Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Công đoàn cần phổ biến đến từng cơ sở
Nhiều công nhân, người lao động ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa nắm rõ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Công nhân, người lao động đề xuất tổ chức Công đoàn các cấp sớm phổ biến Bộ Quy tắc này đến từng cơ sở để họ hiểu, có ứng xử phù hợp hơn trên mạng xã hội trong thời gian tới.
Mạng xã hội chủ yếu để nhắn tin, theo dõi dịch bệnh
Chị Trần Thị Tuyến, ở Quảng Bình, hiện đang tạm trú tại Tổ công nhân tự quản phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng để làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Cầm. Với chị Tuyến, mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Zalo, tính năng được dùng nhiều nhất là chat với người thân, bạn bè, xem tin tức... “Hai năm trở lại đây, công ty tôi tạo những nhóm chat trên Zalo để phổ biến, tuyên truyền về dịch COVID-19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch của công ty nên tôi thấy mạng xã hội rất hữu ích. Mạng xã hội cũng được công ty dùng để tuyên truyền về các chính sách pháp luật của thành phố và tổ chức Công đoàn. Nếu không có mạng xã hội, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, chị Tuyến nói.
Theo chị Tuyến, trong giới công nhân ở Đà Nẵng cũng có những nhóm chát, group có nhiều thông tin không hay, thậm chí có nội dung kêu gọi công nhân đình công, yêu cầu đóng cửa khu công nghiệp trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát cao điểm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên những group kiểu này không nhiều và “không phải công nhân nào cũng lên đó tham gia, bình luận, nêu ý kiến... bởi chúng tôi phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập, rồi cuộc sống áp lực, khó khăn do dịch bệnh bủa vây nên về đến nhà, lướt mạng một chút là lăn ra ngủ vùi để còn có sức mai đi làm”, chị Tuyến kể.
Chị Tuyến cũng không đồng tình với việc nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để đưa các thông tin xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người lao động. Đặc biệt là các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đầy rẫy trên mạng xã hội với những lời hứa hẹn, mồi chài về lãi suất, cơ chế cho vay rất thoáng nhằm đưa công nhân vào “bẫy” tín dụng đen. “Chúng tôi rất bức xúc và thực tế bạn bè tôi đã có nhiều người đã bị bẫy tín dụng đen dẫn đến tán gia bại sản nhưng không biết kêu ai”, chị Tuyến nói.
Chỉ nghe loáng thoáng...
Mặc dù Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17.6, tuy nhiên đến thời điểm này, chị Nguyễn Thị Liên, công nhân của một doanh nghiệp may mặc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng cho biết vẫn chưa nghe nói gì. “Theo tôi, các cấp Công đoàn cần phổ biến xuống cơ sở cụ thể Bộ Quy tắc gồm những nội dung gì, quy định ra sao... để người lao động biết, tuân theo”, chị Liên nói.
Đồng nghiệp của chị Liên, chị Trần Thị Thắm, cho biết có nghe... loáng thoáng về Bộ Quy tắc. Chị Thắm nhận xét, mạng xã hội hiện nay rất phổ biến, chi phối rất lớn đến đời sống của người dùng nên việc có Bộ Quy tắc ứng xử là cần thiết. “Tôi thấy có nhiều người lợi dụng mạng xã hội để đưa các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của người khác. Đặc biệt gần đây, tôi thấy có rất nhiều người lên mạng xã hội đưa nhiều thông tin sai lệch về dịch COVID-19; rồi nhiều tổ chức cho vay nặng lãi lợi dụng mạng xã hội để lừa người lao động như chúng tôi nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý triệt để”, chị Thắm nói.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, dù chưa có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhưng ông thường xuyên yêu cầu Công đoàn các cấp tuyên truyền cho ĐV, NLĐ không đưa các thông tin chưa chính xác, đặc biệt là thông tin về dịch COVID-19 trên các diễn đàn, mạng xã hội, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của NLĐ và nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền để NLĐ đề cao cảnh giác, không dính bẫy cho vay nặng lãi , nhất là trong bối cảnh NLĐ đã và đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét