Gặp lại Hằng “12”
http://antg.cand.com.vn/ ... đăng ngày 26/02/2020 15:02.20 năm sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, tôi gặp lại chị Hoàng Thị Thu Hằng - Hằng “12” tại Đoàn Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Giây phút gọi điện hẹn chị, tôi thốt lên “Chị Hằng ạ?”. Chị đáp lại: “Chào em, chị Hằng 12 đây”.
Chỉ một câu đó thôi nhưng khiến tôi xúc động, mừng mừng tủi tủi khi nghĩ về chị - nữ tiếp viên hàng không từng lâm vào những thái cực trái ngược nhau của cuộc đời. Từ chỗ có tất cả, sau vụ tai nạn, chị trắng tay. Hành trình nhọc nhằn tìm lại sự sống, hình hài và hạnh phúc suốt những năm qua đã giúp chị gom lại được nhiều điều ý nghĩa.
Chuyến xe định mệnh
Khoảng 10 giờ một buổi tối tháng 6-2000, Hằng và nhóm tiếp viên rời sân bay Nội Bài, lên xe ôtô trở về Đoàn tiếp viên ở Long Biên sau chuyến bay. Đến địa phận huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội), xe bị một chiếc xe tải đâm phải.
Thời khắc chiếc ôtô gặp nạn, Hằng không hề nhận thức được. Sau này, Hằng được nghe kể sơ qua diễn biến vụ tai nạn. Trong số 9 người trên xe, lái xe và 2 tiếp viên chết tại chỗ, số còn lại đều bị thương. Hằng “12” bị nặng nhất, ngất lịm nên lúc đầu mọi người tưởng chị đã chết.
Nhưng, sau đó thấy Hằng còn thoi thóp nên những người có mặt nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Đông Anh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, khuôn mặt giập nát, sụp xương lồng ngực, gãy chân trái và tay trái, vỡ xương chậu, chấn thương sọ não, hôn mê sâu.
Hoàng Thị Thu Hằng (bìa phải) ngày đầu làm tiếp viên Vietnam Airlines (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Các bác sĩ đã kì công vá lại khuôn mặt cho Hằng bằng 154 mũi khâu với ý nghĩ “khi liệm cho đẹp”. Bởi thời điểm đó không một ai nghĩ rằng Hằng có thể sống sót. Nhưng, điều kì diệu đã xảy ra khi Hằng vẫn hiện diện trên cõi đời này. Tuy vậy, nửa người bên phải của chị bị liệt, thần kinh bị tổn thương nặng nề. Hằng điên loạn, liên tục gào thét, chửi bới.
Khoảng thời gian hơn 5 năm tươi đẹp gắn bó với những chuyến bay đã lùi vào dĩ vãng. Một tổ ấm được tạo dựng chỉ mới vài tháng bỗng chốc tan hoang khi người chồng vội vã rời xa chị. Một hình hài xinh đẹp trở thành cơ thể tàn phế. Một trí tuệ thông minh bỗng trở nên điên loạn, nửa mê nửa tỉnh.
Chiến thắng bản thân
Sau gần 5 tháng ở viện, Hằng trở về nhà bố mẹ. Cuộc sống của chị hoàn toàn dựa vào người thân, bởi chị không thể tự xúc ăn, không chủ động được việc vệ sinh cá nhân. Đằng đẵng nhiều năm sau đó, gia đình tìm đủ mọi cách chạy chữa cho chị. Bố mẹ chị đã bán đi tất cả tài sản của gia đình để đổi lại cuộc sống cho con gái.
Bố biến căn nhà thành một bệnh viện dã chiến để chữa trị, chăm sóc con. Bố cất công tìm thầy tìm thuốc ở khắp nơi. Trước tình trạng Hằng điên loạn kéo dài, đã 2 lần bố mẹ nuốt nước mắt đưa chị vào bệnh viện tâm thần nhưng thương con quá, lại đón về.
Với Hằng, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Viết Thiêm - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) là người đã sinh ra chị lần thứ 2. Người thầy thuốc ấy chứng kiến những giọt nước mắt thương con và bất lực của bố chị, dù biết tình trạng bệnh của chị rất khó chữa trị nhưng vẫn nhận chữa miễn phí. May thay, đơn thuốc bác sĩ Thiêm kê, Hằng uống đến đâu, bệnh thần kinh của chị đỡ đến đó.
Khi trí não đã dần ổn định cũng là lúc Hằng cảm nhận rõ tình trạng tồi tệ của bản thân. Sức trẻ căng tràn của người phụ nữ 28 tuổi tiêu tan, chỉ còn lại những hơi thở khó nhọc, cơ thể mềm nhũn, bất động. Hằng thấy mình như một đứa trẻ mới lọt lòng, chỉ biết nằm nhìn mọi thứ trong bất lực. Những giọt nước mắt tủi hờn, đau khổ cứ trào ra triền miên, mặn chát.
Đã nhiều lần Hằng muốn kết thúc cuộc sống. Nhưng nhìn bố mẹ bạc tóc vì lo lắng, không quản nắng mưa đến nhiều trung tâm phục hồi chức năng để hỏi han kinh nghiệm, cất công đi mua lại, xin lại những dụng cụ tập luyện trong nước ngoài nước về cho chị, Hằng không dám nghĩ đến cái chết nữa. Hằng nhủ lòng phải luyện tập từ những động tác đơn giản nhất dù có khó khăn, đau đớn và gượng gạo.
Cánh tay trái trước kia giập nát, các bác sĩ từng chỉ định cắt bỏ nhưng bố Hằng xin được để lại vì lúc đó không muốn con mình về cõi chết mà vẫn bị đứt lìa một phần cơ thể. Giờ đây, chính cánh tay ấy, sau ca mổ phẫu thuật gần 7 tiếng đã dần hồi phục, cử động trở lại, giúp chị rất nhiều trong việc luyện tập. Chị kiên trì tập luyện và nhúc nhắc được những bước đầu tiên dựa vào đôi nạng gỗ. Quãng đường di chuyển cứ dài dần ra, 1 mét, rồi 2 mét, 5 mét. Đến một ngày, điều kỳ diệu đã đến khi chị bỏ được nạng, dù rất khó khăn nhưng Hằng đã tự di chuyển được.
Hằng “12” hiện làm việc tại Phòng Đào tạo - Đoàn Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. |
Khi con gái đã tạm hồi phục, bố động viên chị đi làm trở lại. Bởi ông biết, chỉ khi đi làm, con gái ông mới có nghị lực chiến thắng bản thân, để hòa nhập với cuộc sống. 5 năm kể từ sau tai nạn, Hằng, với cơ thể 71% thương tật, quay trở lại Đoàn tiếp viên làm công việc quản lý thư viện.
Con tim đã vui trở lại
6 năm sau vụ tai nạn, tình yêu đến đầy bất ngờ đã sưởi ấm trái tim Hằng, hệt như một giấc mơ. Anh là một quân nhân. Trước đó 10 năm, anh chị học cùng lớp đại học ngoại ngữ ở TP Hồ Chí Minh. Bẵng đi rất lâu, khi câu chuyện của Hằng được báo chí đưa tin, anh nhận ra người bạn gái xinh đẹp mà anh đã từng thầm yêu trộm nhớ. Anh đến với chị, nguyện làm chỗ dựa cho chị, bù đắp những thiếu hụt mà chị phải chịu đựng.
Sau những giây phút hoang mang, do dự, trước tình yêu chân thành của anh, Hằng mạnh dạn mở lòng đón nhận hạnh phúc. Cuối năm 2006, đám cưới của hai người diễn ra giản dị mà ấm cúng. Bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng rất đông, cả bác sĩ Thiêm cũng đến chúc phúc cho anh chị. Sau nhiều năm, nụ cười trở lại trên gương mặt người phụ nữ đáng thương.
Đầu năm 2007, chị có bầu đứa con đầu tiên. Khi chị cảm nhận được mầm sống đang lớn dần trong cơ thể, niềm vui hòa lẫn những giọt nước mắt chứa chan. Ông trời đã lấy đi của chị hình hài, sự nghiệp, cuộc sống, nhưng vẫn cho chị được làm mẹ. Cuối năm 2007, đứa bé chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của anh chị và họ hàng hai bên.
Nhưng, niềm vui song hành với những khó khăn của một bà mẹ tật nguyền nuôi con. Từ khi có con, chỉ với cánh tay trái yếu ớt, chị càng cố gắng xoay xở làm được nhiều việc hơn để con đỡ thiệt thòi. Bằng nội lực và bản năng của người mẹ, chị bế con, âu yếm con, chăm con theo cách riêng của chị.
Năm 2012, đứa con thứ 2 ra đời khiến tổ ấm của anh chị càng thêm ấm áp. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng đi làm, vừa chăm con vừa chu toàn việc cơm nước chợ búa hằng ngày. Hiện tại, chị đã chuyển sang làm việc ở phòng đào tạo của Đoàn tiếp viên. Ở vị trí nào, Hằng cũng nghiêm túc, chỉn chu hoàn thành công việc được giao.
20 năm qua chị luôn cố gắng từng chút một. Và những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả, là động lực cho chị nhích dần đến những điều tưởng chừng không thể. Chẳng hạn là việc di chuyển để đi làm. Quãng đường 14km từ nhà chị trong Khu văn công Mai Dịch đến cơ quan ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên là thử thách đặt ra đối với chị. Thời gian đầu khi đi làm trở lại, chị đi xe buýt.
Ngày đó, lên xuống xe buýt đã là cả một sự khó khăn. Khi lấy chồng, có con, chị tập đi xe đạp điện để chủ động đi lại và tiết kiệm thời gian. Một năm nay, chị đã tự đi được xe máy. Nhờ kiên trì luyện tập, giờ đây Hằng viết chữ, sử dụng máy tính, điện thoại bằng tay trái một cách thành thạo.
Một tổ ấm riêng - ước mơ ngày trước tưởng như xa vời giờ đã thành hiện thực với Hằng. Nơi đó có người chồng luôn là điểm tựa, có 2 con, một gái một trai xinh xắn và học giỏi. Cháu gái lớn hiện đang học lớp 6 Trường THCS Chuyên ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội, cháu trai đã học lớp 2. Hai đứa trẻ biết mẹ sức khỏe yếu nên rất ngoan và sớm biết giúp đỡ mẹ khi bố vắng nhà. Đó là niềm vui lớn của anh chị.
“Đám cưới cổ tích” của Hằng “12” năm 2006. |
Hằng luôn tự nhủ phải sống tốt, dạy con sống tốt, luôn biết vượt khó vươn lên. Chị tích cực tham gia các hoạt động ở Hội Người khuyết tật quận Cầu Giấy, đùm bọc, sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ. Những việc làm đó khiến chị vui và thấy mình vẫn còn có ích cho cộng đồng.
Hỏi chị về chuyện cũ, Hằng “12” bảo rằng chưa bao giờ những dấu ấn buồn đau của vụ tai nạn thôi ám ảnh chị. Nhưng, chị không lảng tránh quá khứ mà học cách chấp nhận, đối mặt với tất cả. Giống như tiếng động cơ máy bay ầm ào ngày ngày vọng lại phòng làm việc mà chị đã quen, giống như biệt danh “Hằng 12” - biệt danh gồm tên và số thứ tự để phân biệt những tiếp viên hàng không trùng tên trong Đoàn tiếp viên - từng gắn với chị trên những chuyến bay giờ đây chị vẫn xưng danh.
Mỗi khi hay tin về một vụ tai nạn giao thông, Hằng lại động lòng trắc ẩn. Chị kể tôi nghe chuyện đồng nghiệp của chị - nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Hường - thuộc đoàn tiếp viên phía Nam mới đây gặp tai nạn giao thông khi đang đi Grab bike đến sân bay. Khi xe máy chở chị Hường đến giao lộ đường D - Hồng Hà (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) thì bất ngờ bị xe ôtô Mercedes đâm trực diện. Vụ tai nạn khiến người lái xe Grab là Lê Mạnh Thường tử vong, còn chị Hường bị đa chấn thương.
Trước tình cảnh này, anh chị em tiếp viên, phi công, các ban ngành thuộc các hãng hàng không, các nhóm thiện nguyện đã ủng hộ để chia sẻ khó khăn với gia đình ông Thường và chị Hường. Thật cảm động khi con gái ông Thường đã có bức tâm thư gửi đến Đoàn tiếp viên bày tỏ lòng cảm ơn và xin không tiếp nhận thêm những đóng góp từ cá nhân, cộng đồng cho gia đình ông. Thay vào đó, con gái ông Thường mong muốn số tiền quyên góp được chuyển cho chị Hường để trang trải viện phí.
Hằng mong mỏi người nữ đồng nghiệp của mình đủ can đảm để vượt qua những ngày điều trị đa chấn thương và ca phẫu thuật kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Hằng bảo, cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu, luôn có những người tốt giúp đỡ chị và đồng nghiệp của chị khi gặp hoạn nạn. Dù sau này cuộc sống của Hường có thế nào, dù có còn cơ hội làm tiếp viên nữa hay không thì chỉ cần còn sự sống là còn hy vọng.
Hằng tin rằng đồng nghiệp của chị sẽ gượng dậy để sống cuộc sống có ý nghĩa, giống như chị, dù có khó khăn vất vả tới đâu cũng không bao giờ buông tay...
Huyền Châm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét