Hậu Giang: Lúa chín rạp đồng, nông dân như ngồi trên lửa
Hậu Giang - Nhiều cánh đồng lúa bị gió, bị nước làm sập nằm la liệt nhiều ngày nhưng không có máy đến thu hoạch, nhiều nông dân sốt ruột trước nỗi lo mất trắng.
Lúa chín nằm la liệt chờ máy cắt
Ông Đặng Phước Tượng - nông dân xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ - cho biết, 1,5ha lúa đông xuân của gia đình ông đã quá trễ hơn 10 ngày nhưng vẫn chưa thu hoạch được.
“Tôi và nhiều bà còn ở đây mòn mỏi trông chờ máy cắt đến thu hoạch mà không thấy, trong khi lúa đã chín khô bông ngoài đồng, có ruộng bị sập hoàn toàn nên hạt lúa bắt đầu lên mộng xanh khá nhiều. Bà con nơi đây rất nóng lòng muốn cắt sớm để hạn chế thiệt hại, nhưng “cò” thì cứ hẹn lần, hẹn lữa mà không thấy máy cắt đến” - ông Tượng thông tin.
Cũng theo ông Tượng thì cánh đồng lúa nơi đây có tổng diện tích hơn 20ha. Hiện tại, các trà lúa đều trên 105 ngày nhưng chưa thu hoạch được. Trước khi cắt khoảng nửa tháng thì có “cò lúa” là người địa phương đến đặt tiền cọc để thu mua toàn bộ số diện tích trên, nhưng đến ngày cắt thì cứ để lúa chín khô ngoài đồng.
Ông Nguyễn Thanh Ngân (ngụ cùng xã) cho hay: Do kéo dài thời gian đến nay vẫn chưa được thu hoạch nên lúa bị sập hoàn toàn khá nhiều, cộng thêm bông lúa chín khô ngoài đồng; vì vậy đến khi thu hoạch thì năng suất lúa chỉ còn khoảng 600 - 700kg/công là cao. Dù trước đó bà con đánh giá năm nay, năng suất mỗi công từ 1 - 1.2 tấn/công (1 công = 1.000m2).
“Riêng 1,3ha lúa của tôi đã tốn hơn 1,2 triệu đồng mua xăng dầu bơm nước trong gần 10 ngày qua. Do mưa lớn phải dùng máy để bơm nước ra đồng cho đỡ bị ngập úng. Tôi và bà con nơi đây chỉ mong sao sớm có máy cắt lúa đến thu hoạch để đưa lúa về nhà”, ông Ngân nói.
Thương lái, chủ máy cắt nói gì?
Ông Trần Văn Việt, một thương lái thu mua lúa tại địa phương, chia sẻ: Hiện tại, không chỉ nông dân gặp khó khăn mà giới thu mua lúa cũng lỗ nặng. “Vì trước đó đã bỏ cọc cho người dân, không đến mua coi như mất cọc còn nếu đến mua, trả tiền đủ cho nông dân mà không có máy cắt thì thương lái lãnh đủ. Gọi nhiều lần cho chủ máy cắt thì họ đang ở những cánh đồng xa do các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang... cũng đang thu hoạch rầm rộ” - ông Việt phân trần.
Cũng theo ông Việt, từ việc khan hiếm máy cắt nên đây là lần đầu tiên ở vụ lúa đông xuân mà tiền thuê máy cắt đang ở mức rất cao, từ 500.000 - 600.000 đồng/công. Tuy nhiên, dù chấp nhận thuê giá cao nhưng để tìm thuê được máy cắt đến thu hoạch cho ruộng lúa nhà mình trong lúc này cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Trong khi đó, theo lý giải của một số chủ máy cắt, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của mưa và lúa bị sập làm cho công tác thu hoạch gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ. Cụ thể, trong điều kiện bình thường của vụ lúa đông xuân, một máy cắt có thể thu hoạch 40 - 50 công lúa/ngày; nhưng do lúa bị sập và trời mưa làm cho nền đất mềm lún nên mỗi ngày một máy cắt chỉ có thể thu hoạch từ 15 - 20 công lúa, có hôm không được công nào do mưa. Việc thu hoạch lúa chậm dẫn đến tình trạng ùn ứ công cắt dây chuyền từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.
Ông Trần Đình Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ - cho biết: “Tình trạng thiếu máy cắt lúa diễn ra cục bộ tại nhiều cánh đồng trên địa bàn xã đã được ngành chức năng địa phương biết đến và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho bà con. Qua khảo sát, hiện trên địa bàn xã chỉ có khoảng 13 - 14 máy cắt đang hoạt động, trong khi nhu cầu về máy cắt của bà con trong lúc này là phải hơn 20 máy, vì lúa đông xuân đang chín rộ. Trước tình hình trên, địa phương đã liên hệ với Phòng NNPTNT huyện Long Mỹ để báo cáo tình hình và mong sớm được hỗ trợ máy cắt để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho bà con”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét