Mai Phương Thúy, nghệ sĩ quảng cáo sai chẳng lẽ xin lỗi là xong
Mai Phương Thúy và một số nghệ sĩ nhận tiền quảng cáo sản phẩm, đến khi bị cộng đồng phát hiện hàng giả hoặc kém chất lượng, chỉ lên tiếng xin lỗi là xong chuyện hay sao?
"Nếu sự thật đúng như những gì bài báo nêu thì Thuý rất thất vọng và hối hận. Là người nổi tiếng Thuý ý thức được trách nhiệm của mình đối với mỗi phát ngôn và hành động. Giờ nhìn lại thực sự thấy mình đã sai. Thuý xin gửi lời xin lỗi chân thành và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để giúp xử lý đúng mực những hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng", đây là "dòng trạng thái" của hoa hậu Mai Phương Thúy sau khi nhận được thông tin hoa hậu này tham gia PR cho thương hiệu thực phẩm chức năng giảm cân.
Điều đáng nói là, đây là sản phẩm đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép vào đầu tháng 6 vừa qua do quảng cáo sai sự thật.
Trước đó, Phương Mỹ Chi, Hồng Vân cũng lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sai.
Dù chỉ là lời xin lỗi viết trên trang cá nhân, nhưng cũng thể hiện trách nhiệm cá nhân. Ngược lại, có những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật nhưng im lặng, chưa có lời xin lỗi hoặc không có ý định xin lỗi.
Tuy nhiên, việc xin lỗi hay không xin lỗi là khía cạnh đạo đức, thể hiện thái độ, trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng xã hội. Dư luận có thể khen chê, ủng hộ, bức xúc, nhưng không giải quyết được những hậu quả do quảng cáo sai sự thật gây ra.
Cho nên, không phải lên tiếng xin lỗi bằng đôi "dòng trạng thái" là xong, mà còn xét trách nhiệm với hậu quả của hành vi, động cơ của hành vi, vô tình hay cố tình.
Ai cũng biết, hoa hậu, nghệ sĩ là người của công chúng, quảng cáo một loại thuốc hay thực phẩm chức năng thì có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Người tiêu dùng tin hoa hậu hay nghệ sĩ, sử dụng một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng kém chất lượng mà người nổi tiếng quảng cáo, thì cần phải xem xét hành vi quảng cáo ở khía cạnh pháp lý.
Khi thỏa thuận hợp tác quảng cáo, người nhận quảng cáo phải có trách nhiệm kiểm tra hợp đồng, hồ sơ giấy tờ liên quan đến sản phẩm của phía người thuê quảng cáo.
Không thể có chuyện nhận tiền quảng cáo, đến khi phát hiện ra sản phẩm là đồ giả, thì chỉ viết đôi lời trên trang cá nhân là xong.
Bộ luật Hình sự có quy định điều chỉnh về hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ để trục lợi. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng pháp luật để xử lý các trường hợp quảng cáo sai để lập lại trật tự trong hoạt động này, đồng thời bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét