Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn

Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn

https://www.yan.vn/...
đăng ngày 26/10/2017, 09:03.

Dù đã qua tuổi ngũ tuần nhưng chị em nhà chị Hoàn vẫn chưa hề nghĩ sẽ bỏ nghề sửa xe. Bởi nó không còn là "cần câu cơm" mà đã là một phần cuộc sống của mấy chị.

Ở góc đường Âu Cơ (Quận Tân Bình, TP. HCM), bao năm nay người ta đã quá quen với hình ảnh chị em nhà chị Hoàn mặt mày lấm lem, ngày ngày mày mò “bắt bệnh” cho xe. Họ, những người phụ nữ hành nghề sửa xe thuê ấy đã sống bằng cái nghiệp “đàn ông” gần cả cuộc đời.

Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
50 năm “bắt bệnh” cho xe…
Dịp tình cờ, tôi ghé thăm tiệm sửa xe bé xíu của gia đình chị Đỗ Kim Hoàn (53 tuổi) ở số 1034 Âu Cơ, Q. Tân Bình, TP.HCM. Giữa buổi trưa nắng gắt, mấy chị em trong nhà vẫn ngồi lỳ dưới đất, tay nắn chiếc cờ lê mò mẫm cây đinh găm bậy đâu đó, rồi săm soi, nghiền ngẫm hồi lâu:
- Bể rồi chú ơi, thay luôn cả ruột lẫn vỏ - Chị Hoàn nói to.
- Ừ, bà thay luôn đi - Một vị khách trung niên đáp lại.
Đó là công việc suốt 50 năm nay của những người phụ nữ sống trong căn tiệm không tên ấy. Họ là thợ sửa xe, nhưng đặc biệt hơn, tất cả đều là phụ nữ và là chị em trong một gia đình đã có hơn 3 thế hệ hành nghề.
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Theo đó, gia đình chị Hoàn có tổng cộng 9 người con thì hết thảy 7 người đều hành nghề sửa xe. Sau khi dựng vợ gả chồng, nhiều chị theo chồng đến nơi khác nhưng vẫn mở tiệm sửa xe. Giờ đây, căn tiệm số 1034 chỉ còn chị Hoa, chị Hoàn và chị Hải. Trong đó, chị Hoa (63 tuổi) là người có tuổi nghề cao nhất. Người ta gọi chị là "thầy lang" trị bách bệnh cho xe. Cũng đúng thôi! Đang ngồi hì hục sửa cái săm xe, nghe từ xa tiếng nẹt pô không đều chị đã hô ngay: Xem lại bugi Hoàn ơi.
- À, hư cái bugi thật - Chị Hoàn gật đầu thán phục.
Chị Hải kể ngày xưa, ba mấy chị cũng là thợ vá xe có tiếng ở đất Tân Bình. Vì cái tài đoán bệnh giỏi, nên nhiều người ghé lắm, thời đó còn lụp xụp mái tranh, chẳng cần biển hiệu gì mà khách vẫn nườm nượp.
Sau khi cha mẹ mất đi để lại cho mấy chị em thứ gia tài duy nhất là tiệm sửa xe cùng hộp đồ nghề cỏn con với vài cái cờ lê, mỏ lết,... Ấy thế mà cả nhà quyết giữ lại, lấy làm “cần câu cơm”.
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
“Tiệm chị chẳng phân biệt sang hèn gì cả, xe ôm hay xe đắt tiền cứ hư dắt vào cửa, săm soi xíu là ra bệnh”, chị Hoàn khẳng định chắc nịch. Nói rồi, chị lại nắn tay sờ vào bình ác-quy, thăm dò qua cái pô một lượt rồi nhấn ga nẹt thử. Nghe đành đạch.
- Hư bình rồi, xạc nhé! - Chị đoán bệnh ngay.
