“Đạo của ta chỉ có một vị…”
(GDVN) - Vướng vào đau khổ là do con người, thoát ra khỏi khổ đau cũng do con người. Tuyệt nhiên không thể phó thác cho thần linh bằng phương tiện vật chất.
Ai đang lợi dụng thần phật, tiền công đức?Chùa to, Tháp lớn là hưng thịnh, lợi ích của doanh nghiệp?Đại gia cũng "ăn mày" cửa Phật?
Albert Einstein từng nói rằng: “nếu có một tôn giáo nào gần nhất với khoa học thì đó chính là phật giáo”. Max Planck cha đẻ của vật lý hiện đại kết luận: “một chút khoa học làm ta xa rời Chúa, nhiều khoa học khiến ta trở về với Chúa”.
Vì vậy, bản thân phật giáo đã là khoa học, mà đến nay không nhiều người có thể hiểu đến căn cội triết lý cao siêu của nó, vì trí huệ đức phật, Jesu đã vượt qua chúng ta rất xa.
Ai từng học, từng đọc phật giáo khởi thủy, hẳn rất bất ngờ với sự phát triển của phật giáo Việt Nam hiện nay. Phải chăng phật giáo ngày nay dường như khôi phục trạng thái cực thịnh như dưới thời Lý, Trần?
Ngày càng có nhiều chùa lớn, nguy nga đồ sộ, sơn son thiếp vàng, Tam Chúc - Ba Sao, Ba Vàng, Bái Đính… phá vỡ hàng loạt kỷ lục về kích thước tầm khu vực và quốc tế; những lễ nghi lạ lùng “dâng sao giải hạn”, “giải vong báo oán”; những kiểu làm kinh tế “BOT trước cổng chùa”, “tranh cãi mức tiền thu cúng giải hạn”…
Kèm theo sau là những con số về mặt tiền bạc, Tràng An đón 10 triệu lượt khách, hái ra 1.000 tỷ đồng; khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao dự kiến đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu đến năm 2030…
Chùa Ba Vàng (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Có thứ gì đó đang kết hợp với nhà chùa tạo ra ngành nghề mà người ta gọi là “công nghiệp tâm linh”. Đầu tư phải thu hồi vốn và sinh lời, từ đây có nguy cơ đẩy phật giáo ra khỏi khuôn khổ tốt đẹp, là hướng con người đến “buông bỏ” để “giải thoát”.
Triết lý nhà phật cho rằng “đời là bể khổ” - 29 tuổi, có vợ và một con, Thái tử (con vua Tịnh Phạn ở Nepal ngày nay) Tất Đạt Đa từ bỏ chốn vương quyền xuất thân dẫn theo nhiều môn đệ tu học nhiều năm, sau 49 ngày ngồi thiền dưới cây Bồ Đề ông nghiệm ra căn cốt gây dẫn đến khổ não, tìm cách buông bỏ để giải thoát đến cõi Niết bàn.
“Thập nhị nhân duyên” cho rằng có 12 nguyên nhân gây khổ, xuất phát từ “Vô minh”, tức là do u mê, lầm lạc, dẫn con người đến điều xấu xa. Vậy, “vô minh” là bản tánh của con người xuất phát từ hiện thực chứ không phải thần thánh.
Tâm ác, gian xảo, tư thù, tư lợi, chiếm đoạt, dâm dục, chà đạp công lý, tham nhũng, cửa quyền…ấy là “vô minh”, rồi dẫn đến kết quả thương đau như một lẽ dĩ nhiên. Thực tế đời sống không ít sự việc lớn nhỏ diễn ra như thế.
Trong kinh “Tăng Chi Bộ III”, chương Tám Pháp, phẩm Lớn, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
“Giải thoát luận”, giúp con người giải thoát, phổ độ chúng sanh, chiếm phần lớn trong triết lý phật giáo - có thể nói đó là rường cột nhân văn của đạo phật.
Bởi thế, Tất Đạt Đa chủ trương thoát khổ bằng “bát chánh đạo”, giống như tám trở ngại trên con đường tu tập phải vượt qua giúp đạt đến trí huệ “buông bỏ”, không còn “tham, sân, si” sẽ hết khổ ải.
"Thỉnh oan gia trái chủ" chùa Ba Vàng là chủ trương của Đại đức trụ trì |
Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Tám bước này - tuyệt nhiên không có bước nào dẫn con người mê tín dị đoan, đặc quánh mùi vật chất, sân si như một số biểu hiện mới đây.
Ví dụ, chánh kiến, tức là con người có hiểu biết đúng đắn, đúng sự thật, phân biệt thiện ác, thật giả, tốt xấu; chánh tư duy là suy nghĩ đúng đắn, chân thành, xét đoán sáng suốt; chánh ngữ là ăn nói đúng mực, không điêu ngoa, lộng ngôn, ác khẩu; chánh mạng là đời sống đúng đắn, mỗi người ở đúng vị trí và chức năng của mình, không hành nghề độc ác, phi pháp…
Nhắc lại để thấy rằng, vướng vào đau khổ là do con người, thoát ra khỏi khổ đau cũng do con người. Tuyệt nhiên không thể phó thác cho thần linh bằng phương tiện vật chất để cứu rỗi tội lỗi do bản thân mình gây ra.
Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện “bát chánh đạo”, ấy là tu tại tâm, tại gia, mà không cần chen lấn, xô đẩy, không cần nguy nga, đồ sộ, nghi ngút khói nhang. Mỗi cá nhân đều có thể là phật, nếu biết tiết chế cái tôi cá nhân, sống lương thiện.
Đạo phật đoạn tuyệt với tham sân si, tức là buông bỏ vật chất, tranh giành thấp hèn, ấy thế mà ở nhiều nơi người ta cứ muốn ôm vào mình thật nhiều “vật chất”, những cái “to nhất”, “lớn nhất”, “nhiều nhất”, “hiếm nhất” phỏng có ý nghĩa gì khi chúng sanh không được phổ độ, càng u mê lầm lạc và hủ tục; đạo đức luân lý xã hội ngày một xuống cấp?
Suốt quãng đời 49 năm thuyết pháp độ sanh của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã gặp và đã giảng dạy cho không biết bao nhiêu người.
Tùy theo đặc điểm, tùy theo tâm bệnh của mỗi người và thậm chí tùy theo tính chất của vấn đề mỗi cá nhân gặp phải trong những thời điểm khác nhau.
Với người nhiều tham lam thì Phật dạy tu hạnh bố thí, cúng dường; với người nhiều sân hận thì Phật dạy tu tập tâm từ bi; với người nặng lòng luyến ái thì Phật dạy quán bất tịnh; với người nhiều tham chấp thì Phật dạy quán vô ngã; với người thuộc trình độ thấp thì Phật dạy làm phước, tu tập để được sanh lên cõi trời; với người thuộc trình độ cao thì Phật dạy tu tập để vượt thoát sanh tử, những thú vui ở cõi trời, cõi người đều chỉ là giả tạm, ẩn chứa mầm mống của khổ đau…
“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối” |
Nếu con người ta biết rằng, chính mình gây nghiệp quả cho mình thì không có chuyện phát sinh nhiều hủ tục quái lạ như hiện nay. Đức phật hiển linh chắc sẽ rất buồn vì giáo lý của ngài đang bị lợi dụng; những bậc chân tu cũng chạnh lòng lắm thay!
Nếu những người “góp phần” đẩy chúng sanh vào u mê, tăm tối, liệu họ có cảm thấy “rùng mình” vì đang vô minh và như lý lẽ của họ - họ có sợ bị báo oán?
Đạo phật là khoa học, triết lý của nó được đúc kết qua hàng ngàn năm, trường tồn cùng con người hướng con người đến chân thiện mỹ. Tuyệt nhiên không liên quan đến hủ tục lạc hậu.
Một đất nước muốn phát triển, thịnh vượng, văn minh, hóa rồng hóa hổ phải dựa vào khoa học, kỹ thuật và nhân văn.
Tín ngưỡng sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần ở chiều sâu chứ không phải bao trùm hết thảy thế giới quan con người.
Sở dĩ, thời Lý, Trần đạt đến cực thịnh một phần nhớ phật giáo - không phải vì “nhập thế” theo cách như hiện nay. Phật giáo giúp nước giữ an bờ cõi, giúp an yên dân chúng...
Nhiều nhà sư danh tiếng như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Từ Đạo Hạnh, Giác Hải, Pháp Loa Huyền Quang…đều xuất hiện thời Lý, Trần.
Các vua Lý: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông và nhiều vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều biết phát huy đạo phật đúng cách.
Trương Khắc Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét