Một thoáng xứ mưa Y Tý
Copy từ http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Mot-thoang-xu-mua-Y-Ty-538088/ , tác giả: Trung Thành , đã đăng ngày 25/03/2019 16:34.Đến Lào Cai, không chỉ có Sa Pa là xứ sở của sương mù mà còn có Bát Xát, một vùng đất đầy quyến rũ bởi nó vẫn giữ nguyên những nét hoang sơ và mộc mạc. Đặc biệt, nơi đây có xã Y Tý được coi là địa danh huyền bí nằm trên vùng cao nguyên cao nhất Việt Nam, với cảnh sắc tuyệt đẹp của những dãy núi phủ đầy mây và những thửa ruộng bậc thang sóng lúa chín vàng.
Thiêng liêng những cánh rừng
Y Tý là xã vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Theo tiếng Hà Nhì, Y Tý nghĩa là xứ mưa. Cái tên ngắn gọn mà gợi lên hình ảnh của những đỉnh núi cao với những đám mây quanh năm ôm ấp, tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ vừa hoang dã của miền sơn cước.
Với độ cao trên 2.000 mét, đây là vùng núi đồi hùng vỹ, cheo leo và hiểm trở với những đỉnh cao chót vót của dãy Hoàng Liên Sơn. Giữa vùng đất mênh mang đó là những mảng màu xanh tươi của những cánh rừng Y Tý, bao bọc lấy những ngôi làng của người Hà Nhì, và biến chúng thành những ốc đảo bình yên.
Rừng già Y Tý thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, với diện tích hơn 8.000 ha, bốn mùa chìm trong sương mù, mang một vẻ đẹp kì bí, bất tận. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, trải dài trên địa bàn 3 xã Ý Tý, Dền Sáng và Sảng Ma Sáo. Hệ động thực vật của rừng Y Tý rất đa dạng và phong phú, xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực, động vật đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Một góc xã Y Tý nhìn từ trên cao. |
Nằm trong vùng lõi của rừng già Y Tý, từ bao đời nay, cuộc sống của người Hà Nhì đã gắn bó mật thiết với rừng. Xung quanh bản làng của người Hà Nhì bao giờ cũng có một khu rừng thiêng, rừng cấm, tiếng Hà Nhì gọi là Gà ma do. Gà ma do là khu rừng quan trọng nhất, bởi người Hà Nhì quan niệm: mỗi khu rừng đều có một vị thần cai quản và là phúc thần bảo trợ cho bản làng.
Vì có quan niệm như vậy nên trong tâm thức của người dân nơi đây, cánh rừng luôn gắn với điều thiêng. Rừng được người dân bảo vệ nghiêm ngặt bằng những luật tục có từ xa xưa. Nó không chỉ thể hiện sự nghiêm minh trong luật lệ của người dân bản địa mà còn cho thấy sự gắn bó máu thịt, sự nhân ái, công bằng của con người với thiên nhiên.
Săn mây Y Tý
Như một viên ngọc thô ráp còn ẩn giấu giữa non ngàn, Y Tý đẹp bốn mùa, xuân đầy sắc hoa đào, mận, hạ xanh như tấm thổ cẩm của những thửa ruộng mùa đổ nước, thu vàng ruộm đầy ấm no của mùa gặt, còn đông lại là mùa của những biển mây bồng bềnh như tiên cảnh.
Con đường dẫn lối vào Y Tý với hai hàng cây xanh mướt đang vươn mình đón nắng, từng lớp mây chồng lên nhau trong một khung cảnh hùng vĩ đến choáng ngợp. Đẹp như một bức tranh sơn mài mà tạo hóa đã tự tay tô điểm, biển mây Y Tý làm người ta không khỏi ngỡ ngàng. Dưới những tia nắng lấp lánh của buổi mai tinh khiết, từng đám mây trắng kéo về đầy ắp thung lũng, trắng xóa như một chân trời tuyết. Những đỉnh núi cao nhô lên xanh thẫm giữa biển mây phiêu bồng trắng muốt.
Các em nhỏ đốt lửa sưởi ấm trong một ngày nghỉ học. |
Cảnh vật trước mắt thực đấy mà sao huyền ảo như trong mơ. Chỉ một khoảnh khắc diệu kì của thiên nhiên cũng đủ làm lòng người lặng đi trong một mối giao hòa thắm thiết với cuộc sống. Thấp thoáng những thửa ruộng mùa khô đang chờ đổ nước, dòng suối róc rách chảy, người dân Hà Nhì gùi củi về nhà trong giá rét. Trên những chặng đường qua, dăm ba cánh đào nở sớm, chút khói bếp nhà ai, tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng gió qua rừng cây, mây thì cứ tràn qua kẽ tay...
Dưới mái hiên nhà, những cụ già đang ngồi khâu vá, ngoài sân lũ trẻ con nô đùa, bên vệ đường trên các hòn đá tảng lớn, bao đôi tình nhân đang ca những khúc hát yêu đương... Cuộc sống đời thường vẫn bình yên trôi qua khiến người lữ khách như bị cuốn vào cơn say chếnh choáng giữa đất trời mây giăng và gió lộng.
Những ngôi nhà trình tường cổ tích
Y Tý không chỉ mê hoặc du khách với những thung mây và những thửa ruộng bậc thang kì vĩ mà còn mang đến một vẻ đẹp rất xưa trong bản sắc văn hóa của người dân Hà Nhì đen, một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở Việt Nam. Do cư trú trên vùng núi đá có độ cao trên 2.000m, quanh năm sương phủ, giá rét nên cuộc sống của người Hà Nhì đen còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với họ, sống trên cao để được gần trời. Đó là niềm tin thiêng liêng của họ về một thế giới siêu nhiên, là sợi dây nối kết giữa con người và thần linh trong một sự ngưỡng vọng tuyệt đối.
Y Tý là địa bàn sinh sống của các dân tộc Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì với 16 thôn, bản, tuy nhiên, người Hà Nhì đen là đông nhất và tập trung chủ yếu ở thôn Lao Chải. Người Hà Nhì đen có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương, đắp đập lấy nước. Bên cạnh đó, đan lát là nghề thủ công truyền thống gắn bó với người Hà Nhì ở Y Tý từ nhiều đời nay. Bằng tinh thần sáng tạo, họ đã làm ra những sản phẩm sinh hoạt đơn giản nhưng vô cùng tiện ích cho cuộc sống thường nhật.
Nghề đan lát thủ công của người Hà Nhì chủ yếu do người đàn ông làm trong lúc nông nhàn, hay thời gian rảnh rỗi. Từ nguồn nguyên liệu phong phú của núi rừng như mây, tre nứa, dây rừng, người Hà Nhì đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là mâm cơm. Nhìn ông Ly Hờ Suy trước sân nhà đang say sưa bên những nguyên vật liệu thiên nhiên, đôi bàn tay chai sạn đang tỉ mẩn và khéo léo chuốt từng thanh tre mới hiểu được sự gắn bó của con người nơi đây với nghề thủ công đặc biệt này.
Ông chia sẻ: “Chiếc mâm là vật dụng truyền thống của người Hà Nhì chúng tôi, dùng mâm này để bày cơm hằng ngày và cũng dùng mâm này để bày cỗ cúng tổ tiên”. Như thế, mâm cơm chính là sợi dây kết nối tấm lòng thơm thảo của cháu con với ông cha. Mâm cơm nói riêng và các sản phẩm đan lát thủ công nói chung không chỉ lưu giữ những giá trị của văn hóa truyền thống mà còn là sản phẩm độc đáo đối với những du khách khi đến với bản làng của người Hà Nhì.
Không chỉ nổi tiếng với nghề đan lát, người Hà Nhì còn cho thấy một quan niệm thẩm mỹ riêng và sự kiên trì khéo léo qua việc may trang phục truyền thống. Không giống các dân tộc Lô Lô hoa hay Dao đỏ thường có trang phục với các màu sắc rực rỡ, nổi bật, người Hà Nhì đen có trang phục truyền thống với gam màu trầm, chủ yếu là màu chàm đen như muốn hòa cùng với núi rừng xanh thẳm. Quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực đơn giản.
Y phục của người phụ nữ cầu kỳ hơn với áo cổ tròn được thêu hoa văn nổi màu xanh, chiếc yếm với những nét thêu uốn lượn cầu kì được mặc ra ngoài chiếc áo cánh đen. Những bông hoa nhỏ xinh được làm bằng bạc sáng lấp lánh, nổi bật trên nền xanh đen của bộ áo.
Cảnh sinh hoạt hằng ngày của gia đình người Hà Nhì. |
Những lúc rảnh rỗi, các thiếu nữ lại quây quần bên các mẹ, các bà để học thêu thùa và hiểu hơn về ý nghĩa các màu sắc trên trang phục. Màu xanh uốn lượn của hoa văn tượng trưng cho rừng cây xanh, màu trắng bạc tượng trưng cho những bông hoa ban trắng tinh khôi, những nét thẳng tượng trưng cho những ruộng bậc thang trên mảnh đất rẻo cao này. Tất cả đất trời, thiên nhiên, tạo vật đều được thu vào trong chiếc áo truyền thống của dân bản bằng một niềm gắn bó, tự hào.
Điều đặc biệt của người Hà Nhì là người phụ nữ rất chú ý đến việc trang điểm cho mái tóc. Họ đội trên đầu một cuộn tóc giả to màu đen bóng giống như tóc thật, được bện bằng những sợi tách ra từ vỏ cây trong rừng và nhuộm bằng thuốc nhuộm chế biến từ các loại cây cỏ ngoài tự nhiên. Hoặc họ đội mũ vải được trang trí các đồng xu nhôm, các hình quả bông được làm từ chỉ nhiều màu, vừa làm đẹp, vừa trừ tà ma.
Với những thiếu nữ Hà Nhì, việc may trang phục truyền thống không chỉ thể hiện sự cần mẫn của họ mà còn ẩn chứa những khát vọng về hạnh phúc lứa đôi. Vì thế, các bà, các mẹ đều dạy cho con gái, cháu gái mình cách may vá để khi về đến nhà chồng, những thiếu nữ ấy sẽ trở thành những phụ nữ khéo léo, đảm đang.
Đến Lao Chải vào bất cứ mùa nào, bạn cũng gặp hình ảnh những người phụ nữ đang thêu thùa, khâu vá. Đó là công việc thường ngày của phụ nữ, họ tranh thủ mọi thời gian rỗi để thêu, có khi khâu một cái khăn, cái áo phải mất nửa năm mới xong. Việc thêu thùa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự chăm chỉ và khéo léo của những phụ nữ phản ánh được những giá trị xã hội và thẩm mỹ của người Hà Nhì.
Không chỉ có vậy, người Hà Nhì ở Y Tý còn có một nét văn hóa độc đáo, quyến rũ bước chân du khách với vẻ đẹp mộc mạc, xưa cũ của những ngôi nhà trình tường trải qua thời gian, mái xanh rêu ẩn hiện trong sương trắng, ngỡ như ngôi làng cổ tích.
Là dân tộc sinh sống trên vùng núi cao, để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, người Hà Nhì làm loại nhà trình tường bằng đất. Đây là loại nhà với bốn tường đất rất dày, được nện chặt, bốn mái được lợp bằng cỏ gianh và duy nhất một cửa ra vào, vì thế nhà mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Hơn nữa, nhà bốn mái sẽ làm cho ngôi nhà vững chãi hơn trong những trận dông gió khắc nghiệt vùng giá rét. Cách làm nhà đơn giản, móng được xếp bằng các viên đá rất lớn, vật liệu được khai thác tại chỗ nên rất thuận lợi. Tầng trên của ngôi nhà thường được dùng để phơi, sấy khô lương thực cho gia đình vì ở đây quanh năm sương mù lạnh giá.
Việc làm nhà trình tường không những thể hiện quan niệm “an cư lạc nghiệp” của cư dân nông nghiệp mà còn thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng rất cao của người dân. Một ngôi nhà được tạo nên bằng tình đoàn kết, gắn bó của tập thể cư dân trong làng bản, mỗi người đều đóng góp một chút công sức để sẻ chia niềm vui cùng gia chủ.
Thấp thoáng trong mây giữa những triền núi cao, những ngôi nhà trình tường mộc mạc với tường màu đất loang lổ và mái lá xanh rêu như những cây nấm khổng lồ nằm giữa một miền huyền thoại. Nhà của người Hà Nhì thường tựa lưng vào núi và trông ra thung lũng. Theo quan niệm của người dân, hướng nhà như thế sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Y Tý, vẻ đẹp văn hóa độc đáo của người Hà Nhì khiến những ai đã một lần đến đây sẽ không thể nào quên. Giống một miền cổ tích, Y Tý nhuốm màu xưa cũ với những mảng rêu phong trên mái nhà gianh như những nốt nhấn trong phiêu lãng mây trời.
Trung Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét