Tin sáng 30-12: Bắt tay - ôm hôn - tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể F0... mới coi là F1
TTO - Thay vì gặp thoáng qua ở thang máy, trong siêu thị cũng được coi là F1 và phải cách ly; quyết định ngày 29-12 của Bộ Y tế điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 đã điều chỉnh tất cả các định nghĩa trước đây về ca nghi ngờ, F0, F1.
Theo hướng dẫn này, ca bệnh nghi ngờ là người có tiếp xúc gần với F0 và có ít nhất 2 biểu hiện lâm sàng gồm sốt, ho, có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, có yếu tố dịch tễ (có mặt trên phương tiện giao thông, cùng tham dự sự kiện, nơi làm việc, lớp học) với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, người ở/đến từ khu vực có dịch.
Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế cho biết "F0 đang trong thời kỳ lây truyền" là 2 ngày trước khi khởi phát bệnh hoặc 2 ngày trước khi lấy mẫu đến khi xét nghiệm âm tính hoặc chỉ số tải lượng virus dưới 30.
Với ca bệnh xác định (F0), Bộ Y tế cho phép dùng kết quả test nhanh để xác định.
Với F1, hướng dẫn này cho biết chỉ người tiếp xúc gần trong vòng 2m mà không đeo khẩu trang trong không gian hẹp và kín tối thiểu 15 phút, hoặc có bắt tay, chạm vào da, cơ thể, ôm, hôn F0, hoặc chăm sóc, thăm khám F0 trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân mới được coi là F1.
Hướng dẫn này thay đổi và định nghĩa rõ ràng hơn về ca nghi ngờ, F0, F1.
Tăng thêm 7,4% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vừa có thông báo, từ tháng 1-2022, cơ quan thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người hưởng lương hưu, mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 12-2021.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995, nếu sau khi thực hiện điều chỉnh xong mà mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,3 triệu đồng thì được tăng thêm 200.000 đồng.
Nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ 2,3 triệu đến dưới 2,5 triệu đồng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 2,5 triệu đồng.
TP.HCM kiến nghị tổ chức trạm y tế theo khu vực, quy mô dân số
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi đến UBND TP về 8 khó khăn, vướng mắc cần đề xuất, kiến nghị Chính phủ, trong đó khó khăn liên quan cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Theo đó, cần đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế thì không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có 1 trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế).
Bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên y tế của trạm y tế đảm bảo phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trạm, và cho phép triển khai thí điểm chuyển trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện.
Đồng thời, sớm trình Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề và quy định nơi thực hành là y tế cơ sở, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà.
Ngoài ra cho phép triển khai thí điểm cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà, khám và tư vấn sức khỏe nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Song song đó cho phép triển khai thí điểm mô hình tủ thuốc hoặc nhà thuốc tại trạm y tế để nâng cao khả năng tiếp cận thuốc cho người dân tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
6% bệnh nhân COVID-19 ở mức nặng
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, có 6% ca mắc COVID-19 ở Việt Nam ở mức nặng, 8,3% ở mức trung bình, 85,7% là nhẹ và không có triệu chứng.
Theo thống kê, 11 tỉnh thành có tỉ lệ tử vong/ca mắc COVID-19 cao nhất là TP.HCM (4%), An Giang (3,1%), Tiền Giang (2,7%), Long An (2%), Kiên Giang (1,8%), Đồng Tháp (1,3%), Đồng Nai (1,2%), Bình Dương (1,1%), Cần Thơ (1,1%), Bình Thuận (1,1%), Ninh Thuận (1,1%).
Bộ Y tế cũng cho biết số ca COVID-19 từ đầu mùa dịch tại Việt Nam đã vượt 1,7 triệu ca, số đã khỏi đạt 77%, số tử vong 1,9%, trong số ca đang theo dõi, điều trị có 124,892 ca đang theo dõi, điều trị tại bệnh viện, trong đó có 7.309 ca nặng.
So với trung bình 7 ngày trước, số mắc mới ngày 29-12 giảm 10,1%, số ca đang điều trị và số ca nặng đều giảm. So sánh tuần này với tuần trước, dù số mắc mới tăng 9,3% nhưng số tử vong giảm 5,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 4,7%.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 29-12 cho biết trong 24 giờ ghi nhận 1.882 ca dương tính mới, trong đó có 661 ca cộng đồng, 1.034 ca tại khu cách ly và 187 ca tại khu phong tỏa. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (252); Hai Bà Trưng (209); Long Biên (205); Nam Từ Liêm (183); Hà Đông (169); Đống Đa (136); Tây Hồ (98).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 45.159 ca, trong đó số ca cộng đồng 16.101 ca. Tới hết ngày 28-12, Hà Nội có 20.156 F0 đang điều trị, trong đó có 14.226 F0 đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện.
- Từ ngày 5-10 đến 7h ngày 29-12, Sơn La đã phát hiện 761 ca COVID-19; 15.479 người cách ly, theo dõi sức khỏe. Tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 được 1.313.593 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và 155.205 mũi cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Sơn La cùng 12 huyện, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch 1; 16 xã, phường cấp độ dịch 2; 2 xã cấp độ dịch 3 và 2 xã, thị trấn cấp độ dịch 4.
- Ngày 29-12, Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến nay toàn tỉnh có 12.106 ca F0. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 7.874 người. Riêng trong ngày 28-12, trên địa bàn có 365 ca COVID-19 mới.
Thừa Thiên Huế cũng đã ghi nhận 49 ca tử vong, trong đó có 47 ca là già yếu, lão suy, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim mãn, suy thận mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn, ung thư giai đoạn cuối... Thừa Thiên Huế quyết định điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà từ ngày 28-12.
- Khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bến Tre không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Từ 6h đến 11h ngày 29-12, tỉnh ghi nhận 86 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 25.248 ca. Trong đó có 15.564 trường hợp kết thúc điều trị, 167 ca tử vong.
Có khoảng 20% người bệnh có triệu chứng trung bình, nặng, nguy kịch. Y tế Bến Tre đã thành lập các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị; yêu cầu mỗi huyện đảm bảo thu dung 500 giường bệnh; đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao, oxy y tế... Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 người đang được điều trị tại nhà, gần 4.200 bệnh nhân điều trị tại nhà đã khỏi bệnh.