Có hôm thì chỉ cần nắn thử bánh, chị đã biết nó bị bể mấy lỗ, bắt bệnh giỏi y chang ông y sĩ vậy, chỉ có điều đặc biệt hơn là tất cả đều bằng tay. "Riết quen chứ có thuật gì đâu, tiếng xe giòn là nó khỏe đấy,  chứ mà đạch đạch thì là giở chứng rồi, phải tìm đúng chỗ mà chữa ngay", chị cười xòa nói.
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Cái nhọc nhằn của nghề này không phải là vì thời tiết, hay cần nhiều trí óc, mà là nó chỉ hợp với sức đàn ông. Ban đầu, mấy chị vặn mãi con ốc nhỏ mới chịu ra, nhưng rồi cố gắng làm lâu cũng thành quen tay.
“Với lại phải chịu bẩn nữa, ì ạch sợ dơ là chết rồi. Ăn nằm với dầu mỡ cả ngày mà. Mặt mũi thì tèm lem, người ngợm bốc mùi lắm…”, chị Hải tủm tỉm cười, để lộ hàm răng trắng muốt sau khuôn mặt quệt ngang dọc vết dầu. Tiếng cười giòn hơn cả tiếng bánh xe nổ.
Sẽ quyết giữ nghề cha ông
Bàn tay đã sần sùi chai sạn vì tiếp xúc việc nặng, người ngợm lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt, ấy vậy mà trong tiệm sửa xe nhỏ chưa bao giờ vắng tiếng cười của mấy chị em. Có lẽ, đó là cách để họ quên đi mệt nhọc, căng thẳng do một con xe máy gặp "trọng bệnh" nào đó.
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Cứ vậy, suốt 50 năm qua, đều đặn 5h sáng, người dân trên đường Âu Cơ lại nghe tiếng xe máy cứa vào lòng đường ran rát, tiếng cờ lê, mỏ lết chạm vào nhau ken két và cả mùi thơm của mớ dầu nhớt cũ…
Mấy chị em cô Hoàn đang mở cửa đón xe vào “khám bệnh”, chị Hoa bảo: “Quen rồi nên có đau ốm cỡ gì chứ cũng mở tiệm. Trước đây, có cả xe tải, xe ba gác,… nhưng 10 năm trở lại đây chỉ sửa xe máy và xe đạp thôi. Do sức khỏe xuống dốc không có làm được xe lớn nữa”.
“Cầm cái cờ lê, mỏ lết quen như câm đôi đũa ăn cơm mỗi ngày, mùi dầu nhớt còn thơm hơn mùi lão chồng luôn ấy chứ", chị Hải nói đùa khiến mấy chị em cười ngặt nghẽo.
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Chuyện 7 chị em gái hơn 50 năm cầm cờ lê, mỏ lết sửa xe máy giữa Sài Gòn
Ít ai ngờ rằng, những người phụ nữ ấy đã có cả cuộc đời gắn bó với những con xe. Từ lúc dăm bảy tuổi cầm cờ lê, mỏ lết tới giờ đã ngoài ngũ tuần, mà nhiều khi mấy chị còn tếu táo bảo nhau, “tuổi nghề gấp đôi tuổi con chị ấy chứ”. Vậy mà khi nghe đến hai chữ "nghỉ hưu", mấy chị lại lắc đầu hùi hụi, “quen tay, quen chân rồi, hổng (không) đụng vô xe chịu gì nổi”, chị Hoàn cười tươi nói chắc nịch.
Cứ vậy, hằng ngày, ở góc đường Âu Cơ ấy, người ta lại thấy mấy chị em nhà chị Hoàn tất bật cùng những con xe, quen với mùi dầu mỡ và những cái quẹt tay đen ngòm qua trán để chạm mớ mồ hôi lăn dài dưới cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn. Dần dà, chữa bệnh cho xe nhiều, mấy chị lại mắc thêm cái bệnh lạ hơn: "Bệnh quen cầm cờ lê, mỏ lết". Nghĩ tới không được hành nghề nữa lại nhớ, lại thèm..
Ảnh: Nguyễn Đạt

Không có nhận xét nào: