Lãnh đạo sống xa hoa: Không phải tấm gương để dân học tập
CHÍNH TRỊ https://vtc.vn/... đăng ngày 12/03/2020 08:15.
(VTC News) - Chuyên gia cho rằng có những cán bộ có biểu hiện sống xa hoa, hào nhoáng, xa rời quần chúng thì không thể là tấm gương cho người dân học tập.
Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao về trường hợp một cán bộ Hội đồng Lý luận Trung ương sau khi đi công tác nước ngoài về bị nhiễm Covid-19 và phải khai báo tiền sử dịch tễ.
Vị cán bộ này khai báo ăn uống ở khách sạn 5 sao, chơi ở sân golf đắt đỏ bậc nhất miền Bắc, có phí thẻ hội viên cá nhân lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Lối sống xa hoa này trái ngược với phẩm chất giản dị, trong sạch, liêm khiết, gần gũi cần có của một cán bộ, vượt ra suy nghĩ của những người bình thường.
Trả lời VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời gian gần đây, có không ít những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước có những biểu hiện xa rời lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh mà Đảng, Bác Hồ đã đề ra.
“Vừa qua, có vị cán bộ lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, khi trở về nước từ vùng dịch truyền nhiễm nhưng vẫn đi giao lưu hết nơi này đến nơi khác, để đến giờ có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra hàng trăm người, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh ở trong nước.
Tôi cũng nhận được thông tin vị cán bộ này cũng đi gặp gỡ, đi chơi golf rồi vào những nhà hàng sang trọng với nhiều người, đó là điều rất không nên”.
Theo ông Tiến, cán bộ lãnh đạo thì phải sống khiêm tốn giản dị, sinh hoạt cũng phải theo các tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo, không thể ăn chơi, xa xỉ.
Chưa nói đến trong bối cảnh cả nước đang có dịch thì bản thân người cán bộ đó phải tự có trách nhiệm, đừng làm khó khăn thêm tình hình chống dịch bệnh trong nước.
“Dưới con mắt của người dân và cán bộ cấp dưới, người ta thấy đây rõ ràng không phải là tấm gương để họ học tập”, ông Tiến nói.
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cảnh báo, hiện tại là thời điểm rất nhạy cảm, bởi đang là năm cuối để đầu sang năm Đại hội Đảng, chuẩn bị cho việc chuyển giao của các cơ quan Đảng và Nhà nước, những biểu hiện tiêu cực cũng rất dễ phát sinh.
Sống xa hoa, hào nhoáng thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đồng chí đó mà còn ảnh hưởng chung đến sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân, của cấp dưới đối với cán bộ cấp cao
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến
“Có không ít những cán bộ có biểu hiện như tôi từng nói là ‘chuyến tàu vét’, tranh thủ để ký đề bạt, bổ nhiệm, ký những dự án, đề tài, đề án lớn. Các dự án càng to thì phần trăm nhảy vào túi cá nhân càng nhiều.
Hoặc cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị nghỉ thì lại hết đoàn nọ đến đoàn kia, từ Trung ương đến cấp tỉnh kéo nhau đi nước ngoài.
Nói là để đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nhưng đi rồi về nghỉ thì đi học tập gì, hoặc nghỉ rồi mà vẫn đi để làm gì? Đó chính là biểu hiện của việc đi du lịch trá hình và hưởng thụ”, ông Tiến bày tỏ lo ngại về hiệu quả của những chuyến đi công tác nước ngoài của không ít cán bộ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, cán bộ sống không phải ở một lãnh địa riêng mà xung quanh có nhân dân, có cấp dưới. Vì vậy ảnh hưởng của một cán bộ cấp cao là rất lớn, việc nêu gương của cán bộ càng phải đề cao hơn.
“Nếu càng gương mẫu, càng nêu gương thì càng tốt, còn khi đã có những biểu hiện xa rời nhân dân, sống xa hoa, hào nhoáng thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đồng chí đó mà còn ảnh hưởng chung đến sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân, của cấp dưới đối với cán bộ cấp cao”, ông Tiến nói.
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh việc sống xa hoa, hào nhoáng, ăn uống ở những khách sạn 5 sao, chơi ở những sân golf tiền tỷ là những biểu hiện xa rời bản chất vốn có của đảng viên, xa rời tiêu chuẩn cán bộ, xa rời sự giản dị, gần gũi quần chúng.
Trong đó, cán bộ, đảng viên cấp cao thì càng phải gương mẫu.
“Đặc biệt, việc dùng ngân sách nhà nước để lãng phí, ăn chơi xa xỉ là không thể chấp nhận được. Chính người dân khi nhìn vào họ sẽ thấy sự rất khác biệt của cán bộ đối với những người dân bình thường, những người dân làm ăn lam lũ, rất vất vả để kiếm được đồng tiền.
Tôi nhận được phản ánh của cử tri về việc một số cán bộ đưa nhau vào ăn một bữa tới 50-70 triệu, vào những nơi rất sang trọng, ở những khách sạn nhiều triệu đồng/ngày đêm. Đó có phải là bản chất của người cán bộ lãnh đạo hay không?”, ông Tiến đặt câu hỏi.
Video: 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng
Theo ông Tiến, đã đến lúc phải rung tiếng chuông cảnh tỉnh và phê phán, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, phải loại bỏ những người cán bộ xa rời quần chúng, đạo đức lối sống không lành mạnh, có những biểu hiện đứng trên dân từ thái độ đến việc hành xử, lối sống.
Đặc biệt, ông Tiến cho rằng Đảng và Nhà nước nên có những cơ chế kiểm soát. Ở đây vừa là kiểm soát quyền lực, vừa là kiểm soát về chi tiêu tài chính đối với những vị có chức, có quyền đó.
>>> XEM THÊM: Căng mình chống dịch Covid-19
Đồng quan điểm với ông Tiến, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng nêu việc một số người mượn danh để đi công tác nước ngoài nhưng những hoạt động đó không đem lại hiệu quả, gây lãng phí.
“Theo tôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đi sâu, xác thực xem có đúng như vậy không. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là những cơ quan quản lý của những cán bộ đó phải yêu cầu những người đó giải trình.
Một trong những nguyên tắc của cơ quan quản lý cán bộ là phải giải trình, và phải giải trình thế nào cho xác đáng. Sau khi giải trình, các cơ quan xem xét đúng-sai ra sao, sau đó phải có kết luận và thông báo rộng rãi.
Nhất là với những chuyến công tác dùng tiền ngân sách thì phải nắm chi tiết. Chuyến công tác hay đi nghỉ? Nếu là công tác thì phải làm rõ mục đích ở mỗi điểm đến là gì và tiền bỏ ra là tiền của nhà nước hay tiền tự bỏ ra. Phải làm rõ khoản nào của nhà nước, khoản nào là tiền riêng”, ông Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, nếu phát hiện có những vi phạm, các cơ quan chức năng phải kiểm điểm, làm rõ và xử lý.
Cũng theo ông Hùng, trong bối cảnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chỉ thị, quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao thì những biểu hiện sống xa hoa, hào nhoáng của một số cán bộ là rất đáng lên án.
“Tôi đề nghị các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ những vấn đề này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, qua những sự việc như vậy, nếu chúng ta thấy còn sơ hở trong việc cán bộ đi công tác thì phải làm rõ để khắc phục.
Nhiều cán bộ hiện nay bề ngoài vẫn rao giảng đạo đức, nhưng thực chất lối sống lại trái ngược, có những việc làm, những vi phạm “động trời” mà chỉ được phát hiện sau những sự việc nhất định.
“Phải giáo dục lương tâm, giáo dục lòng tự trọng, hay nói cách khác là liêm sỉ của người cán bộ, làm sao để bớt những cán bộ có đạo đức giả”, ông Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, phải để cán bộ tự giác, không phải vì có sự giám sát bên cạnh thì mới nghiêm chỉnh còn không lại buông thả.
Theo ông Hùng, hoạt động của cán bộ hiện nay rất đa dạng, cho nên việc xây dựng tính tự giác, sự liêm sỉ, lòng tự trọng là rất quan trọng.
Việc mất cán bộ, mất tư cách cán bộ, cũng là mất niềm tin của tập thể.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay, những biểu hiện sống xa hoa, giàu lên nhanh chóng của một số cán bộ là hiện tượng mà Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy rõ.“Trong những văn bản chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nói rất rõ những biểu hiện đó. Đặc biệt là quy định về nêu gương của cán bộ từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.Rồi sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đây là quy định với mỗi cán bộ, đảng viên từ người lãnh đạo cho tới đảng viên bình thường đều phải xem xét để tu chỉnh, rèn luyện đạo đức phẩm chất của mình cho tốt”, ông Hoà nói.Theo ông Hoà, với những cán bộ có biểu hiện tha hoá, biến chất về đạo đức lối sống bị cơ quan đơn vị, cán bộ đảng viên và đặc biệt là nhân dân phản ảnh thì những cán bộ đó dù là giữ chức vụ cỡ nào thì cũng cần có hình thức xử lý nghiêm.“Hiện nay trong công tác phòng chống tham nhũng, với sự cương quyết trừng trị những cán bộ vi phạm của Đảng và Nhà nước, những người có hiện tượng tham ô, móc ngoặc, làm tiêu hao, thất thoát ngân sách nhà nước, ỷ vào chức vụ quyền hạn, thiếu tinh thần trách nhiệm… sẽ phải xử lý nghiêm”, đại biểu Hoà nêu quan điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét