỏng mạch máu, gây độc tố cho nhiều cơ quan, gồm võng mạc. Các mạch máu bị sưng và rò rỉ, có thể gây mờ mắt, thậm chí ngừng lưu thông máu đến võng mạc. Không chỉ vậy, lượng đường huyết dư thừa làm sưng thủy tinh thể. Theo bác sĩ Seow, tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể.
Các vết loét của bệnh nhân tiểu đường cũng lâu lành hơn, hoặc thường xuyên bị nhiễm trùng. Môi trường đường huyết cao rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm chậm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường thường lưu thông máu kém, khiến máu khó đi đến các vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi vết thương.
"Vết thương chưa lành có nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn cao hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ phải cắt cụt chi tăng lên", bác sĩ Seow nói.
Cẩn trọng giai đoạn tiền tiểu đường
Theo các chuyên gia, rất nhiều người bỏ lỡ dấu hiệu của tiểu đường. Họ hầu như không biết về giai đoạn được gọi là "tiền tiểu đường".
"Trước khi phát triển tiểu đường type 2, hầu hết bệnh nhân trải qua giai đoạn tiền tiểu đường, khi lượng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường", tiến sĩ Goh Su Yen, chuyên gia tư vấn cấp cao của Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Singapore, giải thích.
Ở giai đoạn tiền tiểu đường, các triệu chứng giống với tiểu đường type 2 nhưng nhẹ hơn. Chúng rất khó nhận biết, thường bị nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Một số người không có bất cứ biểu hiện nào.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng vẫn cần xem xét triệu chứng một cách nghiêm túc, điều trị thích hợp. Những người có nguy cơ cao cần kiểm tra đường huyết thường xuyên. Nhóm này bao gồm người từ 40 tuổi trở lên, chỉ số khối cơ thể cao hơn 22, ít vận động, huyết áp và mức cholesterol cao, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ.
Theo các chuyên gia, có phương pháp để ngăn chặn tiền tiểu đường phát triển thành tiểu đường toàn diện, song tỷ lệ thành công là 50%.
"Chẩn đoán tiền tiểu đường như một hồi chuông cảnh báo ở một số bệnh nhân, giúp họ thay đổi thói quen ăn uống, bắt đầu tập thể dục và giảm cân. Tất cả đều giúp đẩy lùi tình trạng bệnh", tiến sĩ Seow cho biết.
Ông cảnh báo tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng về mắt, thần kinh và thận. Một khi tổn thương ở các cơ quan khởi phát, hầu hết bệnh nhân chuyển biến xấu theo thời gian.
Thục Linh (Theo CNA, PAHO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét