Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Chỉ “quá đà” hay đã đến mức “nhố nhăng”?

 GÓC NHÌN

Chỉ “quá đà” hay đã đến mức “nhố nhăng”?

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/... đăng ngày 07/07/2021 06:00 Xuân Dương

GDVN- Chuyến bay rất bình thường về mọi phương diện, từ kỹ thuật đến kinh tế, từ trách nhiệm đến đạo đức thế nhưng vì sao lại được đánh giá là “mở ra đường Hồ Chí Minh"

Báo điện tử Baoquocte.vn trong bài viết quảng bá cho chuyến bay đưa hơn 300 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác chống dịch đã viết:

“Đại diện Vietnam Airline chia sẻ, sự hợp lực khẩn trương giữa ngành y tế và hàng không đã góp phần mở ra “đường Hồ Chí Minh trên không” kịp thời, để tiếp sức cho “chiến trường miền Nam” chống dịch. Được tham gia đóng góp với cả nước trong chiến dịch "chống dịch như chống giặc", đó cũng là niềm tự hào của đội ngũ Vietnam Airlines”. [1]

Về nội dung bài báo, nếu bỏ đoạn quảng bá cho hãng máy bay hơi quá đà nêu trên thì không có gì phải bàn luận.

Đánh giá một cách khách quan việc thày trò Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tham gia chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang không những là việc nên làm mà còn phải làm kịp thời, thực chất.

Thế thì vì sao một tờ báo phải buồn bã thốt lên: “Đưa sinh viên đi tình nguyện, khi em bị mắng, sao các anh không cất lời”. [2]

Nguyên nhân của việc “các em bị mắng” lại không thuộc về các em mà như phát hiện của tác giả bài báo: “Lỗi một phần nữa là ở truyền thông. Không biết tự bao giờ, một số phóng viên quen thói tùy tiện, đại ngôn…”. [2]

(Ảnh: VNA đăng trên Baoquocte.vn)

Về hoạt động của Vietnam Airline bài báo cho biết: “Bên cạnh các chuyến bay đưa công dân hồi hương, Hãng đã triển khai vận chuyển miễn phí nhiều y bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia phòng chống dịch và chuyên chở hàng hóa, trang thiết bị y tế cấp thiết đến các tỉnh thành trên cả nước cũng như nhiều quốc gia láng giềng và toàn thế giới”…

Nếu không có dịch bệnh hoặc thiên tai, nếu mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều bình thường thì mỗi ngày có hàng chục chuyến bay của Vietnam Airline từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống kê cho thấy trong thời gian từ 28/03/2021 đến 11/04/2021 Vietnam Airlines không sử dụng 14,8% lượng slot (lượt cất hạ cánh) được cấp, tương ứng với 489 slot. [3]

Trong tình hình như vậy việc bố trí một chuyến bay chở đoàn công tác từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh chống đại dịch Covid-19 là điều rất bình thường bởi hãng hàng không này đã nhận được sự ưu ái rất lớn của Nhà nước - cũng tức là của Nhân Dân.

Được biết, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã phê duyệt khoản tiền trên 10.000 tỷ đồng giải cứu Vietnam Airlines, trong đó Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời gian tối đa 3 năm.

Báo Nld.com.vn viết: “4.000 tỉ đồng với lãi suất 0% sẽ được NHNN cấp cho các ngân hàng mà không cần tài sản bảo đảm để cho Vietnam Airlines vay trước 31-12-2021”. [4]

Từ những thị phi trong Showbiz nhìn lại vai trò của truyền thông
Từ những thị phi trong Showbiz nhìn lại vai trò của truyền thông

Một chuyến bay rất bình thường về mọi phương diện, từ kỹ thuật đến kinh tế, từ trách nhiệm đến đạo đức thế nhưng vì sao lại được đánh giá là “mở ra đường Hồ Chí Minh trên không để tiếp sức cho “chiến trường miền Nam” chống dịch”?

Những người Việt từng trải qua cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ năm 1954 đến năm 1975 đều biết hai tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh, đó là tuyến chạy dọc Trường Sơn và tuyến chạy trên biển từ Hải Phòng vào miền Nam.

Trên hai tuyến đường đó, hàng nghìn chiến sĩ các quân binh chủng, thanh niên xung phong, đồng bào các dân tộc đã hy sinh xương máu cho con đường thông suốt, nhiều chiến sĩ đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển đã vĩnh viễn không trở về với đất mẹ.

Vậy nên một chuyến bay bằng máy bay hiện đại Boeing 787-9 Dreamliner trong khoảng 2 giờ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh làm sao có đủ tầm cỡ, đủ xứng đáng để tôn vinh là “mở đường Hồ Chí Minh trên không”?

Đánh giá ngôn từ sử dụng trong bài báo nhẹ thì gọi là “thiếu chuẩn mực” hoặc “quá đà”, còn nếu có ai đó bức xúc bảo là nhố nhăng (hoặc lố lăng) thì có lẽ cũng không oan lắm.

Ảnh chụp màn hình.

Vẫn biết quảng cáo là một phần của cuộc sống hiện đại, muốn hay không con người phải học cách sống chung với quảng cáo song quảng cáo luôn là con dao hai lưỡi.

Quảng cáo văn minh, lịch sự, khoa học sẽ có tác dụng lôi cuốn người xem, tạo hiệu quả kinh doanh, hoặc nâng cao uy tín thương hiệu, sự quá đà đến mức lố lăng không chỉ mang lại phản cảm mà còn gây thiệt hại uy tín và vật chất cho đối tượng đăng quảng cáo.

Tuy nhiên lỗi không phải chỉ ở những cá nhân, đơn vị muốn quảng cáo bản thân một cách quá đà mà còn có đóng góp đáng kể của truyền thông.

Những năm gần đây, một số bài viết, phóng sự trên báo hoặc clip trên mạng xã hội đã góp phần tạo nên cái tên “Bà Tưng”, dù cô gái này không xấu nhưng cái tên “Bà Tưng” và những hình ảnh “tưng tưng” mà cô gái này khoe trên mạng xã hội không chỉ làm xấu bộ mặt người đăng mà còn bôi nhọ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh quảng cáo phản cảm thì cũng tồn tại không ít quảng cáo sai sự thật và đóng góp cho các quảng cáo này không thiếu những gương mặt ca sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu, á hậu,…

Trong thời gian ngắn đầu năm 2021, từ nhân vật thuộc loại giàu nhất Showbiz đến nghệ sĩ nhân dân, đến hoa hậu,… liên tục dính lỗi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, thậm chí quảng cáo cho thương hiệu thực phẩm chức năng giảm cân đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật.

Dù những người này đã lên tiếng xin lỗi, đã cải chính,… song có nên duy trì tình trạng cứ xin lỗi là xong, là không bị xử phạt hành chính?

Tại sao việc xử phạt người sử dụng chất uống có cồn, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông được làm rất nghiêm túc với mức phạt rất nặng (phạt tiền, thu bằng lái, giữ phương tiện có thời hạn) thì việc xử lý những người nổi tiếng tham gia quảng cáo làm nguy hại đến sức khỏe cộng đồng lại ít thấy được công bố?

Có vẻ như chẳng người nổi tiếng nào đóng quảng cáo miễn phí cho doanh nghiệp hoặc các đối tượng kinh doanh trên thương trường.

Sự nổi tiếng của cá nhân được sử dụng như là “nguồn vốn” góp cùng doanh nghiệp trong các chiến dịch quảng cáo sai sự thật sẽ đưa đến việc doanh nghiệp thu lợi bất chính và đương nhiên người đóng quảng cáo (hoặc đăng các clip trên mạng xã hội) cũng có phần thu nhập không nhỏ trong sự “bất chính” đó.

Chính vì thế không thể cho rằng những người nổi tiếng này “vô ý” kiếm tiền hoặc không ý thức được việc làm của họ gây hại cho xã hội.

Nếu những “người của công chúng” (và có thể cả cơ quan đăng bài) quan tâm đến thu nhập hơn bất kỳ điều gì khác thì sớm muộn sẽ nhận được “mưa đá” từ người hâm mộ mà “danh hài” thường xuyên hầu đồng là một ví dụ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baoquocte.vn/vietnam-airlines-than-toc-dua-luc-luong-y-te-tinh-hai-duong-vao-tp-ho-chi-minh-chong-dich-149975.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/thay-gi-tu-sinh-vien-tinh-nguyen-hai-duong-vao-tp-hcm-chong-covid-19-752872.html

[3]https://zingnews.vn/vietnam-airlines-group-dung-dau-ve-lang-phi-slot-bay-post1208399.html

[4]https://nld.com.vn/kinh-te/cap-4000-ti-dong-lai-suat-0-de-cac-ngan-hang-cho-vietnam-airlines-vay-20210310100244634.htm

Xuân Dương

Không có nhận xét nào: