Phía sau “biển” mít, thanh long là những giọt nước mắt
Một trái mít vượt cả nghìn cây số, từ các miệt vườn phía Nam đến cửa khẩu phía Bắc thì ách lại và được bán tống bán tháo với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi trái.
Phía sau trái mít là bao nhiêu công sức chăm sóc của người dân, công thu mua, vận chuyển. Vấn đề là không chỉ một trái mít mà là cả nghìn tấn mít.
Mít ngập cửa khẩu, thành “biển mít” ở chợ vùng biên. Hàng nông sản giá rẻ nhưng cả người bán lẫn người mua không ai có một ánh cười.
Hôm qua, thông tin từ Lạng Sơn về cho hay: Riêng tỉnh này vẫn đang còn tồn 4.337 xe hàng nông sản và chỉ giảm 127 xe so với 3 ngày trước đây. Nghĩa là chỉ “thoát” có 3%.
Câu chuyện ách tắc nông sản dịp cận Tết, đã nhiều năm, nhiều lần được báo chí cảnh báo nhưng cứ lặp đi lặp lại. Năm nay đặc biệt hơn, do chiến lược zero COVID-19, Trung Quốc liên tục tăng cường những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với các quốc gia có chung đường biên giới nói chung và với Việt Nam nói riêng với yêu cầu các địa phương cửa khẩu thực hiện các biện pháp quản lý biên giới, trong đó có quản lý hoạt động xuất nhập cảnh đối với con người và hàng hóa.
Khó có thể trách chính sách từ phía bạn. Dừng thông quan không phải lý do duy nhất khiến hàng nghìn xe đang ùn ứ chờ thông quan tại các cửa khẩu. Lỗ hổng đầu tiên được chỉ ra chính là sự thiếu chủ động, cảnh giác của doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Ngoài ra, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tỉnh táo, cảnh giác, cẩn trọng trước mọi thông tin mới nhất từ phía nước bạn. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa làm được điều đó”.
Nhưng người nông dân, hay doanh nghiệp thu mua lại rất khó tự định ra chiến lược mang tính dài hơi cho mình. Họ không thể biết năm sau mặt hàng nào mới là chủ lực. Nay là mít, có thể năm sau là thanh long, năm sau nữa là chuối?
Giải pháp các địa phương tạm dừng các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân tăng bảo quản tại kho lạnh hay mở cửa khẩu phụ, lối mở… chỉ là tạm thời nhưng khó thay đổi được trong thời gian ngắn.
Người dân cần một lối mở mang tính dài hơi và chiến lược từ khâu sản xuất tới tiêu thụ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải có vai trò định hướng điều tiết nông sản từ trong quy hoạch.
Và trong câu chuyện mở lối đã đến lúc phải sâu sát trong việc gắn kết với khâu sản xuất và đứng ra kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nhiều thị trường, nhiều nước khác nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Nó không chỉ là câu chuyện giải cứu những xe nông sản mà phải là chiến lược tầm quốc gia. Để phía sau những trái thanh long, trái mít, hàng đông lạnh chỉ là những nụ cười thu hoạch, không phải là những giọt nước mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét