Thông xe kỹ thuật đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Hiện thực hóa lời hứa với người dân miền Tây
Đảm bảo an toàn ngay sau khi thông xe
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tuyến cao tốc. Sau khi đưa vào khai thác, tiếp tục quản lý tốt công trình, khắc phục những bất cập về chất lượng (nếu có) và đặc biệt, quyết toán, kiểm toán công trình đúng quy định. Đảm bảo an toàn giao thông ngay sau ngày thông xe.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn 4.000 hộ dân đã di dời, nhường đất cho dự án, đặc biệt không xảy ra khiếu kiện trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đơn vị tham gia xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đặc biệt, biểu dương đơn vị giám sát đã phát hiện những bất cập, giúp các đơn vị thi công và chủ đầu tư kịp thời xử lý chấn chỉnh; biểu dương ban lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng Chính phủ đôn đốc xử lý những “điểm nghẽn” của dự án; biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực để hoàn thành dự án. |
Trước đó, báo cáo Chủ tịch nước và đoàn công tác Trung ương về quá trình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, dự án khởi công tháng 11-2009, sau gần 10 năm đình trệ, đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau khi tái khởi động, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần “3 xuyên” (xuyên đêm; xuyên lễ, tết; xuyên dịch).
Nhân lễ thông xe, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TPHCM - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TPHCM - Trung Lương (Trạm Chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc từ TPHCM đến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cùng nhà đầu tư lập kế hoạch hoàn thành các công việc tiếp theo, xác định rủi ro tiềm ẩn về kỹ thuật do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực; những rủi ro về pháp lý và tài chính do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, để báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân khi đưa dự án vào khai thác chính thức.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ nay tới năm 2025, Đảng và Chính phủ sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc để tạo điều kiện cho Tây Nam bộ phát triển không chỉ về hạ tầng giao thông mà phát triển toàn diện..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét