Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Vạch “áo tham nhũng” cho dân xem quyết tâm

 GÓC NHÌN

Vạch “áo tham nhũng” cho dân xem quyết tâm

dvnien copy từ https://giaoduc.net.vn/..., trang web này đăng ngày  23/01/2022 06:56 Xuân Dương
GDVN- Rõ ràng là văn bản, nghị quyết, điều luật chống tham nhũng không thiếu, cái thiếu là một chế tài đủ mạnh có thể tạo được chứng “sợ tham nhũng” cho bất kỳ kẻ nào.

Quan sát thực trạng đất nước qua một cặp kính, không gì bằng chọn chiếc kính số không với hai mắt kính Y tế và Giáo dục.

Đây là hai ngành luôn nhận được sự “chăm chút” của dân chúng thông qua người đại diện quyền lực của mình là các Đại biểu Quốc hội.

Năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các thành viên do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (209 phiếu), người thứ hai là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (177 phiếu). Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (192 phiếu - chiếm 38,63%). Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ ba diễn ra vào năm 2018, vị trí này thuộc về ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một số bài đã đăng, người viết cho rằng bất kỳ ai được cử làm tư lệnh hai ngành Y tế hoặc Giáo dục cũng sẽ có kết quả tương tự bởi năng lực lãnh đạo của Bộ trưởng không thể vượt quá những rào cản của cơ chế, chủ trương, chính sách.

Đặc biệt là chất lượng nhân sự quản lý giáo dục từ trung ương xuống địa phương không phải do ngành Giáo dục xây dựng mà là bên Nội vụ.

Đối với ngành Y tế, những vụ việc mua bán giấy chứng nhận tâm thần, lãnh đạo cơ quan bộ tiếp tay để doanh nghiệp buôn bán thuốc chống ung thư giả, lùm xùm tại các Bệnh viện TimBệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt,… mới tạm lắng thì dư luận lại bị choáng bởi vụ cấu kết nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 giữa Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương. Vụ việc vẫn trong quá trình điều tra và càng ngày số lượng nghi phạm bị tạm giam càng nhiều.

Những vụ việc liên quan đến thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế,… chỉ liên quan đến các đơn vị trung ương hoặc địa phương thuộc ngành Y tế, các ngành khác khó mà nhảy vào mảnh đất màu mỡ đã có chủ này.

Giáo dục có đôi chút khác Y tế, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ quan có khả năng “thể hiện quyền lực” với giáo dục như Nội vụ, Kế hoạch - Tài chính, Ngân hàng,…

Tranh minh hoạ đăng trên Baogiaothong.vn

Bên cạnh đó, không ít liên minh ma quỷ gần như vô hình nhưng lại tác động trực tiếp đến các sự kiện thuộc diện “thớt có tanh tao” mà muốn hay không ngành Giáo dục vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm.

Vụ “Lò đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ” xảy ra tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một ví dụ. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Nghị định số 53/2008/NĐ-CP và trực thuộc Chính phủ nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể “đề nghị” cơ quan này xem xét xử lý vi phạm (nếu có) chứ không thể đòi hỏi gì hơn.

Vụ gian lận điểm thi đại học năm 2018 xảy ra tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và có thể còn nhiều địa phương khác) chủ yếu do cán bộ thuộc Ủy ban Nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ liên đới chịu trách nhiệm.

Phát hiện của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) “Ngân sách nhà nước liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho giáo dục & đào tạo (20%) và Khoa học Công nghệ (2%), chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%” cho thấy ngành Giáo dục không có khả năng can thiệp vào quyết sách liên quan đến “nồi cơm” của mình. [1]

Con voi Việt Á và lỗ kim luật pháp
Con voi Việt Á và lỗ kim luật pháp

Ví dụ mới nhất là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa thi hành lệnh bắt tạm giam 02 bị can là cán bộ phòng Tài chính – Kế hoạch, Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên do vi phạm quy định về đấu thầu thiết bị giáo dục, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài hai người trên, liên quan đến vụ án, một chuyên viên đã nghỉ hưu của phòng này cũng đã bị khởi tố.

Phải chăng có không ít kẻ cho rằng dịch bệnh Covid-19 cũng làm giảm sức đề kháng của pháp luật, làm pháp luật bị “ốm” nên đây là thời cơ tốt nhất để tranh thủ đánh quả?

Nếu không phải thế thì vì sao hai năm 2020 – 2021, số người vi phạm các quy định của pháp luật xuất hiện ngày càng nhiều gần như ở tất cả các lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng đến y tế, giáo dục, bất động sản, chứng khoán,…?

Có vẻ như tình trạng “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” của một bộ phận không nhỏ (thuộc diện được quy hoạch) đã chấm dứt sau khi mọi sự đã rõ ràng, đã đến lúc họ thể hiện “năng lực tiềm ẩn” mà việc đầu tiên chính là “gọi vốn” để tái đầu tư cho tương lai.

Đầu năm 2022, “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020)”. [2]

Nhiều văn bản của Trung ương và phát biểu của lãnh đạo nói đến phê bình và tự phê bình, nói đến tự giác trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí song qua thông báo của Ban Nội chính Trung ương về kết quả phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì: “hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020) do các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán” chứ không thấy đề cập chuyện cá nhân tự giác nhận khuyết điểm. [2]

Rõ ràng là văn bản, nghị quyết, điều luật chống tham nhũng không thiếu, cái thiếu là một chế tài đủ mạnh có thể tạo được chứng “sợ tham nhũng” cho bất kỳ kẻ nào dù là dân thường, doanh nhân, công chức hay lãnh đạo cao cấp.

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực”. [4]

Loài người tiêm vaccine với mục đích tạo ra kháng nguyên chống lại virus gây bệnh, vậy có thể tạo ra loại vaccine giúp Nhà nước miễn nhiễm với “Virus Tham nhũng”?

Từ hai mắt kính Giáo dục và Y tế, từ ý kiến của các vị lãnh đạo, có thể nhận thấy hai điều:

Thứ nhất, chế tài chống tham nhũng của chúng ta nhiều nhưng vẫn thiếu.

Khó thống kê chính xác số lượng văn bản, nghị quyết, điều luật về phòng chống tham nhũng được ban hành nhưng lại dễ nhận thấy những người soạn thảo luật, biểu quyết thông qua luật hoặc soạn thảo các văn bản dưới luật đa số lại chính là người sẽ thực hiện các điều luật đó.

Không ít trường hợp các đạo luật, các văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã phải dừng áp dụng để chỉnh sửa. Người soạn thảo luật nhiều nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp chỉ là một trong các nguyên nhân, nguyên nhân chính phải chăng đã có sự lồng ghép lợi ích nhóm trong quá trình làm luật?

Nhật ký những ngày “đốt củi”
Nhật ký những ngày “đốt củi”

Phải chăng do những quy định từ thể chế, nhiều Đại biểu Quốc hội “sắm hai vai”, vừa làm luật, vừa thực hiện luật nên sự “nhìn xa trông rộng” của không ít người đã được khéo léo nhào nặn, kết quả là cùng một tội danh (nhận hối lộ 1 tỷ đồng) nhưng khung hình phạt có thể co dãn từ tù 20 năm đến chung thân hoặc tử hình?

Các quy định đảng viên không được làm đã được đưa ra từ lâu và liên tục cập nhật, vì sao số cán bộ (đa số là đảng viên) bị kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc hình sự năm 2021 lại tăng hơn 03 lần so với năm 2020 chứ không giảm? [2]

Thứ hai, cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả.

Về điều này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý”. [4]

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2016) đã phát biểu: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước”. [5]

Một thời gian dài, hầu hết các đại án tham nhũng đều do nhân dân, truyền thông tố giác, do Trung ương, Bộ Công an phát hiện, xử lý, ít thấy vụ việc do địa phương chủ động.

Mỗi năm có hàng triệu người kê khai tài sản, chỉ vài người bị phát hiện kê khai không trung thực, thế có phải tỷ lệ cán bộ trong sạch là gần 100%?

Tất cả cơ quan cấp bộ, tỉnh đều có bộ phận thanh tra, các Đảng bộ đều có Ủy ban Kiểm tra, vậy những cơ quan này đã chủ động phát hiện bao nhiêu vụ án tham nhũng trong đơn vị mình?

Xin nêu kết luận mới đây của Ban Bí thư: “Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Chậm sửa đổi, ban hành Quy chế làm việc, Quy chế làm việc có nội dung trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, đơn vị… Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân thành phố và một số sở, ngành, cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả rất nghiêm trọng”. [3]

Dưới ánh mặt trời, không có chỗ cho bọn mất nhân tính
Dưới ánh mặt trời, không có chỗ cho bọn mất nhân tính

Chuyện xảy ra tại Hà Nội có thể tìm thấy tại khá nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành như Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương,…

Điểm chung nhất là đa số vụ việc đều không do cơ quan chống tham nhũng của các đơn vị này chủ động phát hiện.

Xin nhấn mạnh là những điều nêu trên hoàn toàn không phải phát hiện mới mà đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết trong phiên họp thứ 21, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn tồn tại mà Tổng Bí thư nêu lên trong phiên họp thực sự là nguy cơ, thực sự đáng báo động bởi “Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng”. [4]

Nhận ra vấn đề là điều vô cùng may mắn cho dân, cho nước, thực hiện thành công cuộc chiến chống tham nhũng có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu song sự tồn vong của hệ thống không thể chỉ trông vào một số vị lãnh đạo mà phải dựa vào sức mạnh, sự đoàn kết của cả dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dbndhatinh.vn/dbnd/portal/folder/ky-hop-quoc-hoi-16/news/tang-chi-ngan-sach-cho-giao-duc-dao-tao-va-khoa-hoc-cong-nghe.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/32-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-bi-ky-luat-lien-quan-tham-nhung-tieu-cuc-post919597.vov

[3] https://tienphong.vn/ban-bi-thu-ky-luat-ban-can-su-dang-ubnd-thanh-pho-ha-noi-post1366868.tpo

[4]https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10222012020244664.htm

[5] https://dantri.com.vn/dien-dan/chong-lai-co-khi-chung-toi-chet-truoc-20160305173938621.htm

Xuân Dương

Không có nhận xét nào: