Vượt 7.000 ca Covid-19, TP.HCM lúng túng tờ giấy xét nghiệm
Hàng trăm người xếp hàng dài trước các cơ sở y tế, chợ đầu mối chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, kiếm tấm giấy thông hành. Việc tập trung đông tại nơi xét nghiệm khiến nguy cơ lây nhiễm cao.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đến tối 6/7 đã vượt con số 7.000. Riêng 24h qua ghi nhận thêm 710 ca, trong đó ngoài các trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa, còn hơn 100 ca chưa rõ nguồn lây.
Nguy cơ bùng phát ổ dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều nơi quy định người dân muốn vào phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, từ 5/7, tỉnh Đồng Nai kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày đối với người từ TP.HCM, Bình Dương.
Do nhu cầu đi lại, làm việc giữa TP.HCM và các tỉnh nên nhiều người dân tự xoay xở, tìm đến các bệnh viện để kiếm tờ “giấy thông hành”.
Hai ngày nay, trước cổng Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp) hàng dài người xếp hàng ngoài cổng để đăng ký xét nghiệm Covid-19.
Người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm trước BV 175. Ảnh: Zing |
Được biết, qua hai ngày, bệnh viện này tiếp nhận hơn 3.000 người đến test nhanh để lấy giấy chứng nhận.
Đáng nói, cùng thời gian trên (trong hai ngày 5 và 6/7) trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm cho người dân cần "giấy thông hành" để lưu thông, làm việc, Bệnh viện 175 đã phát hiện 22 ca dương tính với Covid-19.
Mới đây, sáng 5/7, tại chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) xảy ra cảnh hàng nghìn người xếp hàng chờ test nhanh Covid-19 để được vào chợ. Đáng lưu ý, khu chợ này đang là ổ dịch khi có đến gần 50 ca nhiễm.
Rất đông người dân tập trung tại chợ Bình Điền để được lấy mẫu xét nghiệm trưa 5/7. Ảnh: Dân trí |
Trước đó, ban quản lý chợ có thông báo, tất cả những người vào chợ đều phải có giấy xét nghiệm âm tính và mỗi giấy chỉ có giá trị trong vòng 4 ngày.
Hàng chục người vây quanh hai người mặc bảo hộ để xin phiếu điền thông tin xét nghiệm ở chợ Bình Điền |
Chiều cùng ngày, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại chợ cho biết: "Sáng nay, chúng tôi tổ chức 3 điểm phát phiếu để người dân, tiểu thương điền thông tin xét nghiệm và xảy ra tình trạng người dân tập trung.
Mặc dù trước đó, Ban quản lý cũng tăng cường công tác tuyên truyền nhắc nhở nhưng một số bà con vẫn thiếu ý thức. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi tổ chức thêm điểm phát phiếu thì tình hình ổn định lại, bà con cũng xếp hàng giữ khoảng cách"- ông Tân thông tin thêm.
Liên quan đến hiệu lực của tấm giấy xét nghiệm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid-19 với người đến từ vùng dịch là cần thiết, nhưng không nên quy định "giấy thông hành" có giá trị trong vòng 3-7 ngày.
Theo PGS Phu, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính chỉ chứng nhận tại thời điểm lấy mẫu, người đó cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2. Trường hợp lấy mẫu quá sớm (sau 1 ngày nhiễm) có thể không phát hiện ra và không loại trừ trường hợp âm tính giả.
Ngoài ra, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính có thể tạo tâm lý an tâm mình không mắc bệnh dẫn tới chủ quan, nguy cơ làm lây bệnh cho người khác.
Do đó, ông Phu cho rằng, nếu bắt buộc mọi người dân ra vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính là không cần thiết, gây tốn kém.
PGS Phu cũng khuyến cáo: “Việc có tới hàng nghìn tiểu thương tại chợ Bình Điền chen chúc lấy giấy đăng ký xét nghiệm vừa gây hỗn loạn, vừa có nguy cơ lây nhiễm chéo cho người khác nếu không may trong số đó có trường hợp F0”.
Tiếp tục đóng cửa nhiều chợ, cách ly các khu dân cư
Do diễn biến khó lường, sáng 6/7, chợ Bình Điền tạm đóng cửa cho đến khi đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở TP.HCM với lượt ra vào mỗi ngày khoảng 20.000 người.
Cùng ngày, chợ đầu mối cuối cùng trên địa bàn (sau chợ Hóc Môn, Bình Điền) là chợ Thủ Đức cũng có quyết định tạm dừng từ 8h ngày 7/7.
Hai chợ truyền thống (Kiến Thiết và Hiệp Phú) của TP Thủ Đức cũng tạm đóng cửa từ 0h ngày 7/7, nâng tổng số chợ dừng hoạt động đến hơn 100 chợ toàn TP.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng hoạt động từ 8h ngày 7/7. Ảnh: Như Sỹ |
Cũng ngày 6/7, UBND quận 7 quyết định áp dụng Chỉ thị 16 tại phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và Bình Thuận; thời gian từ 18h ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới. Phạm vi ảnh hưởng bao gồm 16 khu phố, diện tích 393 ha với 187 tổ dân phố và hơn 91.000 nhân khẩu.
Trước đó, từ 0h ngày 6/7, TP Thủ Đức đã áp dụng Chỉ thị 16 đối với phường Tân Phú với gần 35.000 người.
Hiện toàn thành phố có khoảng 740 điểm phong tỏa.
Hôm nay (7/7/21), gần 87.000 thí sinh ở TP.HCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Chịu vất vả hơn, thiệt thòi nhiều hơn để kiểm soát dịch bệnh
Chiều 6/7, cuộc họp về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì và đầu cầu Chính phủ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo, xu hướng của dịch bệnh hiện nay là số ca mắc phát hiện qua khám sàng lọc trong cộng đồng ngày càng tăng. Đến nay, đã phát hiện hơn 900 ca qua khám sàng lọc từ các cơ sở y tế.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng báo cáo, đã ghi nhận 796 ca nhiễm tại 38 doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, thời gian qua toàn TP đã quá vất vả, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn để phòng, chống dịch tốt hơn. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Ông yêu cầu TP quyết tâm cao hơn, chịu vất vả hơn, thiệt thòi nhiều hơn để kiểm soát dịch bệnh; quyết không để dịch dây dưa kéo dài, sớm đưa TP quay lại cuộc sống bình thường.
Cũng trong ngày 6/7, Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hôm 4/7.
Nhận định dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát, song Thủ tướng lưu ý tình hình dịch ở TP.HCM vẫn diễn biến khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận.
Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của Nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước.
Ngày 6/7, ngành y tế TP cho biết, đã chuyển đổi công năng của 2 chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) và phường An Khánh (TP Thủ Đức) làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.
Từ ngày 5/7, chung cư ở phường Tân Thới Nhất chính thức tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị, với quy mô 2.500 giường.
Chung cư tại phường An Khánh với tổng diện tích 38,4ha quy mô 10.000 - 15.000 giường điều trị, đang được chuẩn bị các phương án để tiếp nhận bệnh nhân thời gian tới.
Tính đến nay, TP.HCM có tất cả 13 bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngoài 10 bệnh viện đang điều trị với quy mô 5.000 giường, trước đó Sở Y tế trưng dụng thêm 2 bệnh viện dã chiến có quy mô 5.000 giường bao gồm KTX của Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh của ĐH Quốc gia TP.HCM và KTX khu A của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã chuẩn bị kế hoạch "gối đầu" điều trị cho 10.000 hoặc thậm chí 15.000 ca bệnh, được phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Đức Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét