Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Sương mù trí não là gì và nguyên nhân gây ra hội chứng này?

 

Sương mù trí não là gì và nguyên nhân gây ra hội chứng này?

Phạm Hường

(Dân trí) - Khó tập trung; nhầm lẫn hoặc hay quên; suy nghĩ chậm chạp và không rõ ràng, cụ thể; cảm giác mơ hồ hoặc suy nhược thần kinh – Các triệu chứng này đều được gọi là hiện tượng sương mù trí não.

Sương mù trí não là gì và nguyên nhân gây ra hội chứng này? - 1

Sương mù trí não là một thuật ngữ chung, nhưng hội chứng này có nhiều biểu hiện khác nhau.

Nhưng cho dù đây là thuật ngữ gần đây bạn nghe thấy thường xuyên từ những người đang trải qua hóa trị đến bệnh nhân Covid-19 lâu khỏi, thì nó vẫn chưa được công nhận chính thức trong y học hoặc tâm lý học. 

Nhà tâm lý học thần kinh, Giáo sư Caroline Gurvich của Trường đại học Monash, Úc, chuyên gia nghiên cứu về nhận thức và sức khỏe tâm thần phụ nữ, nói rằng “sương mù trí não” là thuật ngữ không chính thức. Nó mô tả một trải nghiệm của chủ thể khi không thể suy nghĩ rõ ràng, cảm giác hơi u ám trong đầu. Nhà khoa học thần kinh nhận thức, Giáo sư Con Stough của Trường đại học Swinburne, Úc, nói rằng nó là cảm giác bộ não không làm việc hết khả năng nhận thức hoặc không làm việc đạt đến mức bình thường, hoặc khi chúng ta có cảm giác mình thực sự xử lý thông tin rất chậm.

Nguyên nhân của sương mù trí não là gì?

Sương mù trí não đi kèm với một loạt các nguyên nhân khác nhau, từ các tình trạng bệnh lý như hội chứng đau cơ xơ hóa, biến đổi nội tiết liên quan đến mãn kinh và chu kỳ kinh nguyệt, đến dinh dưỡng, căng thẳng, áp lực và mệt mỏi.

Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến bị sương mù trí não. Đã có một số người gặp phải vấn đề này do phải áp dụng biện pháp cách ly quá lâu trong giai đoạn đại dịch hiện này, hoặc nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh nhiều tháng cũng vẫn bị sương mù trí não.

Nói về hội chứng sương mù trí não, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định trải nghiệm chủ quan này có thực sự liên quan đến tâm lý học thần kinh khách quan hay không hay chỉ là một cảm giác khi một người không suy nghĩ được gì rõ ràng. 

Sương mù trí não là gì và nguyên nhân gây ra hội chứng này? - 2

Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng suy nghĩ của bạn vào ngày hôm sau.

Theo Giáo sư Stough, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc là những nguyên nhân chính dẫn đến sương mù trí não, “đặc biệt là thời nay, mọi người thường không ngủ đủ thời gian cần thiết và bất cứ điều gì cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ”. Ông cũng cho rằng sử dụng nhiều thuốc cũng làm tăng sương mù trí não, và một nguyên nhân không thể bỏ qua là dinh dưỡng.

Còn theo bác sĩ Gurvich, có một số lượng đáng kể phụ nữ ở tuổi mãn kinh và thay đổi nhận thức cũng bị sương mù trí não và việc này có liên quan đến suy giảm nhận thức khách quan. Sự suy giảm này rất khó nhận ra. Nó không giống như suy giảm nhận thức nhẹ là biểu hiện ban đầu của bệnh Alzheimer, nhưng nó đủ để có tác động lớn đến cuộc sống của người đó. Bà nói rằng “Đôi khi những thay đổi nhỏ trong suy nghĩ có thể có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn”. 

Hiện nay nhóm nghiên cứu của bà vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân của sương mù trí não do thay đổi hóc môn. Họ cho rằng có thể sự thay đổi và suy giảm các hóc môn, như là oestradiol, một dạng oestrogen, vốn có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe trí não. Khi hóc môn này suy giảm ở tuổi mãn kinh, kỹ năng suy nghĩ của phụ nữ sẽ bị suy giảm theo. Các triệu chứng mãn kinh khác cũng có thể làm tăng cảm giác sương mù trí não.

Trong một số trường hợp, có thể phân biệt rõ nguyên nhân dẫn đến sương mù trí não, nhưng một số khác thì không hề dễ chút nào.

Làm gì để tránh bị sương mù trí não?

Nếu bạn gặp phải tình trạng này do tình trạng bệnh lý nào khác hoặc do sử dụng thuốc điều trị bệnh, ví dụ như Covid-19, thì hãy trao đổi với bác sĩ để có cách điều trị phù hợp nhất; còn nếu vì những lý do khác, thì có một số cách bạn có thể áp dụng như sau.

Trước tiên, hãy nhìn lại lối sống của mình. Bác sĩ Gurvich khuyên bạn hãy giữ chế độ ăn lành mạnh, sắp xếp để có giấc ngủ ngon, tập thể dục đều đặn và cố gắng giảm các việc gây căng thẳng.

Để cải thiện hoạt động của bộ não và chức năng nhận thức, hãy xem bạn có thể làm gì để giảm sự xao nhãng. Ví dụ: tắt điện thoại khi làm việc, hoặc tắt các thông báo của các ứng dụng điện tử bạn hay sử dụng, để chỉ tập trung vào một việc vào một thời điểm. nếu bạn có quá nhiều việc lớn phải làm khiến bạn thấy quá tải, bạn hãy thử chia thành nhiều việc nhỏ hơn, dễ quản lý hơn và viết ra danh sách kiểm tra các đầu việc. Và hãy nhớ là khi bạn thấy sương mù trí não, thì không phải chỉ có mình bạn bị như vậy. “Tất cả chúng ta đều có lúc bị sương mù trí não” – bác sĩ Gurvich nói. Tất nhiên, nếu nó chỉ xuất hiện ít ngày thì không cần phải lo lắng, còn nếu bạn thấy bị ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, hãy đi khám.

Không có nhận xét nào: