Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Đắk Lắk: Sông cạn, hồ khô

Đắk Lắk: Sông cạn, hồ khô

https://nhandan.com.vn/... đăng ngày 25/03/2020, 11:42:16.
NDĐT - Hiện nay, mới bước vào thời kỳ đầu cao điểm của mùa khô ở Tây Nguyên, nhưng đã có hàng chục hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cạn trở đáy khiến hàng nghìn héc-ta cây trồng bị khô hạn và hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Dự báo, thời gian tới, tình hình khô hạn ở Đắk Lắk còn diễn ra khốc liệt hơn và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Trước tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra các giải pháp ứng phó với hạn hán nhằm giảm thiểu những thiệt hại do khô hạn gây ra.
Đắk Lắk: Sông cạn, hồ khô
Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp ở vùng khô hạn xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Khô hạn khốc liệt
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, so trung bình cùng kỳ nhiều năm, hiện nay, mực nước sông, suối, nước ngầm trên địa bàn duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50-70%. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn các huyện bị cạn kiệt, đặc biệt sông Krông Nô, sông Krông Pắk mực nước xuống rất thấp, lượng dòng chảy giảm mạnh; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.
Cùng với nguồn nước trên các sông, suối giảm mạnh, đến nay đã có hàng chục hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cạn trơ đáy. Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 782 công trình thủy lợi, gồm 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Trong đó, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý 340 công trình (gồm 247 hồ chứa, 81 đập dâng, 12 trạm bơm); các doanh nghiệp, một số đơn vị khác quản lý 161 công trình, trong đó, 120 hồ chứa, 41 trạm bơm; các địa phương quản lý 281 công trình, trong đó 240 hồ chứa, 37 đập dâng và bốn trạm bơm.
Một công trình đập thủy lợi ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã khô cạn đáy.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mực nước các hồ chứa giảm nhanh do phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng; hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế; trong đó, 34 hồ cạn trơ đáy, gồm huyện M’Đrắk có tám hồ, huyện Lắk có bốn hồ, huyện Krông Búk có ba hồ, huyện Krông Năng có ba hồ, huyện Krông Pắk có ba hồ, huyện Krông Bông có hai hồ, huyện Cư M’gar hai hồ, huyện Ea H’leo hai hồ, huyện Ea Súp có một hồ, thị xã Buôn Hồ có một hồ và TP Buôn Ma Thuột có đến 14 hồ.
Các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 40 đến 60% dung tích thiết kế, một số hồ lớn còn dưới 40%, như ở huyện Lắk có hồ Buôn Triết (34%), hồ Ja Tu (23%); ở huyện Krông Pắk có hồ Suối Hai (15%), hồ Buôn Hằng 1B (30%). Nhiều đập dâng, trạm bơm không bảo đảm năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh như trạm bơm Ea Rbin, huyện Lắk và các trạm bơm dọc sông Krông Pắk phải xây dựng đập tạm chặn dòng mới có nguồn nước để bơm.
Lòng đập thủy lợi Ea Pren, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk khô nứt nẻ.
Tình hình khô hạn ngày càng khốc liệt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân, 2019-2020, trên địa bàn. Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 290.000 ha cây trồng cần tưới nước, trong đó, có 58.374 ha cây hàng năm gồm 41.167 ha lúa, 17.207 ha cây hoa màu. Tuy nhiên, theo thống kê, đến thời điểm ngày 24-3, toàn tỉnh Đắk Lắk có 5.415 ha cây trồng bị hạn, trong đó 2.344 ha lúa (có thể giảm năng suất khoảng 40%) và 1.416 ha cây hoa màu, 1.655 ha cây lâu năm...
Tình hình khô hạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất mà còn khiến cho hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Cụ thể, tính đến nay, trên địa bàn các huyện Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo đã có 660 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt… Để khắc phục tình trạng thiếu nước, các hộ dân chủ động chia sẻ nguồn nước trong vùng, bảo đảm phục vụ sinh hoạt, riêng huyện Ea Súp đã tổ chức khoan sâu các giếng bị cạn kiệt để khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt…
Nhiều diện tích lúa ở huyện Krông Bông bị khô cháy, mất trắng.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng sẽ làm các nguồn nước phục vụ chống hạn trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, nếu đến giữa tháng 4-2020, trên địa bàn chưa có mưa thì dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm, trong đó, diện tích bị mất trắng khoảng 2.000 ha; có khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt tập trung chủ yếu ở các huyện như Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp…
Nhiều hồ, đập ở Đắk Lắk đã khô trơ đáy.
Nhiều giải pháp chống hạn
Để ứng phó với khô hạn, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các phương án cụ thể, thiết thực để chống hạn. Cụ thể, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đảm nhiệm tưới cho 49.730 ha cây trồng, gồm 22.564 ha lúa, 25.074 ha cà-phê, 1.822 ha hoa màu và 270 ha thủy sản. Đến nay, công ty đang triển khai thực hiện giải pháp tăng cường chống hạn vào thời kỳ cuối vụ với tổng diện tích 4.140 ha cây trồng các loại, trong đó có 2.818 ha lúa, tập trung tại một số huyện trọng điểm, như: Lắk (965 ha), Ea Súp (370 ha), Krông Pắk (312 ha), Krông Ana (246 ha), Buôn Hồ (246 ha), cà-phê (1.263 ha), hoa màu (44 ha) và thủy sản (15 ha).
Các Hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác đảm nhận tưới 22.067 ha cây trồng, gồm 10.223 ha lúa, 157 ha màu, 11.671 ha cà-phê; và 16 ha thủy sản. Khi mực nước sông xuống thấp, cần nạo vét kênh dẫn, lắp đặt các trạm bơm, nối dài ống bơm để tận dụng nguồn nước phục vụ tưới cho vùng bị hạn vào cuối vụ. Dự kiến, diện tích cần chống hạn khoảng 2.000 ha, gồm khoảng 300 ha lúa và 1.700 ha cây lâu năm.
Nhiều còn sông, suối lớn ở Đắk Lắk cũng đã cạn kiệt nguồn nước.
Các công ty cà-phê và các hộ sản xuất phục vụ tưới khoảng hơn 200.000 ha cây trồng các loại, trong đó, khoảng 8.000 ha lúa, 17.000 ha cây hoa màu và khoảng 180.000 ha cây lâu năm. Dự kiến, diện tích cây trồng cần phải chống hạn khoảng 24.000 ha, gồm khoảng 1.000 ha lúa, 23.000 cây lâu năm. Để chủ động ứng phó với khô hạn, đối với vùng có dòng chảy mặt nước nghèo kiệt, hồ chứa chủ yếu có dung tích nhỏ, nguồn nước chống hạn khó khăn như huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar, khu vực đông bắc huyện Ea Kar, huyện Krông Bông, huyện Ea H’leo... thì sử dụng bơm tận dụng dung tích nước chết trong các hồ chứa, giếng, khai thác nước ngầm; đắp đập tạm khai thác dòng chảy các suối để lấy nước tưới.
Đối với vùng dọc các sông lớn ở các huyện Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, Ea Kar, ngoài việc lấy nước từ các hồ chứa, đập dân, còn có thể bơm trực tiếp từ các sông lên để tưới. Khi mực nước sông, hồ chứa xuống thấp thì tận dụng nguồn nước trên các trục kênh tiêu như nâng ngưỡng tràn, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến để bơm tưới cho diện tích bị hạn.
Đối với vùng sử dụng chủ yếu nguồn nước từ các công trình thủy lợi vừa và lớn như các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, phần đông nam huyện Cư M’gar, Krông Pắk, một phần huyện Ea Kar… cần tăng cường tu sửa kênh, hạn chế rò rỉ gây tổn thất nước; huy động nhân dân tổ chức nạo vét kênh mương, đặt các trạm bơm di động, kịp thời đáp ứng yêu cầu chống hạn khi cần thiết hoặc có thể bơm nước từ dung tích chết của hồ để chống hạn.
Nhiều cánh đồng lúa khô cháy bỏ cho trâu bò ăn.
Ở những vùng chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các công trình vừa và nhỏ như huyện Krông Năng, phía tây nam của huyện Ea Kar, một phần huyện M’Đrắk, huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… cần tăng cường quản lý nguồn nước và điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý, tiết kiệm. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, tăng cường đắp đập tạm, tận dụng nguồn nước suối, nguồn sinh thủy hiện có, khai thác nước ngầm phục vụ chống hạn…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cần tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn; phủ màng nilon hạn chế bốc hơi, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi, nước tưới cho cây có giá trị cao...
Trong những ngày này, về các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi tận mắt chứng kiến ngành nông nghiệp và chính quyền cùng nhân dân đã và đang huy động mọi nguồn lực chủ động, tích cực triển khai phòng, chống hạn theo phương châm bốn tại chỗ, hạn chế mức độ ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nhiều hộ dân ở huyện Krông Ana tận dụng các nguồn nước để cứu vườn cà-phê.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN CÔNG LÝ

Không có nhận xét nào: