Việt Nam chúng ta có niềm tự hào và cảm hứng bất tận
- Việt Nam là một nước nông nghiệp. Đó là một định nghĩa hay một định mệnh? Tất cả đều đúng hoặc không sai từ trăm năm trước, nhưng đã bắt đầu kém chính xác từ năm 2000, và không còn đúng khi đất nước vào xuân năm 2020.
LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về tuanvietnam@vietnamnet.vn
Với những nhịp thời gian đó, 2020 không chỉ là một năm mới mà còn là một dấu mốc của một bước ngoặt lịch sử, bỏ lại phía sau những định nghĩa, định mệnh trăm năm về một Việt Nam lạc hậu. Tạo được mốc son đó chỉ với 20 năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam gửi đi thông điệp từ mùa xuân này về một đất nước hùng cường sau 20 năm tới.
Bất cứ người con dân Việt nào phải xa gia đình để đi học tập, làm việc ở trong nước hay ở nước ngoài từ năm 2000, nay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn đều không khỏi ngỡ ngàng về sự thay da đổi thịt của quê hương. Những Nông Thôn Mới đã xuất hiện không phải chỉ ở qui mô một xã, mà đã lan tỏa tới qui mô toàn huyện, thậm chí toàn tỉnh.
Ở đó, tất cả đều đã được điện khí hóa, đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhà tranh vách liếp đã được kiên cố hóa, xã nào cũng có trạm y tế và trường phổ thông cơ sở, huyện nào cũng có bệnh viện và trường phổ thông cấp ba, nhiều tỉnh có bệnh viện cấp trung ương và trường đại học.
Tại những nông thôn mới, hộ nghèo đã giảm đến mức tối thiểu, người trung lưu đã lan tỏa thành một tầng lớp trong khối dân cư, người giầu triệu USD không còn hiếm, người tỷ phú VNĐ thì danh sách ngày càng dài thêm. Mặc dù qui luật phát triển không đồng đều vẫn vận hành trong khu vực nông thôn Việt Nam, nhưng qui mô và cường lực của nó đã giảm đi khá nhiều.
Việt Nam gửi đi thông điệp từ mùa xuân này về một đất nước hùng cường sau 20 năm tới. Ảnh: Như Sỹ
|
Trên địa bàn nông thôn đã có thêm những nhân tố công nghiệp, dịch vụ, công nghệ 4.0 khiến thuần nông đã bị loại bỏ, hàng triệu hộ gia đình từ tự cung tự cấp đã chuyển thành những đơn vị kinh doanh nhỏ, đang từng ngày từng giờ phát triển thành những doanh nghiệp vừa, không loại trừ có đột phá lên doanh nghiệp lớn. Nông thôn vốn đã là nơi lùi về để tránh bão của khủng hoảng thị trường, phá sản doanh nghiệp, nay lại có thêm một chức năng mới, đó là khai sinh doanh nghiệp để hợp lực với những doanh nghiệp đô thị, làm giầu cho gia đình, cho xã hội.
Với những người là dân đô thị trở về chốn cũ thì ngỡ ngàng còn lên tới mức khó hình dung ra. Những khu phố cũ, phố cổ đã được hiện đại hóa bởi những khách sạn, nhà hàng sầm uất. Vùng ngoại thành đã biến mất, trở thành những khu đô thị mới, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đường xá, cầu cạn đã mở thênh thang mà vẫn kẹt từng dòng ôtô, xe máy.
Trong cả nước, cứ ba tỉnh có một sân bay, trong đó các sân bay lớn đều bị quá tải mặc dù đã được mở rộng gấp đôi, gấp ba lần so với trước. Người dân Việt đã chọn đi máy bay thay vì đi xe lửa chậm được hiện đại hóa.
GDP bình quân/người tại các thành phố lớn đã đạt mức từ 2.500-3.000 USD theo tỷ giá, còn theo sức mua thì lên tới 7.500-9.000 USD. Nếu năm 2000, người dân đô thị dùng điện thoại di động, internet với tỷ lệ phần trăm đếm chưa hết trên các đầu ngón tay, thì ngày nay tỷ lệ đó đã tăng lên đến 10 lần với 4G và đang lên 5G, bỏ lại phía sau thế hệ 3G không tiếc nuối. Sài Gòn hòn ngọc Viễn đông xưa đang được tái lập với thành phố Hồ Chí Minh nay.
Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo nơi sinh sống của hơn 1/6 dân số cả nước, đông nhất là các dân tộc thiểu số thì hộ đói đã không còn, hộ nghèo đã giảm tới mức gây ngạc nhiên trên thế giới. Tất cả các vùng này đễu đã được kết nối với những vùng kinh tế trọng điểm, những đầu tầu kinh tế để không bị bỏ lại phía sau. Dễ thấy nhất, đó là nhũng kết nối giao thông vận tải với hệ thống đường cao tốc, đường quốc gia, đường liên tỉnh, đường liên huyện, đường liên xã.
Đặc biệt là kết nối của hệ thống thông tin-truyền thông, của hệ thống đường và trạm phân phối điện quốc gia 500KV-220KV-110KV về tới 98% số xã, phường, thôn, bản. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế đã hoạt động có hiệu quả tại các vùng này, đặc biệt là thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng và chế biến cao su, hồ tiêu, cà phê, nuôi bò và chế biến sản phẩm sữa bò, trồng rừng và chế biến gỗ, trồng và chế biến cây dược liệu, trong đó nổi lên Sâm Ngọc Linh.
Dư địa phát triển tại các vùng này còn rất lớn mà vài năm gần đây đã nổi lên các điển hình trên thực tế như đảo Phú Quốc, đảo Vân Đồn, địa danh Sa Pa, di sản thế giới Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn...
Từ một quốc gia bị cấm vận và giảm cấm vận tới cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ngày nay nhiều chục quốc gia đã đến Việt Nam để đầu tư sản xuất, kinh doanh dài hạn. Khu vực kinh tế nước ngoài đã chiếm 20% GDP, 25% tổng đầu tư xã hội, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và có xuất siêu. Khu vực này là sự bổ sung đúng nơi, đúng lúc, đúng nguồn lực, đúng hiệu quả đối với nền kinh tế khi khu vực tư nhân của Việt Nam còn đang trong thời kỳ vực dậy.
Không chỉ khẩn trương mở cửa đầu vào, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa đầu ra cho nền kinh tế. Hiện tại, đất nước đã có hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư lớn với trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khắp các châu lục, trong đó hơn mười quốc gia là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Mở cửa như Việt Nam là một độc đáo, một trường hợp hiếm thấy trên thế giới từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
Hơn 20 năm qua, thế giới đã biết đến Việt Nam với không chỉ là một đất nước từng chịu đựng tới gấp ba, bốn lần tổng lượng bom đã nổ trên thế giới trong đại chiến thứ II, mà còn là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong cộng hưởng tự nhiên với các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới. Nhiều làn điệu dân gian Bắc Trung Nam đã được vinh danh là di sản phi vật thể thế giới; nhạc điệu nổi tiếng Bolero của Tây Ban Nha, Tango của Brazin, Valse của Châu Âu đã được Việt Nam hóa trong hàng ngàn ca khúc tự sự đầy chất dân ca các vùng miền, ngày càng được quảng bá chưa từng có tại Việt Nam; múa rối nước, một đặc sản trình diễn các tích trò cổ điển của Việt Nam, nay đang được phát triển đa dạng với những vở diễn về đời sống đương đại.
Kiến trúc, hội họa, y học với Đông-Tây kết hợp đã liên tiếp tạo nên những sản phẩm, tác phẩm phục vụ thiết thực đời sống kinh tế-xã hội, trong đó nhiều loại đã nhận được những giải thưởng đỉnh cao quốc tế. Phải là một nền văn hóa độc đáo đến vô nhị, Việt Nam mới hấp thụ được những tinh hóa của nhiều nền văn hóa thế giới đến mức nhuần nhụy như vậy. Cũng không thể không kể tới văn hóa thể thao với chiếc huy chương vàng của bóng đa nam vừa lần đầu tiên đoạt được sau 60 năm SEAGAMES; Còn phái nữ, họ đã làm được nhiều hơn thế với 6 lần liên tiếp nhận được vinh danh này về bóng đã nữ, ghi một dấu ấn về bình đẳng giới trước sân chơi khu vực.
Chưa bao giờ vẻ đẹp bất tận của Việt Nam lại được bạn bè khắp năm châu đến chiêm ngưỡng nhiều đến con số hàng triệu, rồi hàng chục triệu người mỗi năm như 20 năm qua. Hơn chục di sản tầm thế giới của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh. Trong những địa danh nổi tiếng lọt top đầu thế giới, Việt Nam được xướng tên không chỉ là những vịnh Nha Trang, bãi biển Đà Nẵng, mà còn là hang Sơn Đoòng, động Phong Nha Kẻ Bàng, ghềnh đá đĩa Phú Yên, thác Bản Giốc, thậm chí ruộng bậc thang Yên Bái, Sa Pa…
Không hiếm khu du lịch sinh thái, công trình văn hóa tâm linh tầm cỡ châu lục và khu vực đã được xây dựng tại các vùng thiên nhiên đầy kỳ tích, kỳ thú. Giang sơn gấm vóc Việt Nam một thời nhuốm bụi chiến trinh, nay đã hiện lên rạng rỡ, mang lại niềm tự hào và cảm hứng bất tận cho mỗi người dân Việt và bạn bè thế giới viếng thăm.
20 năm, một bước đi ngắn ngủi trong lịch sử nhiều nghìn năm của Việt Nam. Nhưng bước đi đó đã tạo được một bước ngoặt lịch sử, bỏ lại phía sau một Việt Nam nông nghiệp lạc hậu, đồng thời đã bộc lộ tất cả những gì là hạn chế, yếu kém, khiếm khuyết…
Lịch sử không chỉ ghi lại những thành tựu mà còn chỉ ra những tồn tại. Đất nước vào xuân trước thềm năm 20 đầu thế kỷ XXI với gam màu xanh đượm chút pha sương. Người dân hướng tới 20 năm tiếp theo với niềm tin được đặt cả vào trong tâm và trong trí về một Việt Nam cất cánh lên hùng cường.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đang chuẩn bị những gì cần thiết nhất cho sự cất cánh này, trong đó có lực cất cánh của những thành tựu đã có trong tay, có lực thăng hoa của những tồn tại sẽ được giải tỏa. "Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai". Câu thơ của cụ Nguyễn Du xưa vẫn thấm đậm trong thông điệp nay, được gửi đi từ đầu xuân này.
TS. Đinh Đức Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét