Dịch viêm phổi corona: Liều thuốc thử sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc
https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/... đăng ngày 30/01/2020 15:48 +07:00
(VTC News) - Hãng hàng không hủy bay, nhà sản xuất ô tô đóng cửa nhà máy, nhiều doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm cách đối phó với tình hình khi chuỗi cung ứng và kênh tiêu thụ khổng lồ từ Trung Quốc bị gián đoạn.
Thế giới đang nhanh chóng nhận ra mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc - New York Times bình luận.
Apple phải định tuyến lại chuỗi cung ứng, Ikea đóng cửa các cửa hàng và trả tiền cho nhân viên ngồi nhà, Starbucks cảnh báo về một cú sốc tài chính, trong khi Ford và Toyota sẽ cho một số nhà máy lắp ráp lớn ở Trung Quốc nghỉ thêm 1 tuần nữa.
Ngày 29/1, British Airway và Air Canada đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản chuẩn bị cho một cú sốc có thể xảy ra, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang rất cẩn thận theo dõi tình hình. Các khách sạn và nhà điều hành tour du lịch trên khắp châu Á cũng đang rất hoang mang khi nguồn thu USD du lịch lớn nhất thế giới bị thắt chặt ở biên giới.
Chủng virus corona mới, giết chết 170 người và khiến hàng ngàn người khác bị ốm, gần như đã khiến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới bị đóng cửa. Với mong muốn ngăn chặn virus lây lan, chính quyền Trung Quốc thông báo kéo dài kỳ nghỉ lễ của đất nước đến ngày 3/2 và làm tê liệt giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Toàn bộ thành phố đã ngừng hoạt động.
Từ một quốc gia chỉ 4 thập kỷ trước vẫn đang còn nghèo khó, Trung Quốc vươn lên trở thành một phần thiết yếu của bộ máy công nghiệp hiện đại toàn cầu. Chỉ riêng nước này đã chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế toàn cầu và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Tầm quan trọng của Trung Quốc vượt xa những gì họ làm. Người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều xe hơi và điện thoại thông minh hơn bất kỳ ai khác. Khi ra nước ngoài, khách du lịch Trung Quốc chi tiêu tới 258 tỷ USD mỗi năm - theo Tổ chức Du lịch Thế giới, gần gấp đôi số tiền mà người Mỹ chi tiêu.
Trung Quốc trở nên rất quan trọng đối với hoạt động của các công ty Mỹ đến nỗi một số thành viên trong chính quyền ông Trump đã phải viện dẫn sự phụ thuộc đó như là lý do cho cuộc chiến thương mại bắt đầu từ 2 năm trước, một cuộc xung đột kinh tế buộc các doanh nghiệp phải xem xét chuyển nhà máy ở Trung Quốc sang các quốc gia có quan hệ tốt hơn với Washington.
Các công ty toàn cầu xem xét lại các chiến lược Trung Quốc của họ ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Chi phí lao động của Trung Quốc đang tăng lên, các công ty địa phương ngày càng có tính cạnh tranh cao và chính phủ trở nên ít thích nghi hơn. Tuy nhiên, nền tảng công nhân lành nghề, hệ thống đường cao tốc, đường sắt thuận tiện và thị trường tiêu dùng rộng lớn khiến họ khó lòng có thể từ bỏ Trung Quốc.
Sameer Samana, nhà nghiên cứu chiến lược cao cấp về thị trường toàn cầu tại Viện đầu tư Wells Fargo cho biết, rõ ràng là các doanh nghiệp bị chóng mặt bởi nhiều thứ không chắc chắn.
Mức độ của cú đánh vào thế giới kinh doanh rộng lớn hơn vẫn chưa rõ ràng. Có thể lấy sự bùng phát dịch SARS chết người 17 năm trước, cũng bắt đầu ở Trung Quốc và giết chết hàng trăm người trên toàn cầu, làm thước đo. Đầu năm 2003, dịch SARS đã làm chậm sự tăng trưởng của Trung Quốc một cách đáng kể.
“Rõ ràng sẽ có những tác động, ít nhất là trong thời gian tới, đối với sản lượng của Trung Quốc. Chúng tôi chỉ đang xem xét những tác động đến toàn cầu” - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ H. Powell cho biết trong một cuộc họp báo ngày 29/1.
Hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ ít nhất là ngày 24/1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm – 1 tuần gián đoạn trên toàn quốc. Nhưng với sự bùng phát không có dấu hiệu chậm lại của dịch cúm corona, nhiều công ty đã chuẩn bị cho sự gián đoạn lâu hơn.
“Các thành viên của chúng tôi đang đối phó với các mức độ gián đoạn khác nhau trong hoạt động kinh doanh của họ, bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng, đóng cửa tạm thời một số cửa hàng bán lẻ và nhà máy, và những thách thức khác” - ông Jake Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, tổ chức đại diện cho các công ty lớn, cho biết. Nếu việc hạn chế đi lại và kiểm dịch được mở rộng hoặc kỳ nghỉ kéo dài hơn nữa, thì “điều đó sẽ trầm trọng hơn những vấn đề này” - ông nói.
Nhiều công ty hiện đang tìm kiếm các phương án “chữa cháy” tạm thời.
Các nhà sản xuất ô tô như General Motors và Nissan có kế hoạch đóng cửa các nhà máy của họ cho đến ngày 3/2, trong khi Toyota và Ford trong tuần này cho biết họ sẽ đóng cửa một số nhà máy của họ lâu hơn 1 tuần vì virus. Các công ty như GM, Honeywell, Facebook và Bloomberg đã hạn chế việc đi lại cho nhân viên ở Trung Quốc và thiết lập các biện pháp tự kiểm dịch của riêng mình.
Ngày 28/1/20, công ty cà phê Starbucks có trụ sở tại Seattle cho biết họ đã đóng cửa hơn một nửa trong số 4.292 cửa hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai sau Mỹ, và khẳng định họ vẫn sẽ cố gắng để đạt được các chỉ tiêu tài chính hàng quý và cả năm.
Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, cho biết ngày 28/1 rằng nhà sản xuất iPhone đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế để bù đắp cho bất kỳ tổn thất sản xuất dự kiến nào. Foxconn, một công ty Đài Loan có mạng lưới nhà máy rộng khắp ở Trung Quốc, sản xuất các thiết bị thay mặt cho Apple và một số hãng khác, cho biết các nhà máy của họ sẽ tiếp tục tuân theo lịch nghỉ lễ mới, có nghĩa là sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 10/2.
Apple không phải là công ty duy nhất phải xoay sở tìm hướng giải quyết. Mới tuần trước, giám đốc điều hành của Honeywell, công ty kỹ thuật Mỹ, đã tới Vũ Hán để dự buổi lễ liên quan đến kế hoạch mở một trụ sở mới. 2 ngày sau, Vũ Hán bị chính quyền phỏng tỏa. Honeywell kể từ đó đã phải hạn chế việc di chuyển đến một số vùng của Trung Quốc.
Vũ Hán đặc biệt kêu gọi các công ty lớn vì thành phố này là một trung tâm lớn về vận tải quốc gia. Ngành công nghiệp ô tô, bao gồm General Motors, Honda, Nissan và nhiều công ty khác, đều đặt cửa hàng ở đó, và nhiều nhà cung cấp của họ cũng đã làm theo. Đây là điểm đến của hơn 1/3 tổng số tiền đầu tư của Pháp vào Trung Quốc.
Ngày 27/1/19, tập đoàn PSA, nhà sản xuất ô tô của Pháp, cho biết họ đã thiết lập liên lạc khẩn cấp giữa Vũ Hán và trụ sở tại Paris để xác định tác động tiềm tàng đối với sản xuất. Công ty sử dụng khoảng 2.000 người ở Vũ Hán thông qua liên doanh và hiện đang sơ tán 38 người nước ngoài.
Công ty bán lẻ khổng lồ Ikea của Thụy Điển, nơi sử dụng 14.000 người tại Trung Quốc, cho biết ngày 30/1 rằng họ sẽ tạm thời đóng cửa tất cả 30 cửa hàng tại nước này. Nhân viên tại các cửa hàng sẽ được yêu cầu ở nhà trong thời gian nghỉ và có lương cho đến khi có thông báo mới.
Không rõ các doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh như thế nào. Trong thời gian dịch SARS, một số nhà máy đã phải trả lương cao hơn để đưa công nhân quay lại làm việc và khiến các nhà máy hoạt động trở lại.
Ngay bây giờ, các doanh nghiệp chưa thể lường trước hết được các kế hoạch như vậy.
Cummins, một công ty ở Indiana chuyên sản xuất động cơ và máy phát điện, không biết liệu họ có thể mở 7 địa điểm của mình ở Vũ Hán sau ngày 3/2 hay không vì thành phố vẫn bị phong tỏa. Các cơ sở của họ cung cấp hệ thống nhiên liệu và năng lượng cho ngành công nghiệp đường sắt và hàng hải.
“Thật vậy, chúng tôi đang đánh giá trên cơ sở liên tục trong thời gian thực, và tôi tin rằng những nơi khác cũng cùng ở vị trí giống chúng tôi” - người phát ngôn của Cummins Jon Mills cho biết.
Ford, công ty không có bất kỳ hoạt động nào ở Vũ Hán, cho biết một số nhà máy chính của họ sẽ không hoạt động cho đến ngày 10/2. Phát ngôn viên của họ từ chối tiết lộ thêm chi tiết. Các nhà máy của Ford ở 4 thành phố tạo ra gần nửa triệu xe mỗi năm, tương đương trung bình 9.400 xe mỗi tuần.
Các doanh nghiệp ở các quốc gia khác cũng đang cố gắng xác định những tác động.
“Nếu tình hình cần nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt, chúng tôi lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản lượng và lợi nhuận doanh nghiệp của Nhật Bản” - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trả lời báo giới. Khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số khách du lịch nước ngoài và các công ty Trung Quốc là những người mua chính các linh kiện do Nhật Bản sản xuất.
Tại Thái Lan, khách du lịch Trung Quốc chi gần 18 tỷ USD mỗi năm, bằng khoảng 1/4 số tiền chi tiêu của tất cả lượng khách du lịch vào nước này.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết “khách du lịch Trung Quốc đứng đầu lượng khách đến Thái Lan”. Ông nói thêm rằng chính phủ đang tìm cách bù đắp cho các doanh nghiệp đã mất tiền từ sự sụt giảm khách du lịch trong vài tuần qua. Chính phủ thậm chí đã xem xét giảm phí bãi đỗ cho các hãng hàng không và thuế tiêu thụ đặc biết đối với nhiên liệu máy bay để thu hút nhiều khách du lịch hơn - ông cho biết.
Anan Buates, 45 tuổi, điều hành một doanh nghiệp lái xe khách du lịch, cho biết khác du lịch Trung Quốc là rất quan trọng đối với công việc kinh doanh của mình. Vì vậy, ông đã phát hoảng khi các công ty lữ hành bất ngờ hủy bỏ đặt hàng vào phút cuối khi virus corona bùng phát. Sau đó, vào tuần trước, phía Trung Quốc cũng đã hủy tất cả các tour du lịch nhóm ở nước ngoài.
“Đó là quyền của họ và đó là chính sách của họ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona” - ông Anan ngậm ngùi khi biết mình đang phải đối mặt với một thử thách khó khăn.
VĂN ĐỨC (Nguồn: New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét