Vụ KIT Việt Á phải truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu
Ngày 18/12/21, trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) do vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế kit test Covid-19 do đơn vị này sản xuất.
Theo đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên nhiều tỉnh thành của cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Tại tỉnh Hải Dương, tính từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 151 tỉ đồng. Đổi lại, ông Tuyến được nhận phần trăm là gần 30 tỉ đồng.
Vụ việc trên gây bức xúc dư luận về hành vi nhận hối lộ của các cán bộ là quản lý trong lĩnh vực y tế, và trục lợi của đơn vị sản xuất kit test Covid-19.
Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực y tế từng bị phanh phui, đưa ra xử lý nhưng nhiều cán bộ vẫn không chùn tay. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải có biện pháp cụ thể như nào để giải quyết triệt để vấn đề trên.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng - Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam cho rằng, những vụ phạm tội trong lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế bị phát hiện và khởi tố liên tiếp cho thầy có nhiều vấn đề, cho dù chúng ta đã giáo dục tuyên truyền rất nhiều.
Các cuộc học tập, chỉnh đốn đã giúp cho cán bộ, đảng viên tiến bộ lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ tiếp tục tha hóa, không thấy việc xử lý các vụ việc trước đó làm gương.
Đảng ta cũng có nhiều Nghị quyết về chống tham nhũng. Như trong nhiệm kì XII chúng ta có 4 Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng.
Thiếu tướng, PGS,TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an). (Ảnh: VPCP) |
Trong một nhiệm kì 4 năm rưỡi, chúng ta đã xử lý 113 cán bộ cấp cao. Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị của Đảng là rất cao, đúng như Tổng bí thư đã nói là không có vùng cấm, ngoại lệ, không ngưng nghỉ.
Rõ ràng việc đấu tranh trong nhiệm kì XII là củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng.
Thiếu tướng Cương nhận định, dịch Covid-19 là kẻ thù chung của nhân loại, nên mọi dân tộc, quốc gia đang gồng mình lên chống dịch. Người Việt Nam chúng ta cũng có những hình ảnh rất đẹp thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm chống dịch. Ví như hình ảnh cụ già mang con gà, mớ rau đến tặng cho lực lượng ở các chốt phòng chống dịch Covid-19.
Tinh thần cộng đồng, tính bao dung đạo lí của người Việt Nam trong khó khăn luôn như vậy. Trong khi đó, một số quan chức vẫn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng.
Từ đây chúng ta rút ra một điều là hệ thống giám sát quyền lực của ngành Y tế, sự giám sát việc đấu thầu ở các địa phương không hiệu quả.
Một nguyên lí của chính trị học là quyền lực không được giám sát thì bị tha hóa. Cho nên điều thứ nhất sau những vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, điều quan trọng nhất là phải kiểm tra lại hoạt động của lực lượng y tế.
“Bộ Y tế và Thanh tra, các Cục, Vụ chuyên ngành là hệ thống giám sát, kiểm tra Đảng, đoàn, Bộ Y tế là hiệu quả rất thấp.
Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phải quy định trách nhiệm cho những cá nhân, như đồng chí nào chịu trách nhiệm về mảng này phải đứng ra nhận trách nhiệm, chứ không thể nói chung được. Chúng ta phải xử lý một số cán bộ, công khai minh bạch trong cả nước”, Thiếu tướng Cương nhận định.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban kiểm tra của Đảng, Ủy ban bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Ban tổ chức Trung ương Đảng giúp đỡ ngành y tế điều chỉnh bổ sung ngay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm thiết bị y tế, kể cả hóa chất.
Gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng của người có chức vụ |
Bộ trưởng Bộ y tế phải chủ trì tổng kiểm kê lại quy trình, quy chế văn bản xung quanh việc mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
“Chúng ta không thể cứ rút kinh nghiệm mãi được, phải có biện pháp cụ thể, nếu không thì không được”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay.
Thiếu tướng Cương cũng cho rằng, nếu vụ này làm nghiêm thì ông tin đội ngũ cán bộ y tế sắp tới sẽ không có vi phạm.
Nhận định về việc Giám đốc CDC Hải Dương có hành vi nhận số tiền 30 tỉ đồng từ công ty Việt Á trong hợp đồng có tổng giá trị 151 tỉ đồng, Thiếu tướng Cương cho rằng, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra sẽ lôi ra ánh sáng những người có liên quan để xử lý đích đáng, nghiêm minh.
Thông tin thêm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, về hành vi của Giám đốc CDC Hải Dương nhận phần trăm là 30 tỉ đồng từ Công ty Việt Á, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong những tình huống như thế này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364, Bộ luật Hình sự và tội "Nhận hối lộ", theo Điều 354, Bộ luật Hình sự hay không để tiếp tục xử lý theo quy định.
Luật sư Cường nhận định, qua vụ án này một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp "sân sau" đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, làm thất thoát tài sản của nhà nước, suy thoái đạo đức của cán bộ.
Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy quy định của pháp luật và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Sau rất nhiều vụ án xảy ra trong việc mua sắm máy móc, thiết bị y tế, sai phạm sa ngã của các cán bộ ngành y tế, trong đó có các cán bộ cao cấp, thuộc loại tinh hoa cho thấy đã đến lúc phải thực hiện một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực y tế để sàng lọc, loại bỏ các bác sĩ thiếu y đức, thiếu chuẩn mực để đảm bảo tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân, an toàn cho cộng đồng, xứng đáng với nghề thầy thuốc, được xã hội kính trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét