Dịch Covid-19 đã mất thu nhập, đừng mất cả tỷ đồng do hàng nghìn vi phạm mỗi ngày
Kết thúc 15 ngày giãn cách lần 1, có hôm các lực lượng ở Hà Nội xử phạt gần 1,4 tỷ đồng do vi phạm phòng chống dịch, vì thế, trong cách ly xã hội lần 2, lãnh đạo TP yêu cầu phải quyết liệt, thực chất hơn.
Không chấp nhận ai lơ là để cả xã hội vất vả
Ngày 8/8/21, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần 2 (đến 23/8) với mục tiêu bóc hết F0 trong cộng đồng, dập dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nếu dừng giãn cách sau 15 ngày thì những kết quả đạt được vừa qua sẽ khó đảm bảo được bởi việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch.
Trong 15 ngày giãn cách tới, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành phố tiếp tục giãn cách xã hội nhưng quyết liệt, thực chất hơn.
Tuy nhiên, trong giãn cách xã hội lần 2 theo Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, từ số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy rất cần sự thay đổi mạnh mẽ về ý thức của người dân.
Theo thống kê trong 15 ngày giãn cách lần 1, có những số liệu "thiếu tích cực", dù dịch bệnh ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều người, nhưng bình quân số trường hợp bị xử phạt trong đợt giãn cách lên tới gần 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Đơn cử, chỉ trong khoảng thời gian từ 11h00 ngày 5/8 đến 11h ngày 6/8, lực lượng chức năng toàn thành phố đã phát hiện, lập biên bản, tham mưu cho chính quyền các cấp xử phạt vi phạm hành chính với 1.037 trường hợp có các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch, số tiền bị xử phạt gần 1,4 tỷ đồng.
Đáng nói hơn, trong khi đại bộ phận người dân chấp hành quy định về giãn cách xã hội nghiêm túc, vẫn còn một bộ phận xem nhẹ công tác phòng, chống dịch, bị xử phạt với các lỗi phổ biến như không đeo khẩu trang, đeo không đúng quy cách, ra khỏi nhà không có lý do cần thiết.
Theo ý kiến một số luật sư, bước vào giãn cách xã hội lần 2 ở Hà Nội, thành phố và người dân đang quyết tâm sớm đưa cuộc sống trở lại giai đoạn bình thường mới. Vì thế, không có lý do nào chấp nhận cho những người thiếu ý thức, nhất là khi cả xã hội căng mình chống dịch còn mình vẫn không đeo khẩu trang, vẫn ra đường khi không có lý do. Đặc biệt, càng không chấp nhận ai đó lơ là để cả xã hội phải vất vả.
Mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người bị lực lượng chức năng xử phạt |
Sinh kế khó khăn, đừng mất tiền, mất uy tín vì vi phạm
Tại Hà Nội, con số vi phạm về phòng chống dịch trong 15 ngày giãn cách xã hội lần 1 khiến ai đọc cũng không vui, vì có ngày cao điểm số tiền xử phạt gần 1,4 tỷ đồng. Điều này khiến không ít người xót xa, tiếc công vì bao lực lượng đang căng mình chống dịch, tiếc của vì bao người đã đứt nguồn thu, sinh kế ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.
Vì thế, ý kiến một số luật sư cho rằng, với tác động của dịch bệnh, khi nguồn thu nhập đã mất, chưa có nguồn thu mới, cách tốt nhất là không để mất tiền một cách lãng nhách, nhất là với với các lý do như không đeo khẩu trang... càng không thể để mất uy tín, danh dự do vi phạm về phòng, chống dịch.
Từ những điểm chưa được trong thực hiện giãn cách xã hội lần 1 ở Hà Nội, trao đổi với VietNamNet, Luật sư Phạm Hồng Kiên (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) lưu ý, người dân cần tránh những vi phạm vừa ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, vừa ảnh hưởng đến uy tín của bản thân.
Theo luật sư Kiên, Điều 12 Nghị định 117/2020 đã quy định, người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng do “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.
Tương tự, với việc không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 m nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng do vi phạm điều khoản trên.
Bên cạnh đó, luật sư Kiên cho biết, người dân tập trung quá 2 người (theo Chỉ thị 16) nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng/người. Còn cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nếu không tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu để phòng chống dịch sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
Luật sư Kiên khuyến cáo, do đó, khi Hà Nội đã tiếp tục thực hiện giãn cách đến 23/8, người dân cần nghiêm túc chấp hành để tránh bị xử phạt mất tiền.
Ông cũng nêu thực tế trong đợt giãn cách vừa qua, còn một số trường hợp chống đối có thể dẫn đến hành vi "Chống người thi hành công vụ" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất không đáng, việc này cần chấm dứt.
Người dân ra đường cần phải mang đầy đủ giấy tờ theo quy định để không bị xử phạt trong những ngày giãn cách tới |
Còn trong kiểm soát ở các chốt chặn tại Hà Nội, Công an thành phố kêu gọi mọi người dân nêu cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch và giãn cách xã hội.
Công an thành phố cho rằng, với những trường hợp người dân được cấp giấy ra đường cũng chỉ nên ra đường khi thật sự cần thiết. Còn những trường hợp không có giấy ra đường, không có lý do thật sự cần thiết, phải thực hiện nghiêm quy định về giãn cách để không bị xử phạt.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ kết hợp kiểm tra tại các chốt chặn, kiểm tra lưu động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về không thực hiện giãn cách trong phòng chống dịch.
Nghìn suất quà đến tay người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Hà Nội
Hơn 1.500 suất quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm được phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) hôm nay ...
Nhị Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét