Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Việt Nam đã ‘đụng trần’ để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước

Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường

Việt Nam đã ‘đụng trần’ để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước

 - Sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa nhằm tìm kiếm một con đường phát triển mới, Việt Nam vẫn đang đối diện với hàng loạt vấn đề chưa được xác định rõ cả về lý luận và thực tiễn.

LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
GDP ngày càng suy giảm 
Như thành tựu của Đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. 
Trong 30 năm từ giai đoạn 1986-2016 tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 6,51%; cao nhất 9,54% (1995), thấp nhất 2,76% (1986). 
Trong 3 năm nay (2016-2018) tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6,7%, cao hơn gần 0,2 điểm phần trăm so với trung bình của 30 năm trước. Thu nhập GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.790 USD, theo IMF. 
Tuy vậy, với tốc độ tăng trưởng GDP nêu trên, Việt Nam khó có thể thu hẹp khoảng cách phát triển và trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vài thập niên sắp tới. 
Có một vài ví dụ cho nhận định trên. Cũng trong vòng 30 năm (1960-1990) mà Hàn Quốc có tăng trưởng GDP hàng năm trung bình đạt 9,58%. Quốc gia này có 14 năm đạt mức tăng trưởng trên 10%; và đạt mức tăng trưởng cao nhất là 14,8% (năm 1973); GDP/người năm 2018 đạt 32.770 USD (theo IMF). 
Trung Quốc trong 30 năm cải cách và phát triển (1977-2007) có tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 10,02%; đạt mức tăng trưởng cao nhất (năm 1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%; GDP/người năm 2018 đạt 10.100 USD (theo IMF).
Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng cho thấy thực tế tương tự.
Với Việt Nam, điều đáng lo lắng, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 1986-2016 đạt khoảng 6,5%, có nghĩa chúng ta chưa bao giờ có tốc độ tăng trưởng 2 con số như các quốc gia nêu trên dù xuất phát điểm của chúng ta rất thấp; trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta có xu hướng giảm dần.
Giai đoạn 1990-1999, mức tăng trưởng cao nhất là 9,5% (năm 1995); giai đoạn 2000-2010 mức tăng trưởng cao nhất là khoảng 8,5%; giai đoạn 2011-2018 mức tăng cao nhất cho đến nay 7,08% (2018). Giai đoạn 1990-2007 tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7,44%; 2008-2015 bình quân là 6,43%; và ba năm 206-2018 bình quân là 6,7%.
Với thực trạng như hiện nay, mức tăng trưởng GDP/người hàng năm của Việt Nam được dự báo chỉ còn khoảng 5,5-6%, thấp xa so với của Hàn Quốc và Trung Quốc trong quá khứ.
Việt Nam đã ‘đụng trần’ để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước
Việt Nam đã ‘đụng trần’ để kích thích tư duy, sáng tạo cho phát triển đất nước
Theo Báo cáo Việt Nam 2035, với tốc độ tăng trưởng đối đa, GDP của Việt Nam vào năm 2035 chỉ bằng Malaisia năm 2010, tức là GDP/bình quân người theo PPP khoảng 18.000 USD. Chúng ta chưa thể đạt mức của quốc gia có thu nhập trung bình cao và thậm chí khó có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Nhìn lại hơn ba thập niên đổi mới (1986-2018), Việt Nam ta đã phải trải qua 12 năm khủng hoảng và xử lý khủng hoảng kinh tế, thậm chí là khủng hoảng kinh tế-xã hội. Đó là các năm 1986-1989, 1998-1999 và 2009-2014.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đang có xu hướng giảm dần về dài hạn do nền kinh tế đã và đang bộc lộ không ít yếu kém nội tại.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp mặc dù số nguồn lực huy động được, nhất là vốn đầu tư, không phải thuộc loại thấp trên thế giới. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần, cơ cấu thành thị-nông thôn,.v.v.v… còn rất lệch lạc.
Tất cả những điểm yếu nói trên cho thấy nền kinh tế kém năng động và chưa có chuyển dịch quy mô lớn về phân bố nguồn lực, từ đó, thiếu động lực nội sinh thúc đẩy tận dụng hết tiểm năng phát triển của đất nước.
Những quả ngọt dễ hái đã hết
Những nguyên nhân, thành tựu kinh tế có được trong hơn 30 năm qua chủ yếu nhờ những cải cách, chuyển đổi theo định hướng thị trường và mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đổi mới chuyển hộ nông dân thành đơn vị sản xuất tự chủ đã biến Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói thành nhà xuất khẩu gạo và nông sản thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, tự do hóa giá cả bằng việc áp dụng các công cụ quản lý tổng cầu đã giúp cho kinh tế vĩ ổn định dần vào các năm 1989-1991 sau nhiều năm bất ổn liên miên.
Ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hút đầu tư trước tiếp nước ngoài (FDI) và thừa nhận sự tồn tại, bước đầu khuyến khích kinh tế tư nhân (1989-1991) đã tạo động lực tăng trưởng cao vào các năm tiép theo, hạn chế phần nào tác động khủng hoảng kinh tế Đông Á (1997-1999).
Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã tạo động lực tăng trưởng cao trong các năm 2000-2007; và gia nhập WTO năm 2007 đã giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI trong các năm tiếp theo, nhờ đó, hạn chế đáng kể tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009-2011.
Hơn nữa, những cải cách thể chế mạnh mẽ những năm gần đây đã giúp phục hồi,  tạo đà và lực cho tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, như trên đã trình bày, những kết quả đạt được là chưa đủ, thậm chí còn thấp xa so với yêu cầu thu hẹp khoảng cách và bắt kịp trình độ phát triển trung bình trên thế giới, khắc phục tụt hậu đối với các quốc gia phát triển.
Tất nhiên, chúng ta vẫn đang đối diện với nhiều nguyên nhân, mà vì nhiều lý do chúng ta không mấy khi phân tích, mổ xẻ. Đổi Mới về bản chất là nhằm tìm kiếm một đường phát triển mới, nhưng đến nay chúng ta vẫn còn hàng loạt vấn đề chưa được xác định rõ cả về lý luận và thực tiễn như sau: 
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? 
Mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước và nội hàm mối quan hệ và thể chế thực thi mối quan hệ “Đảng lãnh đạo toàn diện, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là gì? 
Đổi mới chính trị và sự phù hợp giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế là gì? 
Vai trò của nhà nước, vai trò của kinh tế nhà nước và của DNNN và vai trò của thị trường, mối quan hệ giữ nhà nước và thị trường ra sao? 
Xã hội dân sự và vai trò của xã hội dân sự trong bổ sung cho nhà nước và thị trường, trong quản trị và phát triển xã hội được xác định như thế nào? 
Những vấn đề trên chưa được làm sáng rõ cả về lý luận và thực tiễn đã và đang tạo ra “giới hạn trần” về tư duy, sáng tạo đối với con đường cải cách và phát triển đất nước cho giai đoạn tiếp theo. 
Do đó, cải cách thể chế, chuyển đổi kinh tế - xã hội không nhất quán, còn chần chừ do dự và thiếu đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp; giữa vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường và xã hôi. 
Nhận diện những hòn đá tảng 
Về thể chế kinh tế, chúng ta không dứt khoát chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, nâng cấp và mở rộng quy mô thị trường. Các thị trường nhân tố sản xuất còn rất sơ khai hoặc méo mó, kém phát triển; thị trường còn kém minh bạch, chưa có cạnh tranh công bằng. 
Về thể chế chính trị, vai trò chức năng của nhà nước, bộ máy nhà nước, cách thức vận hành và công cụ quản lý nhà nước,…vẫn chủ yếu cải biến trong mô hình “Xô Viết” trước đây hay mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ. 
Chúng ta chưa dám dứt khoát thay đổi để thoát khỏi mô hình đó; chưa dứt khoát chuyển đổi để thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế phù hợp với kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.    
Các chủ trương, giải pháp cải cách, đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực về cơ bản không đủ rõ ràng, có thể giải trình, không đủ cụ thể để có thể hành động được; hoặc không đủ mạnh, quyết liệt và nhất quán để có hành động tương ứng trên thực tế theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa nước ta sớm trở thành quốc gia phát triển. 
Có khoảng cách lớn giữa tuyên bố đường lối, chính sách và thực tế thực hiện; nói chưa đi đôi với làm; từ đó, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 
Không huy động được tất cả nguồn lực, nhất là nội lực, trí tuệ và sức mạnh con người Việt nam vào công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Không tập trung và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; không tận dụng, thậm chí bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển của đất nước. 
Ngược lại, quyền lực, nguồn lực và động lực không hướng đến mục tiêu phát triển chung; mà bị phân tán theo nhiều hướng, bị giằng xé, chi phối bởi các nhóm lợi ích khác nhau. 
(còn nữa) 
Nguyễn Đình Cung
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào: