Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Đi tiên phong trồng nấm linh chi

 

Đi tiên phong trồng nấm linh chi

dvnien copy từ https://cand.com.vn/..., trang web này đăng ngày 20/10/2010 12:48
Ở xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vùng trồng nấm nổi tiếng có một cơ sở sản xuất và chế biến của các cựu chiến binh, đó là cơ sở của "lão nông tri điền" Nguyễn Văn Sáng.

Từ một người đến cả xã

Với niềm tự hào của một cựu chiến binh đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, ông Sáng khẳng định: "Long Hưng là nơi trồng nấm linh chi đầu tiên ở Việt Nam". Bắt đầu từ những năm 1995, 1996 ông Sáng cùng nhiều người khác trong làng trồng nấm. Lúc đầu là nấm rơm và mỡ, mùa nào thức ấy, ông thu hoạch cũng tàm tạm.

Một lần Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật có đưa về giống nấm mới, đó là nấm linh chi. Thực sự, lúc đầu mọi người còn nghi ngại nên vụ màu năm 2001 cả xã mới chỉ có 6 hộ trồng "thử". Nào ngờ vụ đó cả 6 hộ "liều" đều đã trúng đậm, vì một lẽ giản đơn là nấm linh chi rất dễ trồng. Từ xứ Hàn xa xôi cây nấm đã thích nghi ngay trên mảnh đất mà từ bao đời nay chỉ trồng có nhãn. Cây nhãn đã được xem như một hình tượng khi nhắc đến Hưng Yên. Thấy linh chi cũng "ngon ăn" cả làng Long Hưng như phát sốt lên vì nấm.

Được sự đầu tư kịp thời của UBND tỉnh Hưng Yên và sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện Di truyền Nông nghiệp, nhiều cựu chiến binh đã quyết tâm học nghề, lúc đầu có 42 người tham gia.

Cơ sở sản xuất chế biến nấm Cựu chiến binh xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra đời. Qua quá trình thử nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm, cộng với lòng quyết tâm của những người lính, số lượng và chất lượng nấm linh chi cũng được nâng cao dần, người tham gia "trồng" nấm ngày càng đông.

Khác hoàn toàn với những loài cây trồng khác, nấm là một loại chỉ gây giống và trồng trên bao đựng trấu, bởi vậy cơ sở của ông Sáng đã phải huy động thêm đối tượng lao động "nhí" với công việc cũng rất nhẹ nhàng, phù hợp là xúc trấu cho vào các bịch nilon loại 2kg.

Ngoài giờ học ở trường và thuộc bài ở nhà xong các cháu đến cơ sở để làm thêm, vừa có chút đỉnh thu nhập, mà không còn thì giờ để tụ tập chơi bời lêu lổng nữa, thật là nhất cử lưỡng tiện. Do vậy các cháu thiếu nhi ở đây chăm học và cũng rất chăm làm. Nhóm lao động này góp phần không nhỏ cho việc làm ra các sản phẩm phục vụ cho nấm vì số lượng "bịch" người dân cần đặt cơ sở làm ngày một nhiều.

Từ 6 hộ trồng thử lúc ban đầu, đến nay Long Hưng đã có trên 300 gia đình tham gia trồng nấm. Nhờ có nấm mà đời sống của người dân nơi đây đã ngày một nâng cao. Đưa chúng tôi đi thăm các hộ dân xung quanh, ông Sáng đã chỉ cho chúng tôi thấy sự phát triển nghề nấm ở vùng này. Cả làng đều có những giàn nuôi nấm, xây dựng kiên cố bằng thép. Mọi nơi, mọi chỗ được tận dụng tối đa cho nấm.

Ông Sáng không giấu nổi niềm tự hào vì từ Long Hưng nấm linh chi đã lan toả sang một số tỉnh xung quanh. Nông dân ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang... cũng đã tìm về đây để học hỏi kinh nghiệm và mua nấm giống. Với tinh thần sẵn sàng sẻ chia, cơ sở của ông Sáng đã giúp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời cũng bao tiêu luôn cả sản phẩm cho họ với đúng giá thị trường.

Một cơ sở sản xuất nấm linh chi ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Bươn chải thương trường

Nấm được trồng ra nhiều, nhưng để tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm của mình cũng là một hành trình đầy vất vả. Với những người cựu chiến binh đã từng "trước quân thù không hề kinh sợ" thì việc tiếp cận thị trường lại là một vấn đề thách thức. Những người lính làm kinh tế đã mạnh dạn đem sản phẩm của mình đi dự thi tại hội chợ triển lãm - sự tự tin đã đem lại cho họ chiến thắng tại Hội chợ triển lãm năm 2002. Tại đây, sản phẩm nấm linh chi đã có thương hiệu, được công nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao".

Đã có nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng mua dài hạn với số lượng lớn và ổn định. Cho đến thời điểm này, nấm linh chi của Long Hưng đã được bán rộng rãi trên địa bàn miền Bắc. Nhiều cửa hàng đông dược tại phố Lãn Ông, Hà Nội cũng tìm về đây đặt mua với số lượng lớn để kinh doanh nghe đâu được bán theo giá 1,2 triệu đ/kg.

Linh chi được coi là sản vật nghìn năm kết tụ của đất trời, có nhiều công dụng chữa bệnh. Linh chi có tác dụng điều hoà mọi chức năng của cơ thể. Các nghiên cứu gần đây cho thấy linh chi có tác dụng rất tốt chữa nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch, phổi, thận, gan...

Song, phải làm sao đưa được linh chi đến tận tay người tiêu dùng? Những người cựu chiến binh nơi đây đang trăn trở, bởi giá 700.000 đồng/kg linh chi hiện tại vẫn quá cao so với thu nhập của người nông dân. Họ không thể bán 20 tạ thóc để mua 1kg nấm linh chi. Với suy nghĩ đó, các cựu chiến binh đã nghĩ ra nhiều cách để chế biến sản phẩm, lúc đầu là đóng gói từng hộp, từng lạng nhỏ, sau đó tán thành bột, thái lát mỏng để bán cho người tiêu dùng với một cái giá "rất bình dân" chỉ với 15 nghìn đồng đã có một gói linh chi, 20 nghìn đồng một gói bột 50 gam...

Hiểu được thói quen nhâm nhi chén rượu trước bữa ăn của người dân Việt, các ông đã đem linh chi đi ngâm rượu để bán. Những "tải" linh chi loại 1 được lựa chọn kỹ lưỡng rồi đem phơi khô, thái lát mỏng thả vào bình rượu ngâm. Những bình rượu đó được đem chôn dưới đất tròn 1 năm, sau đó đem đóng chai đưa đi bán. Sản phẩm này của các ông hiện nay đang rất "ăn khách". Mỗi tháng phải thái tới 5 tạ nấm để ngâm rượu.

Từ cuối năm 2002 cơ sở đã kết hợp với Công ty Trà Duyên Anh làm thêm một loại trà "linh chi túi lọc". Qua một vài khâu xử lý đơn giản làm giảm độ đắng mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng và dược tính của nấm, sau đó linh chi được đem tán mịn, vê thành viên nhỏ rồi đóng hộp. Hiện nay sản phẩm trà, rượu của Long Hưng đã được bán tại các cửa hàng và siêu thị trên toàn quốc. Ước tính mỗi tháng cơ sở này cung cấp cho các thị trường khoảng 10 nghìn hộp trà, 3 nghìn chai rượu.

Với một truyền thuyết rất lãng mạn về mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, người dân nơi đây cũng rất tự hào với các vị anh hùng dân tộc như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn...

Đội nữ du kích Hoàng Ngân lừng danh một thời mà mãi mãi lịch sử còn lưu. Đất nhãn Hưng Yên cũng đã sản sinh ra người nữ sỹ tài hoa Đoàn Thị Điểm - đất lành chim đậu, cây nấm linh chi ở một nơi xa lắc đã trụ vững và phát triển không ngừng.

Với một giọng chắc nịch ông Sáng đã nói những suy nghĩ của riêng ông, cũng là điều mong muốn của anh bộ đội Cụ Hồ rằng sản phẩm của họ làm ra sau này không chỉ được bán ở địa phận Hưng Yên, Hà Nội hay miền Bắc, mà sẽ được bán trên khắp mọi miền đất nước và vươn xa tới các châu lục trên thế giới, để nhiều nơi, nhiều người sẽ biết đến sản phẩm "thần dược" của họ

Lê Phương Dung

Không có nhận xét nào: