Sài Gòn cần một quyết định lớn
“Chợ Phường đóng cửa rồi con”, bà Tám thông báo vậy kèm nụ cười rất buồn, không cười rất buồn trong bối cảnh này thì lẽ nào cười rất vui. Chợ Phường đóng cửa bao lâu, không thông báo.
LTS: Với những biện pháp chống dịch tại TP.HCM đang triển khai, các ca Covid-19 vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Dưới đây là góc nhìn của nhà báo- Facebooker Ngô Nguyệt Hữu. Bài viết đã đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Cả nhà bà Tám chỉ có cái tiệm tạp hoá nhỏ ở ngoài chợ phường để mưu sinh, cái tiệm tạp hoá bán những đồ lặt vặt, nước mắm, muối, đường, bột ngọt….
Hai năm Covid-19 tung hoành, người đi chợ vắng lắm. Bà Tám đã phải xài vào khoản tiền dành dụm ít ỏi mà mấy mươi năm qua đã chắt chiu, số tiền ấy, cạn rồi.
Bà Tám còn ngoắc ngoải thu chi được là nhờ bỏ mối gia vị, đường đậu cho mấy quán ăn vỉa hè, mấy nhà hàng bình dân. Giờ, cũng không quán ăn, không vỉa hè.
Bế tắc.
Bà Tám hiện tại không dám nghĩ đến ngày mai, bởi có nghĩ cũng làm gì được. Bà Tám hiện tại cũng không nghĩ đến tiệm tạp hoá trong chợ, bởi có nghĩ cũng đâu biết ngày nào chợ lại được mở.
Ông Chủ tịch UBND Quận Gò Vấp khẩn khoản xin thành phố gỡ bỏ Chỉ thị 16 nói rất thương, đại ý, “Dân khổ quá, mình chống dịch cực mấy cũng được, chỉ mong khắc chế được Covid-19 để dân dễ sống hơn”.
Nhưng, lại nhưng, đời không như là mơ.
Hình ảnh hỗn loạn xin giấy xét nghiệm ở chợ Bình Điền (Ảnh: Vietnamnet) |
Lãnh đạo Sài Gòn rất vất vả trong mấy tháng gần đây, hình dung khối lượng công việc mà họ giải quyết là vô biên. Vừa lo làm sao để kinh tế đỡ bị ảnh hưởng nhất vừa lo làm sao để Covid-19 ít hoành hành nhất… Và có cả, tâm tư ở đi.
Rất khó.
Nhưng, lại nhưng, giấy thông hành bằng kết quả xét nghiệm Covid-19là không phù hợp. “Thế trận phát phiếu đăng ký xét nghiệm ở chợ Bình Điền” là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện này.
Không thể cũng lãnh đạo đó yêu cầu giãn cách cách ly, rồi thuộc cấp của lãnh đạo đó dồn dân chờ lấy giấy đăng ký xét nghiệm Covid.
Nói điều này, mong quý lãnh đạo Sài Gòn đừng buồn, chứ có cảm giác các lãnh đạo vẫn còn lừng khừng, băn khoăn khi đưa ra một quyết định cuối cùng.
Thời thế tạo anh hùng nhưng thời thế cũng tạo nên những cá nhân sợ trách nhiệm. Bởi có anh hùng nào lưng không mang rất nhiều vết sẹo chiến trường.
Những người xé rào đổi mới giúp quốc gia phát triển cũng đã từng chịu rất nhiều áp lực, tuy nhiên, chọn một con đường, chọn một lối đi, chọn một tâm thế phục vụ nhân dân thì phải dám quyết.
Mình là quan nhân của thành phố lớn nhất nước, mình còn không dám quyết thì mình giúp dân mình ra sao. Mình còn không dám quyết thì nước xa sao biết lửa gần mà quyết.
Phải quyết nhanh để những người còn vô cùng may mắn như bà Tám không bị biến thành người nghèo khó.
Phải quyết nhanh để những người nghèo khó không biến thành khốn khổ.
Phải quyết nhanh để những người khốn khổ không vì bần cùng mà sinh chuyện này chuyện kia.
Đó là chưa kể đến thiệt hại của các tập đoàn, doanh nghiệp nghìn tỷ, vạn tỷ…. Những con tàu lớn này nếu bị gãy đổ, không thể lường trước hậu quả khốc liệt về kinh tế.
Một năm có 52 tuần, nếu vẫn chưa có cách chống dịch tốt hơn phương pháp ngăn chặn và truy tìm, thì có lẽ phải chấp nhận mất hai tuần để cứu lấy 50 tuần kia.
Chứ hiện tại, chúng ta đã mất mười tuần mà vẫn vô định!
Ngô Nguyệt Hữu
Bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét