Độc, lạ chuột quý tộc, cá gác bếp trên đỉnh Ngọc Linh
Kon Tum - Ở trên đỉnh Ngọc Linh quanh năm sương mù, mây phủ, người đồng bào Xơ Đăng luôn dự trữ những sản vật độc, lạ, phơi trên gác bếp.
Đỉnh Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông được xem là nóc nhà miền Trung với độ cao trên 1.700m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây quanh năm lạnh giá, mưa nhiều. Dưới những tán rừng nguyên sinh cổ thụ trăm năm tuổi là những vườn sâm Ngọc Linh quý. Do trồng được sâm mang lại thu nhập tốt nên rừng cũng được giữ gìn và bảo vệ.
Những người giữ rừng trên đỉnh Ngọc Linh để trồng sâm hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Để chống chọi lại với khí hậu lạnh giá, sương mù quanh năm, cách ăn uống, tập tục sinh hoạt của người Xơ Đăng cũng có nhiều độc, lạ, hấp dẫn du khách gần xa.
Ông A Sĩ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông - cho biết, người dân có thói quen săn chuột trên núi Ngọc Linh. Loài chuột này thường lẻn trộm ăn củ sâm, lá sâm nên thịt rất thơm ngon và sạch.
Tại các chốt bảo vệ vườn sâm, người dân thường phơi trên gác bếp chuột sâm. Chuột bị làm thịt, rửa sạch treo trên gác bếp nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trời. Hơi khói và độ nóng của ngọn lửa làm thịt chuột chín dần từ ngày này sang ngày khác. Thịt chuột “quý tộc” teo lại, chuyển sang màu đen, khi đó, người Xơ Đăng có thể mang xuống để dùng.
“Thịt chuột xé ra kho với sả ớt hoặc chấm với muối, nước mắm, hương vị thơm ngon khó tả. Một loại đặc sản khó tìm thấy được ở miền xuôi. Người dân vừa săn chuột phá hoại vườn sâm vừa tìm kiếm nguồn thức ăn dân dã cho gia đình, bạn bè” - anh A Lực, người dân xã Măng Ri, nói.
Không chỉ thịt chuột, người dân còn “săn” cá trê, cá lóc dọc theo khe suối. Cá được làm sạch, chỉ để phần thịt rồi phơi trên gác bếp. Lâu dần, hơi khói làm thịt teo lại, chín dần mà thịt vẫn giữ được hương vị thơm ngon như ban đầu.
Từ thời xa xưa, đồng bào Xơ Đăng đi săn con nai, con hoẵng trên rừng, khi dân làng dùng không hết, họ có thói quen phơi khô thịt động vật để trên gác bếp. Để sang mùa đông lạnh giá, người dân vẫn còn thực phẩm dùng qua ngày đói.
Bây giờ đời sống “thay da đổi thịt”, người Xơ Đăng gạo thóc đầy kho, cái đói đã bị đẩy lùi xa hàng chục năm nay nhờ chăm chỉ trồng lúa, trồng mì (sắn) trên nương rẫy. Và cũng nhờ liên kết trồng sâm với doanh nghiệp, người dân có tiền lương đều đặn, thu nhập tốt, nhiều nhà dân có tivi, tủ lạnh, thậm chí “xế hộp” đắt tiền.
Thế nhưng, việc dùng “chiến lợi phẩm” phơi khô trên gác bếp làm của dự trữ như là cách để họ sinh tồn trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, vừa là cách để họ không quên nét văn hóa ẩm thực xa xưa, lưu truyền từ thời cha ông để lại. Khám phá du lịch Tu Mơ Rông cũng chính là khám phá văn hóa, đời sống, thuần phong mỹ tục còn lưu lại của người Xơ Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét